Khởi nguồn trao truyền văn hóa

64 năm qua bên dòng sông Đăk Bla mùa dâng - mùa cạn, bà Y Hanh vẫn gắn bó với ngôi làng Kon Klor (phường Thắng Lợi, TP Kon Tum) và miệt mài gìn giữ nghề dệt truyền thống của người Ba Na.

Theo bà Y Hanh, nếu cồng chiêng, múa xoang sống động từ giai điệu, tiết tấu hòa quyện trong từng động tác uyển chuyển thì dệt thổ cẩm mang đến ngôn ngữ của những sắc màu lấp lánh rất riêng. Bà Y Hanh kể: “Trước những năm 2000, rất ít người trong làng còn biết đến nghề dệt truyền thống. Hình ảnh các mẹ, các chị cần mẫn bên khung dệt vắng bóng dần. Bản thân tôi khi ấy cũng chưa thành thục các công đoạn vắt sợi, làm bông, dệt đường thẳng, đường thoi, tam giác…”.

 Nghệ nhân Y Hanh đã tạo ra nhiều mẫu thổ cẩm đa dạng, phong phú, mang bản sắc dân tộc Ba Na.

Được sự vận động của Chủ tịch UBND phường Thắng Lợi, bà Y Hanh lại cùng một số chị em đồng lòng, làm sống lại nghề dệt của người Ba Na ở phố núi Kon Tum. Đến năm 2003, Nhà nước tạo điều kiện về cơ sở vật chất, hỗ trợ kinh phí thành lập Tổ hợp tác dệt thổ cẩm tại làng Kon Klor, xây dựng thêm 1 nhà dệt rộng 120m2 nằm bên cạnh nhà rông để bảo tồn, truyền dạy nghề dệt với 30 thành viên. Từ đó đến nay, bà Y Hanh luôn xứng đáng với sự tin cậy của đồng bào khi đảm nhận vai trò phụ trách tổ hợp tác có 100 thành viên. 

Trong không gian của nhà văn hóa tương đối rộng, được bố trí 2 khung dệt, bà Y Hanh cho biết, tổ hợp tác ưu tiên dạy nghề dệt cho các em học sinh. “Vừa học văn hóa, các em học sinh sẽ có thêm những trải nghiệm sinh động, thực tế về nghề dệt truyền thống của người Ba Na”, bà Y Hanh cho hay.

Bên cạnh khu vực nhà dệt, Tổ hợp tác còn có không gian trưng bày gắn với du lịch cộng đồng nhằm quảng bá nhiều hơn về sản phẩm dệt thủ công của người Ba Na đến du khách trong và ngoài nước.

Sự cầu kỳ trong nghề dệt của người Ba Na

Cũng giống như nhà rông, cồng chiêng, múa xoang, trang phục là một trong những đặc trưng cơ bản để nhận biết, phân biệt các dân tộc khác nhau ở Tây Nguyên. Bà Y Hanh cho biết, trang phục của người Ba Na có 4 màu chủ đạo: Đen, đỏ, trắng, vàng. Màu đen nhuộm từ vỏ cây chàm, màu vàng lấy cây Sơ ring, Sơ rông hoặc rễ cây Kơ tơ rơ; màu đỏ dùng rễ cây Nhau hoặc vỏ cây Tơ nung. Trong thẩm mỹ, tư duy của người Ba Na màu đỏ tượng trưng cho sức mạnh, tình yêu; màu trắng là khát vọng và ước mơ, màu đen biểu tượng cho sức mạnh của thiên nhiên, núi rừng…

 Công đoạn dệt rất tỉ mỉ, chi tiết.

Từ những màu sắc chủ đạo này, qua bàn tay khéo léo, thành thục của người nghệ nhân, từng hoa văn, họa tiết được hình thành, vừa có tính trật tự, toán học, vừa đan cài hài hòa giữa bố cục hình ảnh và nét phóng tác mang đậm dấu ấn cá nhân.

Nghệ thuật dệt truyền thống của người Ba Na còn độc đáo ở chính kỹ năng sắp xếp các đường nét hình học theo một trật tự nhất định, từ đó tạo nên sự cân xứng về mặt bố cục. Màu sắc có tính đối lập lại bổ sung cho nhau trở thành hệ thống hoa văn, họa tiết tương đối phức tạp.

Để thuận tiện cho người mới học dệt sẽ phân loại hoa văn theo 2 dạng chẵn - lẻ, hoa văn lẻ được dệt với số chỉ lẻ như 41, 25, 21, 19, 15,7 và cũng tương tự với số chỉ chẵn. So với hoa văn lẻ, hoa văn chẵn dễ dệt hơn; số chỉ dệt cho hoa văn lẻ càng nhiều thì càng cho thấy độ khó, tính phức tạp của họa tiết. Khi ấy, người nghệ nhân phải tính toán, căn chỉnh từng sợi dệt, chỉ cần thao tác nhầm 1 sợi cũng dễ dàng phá vỡ tính thẩm mỹ của hoa văn. Việc này thể hiện lòng kiên nhẫn, tính tỉ mỉ, sự tập trung cao độ với hàng trăm giờ lao động miệt mài luôn là vô giá.

Theo thời gian, nghệ thuật dệt của người Ba Na có sự biến chuyển để bắt kịp với xu hướng của thời đại. Từ 4 màu chủ đạo đã có thêm nhiều màu, kiểu dáng đa dạng bắt mắt người nhìn. Ngoài ra, hệ thống hoa văn truyền thống tiếp tục được bổ sung qua sự sáng tạo của từng nghệ nhân.

Chị Y Lích (làng Plei Tơ Nghia, phường Quang Trung) chia sẻ: “Ngoài những hoa văn được mẹ Y Hanh dạy, tôi đã sáng tạo thêm được 3 loại hoa văn mới. Tuy nhiên, các hoa văn đều phải bảo đảm kỹ thuật dệt có tính chính xác cao như: Hoa văn 3 sợi với thiết kế đơn giản, hoa văn 2 đường dọc - ngang đối xứng… Các sản phẩm không chỉ dừng lại ở chế tác váy, áo, khăn mà còn có thể làm ra đồ lưu niệm như túi xách, giày dép…giúp cho thổ cẩm của người Ba Na khẳng định được giá trị của mình".

Bài, ảnh: HỒNG PHÚC

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Dân tộc, tôn giáo xem các tin, bài liên quan