Chuyên mục Ngày này năm xưa số ra ngày 4-6-2022 cũng được Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện dưới hình thức các tác phẩm phát thanh podcast và video clip trên Chuyên trang Media Báo Quân đội nhân dân Điện tử, trân trọng mời bạn đọc xem thêm.
Một số sự kiện trong nước và quốc tế ngày 4-6
Sự kiện trong nước
- Ngày 4-6-1930, nhà cách mạng Châu Vǎn Liêm hy sinh. Ông là một trong những người tham gia hội nghị hợp nhất và sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam. Tại địa bàn liên tỉnh Gia Định - Chợ Lớn sau hội nghị hợp nhất, dưới sự lãnh đạo của đồng chí Châu Văn Liêm nhiều cuộc biểu tình, đấu tranh đã diễn ra. Ngày 4-6-1930, đồng chí Châu Văn Liêm chỉ đạo các cuộc biểu tình của nông dân ở Bà Hom, Bến Lức (Chợ Lớn), Hóc Môn (Gia Định) và đồng chí trực tiếp lãnh đạo cuộc đấu tranh tại Đức Hòa (Long An).
 |
Nhà cách mạng Châu Vǎn Liêm hy sinh ngày 4-6-1930. Ảnh: baotanglichsu.vn. |
Ở Đức Hòa, lính tỉnh và quận được điều đến, chĩa súng vào đoàn biểu tình. Tuy nhiên, đoàn biểu tình không nao núng, vẫn kiên quyết tiến lên. Trước sức mạnh của quần chúng, kẻ thù đã hoảng sợ và nổ súng bắn vào người dẫn đầu là đồng chí Châu Văn Liêm. Chiến sĩ cách mạng Châu Văn Liêm hy sinh khi mới 28 tuổi. Sự hy sinh của đồng chí là một tổn thất lớn lao đối với nhân dân Nam Bộ, Đảng và cách mạng Việt Nam.
- Ngày 4-6-1945, Tổng bộ Việt Minh triệu tập Hội nghị cán bộ và tuyên bố thành lập khu giải phóng. Khu giải phóng Việt Bắc được thành lập và đặt dưới sự lãnh đạo của Ủy ban chỉ huy lâm thời, trở thành căn cứ địa của cả nước.
- Ngày 4-6-1951, Chính phủ thông qua chủ trương và điều lệ thuế nông nghiệp.
- Ngày 4-6-1962, thành phố Việt Trì trực thuộc tỉnh Phú Thọ được thành lập. Theo Quyết định số 65-CP của Hội đồng Chính phủ, thành phố Việt Trì gồm thị xã Việt Trì và 4 xã Minh Khai, Tân Dân, Lâu Thượng và Minh Phương.
- Ngày 4-6-1985, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Trường Chinh ký Pháp lệnh số 16-LCT/HDDNN7 về Quy định Giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà nước.
Sự kiện quốc tế
- Ngày 4-6-1896, Henry Ford thử nghiệm lái chiếc xe bốn bánh đầu tiên do mình thiết kế. Cuộc thử nghiệm diễn ra vào lúc 4 giờ sáng, ở khu vực nhà kho phía sau nhà Henry Ford trên Đại lộ Bagley ở Detroit. Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, mở ra kỷ nguyên xe hơi do chính Henry Ford là người thiết kế các mẫu xe và đưa vào khai thác thương mại sau này.
 |
Chiếc xe bốn bánh đầu tiên do Henry Ford sáng chế. Ảnh: Ford. |
- Ngày 4-6-1945, Liên Xô, Mỹ, Anh và Pháp ký thỏa thuận chia đôi nước Đức sau Chiến tranh thế giới thứ II.
- Ngày 4-6-1973, ba nhà phát minh ra máy ATM (máy rút tiền tự động) là Don Wetzel, Tom Barnes và George Chastain được cấp bằng sáng chế.
Máy ATM (Automatic Teller Machine) là thiết bị giao dịch ngân hàng tự động cho phép khách hàng thực hiện việc kiểm tra tài khoản, rút tiền mặt, chuyển khoản, thanh toán tiền cho hàng hóa và dịch vụ thông qua thẻ ATM. Thẻ ATM có thể được phát hành dưới dạng thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng sử dụng mã từ hoặc dùng chip.
- Ngày 4-6-2000, một trận động đất 7,9 độ Richte xảy ra tại khu vực ngoài khơi bờ biển phía nam Sumatra, Indonesia gần đảo Enggano khiến khoảng 100 người chết và phá hủy hàng loạt các công trình lớn ở tỉnh Bengkulu. Trận động đất cũng khiến khu vực xảy ra hơn 730 cơn dư chấn chỉ 11 phút sau cơn chấn động chính.
Theo dấu chân Người
- Ngày 4-6-1946, Báo Cứu quốc số 257 đăng “Thư gửi Chính phủ Việt Nam” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nội dung thư ngắn gọn, thông báo tới Chính phủ và toàn dân Việt Nam ngày 2-6-1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh và đoàn công tác trong chuyến thăm chính thức nước Pháp đã đến Calcutta (Ấn Độ) và nhờ Chính phủ cảm ơn đồng bào ta và các bạn người Pháp đã tiễn đoàn ở Gia Lâm.
 |
Ngày 9-6-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ghé thăm Kim tự tháp Sekheat (Ai Cập) trên đường sang thăm chính thức nước Pháp. Ảnh: hochiminh.vn. |
- Ngày 4-6-1946, tiếp tục chuyến thăm Pháp, Bác tới thành phố Agra của Ấn Độ và đi thăm một số địa danh nổi tiếng, trong đó có lâu đài Delhi Cate và lăng Taj Mahan.
