Chuyên mục Ngày này năm xưa số ra ngày 4-1-2022 cũng được Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện dưới hình thức các tác phẩm phát thanh podcast tại đây và video clip trên Chuyên trang Media Báo Quân đội nhân dân Điện tử, trân trọng mời bạn đọc xem thêm.
Một số sự kiện trong nước và quốc tế ngày 4-1:
Sự kiện trong nước
Từ ngày 4 đến 7-1-1983, Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng họp và ra Nghị quyết về "Công tác thủ đô Hà Nội". Bản nghị quyết nhấn mạnh Hà Nội là trung tâm đầu não về chính trị, trung tâm lớn nhất về vǎn hóa, khoa học - kỹ thuật, và là một trung tâm lớn về kinh tế.
Nghị quyết chỉ rõ: Xây dựng Hà Nội xứng đáng với vị trí quan trọng của nó là yêu cầu khách quan của sự nghiệp Cách mạng xã hội chủ nghĩa và Xây dựng Chủ nghĩa xã hội trên đất nước ta, đồng thời là trách nhiệm và nguyện vọng tha thiết của nhân dân cả nước.
Ngày 4-1-2010: Thành lập Công ty Cổ phần Kho vận Tân Cảng (thuộc Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn, Quân chủng Hải quân).
 |
Lễ kỷ niệm 10 năm Ngày thành lập Công ty Cổ phần Kho vận Tân Cảng và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì của Chủ tịch nước. Ảnh: Qdnd.vn |
Công ty ra đời nhằm đáp ứng yêu cầu chiến lược phát triển chuỗi logistics và các nhóm giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ hậu cần Cảng, phù hợp với tiến trình đổi mới của doanh nghiệp Nhà nước và Quân đội.
Với chức năng - nhiệm vụ chính là phát triển thị trường, khách hàng, mở rộng dịch vụ kinh doanh kho, bãi, xếp dỡ và vận tải, kết nối chuỗi cung ứng logistics từ sản xuất đến tiêu dùng, từ thị trường nội địa đến thị trường quốc tế và ngược lại trong chuỗi cung ứng chung của Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn.
Sự kiện quốc tế
Ngày 4-1-1643: Ngày sinh Isaac Newton, nhà vật lý, nhà thiên văn học, nhà triết học, nhà toán học, nhà thần học và nhà giả kim người Anh, nhân vật được cho là có ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử khoa học nhân loại.
 |
Nhà bác học người Anh Isaac Newton. Ảnh: Wikipedia |
Nǎm 17 tuổi Isaac Newton đã tìm ra nhị thức trong toán học giải tích gọi là "Nhị thức Newton". Cống hiến lớn nhất khiến tên tuổi ông trở thành bất tử là "Nguyên lý vạn vật hấp dẫn". Đây là nguyên lý cơ sở cho những phát minh vật lý, cơ học, thiên vǎn học trong nhiều thế kỷ. Ông là Chủ tịch Hội khoa học hoàng gia Anh, là hội viên danh dự của nhiều hội khoa học và viện sĩ của nhiều viện hàn lâm. Ông mất ngày 31-3-1727.
Ngày 4-1-1948, Anh trao trả độc lập cho Myanmar và ngày này cũng chính là ngày Quốc khánh của nước Cộng hòa Liên bang Myanmar.
Ngày 4-1-1984, tại Phnôm Pênh, Vương quốc Campuchia đã tổ chức lễ khánh thành Tượng đài các chiến sĩ quốc tế Việt Nam.
Đây là một công trình vǎn hóa ghi nhớ tình hữu nghị anh em, tình đoàn kết chiến đấu và sự hy sinh cao cả của các chiến sĩ tình nguyện Việt Nam vào sự nghiệp giải phóng dân tộc Campuchia khỏi họa diệt chủng của bè lũ Pol Pot-Ieng Sary, góp phần xây dựng nhà nước Campuchia độc lập và hữu nghị.
