Đại bộ phận chiến sĩ Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam bị địch bắt, đưa về giam giữ ở nhà tù Xamkhae thuộc Vientiane và một số ít bị biệt giam tại trại giam Chinaimo, nằm trong khu vực do quân đội phái hữu quản lý. Ngay từ cuối tháng 7-1974, qua tin tức bí mật về cuộc trao trả tù binh, chi bộ đảng trong nhà tù Xamkhae của chúng tôi đã gấp rút chuẩn bị những tài liệu về hoạt động của chi bộ và phân công các đồng chí mang tài liệu về. Đặc biệt, chúng tôi thống nhất yêu cầu phải đưa tất cả anh em trở về.
Sáng 19-9-1974, khi tập trung trong sân nhà tù Xamkhae để đọc danh sách trao trả, chúng tôi không thấy danh sách của các đồng đội ở trại giam Chinaimo. Anh em nhà tù Xamkhae đã kiên quyết ngồi tại chỗ và không rời khỏi nhà tù nếu không có các đồng đội bị giam ở đó cùng trở về. Sau khi đại diện bên phái hữu thông báo là toàn bộ đồng đội ở Chinaimo cũng sẽ cùng được trao trả, nhưng được đưa thẳng từ trại giam ra sân bay, lúc đó chúng tôi mới chấp nhận lên đường. Khi được trao trả, chúng tôi gồm có 173 chiến sĩ Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam cùng với 9 bộ đội Pathet Lào.
 |
Các cựu chiến binh Ban liên lạc chiến sĩ Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam bị địch bắt tù đày tại chiến trường Lào trong lần gặp mặt tháng 9-2022. Ảnh: THỦY TIÊN |
Đường từ nhà tù Xamkhae ra sân bay Wattay đi ngang qua Vientiane. Đây là lần đầu tiên chúng tôi được nhìn thấy thủ đô tươi đẹp và yên bình của nước bạn, vì những lần trước đây, chúng tôi đều bị bịt mắt và còng tay. Chúng tôi, người bị giam cầm lâu nhất là gần 12 năm, ít nhất là gần 2 năm, nay mới được trở về Tổ quốc. Một cảm xúc lâng lâng, xúc động nghẹn ngào dâng lên trong lòng mỗi người...
Chúng tôi được chở từ sân bay Wattay đến sân bay Phonsavan bằng máy bay quân sự C-130 của quân đội phái hữu. Cuộc trao trả tù binh giữa hai bên sẽ được tiến hành với sự chứng kiến của đại diện Liên hợp quốc.
Khi đến nơi, sau một hồi chờ đợi, chúng tôi ra khỏi máy bay. Tất cả đều đồng loạt cởi hết quần áo tù vứt xuống đất, trên người chỉ còn cái quần xà lỏn, người khỏe dìu người yếu, những anh em bị thương tật nặng thì phải cáng. Chúng tôi đi trên con đường đất có hàng rào bằng dây vải quấn vào đầu cọc gỗ, có quân lính hỗn hợp của hai bên đứng gác dọc lối đi đến địa điểm trao trả.
Sau quãng đường khoảng 500-600m, chúng tôi đến một ngã ba, ở chính giữa có kê một dãy bàn cho đại diện hai bên và Liên hợp quốc ngồi. Lối rẽ trái đề biển “phái hữu Hoàng gia Lào”, lối rẽ phải đề biển “Mặt trận Lào yêu nước”. Theo quy ước chung giữa hai bên, tù binh có quyền rẽ theo bất cứ hướng nào mà họ muốn. Tất cả chiến sĩ Quân tình nguyện Việt Nam đều đồng lòng rẽ về bên phải, con đường trở về Tổ quốc thân yêu.
Ở cuối con đường, xe con đã chờ sẵn rồi đưa chúng tôi tới khu lán trại bằng tre nứa, lợp mái lá cách đó vài cây số. Tới nơi, chúng tôi xuống xe, hàng chục anh em mặc quân phục bộ đội ta ùa ra đón và dìu vào lán trại. Những câu đầu tiên chúng tôi nghe thấy bằng tiếng Việt là: “Chúng tôi đã xây dựng lán trại này từ hơn một năm nay rồi, để đón các anh trở về. Thế mà hôm nay mới đón được!”. Anh em tù binh và bộ đội ta ôm lấy nhau, mắt nhòa lệ.
Chúng tôi vào lán trại, ngồi xuống dãy bàn ghế bằng tre. Trước mặt mỗi người là một bát nước chè xanh xứ Nghệ nóng pha đường và một điếu thuốc lá Điện Biên bao bạc. Sau những tháng ngày gian khổ, giây phút này hạnh phúc biết bao! Sau đó, tất cả chúng tôi đứng dậy làm lễ chào cờ.
Đã không biết bao lần từ tuổi học trò, rồi trong quân ngũ, chúng tôi chào cờ Tổ quốc và hát Quốc ca. Nhưng đây là lần đầu tiên (và cũng là cuối cùng) chúng tôi làm lễ trong khi đang cởi trần. Chúng tôi đứng nghiêm, giơ tay chào và hát Quốc ca mà cảm giác vẫn như đang chỉnh tề trong bộ quân phục. Như có một dòng điện chạy dọc cơ thể, lan truyền trong từng thớ thịt chúng tôi là sự xúc động và tự hào trào dâng. Mắt rưng rưng, chúng tôi cùng nhau cúi đầu mặc niệm những đồng đội đã ngã xuống trong nhà tù đế quốc, không có may mắn được trở về đất mẹ.
Hai ngày sau, ngày 21-9-1974, đoàn xe đưa chúng tôi-các chiến sĩ Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam bị địch bắt tù đày-theo Quốc lộ 7A trở về đất nước. Dọc đường đi qua các bản làng, chúng tôi thấy cờ đỏ rợp trời cùng với khẩu hiệu “Nhiệt liệt chào đón đoàn quân chiến thắng trở về”. Trong mỗi chúng tôi tràn đầy niềm hân hoan và tự hào của những người lính Cụ Hồ đã hoàn thành nhiệm vụ quốc tế trong sáng trong những hoàn cảnh đầy hiểm nguy, thử thách, đòi hỏi ý chí kiên định, lòng dũng cảm, sự trung thành tuyệt đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.
HOÀNG SƠN ĐỈNH
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Tư liệu Hồ sơ xem các tin, bài liên quan.