Chuyên mục Ngày này năm xưa số ra ngày 1-11-2021 cũng được Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện dưới hình thức các tác phẩm phát thanh podcast tại đây và video clip trên Chuyên trang Media Báo Quân đội nhân dân Điện tử, trân trọng mời bạn đọc xem thêm.
Một số sự kiện trong nước và quốc tế diễn ra ngày 1-11
Sự kiện trong nước
Ngày 1-11 là ngày sinh nhà cách mạng Nguyễn Thị Minh Khai. Bà tên thật là Nguyễn Thị Vịnh, sinh ngày 1-11-1910, tại xã Vịnh Yên, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Năm 17 tuổi, Nguyễn Thị Minh Khai tham gia hoạt động trong phong trào công nhân ở Vinh và tham gia thành lập Tân Việt Cách mạng Đảng, Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ.
 |
Thẻ đại biểu của đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai tham dự Đại hội Quốc tế cộng sản lần thứ 7 năm 1935. Ảnh tư liệu.
|
Năm 1930, Nguyễn Thị Minh Khai gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam, phụ trách tuyên truyền, huấn luyện đảng viên tại Trường Thi, Bến Thủy. Sau đó, đồng chí sang Hương Cảng, công tác tại văn phòng chi nhánh Đông phương bộ của Quốc tế Cộng sản. Năm 1931, Nguyễn Thị Minh Khai bị bắt tại Hương Cảng, bị kết án và giam tại đây.
Năm 1934, bà ra tù và được Đông phương bộ Quốc tế Cộng sản cử làm đại biểu chính thức đi dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản tại Moskva cùng với Lê Hồng Phong. Năm 1940, bà bị bắt ngay sau phiên họp của Xứ ủy Nam kỳ về phổ biến chủ trương khởi nghĩa và bị giam tại Khám Lớn Sài Gòn.
Tuy nhiên, bà vẫn liên lạc với bên ngoài và vẫn tiếp tục lãnh đạo phong trào đấu tranh. Khi còn trong tù, bà có mấy câu thơ nói lên ý chí cách mạng của mình: Vững chí bền gan ai hỡi ai/ Kiên tâm giữ dạ mới anh tài/ Thời cuộc đẩy đưa người chiến sĩ/ Con đường cách mạng vẫn chông gai.
 |
Hoạt cảnh tái hiện đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai bị xử bắn tại pháp trường nhưng vẫn hiên ngang, bất khuất. Ảnh: TTXVN
|
Ngày 28-8-1941, kẻ thù đã xử bắn Nguyễn Thị Minh Khai và các đồng chí Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ, Phan Đăng Lưu, Võ Văn Tần.
Trước pháp trường, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai hướng về phía đồng bào, nói những lời tâm huyết: “Việc chúng tôi làm là chính nghĩa. Vì muốn Tổ quốc tôi được độc lập, dân tôi được ấm no mà chúng tôi làm cách mạng. Chúng tôi không có tội gì” và hô to: “Đảng Cộng sản Việt Nam muôn năm!”, thể hiện tinh thần bất khuất, kiên trung của mình.
 |
Khẩu đội pháo cao xạ bảo vệ vùng trời miền Bắc. Ảnh tư liệu.
|
Nhằm ngăn chặn sự chi viện của hậu phương lớn miền Bắc, hạn chế những tổn thất và cứu nguy cho cuộc chiến tranh ở miền Nam, sau khi dựng lên “sự kiện vịnh Bắc Bộ”, ngày 5-8-1964, đế quốc Mỹ mở cuộc tiến công “mũi tên xuyên”, dùng 64 chiếc máy bay đánh phá ồ ạt các khu vực: Sông Gianh (Quảng Bình), Cửa Hội (thành phố Vinh), Lạch Trường (Thanh Hóa), Bãi Cháy (Quảng Ninh).
Để thực hiện thành công ý đồ, Mỹ tăng cường lực lượng vào cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc, năm 1965 trung bình mỗi ngày có 100 đến 160 lần cất cánh, ngày cao điểm là 250 lần cất cánh. Số bom Mỹ ném xuống chiến trường Việt Nam trong năm 1965 lên tới 310.000 tấn. Hạm đội 7 của Mỹ khống chế khu vực cửa biển miền Bắc, dùng pháo bắn phá vào đất liền. Đây là lần đầu tiên trong chiến tranh xuất hiện kiểu chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân với quy mô lớn và ác liệt.