Ngày 4-1-2010: Khánh thành toà nhà chọc trời giữ 17 kỷ lục thế giới Burj Khalifa cao 828m, gồm 164 tầng ở khu phức hợp Downtown Dubai tại Dubai, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất.
 |
Tháp Burj Khalifa. Ảnh: CNN |
Theo dấu chân Người
Ngày 4-1-1920, Nguyễn Ái Quốc đi xem một cuộc triển lãm hàng không tại Pari cùng với một người tên là Jean. Nhưng Jean lại chính là một viên mật thám nên trong báo cáo gửi cấp trên y cho biết: Ông Quốc đã ở 6 năm tại Mỹ, 4 năm ở bên Anh, ông đã làm bất cứ nghề gì để sống và để học hỏi. Ông đã để ý đặc biệt vấn đề chính trị thuộc địa của người Anh và Mỹ, Tây Ban Nha cùng Italia. Ông nói và viết được tiếng Anh, đọc được tiếng Italia và Tây Ban Nha...
Ngày 4-1-1924, Tờ “La Vie d’ Ouvrière” (Đời sống công nhân) ở Pháp đăng một lúc 2 bài báo của Nguyễn Ái Quốc lúc này đang ở Liên Xô, viết về “Tình cảnh của người nông dân An Nam” và “Tình cảnh của người nông dân Trung Quốc”.
Khi đề cập tình cảnh người nông dân trên Tổ quốc của mình, Nguyễn Ái Quốc khẳng định: “... Là người An Nam, họ bị áp bức; là người nông dân, họ bị người ta ăn cắp, cướp bóc, tước đoạt, làm phá sản. Chính họ là những người phải làm mọi công việc nặng nhọc, mọi thứ lao dịch. Chính họ làm ra cho lũ người ăn bám, lũ người lười biếng, lũ người đi khai hóa và những bọn khác hưởng mà chính họ thì lại phải sống cùng khổ trong khi những tên đao phủ của họ sống rất thừa thói; hễ mất mùa thì họ chết đói... đế quốc Pháp đã đem vào An Nam tất cả cái chế độ trung cổ đáng nguyền rủa,...”.
Còn tình cảnh của người nông dân Trung Quốc cũng chịu hậu quả bởi chế độ quân phiệt, ách bóc lột địa tô của chế độ cũ cộng với sự bóc lột của chế độ tư bản cũng như bộ máy quan liêu. Bài báo kết luận rằng: “Muốn xóa bỏ tất cả những điều đó, các đồng chí Trung Quốc của chúng ta phải tiến hành mạnh mẽ một cuộc vận động khẩn trương để giáo dục quần chúng, làm cho quần chúng thấy thật rõ sức mạnh của mình, quyền lợi của mình, và có đủ khả năng thực hiện được khẩu hiệu “Tất cả ruộng đất về tay nông dân!”.
Có thể nói rằng, vấn đề nông dân và giải phóng người nông dân là mối quan tâm hàng đầu của Nguyễn Ái Quốc trong thời gian học tập lý luận tại nước Nga Xô viết cũng như trong thực tiễn vận động cách mạng sau này.
 |
Bác Hồ thăm nông dân đang gặt lúa trên cánh đồng xã Hùng Sơn, (huyện Đại Từ, Thái Nguyên) vào năm 1954. Ảnh: Tư liệu TTXVN |
Ngày 4-1-1946, Bác Hồ viết thư yêu cầu và khích lệ các ứng cử viên ra mắt tiếp xúc với cử tri tại nơi công cộng và gặp một số nhân vật của Bộ Ngoại giao Chính phủ Trung Hoa Dân quốc tại Hà Nội nhằm tranh thủ sự ủng hộ nền độc lập của Việt Nam trong bối cảnh Pháp và Trung Hoa đang mặc cả với nhau về lợi ích ở Đông Dương.
