Những bức tượng gỗ dù đơn sơ, mộc mạc nhưng đều được chế tác từ đôi bàn tay khéo léo, trí tưởng tượng phong phú của người nghệ nhân đã bước sang tuổi 60. Xuất phát từ tình yêu mãnh liệt với văn hóa truyền thống Ba Na, từng bức tượng đã phản ánh đậm nét kho tàng văn hóa tín ngưỡng, tâm linh độc đáo của đồng bào Ba Na trên miền cao nguyên đất đỏ.
Tượng gỗ - cốt cách, hồn thiêng của núi rừng Tây Nguyên
Được sự giới thiệu của già làng A Chun, chúng tôi tới thăm ngôi nhà của vợ chồng ông A Hùng - nơi được ví là bảo tàng Ba Na thu nhỏ ở Làng du lịch cộng đồng Kon K’tu.
Dọc hai bên đường vào tới khoảng sân nhỏ được đặt nhiều tượng gỗ chẳng giống nhau. Mỗi bức tượng đều mang lối điêu khắc đơn giản, mộc mạc, mô tả về cuộc sống săn bắn, nương rẫy, tập tục, tín ngưỡng, sinh hoạt văn hóa cộng đồng của người Ba Na.
Theo lời của già A Chun, không phải ai cũng có thể tạc được tượng gỗ, nhất là tượng gỗ nhà mồ; họ chỉ có thể thực hiện trong lúc xuất thần nhất. Tượng gỗ được sử dụng trong lễ Pơ thi (hay còn gọi là lễ bỏ mả) mang ý nghĩa tượng trưng cho sự chia tay cuối cùng giữa người sống và người đã mất.
 |
Ông A Hùng và vợ vẫn ngày ngày cần mẫn gìn giữ nghề tạc tượng gỗ nhà mồ của người Ba Na.
|
Cũng vì lẽ đó mà khoảng sân nhỏ nhà ông A Hùng lúc nào cũng lách cách tiếng đục đẽo trên gỗ, cả làng cũng rộn rã tiếng cười nói của khách du lịch ghé thăm. Ai ai cũng tò mò về một loại hình nghệ thuật gọt đẽo thô sơ, giản lược trong đường nét nhưng gợi tả, sinh động mang đậm triết lý nhân sinh của người Ba Na.
Tiếng đục vừa dứt, ông A Hùng hào hứng kể cho chúng tôi nghe về cơ duyên đến với nghề. Trong một lần được thấy hai bức tượng quý của đồng bào Ba Na đặt bên ngoài ngôi mộ, ông đã bị cuốn hút bởi vẻ đẹp và ý nghĩa sâu sắc của tượng gỗ, chính điều này đã dẫn lối cho ông đến với nghệ thuật điêu khắc. Khi mới bắt đầu vào nghề, ông đi chặt cây gỗ nhỏ tạc phỏng theo các bức tượng của bậc thầy đi trước. Vì vậy, các sản phẩm đầu tiên vẫn còn nhiều khiếm khuyết, đường nét thô sơ không thể hiện cái hồn.
 |
Qua đôi bàn tay tài hoa của ông A Hùng, tượng gỗ dân gian của người Ba Na ngày càng đến gần với cộng đồng, vượt ra phạm vi thôn, làng để du khách biết đến nhiều hơn nữa. |
Đến năm 15 tuổi, ông A Hùng đã trở thành “nghệ nhân” lành nghề, tạo ra nhiều bức tượng gần gũi, dung dị với đời sống của đồng bào Ba Na; thể hiện tình yêu thương con người. Cứ thế, tiếng lành đồn xa, hễ gia đình nào làm lễ bỏ mả sẽ đón ông về tạc tượng gỗ giúp.
Trăn trở tạo nguồn tiếp nối
Theo ông A Hùng, muốn có được bức tượng gỗ đẹp người làm nghề phải biết thổi hồn vào bức tượng, để những vật vô tri, vô giác trở nên sống động. Nếu là người có nhiều kinh nghiệm, chỉ cần nhìn qua vân, thớ gỗ, chú ý độ đậm nhạt thì có thể chọn gỗ phù hợp với ý tưởng được khắc họa. Để chau chuốt, tinh tế hơn nữa thì dùng màu sắc của cây gỗ nhằm tạo mảng, độ đậm, nhạt trên tác phẩm.
