Chuyên mục Ngày này năm xưa số ra ngày 31-10-2021 cũng được Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện dưới hình thức các tác phẩm phát thanh podcast tại đây và video clip trên Chuyên trang Media Báo Quân đội nhân dân Điện tử, trân trọng mời bạn đọc xem thêm.
Một số sự kiện trong nước và quốc tế
Sự kiện trong nước
Ngày 31-10-1951: Chiến dịch Lý Thường Kiệt kết thúc. Chiến dịch Lý Thường Kiệt là chiến dịch tiến công của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam đánh quân Pháp tại khu vực Nghĩa Lộ (tỉnh Yên Bái) nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, xây dựng cơ sở, đẩy mạnh chiến tranh du kích, phá khối ngụy quân người Thái.
 |
Đồn Nghĩa Lộ (Yên Bái) nơi diễn ra chiến dịch Lý Thường Kiệt. (Ảnh: Tư liệu) |
Chiến dịch kết thúc với gần 30 trận đánh (16 trận công đồn, 6 trận phục kích, 3 trận tao ngộ chiến, 2 trận đánh quân nhảy dù, 2 trận truy kích), diệt 9 đại đội, đánh thiệt hại nặng 8 tiểu đoàn, phá hủy 6 cứ điểm, bứt rút 8 vị trị, loại khỏi vòng chiến đấu trên một nghìn quân địch, thu hơn 300 súng các loại, 20 tấn quân lương, 11 tấn đạn dược, giải phóng một vùng rộng lớn từ Quang Huy lên Ca Vịnh, Ba Khe, Sài Lương, từ Phong Thổ qua Bình Lư tới Than Uyên.
(Theo Bách khoa toàn thư Quân sự Việt Nam)
Ngày 31-10-2020: Học viện Quân y thông báo đã thực hiện ghép ruột thành công từ người cho sống đầu tiên ở Việt Nam tại Bệnh viện Quân y 103 (quận Hà Đông, Hà Nội). Đây là một mốc son đánh dấu bước tiến trong khoa học của ngành y Việt Nam.
 |
Bệnh nhân được ghép ruột sau ca phẫu thuật thành công. (Ảnh: Báo Quân đội nhân dân) |
Sự kiện quốc tế
Ngày 31-10-1984: Nữ thủ tướng đầu tiên và duy nhất từ trước đến nay của Ấn Độ Indira Gandhi bị hai lính cận vệ ám sát ngay tại tư dinh ở thủ đô New Delhi. Bà là Thủ tướng Chính phủ Ấn Độ từ năm 1966 đến năm 1977, và từ năm 1980 đến 1984, là lãnh tụ xuất sắc của phong trào Không liên kết, là người bạn thân thiết của nhân dân Việt Nam.
Sau khi bà từ trần, thủ đô Hà Nội đã đổi tên vườn hoa Chí Linh thành vườn hoa Indira Gandi (nay là vườn hoa Lý Thái Tổ) để ghi nhớ tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt Nam và Ấn Độ.
Ngày 31-10-2003: Công ước Liên hợp quốc (LHQ) về Phòng, chống tham nhũng được Đại hội đồng LHQ thông qua tại Trụ sở LHQ ở New York.
Ngày 31-10-2015: Phi cơ A321-200 số hiệu 7K9268 của hãng hàng không Kogalymavia (Nga) đang trong hành trình bay từ Sharm El-Sheikh (Ai Cập) tới Saint Petersburg (Nga) đã rơi xuống bán đảo Sinai. Chiếc may bay bị phá hủy hoàn toàn và toàn bộ 217 hành khách cùng 7 thành viên phi hành đoàn trên máy bay đã thiệt mạng.
Theo dấu chân Người
Ngày 31-10-1911, từ Sài Gòn, Nguyễn Tất Thành gửi thư cho Khâm sứ Trung kỳ nhờ chuyển số tiền cho cha là Nguyễn Sinh Huy. Rời Tổ quốc từ tháng 6-1911, theo hải trình của các con tàu biển, Nguyễn Tất Thành đã có dịp trở về bến cảng Sài Gòn để sau đó tiếp tục cuộc hành trình của mình.
