Chuyên mục Ngày này năm xưa số ra ngày 6-11-2021 cũng được Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện dưới hình thức các tác phẩm phát thanh tại đây và video clip trên Chuyên trang Media Báo Quân đội nhân dân Điện tử, trân trọng mời bạn đọc xem thêm.

Một số sự kiện trong nước và quốc tế

Sự kiện trong nước

Ngày 6-11-1975: Bộ Quốc phòng quyết định chuyển Tiểu đoàn Công binh thành Trung đoàn Công binh trực thuộc Bộ tư lệnh Hải Quân, lấy phiên hiệu là Trung đoàn 131. Đây là dấu mốc đặc biệt, lần đầu tiên Hải quân có lực lượng Công binh cấp Trung đoàn nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Hải quân nhân dân Việt Nam trong điều kiện mới.

leftcenterrightdel

Lính công binh thường xuyên phải làm việc trong thời tiết xấu, biển động, sóng lớn. Trong ảnh: Công binh Trung đoàn 131 khẩn trương chuyển vật liệu vào đảo. Ảnh tư liệu.

 

Trải qua quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Trung đoàn Công binh 131 Hải quân đã lớn mạnh không ngừng, gắn liền với sự trưởng thành và phát triển của Quân chủng, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc... Trước yêu cầu cao của nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, biển đảo, để bảo đảm tốt cho thực hiện nhiệm vụ của Quân chủng Hải quân, ngày 22-5-2013, Bộ Quốc phòng quyết định tổ chức lại Trung đoàn Công binh 131 Hải quân thành Lữ đoàn Công binh 131 Hải Quân.

leftcenterrightdel

Nụ cười của người lính Công binh Trung đoàn 131 khi xây dựng cầu cảng tại đảo Trường Sa năm 1994. Ảnh tư liệu. 

46 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành, lớp lớp cán bộ, chiến sĩ của Lữ đoàn luôn đoàn kết, khắc phục khó khăn; năng động, sáng tạo, tự lực, tự cường; hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng các công trình quân sự. Lữ đoàn vinh dự hai lần được tặng Danh hiệu đơn vị Anh hùng LLVT nhân dân; Huân chương Quân công hạng Ba; Huân chương Chiến công hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương Bảo vệ Tổ quốc cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.

leftcenterrightdel

Chiến sĩ mới Lữ đoàn 131 hôn Quân kỳ trong lễ tuyên thệ. Ảnh: Trọng Nhân. 

Trong giai đoạn hiện nay, Lữ đoàn luôn phát huy tốt truyền thống "Anh dũng, sáng tạo, khắc phục khó khăn, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ"; tập trung xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, Đảng bộ trong sạch vững mạnh; nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu; tích cực ứng dụng công nghệ mới, khai thác, làm chủ trang thiết bị hiện đại, phục vụ xây dựng các công trình bảo đảm “Chất lượng, an toàn, hiệu quả”, góp phần cùng các lực lượng trong Quân chủng bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo Tổ quốc.

Ngày 6-11-1979: Khởi công xây dựng Nhà máy thủy điện Hòa Bình trên Sông Đà. Công trình thủy điện Hòa Bình có công suất 1.920MW, lượng điện bình quân 9,5 tỷ/KWh, được coi là công trình thế kỷ của đất nước, lớn bậc nhất Đông Nam Á, là nguồn cấp điện chủ lực, đóng vai trò điều tiết công suất, điện áp và tần số hiệu quả nhất của hệ thống điện Việt Nam thời kỳ đó. Công trình thủy điện Hòa Bình được khởi công và triển khai đúng thời điểm đất nước vừa kết thúc chiến tranh gặp muôn vàn khó khăn thiếu thốn. Mặt khác điều kiện thi công phức tạp, đòi hỏi kỹ thuật với sức ép tiến độ đặc biệt cao.

leftcenterrightdel

Ngày 20-11-1983 những chiếc xe ben hoàn thành lấp dòng chảy cuối cùng qua đập thủy điện Hòa Bình. Ảnh tư liệu.

