Có thể khẳng định, chỉ với hai bài hát viết ở tuổi đôi mươi đã đủ đưa tên tuổi nhà văn Nguyễn Đình Thi vào danh sách các nhạc sĩ tiên phong của nền ca khúc cách mạng, là “Diệt phát xít” và “Người Hà Nội”. Hai ca khúc để đời đó được các nhà sử nhạc cũng như những cây bút chuyên bình luận âm nhạc trên các phương tiện truyền thông ngợi ca. Chỉ có điều vẫn dừng ở cách bình luận quen thuộc: Chủ yếu dựa trên nội dung lời ca chứ không mấy ai liều lĩnh bàn sâu về ngôn ngữ âm nhạc. Đánh giá tác phẩm âm nhạc xưa nay thường loanh quanh trong phạm vi nội dung đề tài hoặc ý nghĩa lịch sử nhiều hơn là phân tích ngôn ngữ âm nhạc và mối quan hệ giữa nhạc với lời.

Phê bình thông qua giá trị nghệ thuật âm nhạc thuần túy không phải là việc dễ dàng. Tôi luôn cố làm điều này với các công trình tác giả-tác phẩm, tại sao lại không thể làm như thế với ông, người mà tôi được ở gần còn nhiều hơn cả cha đẻ? Thế là tôi quyết dấn thân vào cuộc hành trình chông gai này.

Chông gai ở chỗ thu thập tác phẩm không đơn giản. Ngoài hai ca khúc nổi tiếng, các bài hát khác của ông được xuất bản chủ yếu từ giữa những năm 40 của thế kỷ 20; may mắn tìm được bản in từ 80 năm trước của ông. Rất kỳ công và mất khá nhiều thời gian để tập hợp ca khúc và hợp xướng phổ thơ Nguyễn Đình Thi, càng khó khăn hơn với các bản chuyển soạn “Người Hà Nội” cho hòa tấu thính phòng và dàn nhạc của các nhạc sĩ đã mất...

Sinh thời, ông từng thổ lộ: “Tôi không dám nhận mình là nhạc sĩ, vì không viết được nhiều bài hát”.

Nghệ sĩ Ưu tú Đăng Dương thể hiện tác phẩm “Người Hà Nội” của nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi trong Chương trình nghệ thuật “Vang mãi bản hùng ca bầu trời” do Báo Quân đội nhân dân tổ chức. Ảnh: TUẤN HUY 

Ông không thoải mái, thậm chí e ngại khi được gọi là nhạc sĩ. Có lẽ, niềm phấn khích khi Bắc-Nam sum họp đã giúp ông quên đi sự e ngại để viết thêm bài cuối sau 30 năm chia tay với âm nhạc, với “Đất nước yêu thương”. Còn bài nào sáng tác đầu tiên vẫn là ẩn số. Song, qua những bài hát mà tôi tìm được vẫn có thể rút ra đôi điều về “chất nhạc” ở Nguyễn Đình Thi.

Điểm chung nổi bật ở các bài hát của Nguyễn Đình Thi là tính thời sự. Bài nào cũng liên quan trực tiếp tới những mốc lịch sử trọng đại trong hai cuộc kháng chiến: Tiền khởi nghĩa năm 1945 với “Căm hờn”, “Du kích quân”, “Diệt phát xít”; hậu toàn quốc kháng chiến năm 1946 có “Người Hà Nội”; chuẩn bị chuyển sang giai đoạn tấn công đầu năm 1950 là “Con voi”; sau thống nhất non sông năm 1975 là “Đất nước yêu thương”.