 |
Bến Nhà Rồng - nơi Bác Hồ rời Tổ quốc ra đi tìm đường cứu nước. (Ảnh: Báo Quân đội nhân dân) |
Ngày 31-10-1946, tại kỳ họp thứ 2 của Quốc hội, được uỷ quyền thành lập Chính phủ mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu:
“Lần này là lần thứ hai Quốc hội giao phó cho tôi phụ trách Chính phủ một lần nữa. Việt Nam chưa được độc lập, chưa được thống nhất thì bất kỳ Quốc hội uỷ cho tôi hay cho ai cũng phải gắng mà làm. Tôi xin nhận. Giờ tôi xin tuyên bố trước Quốc hội, trước quốc dân và trước thế giới rằng: Hồ Chí Minh không phải là kẻ tham quyền cố vị, mong được thăng quan phát tài. Chính phủ sau đây phải là một Chính phủ toàn dân đoàn kết và tập hợp nhân tài không đảng phái. Tôi xin tuyên bố trước Quốc hội, trước quốc dân, trước thế giới: Tôi chỉ có một đảng, đảng Việt Nam... Tôi cũng xin tuyên bố trước Quốc hội, trước quốc dân và trước thế giới: Chính phủ sau đây phải là một Chính phủ liêm khiết... phải là một Chính phủ biết làm việc, có gan góc, quyết tâm đi vào mục đích trong thì kiến thiết, ngoài thì tranh thủ độc lập và thống nhất của nước nhà...”
Ngày 31-10-1949, báo “Sự Thật” đăng bài “Rút kinh nghiệm, trao đổi kinh nghiệm” của Bác nêu lên vấn đề:
“Sau mỗi một việc cần phải rút kinh nghiệm. Kinh nghiệm riêng từng cán bộ, từng địa phương. Kinh nghiệm chung tất cả các cán bộ và các địa phương. Kinh nghiệm thất bại và kinh nghiệm thành công. Rồi tổng kết và phổ biến những kinh nghiệm ấy cho khắp tất cả cán bộ, tất cả địa phương. Mỗi cán bộ, mỗi địa phương sẽ học những kinh nghiệm hay, tránh những kinh nghiệm dở, áp dụng những kinh nghiệm cũ vào những công việc mới. Như vậy, khuyết điểm ngày càng bớt, ưu điểm ngày càng thêm, công việc sẽ rất mau tiến bộ.”
Ngày 31-10-1959, nói chuyện với Hội nghị rút kinh nghiệm công tác quản lý hợp tác xã sản xuất nông nghiệp toàn miền Bắc, Bác vạch rõ: “Trước hết ta cần nhận rõ mục đích của việc tổ chức hợp tác xã là gì? Là để cải thiện đời sống nông dân, làm cho nông dân được no ấm, mạnh khoẻ, được học tập, làm cho dân giàu, nước mạnh. Dân có giàu thì nước mới mạnh... Muốn ăn quả phải trồng cây. Muốn ăn no, mặc ấm, đời sống cải thiện, cần phải tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm. Muốn tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, phải tổ chức, quản lý hợp tác xã cho tốt.”
 |
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Hợp tác xã nông nghiệp Tân Lập, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây cũ (nay là thành phố Hà Nội). (Ảnh: hochiminh.vn) |
Ngày 31-10-1963, trong bài viết “Những chi bộ tốt và chi bộ chưa tốt” đăng trên báo Nhân Dân, Bác biểu dương những chi bộ tốt ở xã Cần Lộc (Thanh Hóa) và Làng Ló (Hà Bắc). Ở phần phân tích “những chi bộ chưa tốt”, bài báo viết: “Có tình trạng như thế là vì nhiều đồng chí cán bộ và đảng viên còn mang nặng chủ nghĩa cá nhân, tự tư tự lợi và chủ nghĩa địa phương, chỉ thấy lợi ích riêng mà không thấy lợi ích chung của Nhà nước.”
Ngày 31-10-1966, trong bữa tiệc đón tiếp đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ Cuba, Bác nói: “Nhân dân Việt Nam vô cùng phấn khởi có người bạn chiến đấu kiên cường, dũng cảm là nhân dân Cuba anh em, cùng kề vai sát cánh với mình trên tuyến đầu chống đế quốc Mỹ...”
(Sách Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày này năm xưa, NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2010)
Lời Bác dạy ngày này năm xưa
Đánh giá về bản chất, nguồn gốc sức mạnh của Đảng, vai trò, mối liên hệ mật thiết giữa chi bộ với quần chúng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Chi bộ là gốc rễ của Đảng ở trong quần chúng. Chi bộ tốt thì mọi chính sách của Đảng đều được thi hành tốt, mọi công việc đều tiến bộ không ngừng”.