 

Được Đảng và Nhà nước xác định có vị trí ưu tiên số một, chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương và địa phương tạo điều kiện tốt nhất về nguồn vốn, nhân lực, vật lực tập trung thi công công trình. Hàng vạn thanh niên từ các vùng nông thôn miền Bắc xung phong làm việc tại công trường thủy điện - Công trường Thanh niên Cộng sản. Trên 500 kĩ sư và trung cấp kỹ thuật vừa tốt nghiệp, 800 chuyên gia là công trình sư, kỹ sư và công nhân lành nghề của Liên Xô được điều động đến công trường. Cán bộ, chiến sĩ, kĩ sư và công nhân lao động cùng chuyên gia nước bạn không quản khó khăn, gian khổ lao động quên mình ba ca, bốn kíp, tất cả “Vì dòng điện ngày mai của Tổ quốc”.

leftcenterrightdel

Công trình Thủy điện Hòa Bình nhìn từ trên cao. Ảnh: Vũ Dung. 

Cuối năm 1988, sau 9 năm ròng rã kể từ ngày khởi công, tổ máy số 1 phát điện, Nhà máy thủy điện Hòa Bình chính thức đi vào hoạt động, cả công trường hân hoan, xúc động, ngập tràn cờ hoa hạnh phúc. Sau đó các tổ máy lần lượt đưa vào phát điện theo đúng kế hoạch đề ra. Ngày 20-12-1994, Nhà máy thủy điện chính thức khánh thành, một mốc son lịch sử về sự trưởng thành vượt bậc của ngành năng lượng Việt Nam và của ngành điện nói riêng. Công trình thủy điện Hòa Bình là thành quả của chủ trương đúng đắn thực hiện mục tiêu “điện khí hóa” của Đảng và Nhà nước, thành quả ý chí tinh thần lao động sáng tạo, bền bỉ với nỗ lực cao độ của cán bộ, kỹ sư, công nhân lao động và đội ngũ chuyên gia nước bạn đã làm nên những mốc son lịch sử mang dấu ấn thời đại.

Ngày 6-11-1940: Hội nghị lần thứ 7 của Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương đã diễn ra tại làng Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh. Hội nghị chủ trương chuyển hướng chỉ đạo chiến lược của Ban Chấp hành Trung ương lâm thời và phân công đồng chí Trường Chinh làm quyền Tổng Bí thư, đồng thời quyết định chắp nối liên lạc với Quốc tế Cộng sản và bộ phận của Đảng ở nước ngoài. Hội nghị đã thảo luận và quyết định hai vấn đề cấp thiết là: Phát triển ảnh hưởng của khởi nghĩa Bắc Sơn và hoãn cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ. Thành công lớn của Hội nghị là đã đặt vấn đề khởi nghĩa vũ trang vào chương trình nghị sự của Cách mạng Đông Dương.

Ngày 6-11-1967: Quân và dân Hà Nội đã bắn rơi chiếc máy bay F105 của Mỹ. Đây là chiếc máy bay Mỹ thứ 2.500 bị bắn rơi trên miền Bắc nước ta, là chiếc thứ 200 bị quân dân Thủ đô bắn rơi tại Hà Nội.

Sự kiện quốc tế

Ngày 6-11-1816: Ngày sinh nhà thơ cách mạng vô sản Pháp Eugène Pottier. Ông là tác giả lời bài Quốc tế ca - bài ca đấu tranh của công nhân toàn thế giới. Ông qua đời nǎm 1887.

leftcenterrightdel

Bài "Quốc tế ca" của Eugène Pottier. Ảnh tư liệu. 

Ngày 6-11-1822: Nhà hoá học người Pháp Clốt Lui Béctôlê qua đời. Ông sinh nǎm 1794. Ông là người tìm ra tính tẩy màu của hipôcrolit (nước gia-ven), chế thuốc nổ clorát, nêu ra định luật về phản ứng thuận nghịch giữa muối, axit và badơ. Ông cũng chứng minh không phải mọi axit đều chứa oxigen.

leftcenterrightdel

Nhạc sĩ nổi tiếng người Nga Piốt Ilitsơ Traicôpxki. Ảnh tư liêu. 