- Ngày 4-6-1961, Báo Nhân Dân số 2631 đăng bài viết của Bác có tiêu đề “Tình hình thế giới” dưới bút danh T.L. Bài viết phân tích những sự kiện thời sự trong tháng 5, chỉ rõ hai vấn đề nổi bật là: “Phong trào giải phóng dân tộc và phong trào hòa bình đã giành thêm một thắng lợi mới” và “Đế quốc Mỹ tự lột trần mặt nạ xấu xa của chúng”. Bác cũng nhắc nhở “toàn dân ta từ Nam đến Bắc, từ thành thị đến nông thôn, đều phải luôn luôn nâng cao cảnh giác” và khẳng định rằng “Trước kia, nhân dân ta đã thắng thực dân Pháp. Nhân dân ta tỉnh táo thì nhất định sẽ phá tan âm mưu đế quốc Mỹ ngày nay”.
(Sách Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày này năm xưa, NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật, 2010 và Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia - Sự Thật, 2010).
Lời Bác dạy ngày này năm xưa
Báo Cứu quốc số 2092 ra ngày 4-6-1952 đăng bài “Đạo đức lao động” của Chủ tịch Hồ Chí Minh với bút danh Đ.X. Bài báo đưa ra ý kiến về lao động và người lao động và cũng như phong trào thi đua.
Lao động là hoạt động ra đời từ khi loài người có mặt trên trái đất này. Chính nhờ lao động mà con người tiến hóa, bứt lên đứng đầu chuỗi thức ăn và hình thành nên xã hội có tổ chức, văn minh, hiện đại như ngày nay. Có thể nói lao động chính là nhân tố quyết định sự phát triển của loài người, là quá trình sáng tạo không ngừng, liên tục làm những cái mới, giúp xã hội loài người ngày càng tiến bộ hơn. Dù là lao động chân tay hay lao động trí óc thì lao động bao giờ cũng là vinh quang và đáng tự hào, bởi lao động là hành động thực tế đóng góp cho cuộc sống của chính bản thân người lao động và xã hội, phục vụ bản thân người lao động và phục vụ xã hội.
 |
Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng về đạo đức lao động. Ảnh: hochiminh.vn. |
Trong lao động, Bác đặc biệt nhấn mạnh vai trò của phong trào thi đua. Theo Người, “phong trào thi đua làm cho người ta thay đổi thái độ đối với lao động” và “lao động là sự nghiệp quang vinh, vẻ vang, vui thú và anh dũng”. Phong trào thi đua giúp cho người lao động còn chưa tốt, chưa hiệu quả do chưa bố trí, sắp xếp thời gian khoa học, hợp lý có hướng phấn đấu hiệu quả hơn, có mục tiêu phấn đấu, định hướng rõ ràng. Những người nổi bật trong lao động sẽ là nguồn động lực khuyến khích những ai còn chưa đạt được hiệu quả, lấy đó làm dấu mốc để phấn đấu.
Trong bài báo, Bác cũng nhấn mạnh tính hiệu quả do tận dụng tối đa thời gian làm việc. Bác nói sở dĩ những chiến sĩ thi đua được vinh danh là do họ là những người gương mẫu làm việc đứng đắn và thiết thực, “Họ quý trọng thời giờ. Trong công tác chẳng những họ không lãng phí một phút nào, mà cũng không lãng phí một giây nào”.
Lời dạy của Bác cách đây 70 năm đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nắm vững tư tưởng “lao động là vinh quang” của Bác, làm tốt các chức năng của mình. Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội Viettel là ví dụ điển hình cho Quân đội trong thực hiện tốt chức năng “đội quân lao động sản xuất”. Trong khi đó, các quân khu, quân đoàn quán triệt và thực hiện nghiêm túc mọi nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, không để rơi vào thế bị động trong tác chiến khi xảy ra tình huống. Công tác dân vận cũng được tiến hành hiệu quả, đặc biệt là trong phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, với phương châm giúp dân khắc phục sự cố, thiên tai cũng là thực hiện chức năng chiến đấu – lao động đặc thù của quân đội.
Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân
 |
Trang 2 Báo Quân đội nhân dân số 2161 ra ngày 4-6-1967. |
Trang 2 Báo Quân đội nhân dân số 2161 ra ngày 4-6-1967 đăng bài “Thắng lợi to lớn của chiến tranh du kích miền Nam trong Đông-Xuân 1966-1967”. Mở đầu bài báo là lời Bác Hồ về chiến tranh du kích: “Du kích là một lực lượng cực kỳ to lớn trong chiến tranh giải phóng dân tộc. Sức du kích thật mạnh thì chiến tranh giải phóng đất nước nhất định thắng lợi”.
Chiến thắng Đông-Xuân của quân và dân miền Nam năm 1966-1967 là thắng lợi toàn diện cả về mặt chính trị và quân sự. Riêng về mặt đấu tranh vũ trang thì đây là thắng lợi to lớn của cuộc chiến tranh du kích và bài học của chiến tranh du kích ở miền Nam được tóm lại trong 4 vấn đề chính: Chiến tranh du kích miền Nam được tiến hành dựa trên cơ sở đường lối đấu tranh quân sự và chính trị đúng đắn và quyết tâm cao; có sự chuẩn bị kỹ càng về tư tưởng để toàn dân đánh giặc; mạng lưới các đội du kích thôn xã rất thiện chiến và rộng khắp; phát triển sáng tạo cách đánh du kích để ai cũng có thể đánh được và có thể đánh giặc với bất cứ vũ khí gì.
Nội dung bài báo đã khẳng định tính đúng đắn của tư tưởng Hồ Chí Minh về chiến tranh du kích, thể hiện trong Chiến thắng Đông-Xuân của quân và dân miền Nam.
HỮU DƯƠNG (tổng hợp)