Thổ cẩm là sản phẩm dệt thủ công với những hoa văn đẹp sặc sỡ mang đậm bản sắc dân tộc từ lâu đã không thể thiếu trong đời sống của người Tày ở huyện Quang Bình, là nghề gia truyền từ đời này sang đời khác. Trước kia dệt thổ cẩm bằng sợi bông nhuộm chàm hoặc sợi tơ tằm đã được nhuộm màu. Để làm ra được một tấm vải phải mất rất nhiều thời gian, qua nhiều công đoạn, từ việc trồng bông, xe bông, quay sợi và dệt mới làm ra được sản phẩm. Ngày nay, giá tơ tằm đắt nên người dệt thổ cẩm chuyển sang dùng len để dệt với các màu: Đen, đỏ, vàng, xanh tạo ấn tượng mạnh mẽ.

Bà Hoàng Thị Dính, thôn Chì, xã Xuân Giang, huyện Quang Bình chia sẻ: “Nghề này không chỉ đáp ứng nhu cầu sử dụng cá nhân mà còn là nguồn thu nhập quan trọng. Nghề mang tính phổ thông và cộng đồng cao vì ai cũng có thể học và làm được, không đòi hỏi máy móc hiện đại mà chỉ cần sự khéo léo, kiên trì và óc sáng tạo của người làm”.

leftcenterrightdel
Phụ nữ dân tộc Tày huyện Quang Bình đang ngồi tỉ mỉ dệt bên khung cửi. 
leftcenterrightdel
 Những sản phẩm được người dân nơi đây trưng bày tại ngôi nhà sàn truyền thống.

Nghề dệt thổ cẩm đòi hỏi sự kiên trì, đôi bàn tay khéo léo cũng như sự sáng tạo của các nghệ nhân. Các mẫu hoa văn trên thổ cẩm của người Tày là sự kết hợp hài hòa giữa đường nét tinh xảo, màu sắc bắt mắt và hoa văn độc đáo. Các màu sắc sáng, tối, nóng, lạnh được xử lý rất khéo léo trên nền chủ đạo mà người dệt mong muốn, tạo nên một bản sắc riêng của văn hóa truyền thống Tày khó nhầm lẫn với cách trang trí hoa văn của các dân tộc khác. Thổ cẩm của đồng bào Tày có nhiều loại hoa văn khác nhau, chú trọng ở kỹ thuật phối màu như hoa lê, hoa mận, hoa đào, hoa mai… và một số loại muông thú trong rừng. Dụng cụ, máy móc để tạo ra những sản phẩm thổ cẩm đẹp mắt đó được làm hoàn toàn bằng tre, gỗ tự nhiên, thô sơ do chính người dân tạo ra.

leftcenterrightdel
 Một sản phẩm dệt truyền thống mang tính đặc trưng là nhà sàn xã Xuân Giang.

Dệt vải được xem là tiêu chuẩn để đánh giá phẩm hạnh, sự khéo léo, cần mẫn của người phụ nữ. Cho nên phần lớn phụ nữ rất khéo tay trong việc kéo sợi, dệt vải. Trước đây, nhiều gia đình có tới 2-3 khung dệt vải làm quần áo, màn, mặt chăn, mặt địu con trẻ... Từ những dụng cụ thô sơ, tự tạo, thông qua các thao tác thủ công cùng bàn tay khéo léo, sự chăm chỉ của người phụ nữ đã tạo ra những sản phẩm dệt màu sắc đẹp mắt, hoa văn phong phú, đa dạng, độc đáo, chứa đựng nhiều giá trị văn hóa. Để có được tư duy, kỹ thuật như vậy, người dệt phải trải qua quá trình lao động, sáng tạo và tích lũy lâu dài. Đó là nhân tố quan trọng góp phần quyết định sự tồn tại của nghề thủ công truyền thống này, tạo nên giá trị văn hóa của người Tày.

leftcenterrightdel
Du khách tham quan đang được người dân xã Xuân Giang, huyện Quang Bình giới thiệu sản phẩm dệt truyền thống của địa phương. 

Bà Nguyễn Thị Túc, Trưởng Phòng văn hóa và thông tin huyện cho biết: Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025, trong đó dự án 6 của chương trình là nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch, thời gian tới, huyện sẽ có những phương án cụ thể hơn nữa trong việc bảo tồn, phát huy giá trị nghề dệt thổ cẩm của người Tày trên địa bàn huyện. Trong đó, xây dựng và triển khai đề án hỗ trợ, đào tạo, nâng cao tay nghề cho người dệt thổ cẩm; khuyến khích đồng bào Tày chủ động định hướng, động viên bà con đầu tư khung dệt thủ công, đa dạng hóa mẫu mã, chủng loại các sản phẩm thổ cẩm..., tạo ra sản phẩm chất lượng cung ứng cho thị trường. Cùng với đó, huyện tiếp tục đẩy mạnh quảng bá, thu hút du khách đến trải nghiệm nhằm giữ gìn, phát huy và nâng cao thu nhập cho người dân làm nghề dệt thổ cẩm”.

Bài và ảnh: TRUNG HẬU

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Dân tộc, tôn giáo xem các tin, bài liên quan