Ngày 6-11-1893: Nhạc sĩ nổi tiếng người Nga Piốt Ilitsơ Traicôpxki qua đời. Ông sinh nǎm 1840 tại Nga. Tác phẩm nổi tiếng của ông cho vở balê: Hồ Thiên Nga, Người đẹp ngủ trong rừng và vở ca kịch Épghênhi ônhêghin.

Theo dấu chân Người

Ngày 6-11-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì họp Hội đồng Chính phủ bàn nhiều vấn đề quan trọng như soạn thảo Hiến pháp, kiểm tra việc phân phối gạo chống nạn đói và tổ chức tăng gia sản xuất.

leftcenterrightdel

Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 34/SL quyết định thành lập Ủy ban dự thảo Hiến pháp. Ảnh: Tư liệu/TTXVN.

 

Ngày 6-11-1946: Bác thăm trụ sở Đảng Dân chủ, một đảng phái yêu nước đã cộng tác đắc lực với Việt Minh trong thời kỳ vận động khởi nghĩa và thăm Tự vệ thành Hoàng Diệu là lực lượng bán vũ trang của nhân dân Thủ đô. Sau đó, cùng cụ Tôn Đức Thắng đi thăm “Phòng Nam bộ” một địa điểm phối hợp các hoạt động của các tầng lớp nhân dân ủng hộ cuộc kháng chiến của đồng bào Nam bộ.

Ngày 6-11-1950: Kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga, Bác gửi điện mừng tới Nguyên soái Liên Xô Stalin: “Nhân ngày Quốc khánh của quý quốc, một ngày vui mừng chung của tất cả nhân dân lao động trên thế giới, tôi kính thay mặt nhân dân và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà gửi lời sốt sắng chúc mừng Ngài và Chính phủ cùng nhân dân Liên Xô. Là thành trì của nhân loại mới và tiến bộ, chúng tôi chắc rằng dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Ngài và quý Chính phủ, nước Xã hội chủ nghĩa Liên Xô ngày càng cường thịnh, do đó mà hoà bình thế giới được bảo vệ, dân chủ được phát triển và các dân tộc nhược tiểu được mau chóng giải phóng” .

leftcenterrightdel

Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Bí thư Thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lê Duẩn dự Đại hội của Đảng Cộng sản Liên Xô lần thứ XXII, tháng 10-1961. Ảnh tư liệu. 

Ngày 6-11-1967: Bác gửi điện cảm ơn nhân dịp Đoàn Chủ tịch Xô viết tối cao Liên Xô quyết định tặng Huân chương Lênin, nhưng bày tỏ ý nguyện: “Lúc này, giặc Mỹ đang đẩy mạnh chiến tranh xâm lược Tổ quốc Việt Nam chúng tôi. Chúng đang giết hại một cách cực kỳ dã man hàng vạn đồng bào tôi ở miền Nam cũng như ở miền Bắc. Toàn quân và toàn dân Việt Nam chúng tôi đang phải hy sinh xương máu để đánh Mỹ, cứu nước. Trong lúc đó, riêng tôi lại được hưởng vinh dự đặc biệt to lớn và nhận Huân chương Lênin thì lòng tôi không yên chút nào. Vì lẽ đó, tôi vô cùng cảm ơn các đồng chí, nhưng xin các đồng chí hãy tạm hoãn việc trao tặng phần thưởng cực kỳ cao quý ấy. Đến ngày nhân dân chúng tôi đánh đuổi được bọn đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng hoàn toàn đất nước Việt Nam, tôi sẽ đại diện cho toàn thể đồng bào tôi, trân trọng và vui mừng lãnh lấy Huân chương mang tên Lênin vĩ đại. Kính gửi các đồng chí lời chào cộng sản”.