Đáp lời kêu gọi chống Mỹ, cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ban Chấp hành Trung ương Đảng, các lực lượng vũ trang và nhân dân miền Bắc đã nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, vừa chiến đấu vừa sản xuất đánh bại chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ.
 |
Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm các chiến sĩ lực lượng phòng không bảo vệ Thủ đô (25-9-1966). Ảnh tư liệu.
|
Ngày 24 tháng 7 năm 1965, tại trận địa Suối Hai, Tiểu đoàn tên lửa 62 và 64 của ta phóng những quả đạn đầu tiên bắn rơi máy bay F4C và bắt sống một giặc lái. Đây là chiếc máy bay thứ 400 bị bắn rơi trên chiến trường miền Bắc. Ngày 24 tháng 7 trở thành ngày truyền thống của bộ đội tên lửa anh hùng.
 |
Máy bay Mỹ bị bắn rơi trên bầu trời Hà Nội. Ảnh tư liệu
|
Đến cuối năm 1965 quân và dân miền Bắc đã bắn rơi 834 chiếc máy bay giặc Mỹ, tiếp đó bắn rơi 773 chiếc năm 1966. Năm 1967 bắn rơi 1.067 chiếc và 571 chiếc năm 1968, bắt sống hàng trăm phi công Mỹ, 143 lần bắn chìm và bắn cháy tàu chiến Mỹ-ngụy. Trước sự thất bại nặng nề ở miền Bắc và cả miền Nam, ngày 1-11-1968, Giôn-xơn phải tuyên bố chấm dứt không điều kiện việc ném bom miền Bắc, sau đó chấp nhận tham gia hội nghị bốn bên tại Pa-ri.
(Sách Lịch sử Quân đội nhân dân, tập II, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân-1999)
Ngày 1-11-2021: Kỷ niệm 50 năm Ngày truyền thống Lữ đoàn Công binh 270, Quân khu 5 (1-11-1971/1-11-2021). Cách đây 50 năm, bên dòng suối Blao vùng rừng núi xã Phước Hiệp, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam, Trung đoàn Công binh 270 (nay là Lữ đoàn) được thành lập trong thời điểm ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đây là Trung đoàn binh chủng công binh chủ lực đầu tiên của Quân khu 5 với nhiệm vụ ban đầu là mở đường bảo đảm giao thông, chiến đấu bảo vệ hành lang, vận chuyển vũ khí, lương thực, thực phẩm, phục vụ đáp ứng yêu cầu cơ động chiến đấu của các đơn vị lực lượng vũ trang Quân khu.
Ngoài ra, Trung đoàn đã hoàn thành hàng chục công sự, trận địa, hầm pháo phục vụ chiến đấu góp phần để lực lượng vũ trang Quân khu 5 làm nên nhiều thắng lợi. Từ năm 1977 đến năm 1986, Trung đoàn tham gia làm nhiệm vụ quốc tế tại nước bạn Campuchia với nhiều chiến công và dấu ấn sâu đậm trên các công trình... Năm 1991, Bộ Quốc phòng quyết định chuyển Trung đoàn Công binh 270 thành Lữ đoàn Công binh 270 thuộc Bộ tư lệnh Quân khu 5.
 |
Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 270 tham gia tìm kiếm nạn nhân mất tích ở xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam, tháng 11-2020. Ảnh: VĂN CHUNG
|
Bước vào thời kỳ mới, Lữ đoàn tập trung nâng cao chất lượng huấn luyện, trình độ sẵn sàng chiến đấu; tham gia khắc phục hậu quả chiến tranh, dò gỡ bom mìn, sửa chữa cầu, đường, xây dựng công trình quốc phòng, xây dựng đường tuần tra biên giới; hoàn thành tốt nhiệm vụ phòng, chống lụt bão, cứu hộ, cứu nạn, phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
 |
Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Trung tướng Trịnh Đình Thạch, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu 5 đã trao Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất tặng Lữ đoàn Công binh 270. Ảnh: Lê Phúc. |
Với những thành tích đặc biệt xuất sắc, Lữ đoàn Công binh 270 vinh dự được tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ đổi mới và nhiều phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước, quân đội trao tặng.
Sự kiện quốc tế:
1-11-1894: Sa hoàng Nga Aleksandr qua đời, con là Nikolai bắt đầu trị vì, cũng là vị Sa hoàng cuối cùng trong lịch sử Nga.
1-11-1604: Vở kịch Othello của William Shakespeare được công diễn lần đầu tiên tại Whitehall Palace ở Luân Đôn.
 |
Othello, vở kịch nổi tiếng nhất của Shakespeare. Ảnh tư liệu.
|
William Shakespeare là một trong những văn hào vĩ đại nhất của nhân loại. Từ lâu, sáng tác của Shakespeare đã vượt ra ngoài phạm vi của nước Anh, trở thành tài sản chung của thế giới, Ông đã viết khoảng 40 vở kịch, trong đó kiệt tác Othello là vở bi kịch được William Shakespeare viết vào khoảng năm 1603, dựa theo cốt truyện ngắn của Italy có tên “Thuyền trưởng Marốc”. Tác phẩm xoay quanh bốn nhân vật trung tâm là Tướng Othello, nàng Desdemona xinh đẹp, Phó tướng Cassio và Hiệu úy Iago.
