Chuyên mục Ngày này năm xưa số ra ngày 7-8-2022 cũng được Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện dưới hình thức các tác phẩm phát thanh podcast và video clip trên Chuyên trang Media Báo Quân đội nhân dân Điện tử, trân trọng mời bạn đọc xem thêm. 

Một số sự kiện trong nước và quốc tế ngày 7-8

 Sự kiện trong nước

- Ngày 7-8-1971, Đảng ủy Bộ tư lệnh 300 (trực thuộc Bộ Tổng Tham mưu) họp phiên đầu tiên, ra nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ thành lập Đoàn 871. Từ đó đến nay, Đoàn 871 - Bộ Quốc phòng (nay là Đoàn 871 - Tổng cục Chính trị) lấy ngày 7-8 hằng năm là Ngày truyền thống. 

Đoàn 871 (Tổng cục Chính trị) tổ chức Hội thảo lịch sử kỷ niệm 50 năm Ngày truyền thống. Ảnh: qdnd 

Trước yêu cầu xây dựng quân đội tinh, gọn, mạnh đáp ứng nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, nhiệm vụ chính trị của đoàn có sự phát triển, số học viên đi học ngoài nước, học viên ngoại ngữ và học viên nước ngoài đào tạo tiếng Việt ngày càng tăng, trong khi tổ chức biên chế của đơn vị điều chỉnh theo hướng tinh, gọn nên cán bộ chỉ huy các cấp còn thiếu và có biến động, công tác bảo đảm về cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn... Để hoàn thành nhiệm vụ được giao, Đảng ủy, chỉ huy đoàn đã lãnh đạo, chỉ đạo đồng bộ các nội dung, giải pháp, phát huy vai trò của các tổ chức, lực lượng, tạo sức mạnh tổng hợp trong nâng cao chất lượng quản lý học viên.

Với những thành tích đã đạt được, Đoàn 871 được Nhà nước tặng: 2 Huân chương Chiến công (hạng Nhì, hạng Ba); 2 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc (hạng Nhì, hạng Ba); Nhà nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào tặng Huân chương Lao động hạng Nhất, Huân chương Hữu nghị và nhiều phần thưởng cao quý khác.

- Ngày 7-8-1943, Báo Thanh niên xuất bản tại Sài Gòn ra số đầu tiên. Tờ báo do kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát chủ trương, với sự cộng tác của nhiều tri thức, nghệ sĩ yêu nước như: Dương Tử Giang, Lưu Hữu Phước, Mạnh Phú Tư, Nguyên Hồng, Chế Lan Viên, Xuân Diệu... Tờ báo trở thành hạt nhân của phong trào thanh niên yêu nước Nam Bộ thời kỳ tiền khởi nghĩa. Số cuối cùng của tờ báo ra ngày 30-9-1944.

Vợ chồng Huỳnh Tấn Phát - Bùi Thị Nga tại chiến khu Tân Biên thời chống Mỹ cứu nước. Ảnh tư liệu 

- Ngày 7-8-1956, nước ta thành lập ngành dự trữ quốc gia. Hiện nay ngành dự trữ quốc gia có hệ thống kho tàng riêng biệt, chủng loại hàng phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ mới, phân phối đều trên các vị trí xung yếu.

Ngành có một trung tâm nghiên cứu khoa học công nghệ bảo quản, một trường chuyên đào tạo cán bộ kỹ thuật chuyên ngành bảo quản. Nǎm 1996 ngành được Nhà nước tặng Huân chương Độc lập hạng nhất.

- Ngày 7-8-1989, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công ký lệnh công bố Pháp lệnh về Tài nguyên khoáng sản. Pháp lệnh khẳng định: Tài nguyên khoáng sản là tài sản quốc gia vô cùng quý giá, phải được bảo vệ, sử dụng hợp lý nhằm bảo quản nhu cầu nguyên liệu khoáng sản trước mắt và lâu dài của sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội.

Ðồng chí Võ Chí Công trong một lần về thăm người dân huyện Hiệp Ðức, căn cứ cách mạng của Khu ủy Khu V. Ảnh tư liệu 

Bản pháp lệnh gồm 8 chương, với 36 điều. Các chương chính của pháp lệnh là: Điều tra địa chất; khai thác mỏ; bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác; thanh tra Nhà nước về tài nguyên khoáng sản; giải quyết tranh chấp.

Sự kiện quốc tế

- Ngày 7-8-1941 là ngày mất của nhà thơ, nhà vǎn hoá lỗi lạc của Ấn Độ Rabindranath Tagore. Ông sinh nǎm 1861 tại Kolkata. Thuở bé, Tagore thông minh, hiếu học. Ở tuổi thanh niên, Tagore đã dịch thông thạo nhiều tác phẩm của các nhà vǎn châu Âu, thích nghe kể sử thi và dân ca.

Chân dung nhà thơ Tagore. Ảnh tư liệu 

Sự nghiệp sáng tác vǎn học nghệ thuật của ông rất đồ sộ và nổi tiếng. Tagore là người đầu tiên ở châu Á được tặng giải thưởng Nobel về vǎn chương nǎm 1913 với tập "Thơ dâng". Ông để lại 52 tập thơ, 42 vở kịch, gần 100 truyện ngắn, hàng trǎm ca khúc, hàng nghìn bức họa đang được giữ gìn trong các bảo tàng mỹ thuật.