Vì tính thời sự và yêu cầu phổ cập đại chúng, lại là những bài hát đầu tay của một tác giả trẻ viết theo bản năng, các hành khúc đều có giai điệu đơn giản, dễ hát, gần ngữ điệu giọng nói. Âm nhạc chuyển tải những lời thề: "Thề diệt trừ quân tham tàn... Thề sống chết với quân thù" (Căm hờn); hàng loạt lời kêu gọi: "Mau mau mau vai kề vai... vác súng gươm ta đi lên, ta tiến lên ta diệt quân thù" (Diệt phát xít); "Vùng lên, chiến sĩ ta ơi!" (Người Hà Nội); "Voi ơi voi, voi gầm lên quát lên tan xác chúng nó ra" (Con voi); những tiếng hô khẩu hiệu: "Việt Nam muôn năm!" (Diệt phát xít); và tiếng gọi thiết tha: "Non nước mây trời, Việt Nam ta ơi!" (Đất nước yêu thương).

Tính hành động với tiết tấu “chấm-giật” (chấm dôi và móc kép) và các chuỗi điệp âm như “hát nói” là đặc điểm nổi bật trong đường nét giai điệu. Giai điệu dễ nhớ hơn nhờ luôn lặp lại một vài câu nhạc (Căm hờn), nhờ lối phát triển bằng âm hình tiết tấu chủ đạo (Du kích quân) hoặc dịch chuyển một nét nhạc ở cung bậc khác nhau (Con voi).

Cũng như nhiều tác giả trẻ hưởng ứng phong trào yêu nước thập niên 1940, Nguyễn Đình Thi đã dùng âm nhạc làm vũ khí đấu tranh, làm phương tiện cổ động, tuyên truyền chính trị. Từ kinh nghiệm đặt lời trên giai điệu phương Tây có sẵn trong phong trào hướng đạo, ông chuyển sang sáng tác hành khúc phục vụ hoạt động cách mạng. Đỉnh cao chùm hành khúc đầu tay của ông là “Diệt phát xít”. Bài hát mang tinh thần Quốc tế ca này hội tụ gần như đủ các đặc điểm vừa kể trên, đó cũng là những yếu tố dễ thấy ở các bài hùng ca thời đó. Lời thúc giục toàn dân chống phát xít được hát trên nét nhạc nhiều điệp âm, dấu lặng và âm hình tiết tấu “chấm-giật”. Bài hát kết thúc bằng tiếng hô khẩu hiệu, chính nhờ đoạn kết thiết tha, hào sảng này mà “Diệt phát xít” từng là một trong những bài ứng cử Quốc ca, song đã không trúng cử vì nội dung lời ca gắn vào mục tiêu nhất định, không còn phù hợp khi đã qua giai đoạn chống phát xít.

Có thể nhận thấy, một tác giả Tây học ngay từ những thử nghiệm đầu tiên đã hướng tới âm điệu dân tộc qua các quãng đặc thù ngũ cung và lối kết hợp vài thang năm âm ngũ cung khác nhau “Đất nước yêu thương”, “Du kích quân”. “Con voi” được gói trọn trong một thang âm ngũ cung. Bài hát độc đáo, sống động như một hoạt cảnh vui nhộn với lời lẽ gần khẩu ngữ, mộc mạc, dí dỏm (một tính cách ngầm, ít bộc lộ trong tác phẩm cũng như trong giao tiếp của tác giả). Giai điệu rất gần với dân ca Bắc Bộ nhờ các quãng đặc trưng ngũ cung. Có lẽ, đây là một trong những bài hát đầu tiên về lực lượng pháo binh. Khẩu pháo được chăm chút như một thú cưng. Trong cảnh “voi ta” được đưa vào trận chiến, giai điệu đang “ì à ì ạch” ở nốt thấp nhất bất ngờ có bước nhảy quãng rộng, cứ như chú voi được nâng từ chân đèo lên đỉnh đồi, rồi nhả đạn “ầm... ầm!”. Sau tiếng gầm dữ dội lại nhẹ nhàng, âu yếm tiếng gọi “ơi voi”-ở giai đoạn 1940-1950 không phải tác giả nào cũng chú tâm đến sự tương phản sắc thái và có chỉ dẫn biểu hiện cụ thể (từ cường độ rất mạnh đột ngột chuyển sang nhẹ nhàng) như thế. Với “Con voi”, Nguyễn Đình Thi đã góp thêm một hài khúc bên cạnh các chính ca vừa quyết liệt vừa lãng mạn, trữ tình của ông.

