Chiều 27-4, tại Hà Nội, Nhà hát Kịch nói Quân đội tổng duyệt vở diễn “Đá vọng phu” hay “Khát vọng đoàn tụ”. Tham dự có đồng chí Trung tướng Trịnh Văn Quyết, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.
Vở diễn “Đá vọng phu” hay “Khát vọng đoàn tụ” của tác giả, nhà viết kịch Lê Thu Hạnh; đạo diễn NSND Lê Hùng; chỉ đạo nghệ thuật Đại tá, NSƯT Lê Thị Mai Phương, Giám đốc Nhà hát Kịch nói Quân đội. Tác phẩm xoay quanh cuộc đời Hoài - một cô gái thuộc làng chài hẻo lánh ven biển có chồng đi chiến trường. Hải-chồng của Hoài được cho là hy sinh và có giấy báo tử gửi về xã. Tuy nhiên, Hoài vẫn một mực tin rằng chồng mình vẫn còn sống.
 |
Một cảnh trong vở diễn. |
Vậy là Hoài cứ âm thầm chờ đợi để chờ chồng. Cả làng thương chị. Ai cũng nghĩ Hoài bị điên. Bỗng một ngày Tiến - đồng đội của chồng Hoài đang sống tại một trại thương binh không cam tâm nhìn chị sống cuộc đời “đá vọng phu” đã khoác ba lô về làng. Tiến trao cho Hoài kỷ vật còn lại của Hải, kể chuyện chồng chị đã hy sinh trên tay anh thế nào.
 |
Hoài (bên phải) là nhân vật chính trong vở diễn. |
Chạm vào chiếc ba lô và những bức thư Hải viết cho Hoài mà chưa kịp gửi như chạm vào một linh hồn, chạm vào sự thật mà bấy lâu nay Hoài cố tình không chấp nhận. Lòng tin ấy đã thành sự thật khi Hoài nhận được tin Hải vẫn còn sống song bị mất trí nhớ và được một già làng dân tộc tại Tây Nguyên cưu mang. Hoài cùng đồng đội và dân làng đã đến đón Hải trở về trong niềm hạnh phúc của niềm tin, của khát vọng đoàn tụ luôn rực cháy trong tim Hoài. Kết truyện, Hải đã khôi phục trí nhớ và đoàn tụ cùng Hoài.
 |
Khoảnh khắc đoàn tụ giữa nhân vật Hải và Hoài. |
 |
Trung tướng Trịnh Văn Quyết (ở giữa) chúc mừng các nghệ sĩ, diễn viên hoàn thành vở diễn. |
Vở diễn “Đá vọng phu” hay “Khát vọng đoàn tụ” được dàn dựng nhằm tôn vinh những phẩm chất cao đẹp của Bộ đội Cụ Hồ, những giá trị văn hóa truyền thống cách mạng của dân tộc Việt Nam. Đó là lòng yêu nước nồng nàn, sự thủy chung son sắt, là nghĩa tình đồng chí, đồng đội, tinh thần nhân văn cao cả của con người Việt Nam; đồng thời kịch bản có nội dung lên án chiến tranh mạnh mẽ, có giá trị giáo dục sâu sắc về nghĩa tình quân dân, là bài ca thắm đượm tình làng nghĩa xóm của người dân Việt Nam.
Tin, ảnh: HỮU TRƯỞNG
Vở diễn “Hoa khôi dạy chồng” tham gia Liên hoan Quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ V- 2022 của Nhà hát Kịch nói Quân đội diễn ra sáng 19-11 vừa qua thực sự là một vở diễn gây ấn tượng, đáng để xem, để ngẫm đối với khán giả và có thể nói đây là một vở diễn “Bình cũ nhưng rượu mới”.
Nằm trong chuyến lưu diễn phục vụ tại các tỉnh, thành phố phía Nam, từ ngày 10 đến 23-11, Nhà hát Kịch nói Quân đội tổ chức biểu diễn phục vụ cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Quân khu 9.
Chiều 20-9, Nhà hát Kịch nói Quân đội tổ chức báo cáo chương trình tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho diễn viên, kỹ thuật viên với vở diễn “Hoa khôi dạy chồng”.