Kỷ luật của Quân đội nhân dân Việt Nam là hệ thống những nguyên tắc, quy định trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước được cụ thể hóa thành điều lệnh, điều lệ, chế độ quy định, bảo đảm định hướng, thống nhất mọi hoạt động của quân nhân từ cán bộ cho đến chiến sĩ. Ngay trong buổi đầu thành lập, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đã thực hiện Tuyên thệ 10 lời thề danh dự. Đây là chuẩn mực để quân nhân tự giác chấp hành, cũng được xem là thước đo giá trị văn hóa, chính trị, quân sự, đạo đức và lòng trung thành của đội quân cách mạng với Tổ quốc, với Đảng và nhân dân.

Kỷ luật trong Quân đội có vị trí, vai trò hết sức quan trọng, không những có sức răn đe, ngăn ngừa mọi quân nhân vi phạm pháp luật, mà còn là những quy định, hình thức kỷ luật rõ ràng, nghiêm khắc dành cho mọi quân nhân, đồng thời, xác định rõ mục tiêu, lý tưởng, ý chí, quyết tâm phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ cao cả, thiêng liêng mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao cho.

Quân đội ta kỷ luật tự giác, nghiêm minh . Ảnh minh họa: TTXVN

Kỷ luật là sức mạnh của Quân đội! Thực tiễn đã minh chứng, kỷ luật Quân đội thể hiện rõ ý thức và hành động của cán bộ, chiến sĩ khi thực hiện nhiệm vụ trong bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh nào. Khi ý thức tổ chức kỷ luật thấm sâu vào nhận thức, tình cảm của quân nhân, hướng dẫn hành động, trở thành sức mạnh, thúc đẩy quân nhân tự giác chấp hành nghiêm pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội và các chế độ quy định. Do vậy, tăng cường kỷ luật là yêu cầu cơ bản để nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của Quân đội. Không thể phát huy sức mạnh Quân đội nếu buông lỏng kỷ luật. Sự sa sút, lỏng lẻo về kỷ luật đồng nghĩa với sự suy yếu, mất sức chiến đấu của Quân đội.

Mặt khác, kỷ luật của Quân đội nhân dân Việt Nam luôn gắn liền với việc phát huy dân chủ, phê phán những biểu hiện vi phạm kỷ luật, những thói hư tật xấu, xây dựng nếp sống văn hóa trong môi trường Quân đội. Đây là đặc trưng phản ánh sự khác biệt giữa Quân đội nhân dân Việt Nam với quân đội các nước tư bản chủ nghĩa. Thực hành dân chủ nhằm bảo đảm cho mọi quân nhân phát huy vai trò trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quân sự, quốc phòng; đề cao trí tuệ tập thể, sự đồng thuận, đoàn kết, thống nhất trong toàn đơn vị, giải quyết hài hòa các mối quan hệ cấp trên, cấp dưới. Tuy nhiên, việc mở rộng, thực hành dân chủ không đồng nghĩa với tình trạng vô ý thức tổ chức kỷ luật, mà trái lại để góp phần củng cố, tăng cường kỷ luật tự giác, nghiêm minh. Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Không nên hiểu lầm dân chủ. Khi chưa quyết định thì tha hồ bàn cãi. Nhưng khi đã quyết định rồi thì không được bàn cãi nữa, có bàn cãi cũng chỉ là để bàn cách thi hành cho được, cho nhanh, không phải để đề nghị không thực hiện. Phải cấm chỉ những hành động tự do quá trớn ấy”[1]. Thực tiễn 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội ta đã thấy rõ: Ở đâu thực hiện tốt dân chủ thì ở đó hạn chế vi phạm kỷ luật, đơn vị đoàn kết, ổn định, thực hiện nhiệm vụ tốt hơn và ngược lại.