Theo dấu chân Người
Ngày 1-11-1922, trên tờ “Le Paria” (Người cùng khổ), Nguyễn Ái Quốc viết bài “Đảng Cộng sản và vấn đề thuộc địa” khẳng định “Những người cộng sản ở chính quốc biết được nỗi khổ của các bạn... Đảng chủ trương nỗ lực để cứu vớt tất cả những anh em ở các thuộc địa..., Đảng sẵn sàng để các bạn tuyên truyền trên báo chí của Đảng… Đảng yêu cầu nhất là các bạn đoàn kết lại... Vì hòa bình thế giới, vì tự do và sự no ấm của mọi người, những người bị bóc lột thuộc mọi nòi giống, chúng ta hãy đoàn kết lại và đấu tranh chống bọn áp bức!”, văn bản này đã được thông qua tại Đại hội II Đảng Cộng sản Pháp. Cùng ngày, tờ “Le Paria” (Người cùng khổ) còn đăng bài “Vụ hành hạ Amđuni và Ban Benkhia” của Nguyễn Ái Quốc tố cáo tội ác thực dân ở thuộc địa Tuynidi.
Ngày 1-11-1941, Nguyễn Ái Quốc sáng tác bài “Ca binh lính” đăng trên báo “Việt Nam Độc Lập” nhằm mục tiêu binh vận: “Hai tay cầm khẩu súng dài/Nhắm đi nhắm lại, bắn ai thế này?...” và kêu gọi sự giác ngộ: “Trong tay đã sẵn súng này/ Quyết quay đánh Nhật, đánh Tây mới đành/Tiếng thơm sẽ tạc sử xanh: “Việt binh cứu quốc” rạng danh muôn đời!”.
Ngày 1-11-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư tới Ngoại trưởng Mỹ Giêm Biếc nơ chủ động “nhân danh Hội Văn hóa Việt Nam, tôi xin được bày tỏ nguyện vọng của Hội, được gửi một phái đoàn khoảng 50 thanh niên Việt Nam sang Mỹ với ý định một mặt thiết lập những mối quan hệ văn hóa thân thiết với thanh niên Mỹ, và mặt khác để xúc tiến việc tiếp tục nghiên cứu về kỹ thuật, nông nghiệp cũng như các lĩnh vực chuyên môn khác... tha thiết mong muốn tạo được mối quan hệ với nhân dân Mỹ là những người mà lập trường cao quý đối với những ý tưởng cao thượng về công lý và nhân bản quốc tế, và những thành tựu kỹ thuật hiện đại của họ đã có sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với giới trí thức Việt Nam” .
 |
Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm Liên Xô, tới sân bay Mátxcơva, tháng 8-1957. (Nguồn: Tài liệu lưu trữ Bộ Ngoại giao)
|
Ngày 1-11-1953, Bác gửi điện mừng tới các nhà lãnh đạo Xô viết nhân kỷ niệm 36 năm Cách mạng tháng Mười Nga và nhấn mạnh: “Tình hữu hảo anh em luôn luôn thắm thiết của nhân dân Liên Xô đối với nhân dân Việt Nam là một sự nâng đỡ quý báu cho nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc”.
Ngày 1-11-1959, Bác viết thư chào mừng Đại hội những người sản xuất trẻ của Thủ đô Hà Nội: “Bác thân ái chúc các cháu/ Mạnh khỏe, vui vẻ/ Đoàn kết chặt chẽ/ Luôn luôn thi đua/ Đưa cả tinh thần và lực lượng của tuổi trẻ/ Vươn lên hàng đầu trong mọi công việc xây dựng xã hội chủ nghĩa”.
(Sách Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày này năm xưa, NXB Chính trị quốc gia-Sự thật, 2010)
Lời Bác dạy ngày này năm xưa
Trong bài “Cách mạng Tháng Mười vĩ đại mở ra con đường giải phóng cho các dân tộc”, gửi cho Báo Pravda (Liên Xô), được Báo Nhân Dân đăng số 4952, ngày 1-11-1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “…Chỉ có sự lãnh đạo của một đảng biết vận dụng một cách sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện cụ thể của nước mình thì mới có thể đưa cách mạng giải phóng dân tộc đến thắng lợi và cách mạng XHCN đến thành công”.
 |
Bút tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh ghi trong sổ ghi cảm tưởng trong Điện Kremli, Liên Xô. Ảnh tư liệu.
|
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Hồ Chí Minh xem Chủ nghĩa Mác-Lênin là kim chỉ nam cho sự nghiệp cứu nước, giải phóng dân tộc và luôn nhấn mạnh sự cần thiết phải vận dụng sáng tạo “cẩm nang thần kỳ” đó vào thực tiễn cách mạng. Sự khẳng định trên của Người có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, khẳng định và đánh giá cao bài học kinh nghiệm về lý luận và thực tiễn trong lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng của Đảng. Đó là một trong những bài học có tính nguyên tắc và phổ biến, đảm bảo cho sự nghiệp giải phóng triệt để của giai cấp công nhân và các dân tộc bị áp bức.
