“Hoa khôi dạy chồng” là một vở hài kịch do tác giả Doãn Hoàng Giang công bố tại Hà Nội năm 1993 và đã được Nhà hát Kịch nói Quân đội dàn dựng từ năm 1995, đi biểu diễn phục vụ bộ đội, nhân dân và đã giành được nhiều tình cảm của công chúng. Kịch bản có cốt truyện khá đơn giản với những triết lý, bài học nhân sinh sâu sắc. Tham gia liên hoan lần này, vở kịch được hai đạo diễn là NSƯT Hồ Ngọc Hà và NSND Nguyễn Tiến Dũng dàn dựng lại với một màu sắc mới lạ.
Sự mới lạ, hấp dẫn trước hết chính là sự thể nghiệm trong cách lựa chọn và làm mới chính mình của Nhà hát Kịch nói Quân đội. Nhắc đến Kịch nói Quân đội, mọi người thường hay nghĩ ngay đến những vở diễn về đề tài lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng và hình tượng Bộ đội Cụ Hồ hay là một sân khấu với nhiều bục bệ, khói đạn, tiếng súng đã trở thành truyền thống mấy chục năm qua của Nhà hát. Nay với vở diễn “Hoa khôi dạy chồng” mang một màu sắc khác hẳn - hài kịch dân gian với ngôn ngữ trào lộng thâm thúy và cách dàn dựng mới đã một lần nữa khẳng định tài năng và thương hiệu của Nhà hát Kịch nói Quân đội.
Với cốt truyện tưởng chừng rất đơn giản xoay quanh việc kén chồng của hoa khôi xứ Bắc, đến việc chọn nhầm con rể và sự quyết tâm đóng cửa dạy chồng để làm người có ích, để mở mặt với đời mà bao tình huống bi hài và các định đề lớn trong triết lý nhân sinh của cuộc sống con người được gợi mở: Tham thì thâm, ác giả ác báo, có quyết tâm, có chí lớn ắt sẽ thành công hay cười người chớ vội cười lâu, cười người hôm trước hôm sau người cười...
    |
 |
Sự cộng hưởng, hòa quyện hài hòa của các hiệu ứng hình ảnh, ánh sáng là một trong những nét mới hấp dẫn của vở kịch |
Nét thử nghiệm mới ở đây còn là sự thử sức ngay với chính ekip diễn viên và cách dựng mới của đạo diễn. Hầu hết các nhân vật đều là do các diễn viên trẻ đảm nhiệm, thậm chí có diễn viên còn lần đầu tiên được đảm nhận một vai diễn dài hơi, chưa có nhiều kinh nghiệm trong kỹ thuật biểu diễn. Trong đó có bộ ba diễn viên Mạnh Tuấn (vai Ất), Mạnh Hùng (vai Kim Ấm) và Lê Huế (vai Hồng Ngọc), đều lần đầu tiên thủ vai nhưng đều đã thể hiện rất thành công hình tượng nhân vật của mình. Diễn viên Mạnh Hùng tâm sự: “Các nhân vật chúng tôi được giao đều rất “nặng ký”, hội tụ đủ các cảm xúc của hỉ, nộ, ái, ố… trong một loại hình hoàn toàn mới. Để hoàn thành vai diễn, chúng tôi vừa tích cực luyện tập, lắng nghe chỉ đạo của các đạo diễn đồng thời học hỏi kinh nghiệm của các nghệ sĩ đi trước từng thành công trong các vai diễn này”.
Còn NSƯT Mai Phương, Phụ trách Giám đốc Nhà hát Kịch nói Quân đội, chỉ đạo nghệ thuật vở diễn thì cho biết: "Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng các diễn viên trẻ của mình khi phân công các em tham gia vở diễn thử nghiệm này. Để các em khẳng định được tài năng, 2 đạo diễn NSƯT Hồ Ngọc Hà và NSND Nguyễn Tiến Dũng đã rất nhạy bén, tinh tế trong cách dàn dựng: Lấy chính sự diễn xuất mộc mạc, chân thật nhất trong cảm xúc của lớp diễn viên trẻ để lôi cuốn khán giả. Chính điều này cũng góp phần tạo nên sự tươi mới, khác lạ của vở diễn”.
    |
 |
Một cảnh trong vở diễn "Hoa khôi dạy chồng" mà các diễn viên phải thể hiện đa dạng các cung bậc cảm xúc.
|
Ngoài ra, sự thể nghiệm mới trong “Hoa khôi dạy chồng” còn được cảm nhận ở một khía cạnh đó là sự cộng hưởng, hòa quyện hài hòa của tổng thể các thành phần sáng tạo. Từ yếu tố kịch bản mang đậm chất dân gian của ngôn ngữ đối thoại với nhiều thơ ca, hò vè đến cách dàn dựng áp dụng triệt để các thủ pháp ước lệ của sân khấu truyền thống, của thiết kế sân khấu, âm nhạc, ánh sáng... Đặc biệt là cuộc đời, số phận các nhân vật sẽ dần được tái hiện lại sau các bức ảnh tạo nên những cao trào trong mạch kịch. Đó còn là xúc cảm đa sắc màu trước một đám cưới tưng bừng rộn rã trong điệu múa, câu hát cùng các đạo cụ tạo hình của nghệ thuật múa rối.
Những cảm xúc ngậm ngùi, xót xa thương cho thân phận người phụ nữ trong xã hội thực dân phong kiến với những nét nhạc chủ đạo của đàn bầu, sáo trúc. Sự đúc kết các triết lý nhân sinh về tình người, luật nhân quả qua các câu thơ, các đoạn lẩy Kiều... Ấn tượng hơn nữa là cách xử lý thay đổi không gian, cảnh diễn vô cùng tinh tế bằng ánh sáng, lời thoại và động tác tạo hình nhân vật mà không phải là cách chuyển trang trí, bục bệ như truyền thống. Chỉ duy nhất với một tấm bục và bốn bức pano in hình trúc, mai, cá chép, hổ, báo, cùng 2 tấm vải trắng và mấy chiếc đèn lồng cùng chữ song hỷ mà không gian được thay đổi linh hoạt: Lúc là nhà ông bà Tham rộn ràng tiệc đón khách, vui vẻ khi đám cưới diễn ra và ngời sáng hạnh phúc khi Ất đã đỗ đạt thành tài; lúc là nhà Kim Ấm với đầy âm mưu toan tính; lúc là buồng cưới Ất - Ngọc với trần trụi sự bẽ bàng tủi hổ, lúc là phòng học đầy ân cần, tận tụy, quyết tâm của vợ chồng Ất - Ngọc...
Từ tất cả các yếu tố thử nghiệm mới mẻ đó đã tạo nên một vở diễn “Hoa khôi dạy chồng” hội tụ đầy đủ yếu tố vừa bi vừa hài, vừa quen mà lại lạ, vừa đậm chất dân gian nhưng vô cùng hiện đại, vừa nhẹ nhàng giải trí lại vừa thâm thúy sâu xa của Nhà hát Kịch nói Quân đội.
Bài và ảnh: MAI HƯƠNG