Nhận thức rõ vai trò của vấn đề kỷ luật trong Quân đội, nên ngay từ những ngày đầu còn non trẻ, trong điều kiện chiến tranh và có nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhưng dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn quân luôn đặc biệt chú trọng đến nhiệm vụ rèn cán, luyện binh, xây dựng nền nếp kỷ luật tự giác, nghiêm minh. Những trường hợp vi phạm kỷ luật đều bị xử lý nghiêm khắc, “đúng người, đúng tội” để giáo dục bộ đội và làm gương cho cán bộ, chiến sĩ ngoài mặt trận. Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng và Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng không hề nương nhẹ kỷ luật đối với mọi quân nhân nếu vi phạm kỷ luật Quân đội, vi phạm pháp luật nhà nước. Với tinh thần duy trì kỷ luật “tự giác, nghiêm minh”, xuyên suốt các thời kỳ cách mạng, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, Quân đội nhân dân Việt Nam vẫn đấu tranh quyết liệt chống giặc nội xâm, giữ nghiêm kỷ luật, tạo thành sức mạnh nội sinh cho Quân đội. Trong những năm đầu kháng chiến chống thực dân Pháp, dù tình hình chiến sự diễn ra quyết liệt, ngày 21 tháng 5 năm 1949, Trung ương Đảng ra Chỉ thị mở Cuộc vận động “Rèn luyện cán bộ, chấn chỉnh quân đội” (rèn cán, chỉnh quân). Đây là cuộc vận động lớn, được các đơn vị trong toàn quân hưởng ứng sôi nổi, rộng khắp. Ngay sau khi chỉ thị về cuộc vận động được ban hành, Tổng Chính ủy mở Cuộc vận động “Rèn luyện đảng viên, chấn chỉnh tổ chức” trong quân đội. Theo đó, nhiều lớp bồi dưỡng chỉnh đốn tác phong, rèn luyện tính đảng, tính giai cấp, đạo đức cách mạng, phương pháp lãnh đạo trong sinh hoạt ở chi bộ và tổ đảng được triển khai thực hiện. Đảng viên được học tập các tài liệu: “Cộng sản sơ giải”, “Đảng là gì”, “Điều lệ Đảng”, “Công tác chi bộ”, “Sửa đổi lối làm việc”, “Vệ quốc quân người công dân tiên phong”... Qua đó, làm thay đổi sâu sắc nhận thức, tạo sự đoàn kết, thống nhất, xây dựng chính quy cho quân đội. Kỷ luật nghiêm minh trở thành nguồn sức mạnh nội sinh quan trọng để Quân đội nhân dân Việt Nam chiến đấu, chiến thắng những kẻ thù hùng mạnh (thực dân Pháp, đế quốc Mỹ), bảo vệ vững chắc Tổ quốc trước các cuộc chiến tranh biên giới và hoàn thành vẻ vang sứ mệnh quốc tế cao cả.

Truyền thống kỷ luật tự giác, nghiêm minh được thể hiện rõ nét ở tính tự giác cao trong thực hiện nhiệm vụ, chức trách của mỗi quân nhân; trong chấp hành đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; trong chấp hành chỉ thị, mệnh lệnh của cấp trên ở bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh nào. Quân đội nhân dân Việt Nam đã rèn luyện, xây dựng được nếp sống có kỷ luật, trở thành thói quen khi thực hiện nhiệm vụ và ý thức đấu tranh kiên quyết để chống mọi hành vi vô tổ chức, vô kỷ luật. Điều đó đã trở thành lối sống cao đẹp của Quân đội.

Nhờ có kỷ luật tự giác, nghiêm minh, nên trong suốt chặng đường 80 năm qua, Quân đội nhân dân Việt Nam tiếp tục phát huy tốt sức mạnh, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ. Nhiều tập thể, cá nhân nêu gương sáng về chấp hành nghiêm kỷ luật. Đó là hình ảnh những cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân dù đánh địch trong điều kiện gian khổ ác liệt, hay thực hiện nhiệm vụ bám trụ ở những miền đất xa xôi hẻo lánh, biên cương, hải đảo... song vẫn luôn nêu cao tinh thần chấp hành kỷ luật tự giác, nghiêm minh trong chiến đấu, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu để giành độc lập cũng như trong xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc; trong phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an nhân dân để giữ gìn an ninh chính trị, trật tự và an toàn xã hội; chấp hành nghiêm túc nhiệm vụ giúp nhân dân phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới... Những hành động cao đẹp đó của cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân càng làm ngời sáng bản chất, truyền thống đoàn kết và kỷ luật của Bộ đội Cụ Hồ.

---------

[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 6, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 457-458.

Trung tá, TS TRẦN HỮU HUY, Viện Lịch sử Quân sự

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Vững bước dưới Quân kỳ Quyết thắng xem các tin, bài liên quan.