Thực tiễn chứng minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, dựa trên nền tảng Chủ nghĩa Mác-Lênin vận dụng vào hoàn cảnh cụ thể ở nước ta đã đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, giành lại độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, tiếp tục giành những thắng lợi trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
 |
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với các học viên dự lớp bồi dưỡng đảng viên mới của Đảng bộ Hà Nội (14-5-1966). Ảnh tư liệu.
|
Lời dạy trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn vẹn nguyên giá trị, nhất là trong công tác xây dựng Đảng. Theo đó, Đảng ta lấy Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động; Đảng nắm vững bản chất cách mạng và khoa học, vận dụng sáng tạo, góp phần phát triển Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, không ngừng làm giàu trí tuệ, nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và năng lực tổ chức để đủ sức giải quyết các vấn đề do thực tiễn cách mạng đặt ra.
Ngày nay, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đang đứng trước những thời cơ và thách thức lớn. Mặc dù hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, song tình hình thế giới, thay đổi hết sức nhanh chóng, phức tạp, khó dự báo. Cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ tư phát triển mạnh mẽ, tạo ra thời cơ và đột phá trên nhiều lĩnh vực, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức.
Các yếu tố an ninh phi truyền thống, nhất là an ninh mạng, khủng bố, thiên tai, dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Tranh chấp biển đảo, nhất là trên Biển Đông tiềm ẩn nhiều nhân tố gây mất ổn định. Các thế lực thù địch, cơ hội chính trị tiếp tục đẩy mạnh thực hiện “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nội bộ, "phi chính trị hóa quân đội" hòng xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng vũ trang, từng bước chuyển hóa chế độ chính trị ở nước ta đi theo quỹ đạo tư bản chủ nghĩa…
 |
Quang cảnh Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần XI, nhiệm kỳ 2020-2025. Ảnh: qdnd.vn.
|
Để tiếp tục phát huy truyền thống Quân đội anh hùng, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, xây dựng QĐND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, làm nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân, gắn với thế trận an ninh nhân dân, không ngừng nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh, trình độ và khả năng sẵn sàng chiến đấu của toàn quân lên một bước mới, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, cấp ủy, chỉ huy các cấp và cán bộ, chiến sĩ toàn quân luôn quán triệt, nắm vững và tổ chức thực hiện hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quân sự, quốc phòng.
Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân
Ngày 1-11-1955, trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 202, đăng lời Huấn thị của Hồ Chủ Tịch trong Lễ tuyên dương Anh hùng Quân đội “…Trong những năm kháng chiến, Quân đội ta đã đi đầu trong phong trào thi đua, thì ngày nay các chú càng phải ra sức giữ vững lá cờ thi đua”.
Ngày 1-11-1958, trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 494, đăng thông tin “Hồ Chủ Tịch vừa gửi tới Bộ biên tập Báo Quân đội nhân dân năm huy hiệu của Người để tặng cho đội 68 (phát hoang giỏi), đồng chí Cao, đồng chí Đề (đánh gianh giỏi) đồng chí Niên (đào hào giỏi), trong bài “Các đội cờ đỏ tại nông trường M.C.”, và đồng chí Lường - Văn - Ngoi, hỏng hai tay, thọt một chân vẫn chăm học văn hóa, đã đăng trên Báo Quân đội nhân dân số 492.
Cũng trên số báo này, có đăng thông tin “Ngày 25-10-1958, Bộ đội huấn luyện và sản xuất ở Điện Biên Phủ đã gửi kính biếu Hồ Chủ Tịch một sọt khoai, sắn, củ đậu, một con dao do anh em tự tay sản xuất và 5 cân gạo mới thu hoạch vụ mùa đầu tiên thắng lợi, để nói lên lòng biết ơn đối với Đảng, Chính phủ và Hồ Chủ Tịch. Anh em cũng gửi nhiều thư hứa hẹn với Bác sẽ ra sức thi đua tiến nhanh, bước dài, lập nhiều thành tích học tập và sản xuất, tích cực góp phần xây dựng Điện Biên Phủ ngày càng tươi đẹp.
Ngày 1-11-1966, trang hai Báo Quân đội nhân dân số 1974, đăng khẩu hiệu “Làm theo lời Bác, tích cực rèn luyện tác phong chiến đấu của Quân đội nhân dân, nâng cao sức chiến đấu trăm trận trăm thắng!.
HUY ĐÔNG (tổng hợp)