Ngày 4-1-1966, Báo “Nhân Dân” đăng bài “Quân Mỹ chết nhăn răng, tướng Mỹ nhăn răng cười”. Bằng cách viết hài hước nhưng căn cứ vào những số liệu và dẫn liệu rất cụ thể, Bác phân tích thế của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam đang xuống vì “chúng thiếu một thứ vũ khí quan trọng nhất, chúng thiếu tinh thần”.
(Sách Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày này năm xưa, NXB Chính trị quốc gia - Sự thật, 2010)
Ngày 4-1-1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội. Phát biểu với các đại biểu về nhiệm vụ của Hội đồng, Người nhấn mạnh: Hội đồng nhân dân thành phố trước hết phải phản ánh được mọi nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân và truyền đạt những chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ đến với nhân dân, biến những chủ trương, chính sách đó thành hành động của nhân dân. Hội đồng nhân dân phải hết sức gần gũi, quan tâm đến đời sống nhân dân, thực hành Cần - Kiệm - Liêm - Chính, luôn luôn nghĩ rằng mình là người đầy tớ của nhân dân và ra sức phục vụ nhân dân.
(Chủ tịch Hồ Chí Minh với Thủ đô Hà Nội, Sở Văn hóa – Thông tin Hà Nội, 1985, tr. 30)
Lời Bác dạy ngày này năm xưa
Trong bài nói chuyện tại Hội nghị trí thức Việt Nam chống Mỹ, cứu nước (tổ chức tại Hà Nội, từ ngày 4 đến ngày 6-1-1966), được đăng trên Báo Nhân dân, số 4296, ngày 8 tháng 1-1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định:
“Trong phong trào thi đua chống Mỹ, cứu nước, công nhân có cuộc vận động “3 xây, 3 chống”, nông dân có cuộc vận động “cải tiến quản lý hợp tác xã, cải tiến kỹ thuật”, phụ nữ có phong trào “ba đảm đang”, thanh niên có phong trào “ba sẵn sàng”, phụ lão ở một số nơi có phong trào “bạch đầu quân”. Những cuộc vận động ấy, nảy nở nhiều con người mới rất anh hùng. Anh chị em trí thức ta cũng nên có cuộc vận động để góp phần vào phong trào chung đó. ”
(Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị quốc gia - Sự thật, 2011)
 |
Bác Hồ nói chuyện thân mật với trí thức ngành Y (3-1964). Ảnh: Tư liệu TTXVN |
Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời điểm ấy, không chỉ đặt ra yêu cầu đối với đội ngũ trí thức, mà còn định hướng, thôi thúc, dấy lên phong trào "người người thi đua, ngành ngành thi đua, ngày ngày thi đua" của mọi người, mọi ngành, mọi cấp, góp phần quan trọng vào thắng lợi của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, cách mạng giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà.
Trong giai đoạn hiện nay, phong trào thi đua yêu nước của các hội trí thức từ Trung ương đến địa phương đã có bước phát triển sâu rộng, tạo động lực, đòn bẩy tinh thần, khích lệ, động viên, cổ vũ hội viên trí thức phát huy tính tích cực, chủ động sáng tạo, nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Đặc biệt, những năm qua, các tổ chức hội trí thức đã quan tâm, ghi nhận, tôn vinh những điển hình tiên tiến, có công lao, đóng góp xuất sắc trong hoạt động; qua đó tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được, đẩy mạnh hơn nữa phong trào thi đua yêu nước "đoàn kết, sáng tạo" cống hiến sức lực, trí tuệ, vì mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".
