Nổi bật nhất, minh chứng rõ nét nhất là thông qua các tác phẩm âm nhạc được sáng tác trong các thời kỳ kháng chiến kiến quốc đã góp phần lan tỏa hình tượng Bộ đội Cụ Hồ bình dị mà kiên cường, hiền lành mà dũng cảm, khiêm nhường mà tài giỏi, không sợ hy sinh, gian khổ. Các tác phẩm đều chứa đựng những thông điệp ý nghĩa, lý tưởng cao cả, khắc họa những con người xuất sắc nhất, đẹp nhất, với hình ảnh người đồng chí, người lính chân thật: “Áo anh rách vai quần tôi có hai mảnh vá/ Miệng còn cười buốt giá chân không giày/... Đêm nay đồng hoang sương muối/ Nằm kề bên nhau chờ giặc tới/ Đầu súng trăng treo” (bài hát “Tình đồng chí”, thơ Chính Hữu, nhạc Minh Quốc), tự tin, thanh thản, đẹp tự nhiên nhưng cũng hết sức lãng mạn.
Trong Quân đội đã xuất hiện đội ngũ những người vừa trực tiếp cầm súng, vừa cầm bút viết nhạc, ghi lại những hiện thực nóng bỏng, sự gian khổ, hy sinh trên chiến trường và nhịp sống người chiến sĩ. Từ những tiếp cận tự nhiên về nền VHNT truyền thống, từ trực quan sinh động và cảm xúc dâng trào trên bước đường hành quân; nhiều tác phẩm âm nhạc ra đời tại chiến trường đã làm lay động lòng người về tính chân thực và giá trị nhân văn sâu sắc, với hàng nghìn, hàng vạn tác phẩm được ra đời đã góp phần cổ vũ, động viên tinh thần chiến đấu của bộ đội và sống mãi với thời gian, đóng góp xứng đáng vào kho tàng âm nhạc cách mạng Việt Nam.
Nối tiếp truyền thống quý báu, giai đoạn hiện nay, các nhạc sĩ trong Quân đội luôn vượt qua những thử thách, khó khăn mới, nỗ lực vươn lên, quyết tâm giữ vững truyền thống, uy tín của đội ngũ văn nghệ sĩ Quân đội, nỗ lực bắt kịp nhịp sống mới, tự đổi mới mình trong bản lĩnh kiên trì giữ vững phẩm chất nghệ sĩ-chiến sĩ. Những nhạc sĩ trẻ, mới xuất hiện, từng bước trưởng thành, trụ vững trước thách thức mới đã và đang trở thành đội quân chủ lực làm nên những thành tựu mới trong lĩnh vực âm nhạc.
Hoạt động sáng tác âm nhạc trong Quân đội cũng đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, tích cực góp phần tuyên truyền giáo dục trực quan, cổ vũ, động viên, khích lệ, phản ánh về các hoạt động huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng chính quy, chấp hành kỷ luật Quân đội, khắc họa đậm nét hình tượng Bộ đội Cụ Hồ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; thiết thực đi vào đời sống tinh thần của bộ đội nói riêng và nhân dân cả nước nói chung. Chỉ riêng khoảng 10 năm gần đây, qua những trại sáng tác đã đưa nhiều nhạc sĩ đến các đơn vị, từ chủ lực tới địa phương, các đoàn kinh tế, đặc biệt là các đơn vị ở biên giới, hải đảo... Mỗi trại sáng tác thường tập trung vào chủ đề riêng để nhấn mạnh, tô đậm hình tượng Bộ đội Cụ Hồ cũng như bản sắc riêng của mỗi lực lượng, đơn vị. Các nhạc sĩ, nhất là các nhạc sĩ ngoài Quân đội cũng có điều kiện để hiểu thêm về bộ đội và nhiệm vụ của Quân đội trong thời bình.
