Pơ thi gắn kết cộng đồng

Lễ hội Pơ thi là một nghi thức đặc biệt của bà con dân tộc Jrai, được tổ chức với mục đích tiễn đưa các linh hồn về với cội nguồn, bắt đầu vòng luân hồi mới, tách biệt giữa người sống với người chết. Đây cũng là dịp để những người con trong buôn làng tụ tập lại ngồi lại với nhau, dâng lên tổ tiên những thứ đã thu hoạch trong năm qua hay những ghè rượi cần quý được ủ lâu năm.

Người Jrai thường có câu nói:“Bơ lan ninh nông thông atâu” nghĩa là “tháng nghỉ đi chơi lễ bỏ mả” nhắc nhở con cháu “phải nhớ mà về với lễ Pơ Thi”. Tùy thuộc và điều kiện từng gia đình hay dòng họ để chọn thời gian và quy mô tổ chức lễ Pơ thi, hay cũng có thể tổ chức chung cùng với cả làng. Lễ hội không chỉ có sự tham gia của gia đình thân nhân người mất mà còn có sự góp mặt của cả buôn làng, thậm chí quy mô to có thể tổ chức mời các làng bên cạnh sang chung vui. Đặc biệt hơn, trong lễ Pơ thi, các nam nữ trong làng thường tổ chức cùng nhau đi làm nhà mả cho người đã khuất và điêu khắc tượng nhà mồ, tối đến nam nữ trong làng cùng nắm tay vui trong điệu xoang. Đây cũng là dịp để các chàng trai, cô gái tìm kiếm một nửa của mình.

leftcenterrightdel
 Đồng bào Jrai trong lễ hộ Pơ thi.
Cách thành phố Pleiku (Gia Lai) 40km về hướng bắc, chúng tôi về với làng Plei Kep (xã Ia Phí, huyện Chư Păh) để vui với lễ hội Pơ thi sắp được tổ chức nơi đây. Anh Rơ Châm Chon - người dẫn đường cho chúng tôi về ngôi làng Plei Kep chia sẻ: “Làng này có tới 97% là người đồng bào Jrai, họ sống giữa rừng sâu, trong làng còn nhiều phong tục tập quán từ lâu đời được lưu giữ lại. Trong năm thì lễ Pơ thi và lễ cưới là đông vui nhất. Các anh đi nhanh để còn kịp giờ vào nhảy điệu xoang, uống mẻ rượu cần đầu tiên cho biết… Người dân ở đây họ hiếu khách lắm”.

Vượt qua gần 1 giờ đường rừng, trơn như đổ mỡ, nhưng khi vào đến cổng làng mọi mệt nhọc của chúng tôi như tan biến khi trước mắt là khung cảnh nhộn nhịp của lễ hội. Từ phía nhà mả, các thanh niên Jrai bắt đầu “khệ nệ” bưng những hũ rượu cần được ủ lâu năm để chuẩn bị cho lễ hội cúng Pơ thi. Gặp chúng tôi, già Rơ Châm Mlih dắt vào giữa bữa tiệc, giới thiệu những vị khách mới cho cả làng biết. Chỉ tay về ngôi nhà mả mới làm lại khang trang, già Mlih tâm sự: “Mẹ già mất đã hơn 30 năm rồi, giờ già mới có điều kiện để tổ chức buổi lễ tiễn đưa các linh hồn cho mẹ và làm luôn các ngôi mộ trong dòng họ để linh hồn sớm siêu thoát sang thế giới bên kia. Đây cũng là dịp để dân làng tới thăm nhà già, chung vui mừng vụ lúa mới…”.

leftcenterrightdel
Kra côm (tượng nhà mồ) canh giấc ngủ cho người chết, thứ không thể thiếu trong lễ Pơ thi. 
Già Mlih cho biết thêm, theo tập tục của người J’rai, khi một người chết đi vẫn để lại hồn ma luôn ở bên gia đình. Người sống đi đâu, hồn ma sẽ đi theo đến đó. Người sống ăn gì, hồn ma sẽ ăn nấy. Bởi vậy, trong những bữa cơm, các gia đình người Jrai vẫn chuẩn bị sẵn một phần thức ăn cho người đã khuất. Buổi sáng, khi con gà vừa cất tiếng gáy, mọi người bắt đầu đi gùi nước, người sống lại mang cơm nóng và nước mát đến để lên phần mộ của người chết. Rồi họ ngồi khóc thương, kể những câu chuyện, nỗi niềm của gia đình cho người chết nghe. Buổi tối, khi mặt trời lặn xuống các ngọn núi phía tây, người sống từ rẫy về lại mang cơm ra phần mộ cho ma ăn. Ngày này qua tháng nọ, năm này qua năm khác, họ vẫn coi người chết như một thành viên chưa bao giờ mất. Những hành trình Choh sơi Ác (nuôi ma) như thế cứ tiếp diễn cho đến khi làm lễ Pơ thi để làm linh hồn họ siêu thoát, tách biệt người sống và người chết.