(Sách Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày này năm xưa, NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2010)

Lời Bác dạy ngày này năm xưa

Sáng 6-11-1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự cuộc họp của Bộ Chính trị để cho ý kiến về nội dung Đại hội Văn nghệ. Khi bàn về chủ trương tổ chức cho anh em văn nghệ sĩ đi một đợt thực tế dài hạn ở nông thôn, Người đã tán thành chủ trương và có những lời căn dặn quý báu đối với các văn nghệ sĩ đi thực hiện nhiệm vụ này: “… Khen, chê phải đúng mức. Khen nhưng khen quá lời, “suy tôn” người được khen thì chính người được khen xấu hổ. Đập nhưng đập bậy thì người ta không phục...”.

(Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2011)

Đây là sự nhắc nhở sâu sắc, có giá trị định hướng về nhận thức, tư tưởng rằng mỗi văn nghệ sĩ cần nêu cao ý thức trách nhiệm, bám sát thực tiễn, khen, chê phải đúng mức. Nói cách khác, Người yêu cầu các văn nghệ sĩ phải phản ánh trung thực và khách quan cuộc sống lao động, chiến đấu và sinh hoạt hằng ngày của nhân dân ở vùng nông thôn.

leftcenterrightdel

Bác Hồ chụp ảnh kỷ niệm với các nghệ sĩ của Đoàn Cải lương Nam bộ năm 1968. Ảnh tư liệu. 

Thực hiện lời căn dặn của Bác, các thế hệ văn nghệ sĩ nước nhà đã thường xuyên bám sát đời sống nông thôn, lăn lộn trên các chiến trường đầy khói lửa; hòa mình vào cuộc sống lao động sản xuất, chiến đấu và sinh hoạt hằng ngày của nhân dân, từ đó cho ra đời nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị, tích cực cổ vũ cái đúng, cái tốt, cái đẹp, đồng thời phê phán những thói hư tật xấu, lên án cái ác, cái thấp hèn… góp phần quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

leftcenterrightdel

Bức ảnh nổi tiếng “Bác bắt nhịp bài ca kết đoàn” của nghệ sĩ nhiếp ảnh Lâm Hồng Long, chụp năm 1960. Ảnh tư liệu.

 

Ngày nay, trước bối cảnh phức tạp, khó lường của tình hình, lời căn dặn của Bác vẫn giữ nguyên giá trị, là bài học sâu sắc định hướng nhận thức, tư tưởng, phương châm hành động của các văn nghệ sĩ; bồi dưỡng cái tâm và cái tài, cổ vũ, động viên các văn nghệ sĩ bám sát cơ sở, đi sâu khám phá cuộc sống lao động sản xuất và sinh hoạt hằng ngày của nhân dân, qua đó sáng tạo nên nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật hay và tốt để phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

Đối với Quân đội ta, thấm nhuần lời dạy của Bác, đội ngũ văn nghệ sĩ quân đội đã thường xuyên bám sát các đơn vị cơ sở, nhất là đơn vị đóng quân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo; lăn lộn cùng với bộ đội trên các thao trường, bãi tập, nơi bộ đội làm công tác dân vận, tham gia phòng, chống thiên tai, bão lũ, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, phòng, chống Covid-19... để phản ánh trung thực cuộc sống học tập, công tác và sinh hoạt của bộ đội.

leftcenterrightdel
Đội tuyển Văn hóa-Nghệ thuật Quân đội Nhân dân Việt Nam tham gia Cuộc thi "Đội quân văn hóa" tại Army Games 2021. Ảnh: qdnd.vn. 
leftcenterrightdel
Tiết mục tham gia Army Games 2021 của Đội tuyển Văn hóa nghệ thuật Quân đội nhân dân Việt Nam. Ảnh: Trọng Hải. 

Thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm định hướng nhận thức, tư tưởng và hành động của cán bộ, chiến sĩ; tích cực đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; tuyên truyền, cổ vũ, động viên kịp thời những tấm gương người tốt, việc tốt, đồng thời phê phán những cái xấu, cái tiêu cực, góp phần xây dựng đời sống văn hóa, tinh thần phong phú, lành mạnh, để mỗi đơn vị quân đội thực sự là cái nôi nuôi dưỡng những giá trị văn hóa, nhân cách quân nhân, bồi đắp phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới.

leftcenterrightdel
Thiếu tướng Đoàn Xuân Bộ trao giải Nhất cá nhân Cuộc thi bình chọn trực tuyến Biểu diễn nghệ thuật quốc tế "Đội quân văn hóa" trên nền tảng số của Báo QĐND Điện tử. Ảnh: qdnd.vn.