 |
Hình ảnh trong vở nhạc kịch “Khát vọng đỏ”. Ảnh: CHÂU XUYÊN |
Qua mỗi trại sáng tác, ban tổ chức thường thu về 40-50 tác phẩm và mỗi đợt tổng kết 5 năm Cuộc vận động sáng tác âm nhạc về đề tài LLVT, chiến tranh cách mạng đã thu được hàng trăm tác phẩm. Cơ quan thường trực chuyên ngành âm nhạc trong Quân đội đã đẩy mạnh khâu quảng bá, liên kết tốt với các đơn vị truyền thông như: Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Báo Quân đội nhân dân, Trung tâm Phát thanh-Truyền hình Quân đội... đặc biệt phát huy tốt công nghệ 4.0 với các kênh truyền thông trên mạng xã hội để thực hiện quảng bá các tác phẩm.
Nhiều tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao đã được công chúng đón nhận, đạt được giải thưởng trong các kỳ liên hoan nghệ thuật do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức. Các đề tài trong những sáng tác rất phong phú, đa dạng, bên cạnh những đề tài quen thuộc có thêm một số đề tài mới như: Gìn giữ hòa bình, đối ngoại quốc phòng, cứu hộ-cứu nạn... Đặc biệt, trong năm 2024, với sự ra đời của nhạc kịch “Khát vọng đỏ” chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân đã thể hiện tài năng sáng tác cũng như biểu diễn, chất lượng nghệ thuật của tác phẩm về hình tượng người lính lên tầm cao mới.
Kết quả của việc sáng tác âm nhạc còn thể hiện rõ qua các hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quân (các năm 2018, 2023); Liên hoan nghệ thuật quần chúng LLVT và thanh niên, sinh viên (các năm 2019, 2024) và tham gia các liên hoan, cuộc thi âm nhạc toàn quốc; tổ chức chương trình giao lưu nghệ thuật với các nước trên thế giới; biểu diễn phục vụ đối ngoại; biểu diễn phục vụ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; Đội quân văn hóa tham gia giao lưu, biểu diễn, thi đấu đạt thành tích cao tại Hội thao quân sự quốc tế tại Liên bang Nga (các năm 2021, 2022)...
Bên cạnh đó, công tác nghiên cứu khoa học, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa cách mạng, văn hóa dân tộc được chú trọng; xây dựng và phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ cả về số lượng, chất lượng, nhất là ở các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp được đào tạo bài bản, toàn diện, chuyên sâu và tính chuyên nghiệp cao; đội ngũ giảng viên giảng dạy trên lĩnh vực âm nhạc đã tích cực trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ để truyền thụ tri thức, kinh nghiệm, bồi dưỡng tài năng, tạo nguồn văn nghệ sĩ kế cận.
Tuy nhiên bên cạnh những thành công ấy, vẫn gặp một số khó khăn, trong giai đoạn truyền thông đa phương tiện, bùng nổ thông tin như hiện nay, việc tuyên truyền, phổ biến tác phẩm tới công chúng là yếu tố rất quan trọng. Để việc định hướng sáng tác và tổ chức sáng tác cũng như quảng bá, xây dựng hình tượng Bộ đội Cụ Hồ giai đoạn hiện nay trong tác phẩm VHNT, chúng ta cần xác định và quan tâm một số vấn đề như: Công tác đào tạo, bồi dưỡng lực lượng sáng tạo; nhận diện hình tượng Bộ đội Cụ Hồ giai đoạn hiện nay để sáng tác có cảm xúc chân thực hơn, xứng tầm trong thời kỳ mới...
Thời gian tới là giai đoạn có nhiều nhiệm vụ quan trọng, nhiều hoạt động âm nhạc cần được triển khai; với một khí thế tự tin, ý thức phát huy hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ và tinh thần trách nhiệm của người nghệ sĩ-chiến sĩ đóng góp cho Quân đội và tự tin khẳng định rằng, những sáng tạo nghệ thuật của các nhạc sĩ Quân đội là “Bản trường ca hùng tráng” không có phần kết, được tiếp nối từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Thiếu tướng, nhạc sĩ NGUYỄN XUÂN THỦY, Phó cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Vững bước dưới Quân kỳ Quyết thắng xem các tin, bài liên quan.