Đây là lời của Hồ Chủ tịch được trích trong bài viết: “Những chi bộ tốt và chi bộ chưa tốt”, bút danh “T.L”, đăng Báo Nhân dân, số 3503 ngày 31-10-1963.
 |
Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí Tôn Đức Thắng, Lê Duẩn, Trường Chinh tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa III. (Ảnh: hochiminh.vn) |
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến mối quan hệ giữa cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Người luôn lo lắng làm sao chống lại nguy cơ Đảng xa rời cuộc sống, xa rời quần chúng, rơi vào thoái hóa, biến chất. Người nhấn mạnh rằng “đối với công tác xây dựng Đảng, cái gốc là chi bộ”, vai trò của chi bộ luôn đóng vai trò quan trọng hàng đầu bởi công cuộc cách mạng của dân tộc ta đều từ những việc nhỏ, bộ phận nhỏ xây dựng nên, không có những việc nhỏ, những bộ phận nhỏ cộng lại thì không thành việc lớn “giống như cái đồng hồ, nếu thiếu một cái đinh nhỏ cũng sẽ ảnh hưởng đến cả cái đồng hồ.” Trong tác phẩm “Thường thức chính trị”, Bác chỉ rõ chi bộ là “tổ chức gốc rễ của Đảng”, là “đồn lũy của Đảng chiến đấu ở trong quần chúng”, là “sợi dây chuyền để liên hệ Đảng và quần chúng”. Bác còn nói “các chi bộ mạnh tức là Đảng mạnh. Các chi ủy vững tức là chi bộ mạnh.”
Từ khi đảm đương vị trí đứng đầu của Đảng, Nhà nước, Hồ Chủ tịch đã luôn chú trọng vào công tác xây dựng tổ chức cơ sở Đảng. Ngày 7/11/1948, tại Chiến khu Việt Bắc, Bác và Trung ương Đảng đã quyết định thành lập Liên chi cơ quan Trung ương (nay là Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương). Sự ra đời của Liên chi quan Trung ương chính đã góp phần quan trọng trong việc đẩy mạnh công tác xây dựng và nâng cao chất lượng hoạt động của các chi bộ ở các cơ quan Trung ương. Dự Hội nghị Trung ương mở rộng chuẩn bị văn kiện cho Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng ngày 21-01-1960, Hồ Chủ tịch đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác Đảng ở các chi bộ cơ sở, coi chi bộ là tổ chức quyết định tới thành công hay thất bại của Đảng. Trong công cuộc vận động cán bộ ở Trung ương về xã tham gia cải tiến quản lý hợp tác xã, cải tiến kỹ thuật, tháng 4-1963, Bác yêu cầu phải rất chú ý “một việc cực kỳ quan trọng” là “củng cố, phát triển chi bộ cho tốt.” Vì chi bộ có vai trò quan trọng như vậy, muốn thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng thì phải chăm lo củng cố chi bộ. Khi “chi bộ tốt thì mọi chính sách của Đảng đều được thi hành tốt, mọi công việc đều tiến bộ không ngừng. Trái lại, nếu chi bộ kém thì công việc không trôi chảy.”
Bên cạnh đó, Bác còn viết rất nhiều bài báo nhằm tuyên truyền rộng rãi trong quần chúng nhân dân về vai trò của chi bộ và đảng viên trong chi bộ. Trong đó phải kể đến một loạt các bài đăng trên Báo Nhân dân với tiêu đề như: “Một chi bộ tốt ở nông thôn” (số 2518 ngày 9-2-1961), “Cần học những kinh nghiệm tốt” (số 2694 ngày 6-8-1961), “Nông dân ta ngày càng no ấm” (Số 2828 ngày 19-12-1961), “Chi bộ tốt thì mọi việc đều tốt” (số 2926 ngày 28-3-1962), “Đời sống nông thôn ngày càng tiến bộ” (số 3154 ngày 13-11-1962) và “Những chi bộ tốt” (31-10-1963), …
 |
Bác đến thăm các nhà máy, xí nghiệp và đơn vị bộ đội. (Ảnh: hochiminh.vn) |
Không chỉ dùng ngòi bút sắc bén để tuyên tuyền, Bác Hồ còn chủ trì nhiều cuộc họp quan trọng bàn về công tác chi bộ, trực tiếp đến thăm các địa phương, xí nghiệp, công – nông trường, hợp tác xã, bệnh viện, trại thương binh, đơn vị quân đội ở biên giới, hải đảo để nắm rõ tình hình hoạt động của các chị bộ, đảng viên trong tuyên truyền phổ biến và động viên hướng dẫn người dân thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước.