Lễ Pơ thi của nhà già Mlih lần này được tổ chức cho gần 20 hồn ma của 11 gia đình trong dòng họ. Từ nhiều ngày trước, thanh niên trong dòng họ đã phải vào rừng sâu tìm cây cà chít đem về đẽo gọt làm ra những Kra côm (tượng nhà mồ) canh giấc ngủ cho người chết - thứ không thể thiếu trong lễ Pơ thi. Các con cháu trong dòng họ đều góp gạo, rượu, tiền và trâu, bò. “Mỗi nhà đều phải góp trâu hoặc bò, nhà nào có nhiều tiền thì góp 2-3 con. Pơ thi lần này trong dòng họ và bà con thôn xóm góp được 30 con trâu, bò. Gần một trăm con lợn béo, gà thì không đếm hết được đâu”, già Mlih hồ hởi nói.

Say men Pơ thi

Lễ hội Pơ thi được tổ chức ròng rã suốt 3 ngày 3 đêm, làm cho những người tham gia phải “chếnh chóang” trong men rượu cần và điệu xoang của các chàng trai, cô gái Jrai.

Đêm đầu tiên của lễ Pơ thi – ngày vào nhà mả, người dân trong làng đã bắt đầu đổ về khu nhà mồ với những bình rượu ghè đầy ăm ắp, thanh niên trong dòng họ bắt đầu thắp lên những ánh lửa, tiếng chiêng ngân lên vang vọng bốn phía. Những làng khác chỉ cần nghe tiếng chiêng là kéo nhau đem rượu ghè, thịt lợn đến. Với họ, cái ngày buồn vì người chết đã qua rồi, Pơ thi là ngày vui không chỉ của gia chủ mà còn của cả làng, cả xã, rồi họ quây quần bên nhau quanh những ghè rượu ngọt nồng. Đàn ông hay đàn bà, người già hay người trẻ không còn quan trọng nữa, tất cả cùng hòa vào nhau trong điệu nhảy xoang bên ánh lửa bập bùng.

Nửa đêm, trâu, bò bắt đầu được đưa đến cột vào những cây cọc gỗ đã cắm thật sâu xuống đất. Khi mặt trời đang mấp mé ở ngọn núi phía Đông, những trai tráng trong làng sẽ được huy động để đập số trâu, bò này hiến cho người chết. Lễ đập trâu, bò như một hành động tỏ lòng thành kính, tri ân cho người thân đã mất đi của mình.

leftcenterrightdel
Trai làng bôi bùn đất, đeo mặt nạ đóng Pram (hồn ma) đón về Atâu (tổ tiên) với Yàng.
Ngày thứ hai, những người già trong làng cùng đứng để làm lễ cúng tế. Người sống sẽ bắt những chú gà con mới nở với ý nghĩa như một lời tâm sự với người chết rằng mọi sự đã viên mãn và kết thúc cũng như trứng đã nở thành gà để bắt đầu một cuộc sống mới. Sau khi già làng làm lễ cúng xong, thân nhân của người quá cố vào nhà mồ khóc than lần cuối với người đã chết. Những trai tráng trong làng rủ nhau đến nơi có nguồn nước bôi bùn, đất lên người, đeo mặt nạ được làm từ bẹ chuối sao cho càng kinh dị thì càng giống với các Pram (hồn ma). Nghi lễ này tượng trưng cho các Pram đi theo bảo vệ và dẫn dắt Atâu (tổ tiên) về với Yàng.

Đêm thứ ba của lễ hội cũng là “đêm trắng” ở khu nhà mồ. “Đây là đêm cuối cùng bên người chết nên tất cả lũ làng sẽ thức trắng cho đến sáng”, già Mlih tâm sự. Thế rồi, thay vì cái không khí tĩnh mịch heo hút, khu nhà mồ bừng lên với ngọn lửa vút cao, với tiếng cồng chiêng vang vọng và những điệu xoang bất tận. Từ làng này đến làng khác, họ cùng nhau trổ tài xem làng nào đánh chiêng hay hơn, làng nào nhảy xoang đẹp hơn hay một số ai đó uống rượu giỏi hơn.

Và khi màn sương đêm buông xuống, những đôi trai gái lại tìm đến nhau như một điều gì đó tự nhiên nhất. Đã bao đôi lứa trong làng trở thành vợ, thành chồng từ những đêm như thế. Lễ Pơ thi vì vậy mà vừa mang ý nghĩa kết thúc giao tình giữa người sống và người chết, vừa đánh dấu sự khởi đầu, trong đó có cái gọi là tình yêu…

Theo già Mlih, để tổ chức một lễ Pơ thi sẽ rất tiêu tốn, nhưng với người Jrai, đó như một phần tài sản trong nhà để chia cho người chết. Bởi sau lễ Pơ thi này, mối liên hệ giữa người sống và người chết đã kết thúc. Người chết, sẽ trở thành các Atâu về với Yàng và được các Pram bao bọc, che chở. Lễ Pơ thi vì thế như một nghi lễ đánh dấu dự khởi đầu của vòng luân hồi.

Nói về phong tục này, ông Đinh Duy Nguyên, Chủ tịch UBND xã Ia Phí cho biết: “Mỗi dân tộc đều có phong tục tập quán riêng, lễ Pơ thi của đồng bào Jrai cũng là một nét văn hóa đặc sắc. Những tập tục được tổ chức linh đình và tốn kém như thế này, chính quyền địa phương vẫn thường xuyên tuyên truyền để người dân không tổ chức lãng phí mà vẫn lưu giữ được hình thức sinh hoạt cộng đồng đặc sắc, những nét văn hóa tốt đẹp trong lễ hội...”.

Bài, ảnh: PHẠM HOÀNG