“Mỗi tác phẩm đều mang một cảm xúc, dáng vẻ khác nhau, vừa ẩn chứa hồn thiêng nhưng cũng toát lên cốt cách của đồng bào Ba Na giữa núi rừng Tây Nguyên. Chúng còn mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc chứa đựng giá trị truyền thống truyền từ nhiều đời để lại”, ông A Hùng nói.
Khi đã thành công trong việc tạc tượng gỗ, ông A Hùng tiếp tục thực hiện tạc mặt nạ gỗ - một trong những đạo cụ quan trọng của các lễ hội. Bên cạnh những bộ trang phục truyền thống, người Ba Na đeo mặt nạ hòa vào tiếng cồng, tiếng chiêng cùng điệu múa xoang ngân nga cho đến khi hết lễ.
Cả một đời gắn bó với nghề tạc tượng gỗ, cũng giống như bao người con đồng bào Ba Na yêu văn hóa dân tộc, ông A Hùng vẫn đau đáu một nỗi buồn vì không tìm được những truyền nhân trẻ tiếp nối nghề.
"Có bao nhiêu bí quyết đều dạy cho các cháu hết, sau này mình ra đi thì chúng là người thay mình gìn giữ nghề. Nếu mất gốc thì sẽ mất luôn nghề, lớp trẻ bây giờ hiếm còn ai muốn theo nghề này nữa. Hơn nữa, nguyên liệu để làm ra tượng gỗ cũng không dễ dàng để tìm ra, đa số đều là những cây cứng rất khó để tạc", ông A Hùng tâm sự.
Mong muốn của ông A Hùng là Làng du lịch cộng đồng Kon K’tu sẽ có truyền nhân để tiếp nối nghề truyền thống. Cùng với nghề dệt thổ cẩm, nấu rượu cần thì tạc tượng gỗ đã tạo nên sự độc đáo, hấp dẫn riêng có của làng về bản sắc văn hóa, lối sống của đồng bào Ba Na. Đây là nguồn tài nguyên to lớn cho đồng bào phát triển du lịch, nâng cao thu nhập cho người dân.
Để giúp ông A Hùng có thêm động lực gìn giữ, bảo tồn nghề tạc tượng, làm mặt nạ gỗ của người Ba Na, từ nhiều năm nay, chính quyền xã Đăk Rơ Wa đã tạo mọi điều kiện kết nối ông tham gia các hội diễn, hội thi trong và ngoài địa bàn tỉnh Kon Tum.
 |
Những bằng khen, giấy khen, chứng nhận của ông A Hùng được các cấp động viên trong việc bảo tồn và phát huy giá trị nghề truyền thống. |
Ông Đào Văn Hậu, Chủ tịch UBND xã Đăk Rơ Wa cho biết, Làng du lịch cộng đồng Kon K’tu được hình thành từ năm 2020 với nhiều nét văn hóa đặc trưng trong đời sống, sinh hoạt cộng đồng của đồng bào Ba Na.
Thực hiện Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị nghề truyền thống nhằm giữ gìn bền vững bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc thiểu số tại chỗ, gắn với phát triển các loại hình du lịch, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân”, UBND xã đã chủ động xây dựng các nghị quyết, kế hoạch, vạch ra mục tiêu cụ thể về phát triển du lịch cộng đồng; kết hợp với nguồn lực từ Dự án 6 về Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; giai đoạn I từ năm 2021 đến 2025 (Chương trình 1719) để nỗ lực gìn giữ nghề thủ công truyền thống như làm rượu cần, dệt thổ cẩm, đan lát, tạc tượng gỗ. Trong thời gian tới, UBND xã sẽ phối hợp cùng trung tâm học tập cộng đồng để mở thêm nhiều lớp truyền dạy đào tạo nghề tạc tượng, làm mặt nạ gỗ.
Dẫu cho cuộc sống hôm nay có nhiều đổi thay, nghề tạc tượng gỗ của người Ba Na ở Kon K’tu vẫn đang được gìn giữ, duy trì. Trải qua bao thăng trầm của thời gian, những nét đẹp đơn sơ này vẫn vẹn nguyên giá trị và lưu truyền mãi về sau trong tiềm thức và cuộc sống của đồng bào Ba Na trên mảnh đất bazan.
Bài, ảnh: HỒNG PHÚC
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Dân tộc, tôn giáo xem các tin, bài liên quan.