Theo dấu chân Người

- Ngày 7-8-1922, báo cáo của mật thám Pháp cho biết Nguyễn Ái Quốc dự họp Chi bộ Đảng Cộng sản Pháp quận 17 và đi bán báo “Le Paria” (Người cùng khổ).

Tờ báo cách mạng Le Paria thực hiện sứ mệnh giải phóng con người, do Nguyễn Ái Quốc và các đồng chí của Người sáng lập và phát hành được 38 số trong thời gian từ tháng 4-1922 đến tháng 4-1926. Ảnh tư liệu 

- Ngày 7-8-1953, Bác đến nói chuyện với lớp chỉnh huấn của các nhân sĩ, trí thức đang công tác tại các cơ quan của Trung ương. Sau khi giải đáp những thắc mắc về tiền đồ kháng chiến, Bác kết luận: “Trong lúc khó khăn của dân tộc, khí tiết của người cán bộ là không sợ gì hết, không sợ kẻ địch, không sợ khó khăn gian khổ. Cái gì khó khăn, cực khổ, cán bộ phải xung phong làm trước. Muốn cho xứng đáng là người cán bộ cách mạng, mong các cô, các chú phải có khí tiết ấy”.

- Ngày 7-8-1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện mừng tới các nhà lãnh đạo Liên Xô nhân dịp phóng thành công tàu vũ trụ Phương Đông 2 do Anh hùng vũ trụ G.Titốp (German Titov) điều khiển, người sau này được Việt Nam phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động và làm Chủ tịch Hội Hữu nghị Xô - Việt.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với phi hành gia G.Titốp. Ảnh tư liệu 

- Ngày 7-8-1964, Bác dự Lễ tuyên dương công trạng của các đơn vị không quân và hải quân đã lập chiến công đánh thắng trận đầu vào các ngày 2-8 và 5-8 khi đế quốc Mỹ phát động cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc nước ta. Trong bài phát biểu, Bác đưa ra thông điệp: “Nhân dân ta rất yêu chuộng hòa bình, nhưng nếu đế quốc Mỹ và tay sai xâm phạm đến miền Bắc nước ta, thì toàn dân ta nhất định sẽ đánh bại chúng”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Lễ tuyên dương công trạng vào ngày 7-8-1964. Ảnh tư liệu 

Lời Bác dạy ngày này năm xưa

“Quản lý bộ đội tốt, bảo đảm đời sống vật chất và tinh thần tốt trong mọi hoàn cảnh”.

Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh được trích trong bài nói tại Đại hội Thi đua “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược của các lực lượng vũ trang nhân dân” tổ chức ngày 7- 8- 1965 tại Thủ đô Hà Nội. Đây là đại hội đầu tiên của các đơn vị anh hùng, chống Mỹ cứu nước. Tại đại hội này có 367 đơn vị quân đội, công an vũ trang và dân quân tự vệ toàn miền Bắc được tặng danh hiệu Đơn vị Quyết thắng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm và nói chuyện tại Đại hội Anh hùng, chiến sĩ thi đua chống Mỹ cứu nước lần thứ 4 (30-12-1966). Ảnh tư liệu 

Là người sáng lập và rèn luyện Quân đội ta trưởng thành, lớn mạnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến sự nghiệp xây dựng, phát triển quân đội một cách toàn diện, chính quy, hiện đại; Người đã dành cả tấm lòng thương yêu vô bờ như tình cảm cha con, bác cháu, đồng chí cho toàn thể cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam với sự quan tâm ân cần đặc biệt về mọi mặt.

Học tập và làm theo lời Bác Hồ dạy “Quản lý bộ đội tốt, bảo đảm đời sống vật chất và tinh thần tốt trong mọi hoàn cảnh”, cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy các cấp trong toàn quân luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, làm tốt công tác giáo dục, quản lý, rèn luyện và chăm lo bảo đảm tốt đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội.

Các đơn vị đã làm tốt công tác quản lý bộ đội từ khâu tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ và trong suốt quá trình tại ngũ của người quân nhân với quy trình chặt chẽ, thống nhất; các đơn vị đóng quân và làm nhiệm vụ ở vùng biên giới, hải đảo, nhà giàn DK1… cấp ủy, chỉ huy đơn vị đã có nhiều chủ trương, giải pháp, mô hình, cách làm sáng tạo để bảo đảm tốt nhất đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội bảo đảm cho mọi cán bộ, chiến sĩ yên tâm công tác, gắn bó với đơn vị, nhiều phong trào, mô hình đã được triển khai đạt hiệu quả thiết thực trên thực tế, tiêu biểu: “Đơn vị là nhà, đồng đội là người thân”, “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, bà con các dân tộc là anh em ruột thịt”, “Đảo là nhà, tàu là nhà, biển cả là quê hương”…; cán bộ, chiến sĩ toàn quân luôn tin tưởng và chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, điều lệnh, điều lệ, kỷ luật của quân đội; có phẩm chất đạo đức cách mạng trong sáng, có ý chí, nghị lực phấn đấu đúng đắn, thường xuyên, liên tục, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân

Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 7-8-1970 có đăng Lời của Hồ Chủ tịch “Hễ còn một tên xâm lược trên đất nước ta, thì ta còn phải tiếp tục chiến đấu, quét sạch nó đi”.

Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 7-8-1970.

 

TUẤN ĐIỆP (tổng hợp)