Trong quân đội, tinh thần thi đua yêu nước được cụ thể hóa thành phong trào thi đua quyết thắng, gắn chặt chẽ với các cuộc vận động, các phong trào thi đua của các ngành, các cấp; khơi dậy tinh thần chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, sẵn sàng hy sinh quên mình của cán bộ, chiến sĩ trên tuyến đầu của Tổ quốc, nơi đầu sóng ngọn gió để canh trời, bám biển vì bình yên của Tổ quốc; tinh thần cháy bỏng khát vọng và đam mê của những nhà khoa học, cán bộ nghiên cứu; tinh thần miệt mài, tích cực, sáng tạo của những người thợ mặc áo lính trong nhà máy, xí nghiệp, góp phần hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao, thực hiện tốt chức năng đội quân chiến đấu tuyệt đối trung thành của Đảng, của nhân dân trong thời kỳ mới.
 |
Các y, bác sĩ vận chuyển thiết bị y tế vào Bệnh viện dã chiến truyền nhiễm số 5D. Ảnh: Qdnd.vn |
Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp thời gian qua, cán bộ, chiến sĩ toàn quân đã phát huy tinh thần yêu nước, không quản ngại khó khăn, gian khổ, hy sinh, vừa huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, vừa tích cực, chủ động tham gia phòng, chống dịch hiệu quả, hạn chế thấp nhất những thiệt hại do dịch bệnh gây ra, không để dịch bệnh lây lan trong cơ quan, đơn vị; góp phần ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh tại nhiều nơi có ổ dịch lớn, nhiều tâm dịch được kiểm soát, giúp nhân dân trở lại cuộc sống bình thường…
Sự cống hiến, hy sinh của cán bộ, chiến sĩ toàn quân trong phòng, chống dịch đã góp phần làm đẹp thêm hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ, bộ đội của nhân dân, gắn bó máu thịt với nhân dân, sẵn sàng hy sinh vì nhân dân.
Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân
Ngày 4-1-1962, trên trang nhất Báo Quân đội nhân dân đã đăng trang trọng Lời Hồ Chủ tịch chúc tết đồng bào cả nước. Trong đó có đoạn:
“Nhân dịp năm mới, tôi thân ái gửi lời hỏi thăm đồng bào ruột thịt miền Nam đang dũng cảm giương cao ngọn cờ vẻ vang giải phóng dân tộc và bảo vệ hòa bình.
Chúng ta luôn luôn chủ trương rằng: Thống nhất nước Việt nam là sự nghiệp thiêng liêng của toàn dân Việt Nam. Đại diện của hai miền có thể gặp nhau, cùng nhau bàn bạc, tìm con đường tốt nhất để hòa bình thống nhất Tổ quốc, trên cơ sở độc lập, dân chủ như hiệp nghị Giơ-ne-vơ đã quy định.
Chúng ta kiên quyết chống đế quốc Mỹ can thiệp vào nội bộ của nước ta.
Tôi nhiệt liệt khen ngợi toàn thể đồng bào ở miền Bắc đã hăng hái thi đua xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Năm mới, nền kinh tế của ta càng phát triển, tiến bộ càng to lớn. Nhưng yêu cầu và khó khăn còn nhiều. Đó là những khó khăn của sự trưởng thành.
Phải vượt khó khăn hiện tại để hưởng lợi muôn đời. Đồng bào ta: công nhân, nông dân, trí thức, bộ đội, cán bộ... hãy nâng cao tinh thần làm chủ nước nhà, hãy ra sức thi đua tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, hoàn thành tốt kế hoạch Nhà nước năm 1962; phải luôn luôn nâng cao cảnh giác, giữ gìn trật tự an ninh, đoàn kết phấn đấu đưa miền Bắc tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội, làm cơ sở vững mạnh cho công cuộc đấu tranh hòa bình thống nhất nước nhà.
Tôi thân ái gửi lời hỏi thăm kiều bào ta ở nước ngoài, và chúc kiều bào đoàn kết tiến bộ, hết lòng phục vụ Tổ quốc…”
 |
Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 4-1-1962. |
Ngày 4-1-1988, trên trang hai Báo Quân đội nhân dân đăng bài viết: “Bác Hồ nói về xây dựng Đảng, Chính quyền, Quân đội”. Trong đó trích đăng một phần bài viết của Bác năm 1952 về “Thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu”.
 |
Trang 2 Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 4-1-1988. |
KIM GIANG (tổng hợp)