Đến dự và chỉ đạo buổi báo cáo có: Thiếu tướng Lê Xuân Sang, Phó cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; Nghệ sĩ Nhân dân Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam; đại diện các cơ quan chức năng thuộc Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam cùng toàn thể cán bộ, diễn viên Nhà hát Kịch nói Quân đội.

Chương trình tập huấn là một trong những hoạt động nghiệp vụ thường xuyên của nhà hát nhằm nâng cao trình độ chuyên môn cho toàn thể cán bộ, diễn viên, nhân viên, kỹ thuật viên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới. 

Theo Đại tá, NSƯT Lê Thị Mai Phương, Phụ trách Giám đốc Nhà hát Kịch nói Quân đội cho biết, những lần tập huấn trước đây, nhà hát mời các chuyên gia về giảng dạy lý thuyết và chọn 1 đến 2 trích đoạn cổ điển trong nước hoặc nước ngoài, hay những trích đoạn về đề tài người lính để các diễn viên, kỹ thuật viên trao đổi, học tập kinh nghiệm và nâng cao trình độ chuyên môn về kỹ thuật biểu diễn, cách xử lý âm thanh, ánh sáng, chuyển cảnh.

Trong lần tập huấn này, Đảng ủy, Ban giám đốc đã có một quyết định mới, đó là lựa chọn dàn dựng một kịch dài mang nhiều yếu tố nghệ thuật dân gian để các nghệ sĩ thử sức sáng tạo trong thể loại mới.

leftcenterrightdel

Phân cảnh của vở diễn "Hoa khôi dạy chồng" do các nghệ sĩ Nhà hát Kịch nói Quân đội biểu diễn. 

Vở diễn “Hoa khôi dạy chồng” (tác giả: Nghệ sĩ Nhân dân Doãn Hoàng Giang; đạo diễn: Nghệ sĩ Ưu tú Hồ Ngọc Hà; với một số gương mặt diễn viên trẻ tiêu biểu như Kim Dung, Huyền Sâm, Dương Khánh, Khả Sinh, Huy Hùng, Vân Thường, Lê Huế...) có tuyến nhân vật tương đối đơn giản. Nhân vật chính Hồng Ngọc là con gái ông bà Tham. Sau khi Hồng Ngọc đạt giải Hoa khôi Bắc Kỳ, vì muốn tìm cho con gái một tấm chồng giàu sang, có quyền cao, chức trọng, ông bà Tham liền truyền tin muốn kén chồng cho con mặc dù trước đó đã hứa gả cô cho cậu Tú Thành. 

Một hôm, có cậu Kim Ấm đến nhà dạm hỏi Hồng Ngọc nhưng bị ông bà Tham và cả Ngọc từ chối thẳng thừng. Bị làm cho mất mặt, Kim Ấm ra về mà trong lòng không nguôi nỗi hận thù phải làm cho gia đình ông bà Tham bẽ bàng, nhục nhã, làm cho cuộc đời Hồng Ngọc không thể ngẩng mặt lên nhìn ai. Ấm đã ngấm ngầm dựng lên một kịch bản bắt người tôi tớ trong nhà là Ất đóng giả là Việt Kiều về nước để đến dạm hỏi Hồng Ngọc. 

Thấy ông Việt Kiều giàu có, lại ga lăng đến hỏi thì ông bà Tham cực kỳ vui mừng, gấp rút tổ chức hôn lễ cho hai người. Nhưng đúng đêm tân hôn, "cậu Văn Ất" - ông Việt Kiều từ Paris trở về hiện nguyên hình là tên đầy tớ khi Kim Ấm sang nhà ông bà Tham tìm tên đày tớ bỏ trốn khỏi nhà hòng làm nhục gia đình họ trước bàn dân thiên hạ. Ông bà Tham câm lặng chịu tủi hổ, còn Ngọc dõng dạc nhận Ất là chồng danh chính ngôn thuận, rồi "lễ phép mời" Kim Ấm ra về. 

Kể từ lúc ấy, Hồng Ngọc dốc công dạy Ất học tập. Chưa đầy ba năm sau, cậu Kim Ấm tiêu sạch gia sản vào cờ bạc, phải ra đường hành nghề đánh giày thuê. Trong khi đó, dưới sự chỉ bảo ân cần, tận tụy của Hồng Ngọc, Ất tu chí học hành và chiếm được bảng vàng, chính thức trở thành "rể quý" nhà ông bà Tham, không phụ lòng cô vợ đẹp người, đẹp nết của mình…

leftcenterrightdel
Các đại biểu chúc mừng thành công chương trình báo cáo của Nhà hát Kịch nói Quân đội. 

Khác với màu sắc thường thấy trong những vở diễn truyền thống về đề tài người lính của Nhà hát là cách diễn cương, cảnh trí gồm nhiều bục bệ, khói đạn, tiếng súng..., “Hoa khôi dạy chồng” mang đậm chất liệu dân gian từ ngôn ngữ trào lộng thâm thúy của kịch bản đến cách kết hợp triệt để của đạo diễn khi xử lý không gian, thời gian theo cách ước lệ của sân khấu truyền thống. 

Điều này đã làm cho các diễn viên, kỹ thuật viên trẻ được trải nghiệm một hơi thở mới trong chuyên môn. Lần đầu tiên trong chương trình tập huấn, họ được tiếp cận một vai diễn dài hơi, hội tụ đủ các cung bậc cảm xúc của cuộc sống nên có nhiều đất diễn cho các diễn viên thể hiện kỹ thuật biểu diễn. Bên cạnh đó cách nói lối, nói vần của kịch thơ là cơ hội để các diễn viên học hỏi, trải nghiệm cách xử lý đài từ. Đối với các kỹ thuật viên âm thanh là sự trải nghiệm về âm nhạc truyền thống của dân tộc với các điệu hát ru, âm hưởng của đàn bầu, sáo trúc... 

Đặc biệt là một bộ phận ánh sáng, hậu đài không phải là tắt đèn, chuyển trang trí, bục bệ thông thường sau mỗi cảnh, thay vào đó là cách tăng giảm ánh sáng vô cùng tinh tế. “Với việc lựa chọn tác phẩm, đạo diễn cũng như diễn viên gồm nhiều thế hệ trong ekip, chương trình tập huấn đã tạo cơ hội cho chúng tôi được trải nghiệm thể loại mới, được học hỏi kinh nghiệm từ thầy, từ các anh chị đi trước để tự tin khẳng định mình trước công chúng, trước bạn nghề”, Thiếu tá QNCN Nguyễn Thị Kim Dung, Phó đoàn trưởng Đoàn diễn 1 chia sẻ sau khi vừa hoàn thành suất diễn của mình.

Tin, ảnh: MAI HƯƠNG