Ngoài những thành quả nêu trên, trong những năm vừa qua, đội ngũ văn nghệ sĩ quân đội tích cực tham gia các hoạt động biểu diễn, thi đấu quy mô quốc tế mang theo sứ mệnh quảng bá, tôn vinh hình ảnh, vị thế đất nước, văn hóa, con người, Quân đội Nhân dân Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. Như gần đây nhất, Đội tuyển Văn hóa-Nghệ thuật Quân đội Nhân dân Việt Nam tham gia Cuộc thi "Đội quân văn hóa" tại Army Games 2021 và xếp thứ 4 toàn đoàn với 8 giải thưởng lớn. Đáng chú ý, Đội tuyển đã đoạt trọn vẹn hai cúp đặc biệt của cuộc thi đều do khán giả quốc tế bình chọn.

Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân

Ngày này năm 1968, trên trang 3, Báo Quân đội nhân dân (QĐND) số 2678 đã đăng loạt bài điểm lại các chiến công vang dội của quân và dân ta trên hai miền Nam Bắc. Đáp lời Bác gọi, thanh niên khắp nơi rầm rập lên đường tòng quân giết giặc.

leftcenterrightdel

Trang 3 Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 6-11-1968. 

Cũng trên trang 3 số báo này có đăng bài ca dao “Nghe Bác gọi” của tác giả Nguyễn Vuông với những câu ca dao hưởng ứng lời kêu gọi của Bác:

Đảo xa sóng dội bốn bề,

Lắng nghe lời Bác vọng về biển khơi...

Quân nghe, phơi phơi niềm vui

Biển nghe dâng sóng, hòa lời thiết tha

Rừng nghe Bác gọi, nở hoa

Pháo nghe, pháo đón tầm xa, diệt thù...

leftcenterrightdel
Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 6-11-1969.  

Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 3040 ngày 6-11-1969 có đăng bài xã luận “Hết lòng, chăm lo đời sống tinh thần, vật chất của bộ đội”. Bài báo bày tỏ tình cảm, tình yêu thương, quan tâm và lời căn dặn của Người đối với Quân đội. Trong bài có đoạn: Với muôn vàn tình thương yêu đối với Quân đội, lúc còn sống Bác Hồ dù bận trăm công nghìn việc vẫn ân cần chăm lo đến đời sống tinh thần và vật chất đến sự vững mạnh về mọi mặt của Quân đội ta. Mỗi khi có dịp tới thăm bộ đội. Người thường xem chỗ ăn, ở, sinh hoạt tinh thần của chiến sĩ. Người dạy cán bộ: “. Từ tiểu đội trưởng trở lên, từ Tổng tư lệnh trở xuống phải săn sóc đời sống vật chất và tinh thần của đội viên, phải xem đội viên ăn uống như thế nào, phải hiểu nguyện vọng và thắc mắc của đội viên. Bộ đội chưa ăn cơm, cán bộ không được kêu mình đói. Bộ đội chưa đủ mặc, cán bộ không được kêu mình rét. Bộ đội chưa đủ chỗ ở, cán bộ không được kêu mình mệt”.

leftcenterrightdel
 

Cũng trong số báo này trang 3 đã đăng lại bài phỏng vấn của đồng chí Nô-xa-ca Xan-dô, Chủ tịch Đảng Cộng sản Nhật Bản, Trưởng đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Nhật bản sang nước ta tham dự Lễ tang Hồ Chủ Tịch với tựa đề “Đồng chí Hồ Chí Minh là Lê-Nin của Việt Nam” đăng trên Báo A-en-ha-ta, cơ quan Trung ương của Đảng Cộng sản Nhật Bản. Bài báo bày tỏ sự tôn kính, tiếc thương và cảm phục với nhân cách và lối sống giản dị của Người.

HUY ĐÔNG (tổng hợp)