Ghi nhớ lời dạy của Bác, từ khi thành lập đến nay, Đảng ta luôn coi xây dựng chi bộ tốt, đội ngũ đảng viên tốt là nhiệm vụ thường xuyên, trọng yếu trong công tác xây dựng Đảng. Do vậy, chất lượng sinh hoạt, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của chi bộ không ngừng được nâng lên. Đội ngũ đảng viên trong quân đội phát triển cả về số lượng và chất lượng, luôn nêu cao tinh thần tiên phong gương mẫu, có phẩm chất đạo đức cách mạng, có ý thức tổ chức kỷ luật và năng lực hoàn thành các nhiệm vụ được giao; phát huy tốt tinh thần chủ động, sáng tạo, tự nguyện, tự giác, dám nghĩ, dám làm. Đặc biệt, cán bộ, đảng viên trong toàn quân tích cực đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng với những việc làm thiết thực, hiệu quả, sát chức trách, nhiệm vụ được giao, theo phương châm “trong trước, ngoài sau, trên trước, dưới sau” tạo sức lan tỏa sâu rộng trong cơ quan, đơn vị, thiết thực góp phần xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh, cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân
Ngày 31-10-1965, trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 1660 có đăng một bài viết với tiêu đề “Vĩnh Linh đón Huân chương Độc lập hạng Nhất – Hà Bắc nhận cờ thưởng luân lưu của Hồ Chủ tịch”. Bài viết nhắc đến những thành tích đáng tự hào của quân và dân huyện Vĩnh Linh và tỉnh Hà Bắc đã đạt được trong năm 1965 và lời hứa ra sức thi đua, đẩy mạnh sản xuất, sẵn sàng chiến đấu, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
“Trong một năm vừa qua, Vĩnh Linh đã bắn rơi 54 máy bay Mỹ, bắn chìm 5 tàu chiến của địch và bắt gọn nhiều toán gián điệp biệt kích. Vừa chiến đấu, vừa đẩy mạnh sản xuất, giành được nhiều thắng lợi chưa từng có…”
 |
Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 1660, ngày 31-10-1965. |
Cũng trong ngày năm 1967, trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 2309 đã đăng toàn văn hai bức thư cảm ơn của Luật sư Nguyễn Hữu Thọ và Ủy ban trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam gửi đến Hồ Chủ tịch và Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Trong đó có đoạn:
Nhân dịp này, Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam một lần nữa kính mến gửi đến Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và 17 triệu anh em máu mủ miền Bắc lời thề son sắt: 14 triệu đồng bào miền Nam dưới ngọn cờ quang vinh của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, quyết làm tròn nghĩa vụ tiền tuyến lớn của Tổ quốc, không sợ hy sinh gian khổ, không ngại lâu dài, quyết chiến đấu cho đến lúc không còn bóng của xâm lược Mỹ trên đất nước thân yêu của mình như lời Hồ Chủ tịch đã nói, để xứng đáng với lòng tin cậy và sự hi sinh không bờ bến của đồng bào miền Bắc trong sự nghiệp hết lòng, hết sức ủng hộ miền Nam.
 |
Hai bức thư cảm ơn của Luật sư Nguyễn Hữu Thọ và Ủy ban Trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam gửi đến Hồ Chủ tịch và Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đăng trên trang nhất Báo Quân đội nhân dân ngày 31-10-1967. |
Trang ba số 3034 Báo Quân đội nhân dân ra ngày 31-10-1969 đã dành để nói về việc các chiến sĩ trên cả nước học tập và làm theo Di chúc của Hồ Chủ tịch. Trong đó có bài thơ “Lên đường theo Bác dặn” của tác giả Trọng Khoát với những câu thơ tỏ lòng tiếc thương trước sự ra đi của Người:
Bác ơi, thương Bác thuở nào
Suối sâu soi bóng, đèo cao in hình
Một đời tận tụy hy sinh
Ra đi, để lại muôn tình nhớ thương…
 |
Bài thơ “Lên đường theo Bác dặn” của tác giả Trọng Khoát đăng trên Báo Quân đội nhân dân ngày 31-10-1969. |
QUỲNH OANH (Tổng hợp)