Có thể nói, Nguyễn Đình Thi đã góp phần khởi nguồn cho hai thể loại ngày càng phát triển vào giữa thế kỷ 20: Hành khúc (bài hát phổ thông ngắn gọn, đơn giản, thuần nhất, dễ hát) và trường ca (bài hát dài hơi, đa dạng, kết nối nhiều đoạn nhạc khác nhau về tính cách âm nhạc, phù hợp với lối diễn tấu có kỹ thuật thanh nhạc chuyên nghiệp).

Ông từng tự trào: “Thật ra, “Người Hà Nội” là một loại “quái thai” của âm nhạc đấy! Bởi vì với nội dung ấy, thực tế ấy, cảm xúc ấy thì phải viết một giao hưởng mới phải. Nhưng tôi, cũng như anh Đỗ Nhuận với “Du kích sông Thao”, anh Văn Cao với “Sông Lô”... lúc ấy lại không đủ sức, đủ trình độ để viết giao hưởng. Vậy là ra đời cái gọi là trường ca”.

Bên cạnh tính lịch sử, cách mạng bởi sự gắn kết với những thăng trầm của đất nước, những bài hát của ông còn là dấu ấn cho sự hình thành nền ca khúc cách mạng. Song, tác phẩm vẫn được hát, được yêu thích sau gần 80 năm qua không thể chỉ dựa vào ý nghĩa lịch sử mà chính là nhờ vào giá trị nghệ thuật.

Cái đẹp biểu hiện ở sự sáng tạo, ở nền tảng văn hóa. Người ta vẫn nói “văn là người” thì nhạc cũng là người. Nếu trong văn ở Nguyễn Đình Thi có một “người thơ” độc đáo và tự do, không bị trói buộc vào khuôn mẫu cấu trúc hay âm vần, vào số từ trong câu hay số câu trong bài thì trong nhạc cũng có một Nguyễn Đình Thi tiên phong, sớm hướng tới cái mới chưa biết đến bao giờ trong cấu trúc và hình thức âm nhạc, cũng như xu hướng tư duy khí nhạc trong ngôn ngữ thanh nhạc.

Là người đa tài, nhà văn Nguyễn Đình Thi để lại dấu ấn đáng ngưỡng mộ trong nhiều loại hình văn học, nghệ thuật. Riêng trong âm nhạc, những đóng góp của ông cũng rất đặc biệt với vai trò một trong những nhạc sĩ tiên phong của nền ca khúc cách mạng, một trong những tác giả được phổ thơ nhiều nhất. Với một giọng thơ đầy sáng tạo, giàu biểu cảm, đa dạng về đề tài, linh hoạt trong cách sử dụng ngôn từ và đặc biệt rất điện ảnh, ông là tác giả lời ca của hơn 30 tác phẩm thanh nhạc, nơi cho thấy những nét tiêu biểu trong ngôn ngữ nhạc hát Việt Nam nói chung và các thủ pháp phổ thơ nói riêng.

Nguyễn Đình Thi không chỉ có mặt trong lĩnh vực thanh nhạc mà cả trong khí nhạc Việt Nam qua các bản chuyển soạn tác phẩm bất hủ “Người Hà Nội” cho nhạc thính phòng và dàn nhạc giao hưởng. Không những thế, giai điệu “Diệt phát xít” của ông nhiều lần được tái sử dụng để phục hiện sự kiện lịch sử đã qua trong một số tác phẩm giao hưởng của các nhà soạn nhạc khác.

Nhà lý luận, phê bình âm nhạc NGUYỄN THỊ MINH CHÂU, Phó chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.