Chuyên mục Ngày này năm xưa số ra ngày 30-11-2022 cũng được Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện dưới hình thức các tác phẩm phát thanh podcast và video clip trên Chuyên trang Media Báo Quân đội nhân dân Điện tử, trân trọng mời bạn đọc xem thêm.

Một số sự kiện trong nước và quốc tế ngày 30-11

Sự kiện trong nước

- Ngày 30-11-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 229/SL, quy định các cơ quan quân sự trên toàn quốc đặt dưới quyền của Bộ Quốc phòng. Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh 230/SL, bổ nhiệm đồng chí Võ Nguyên Giáp giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng - Tổng chỉ huy. Hai sắc lệnh trên nhằm thống nhất sự chỉ huy của quân đội ta trong cả nước, phục vụ cho cuộc kháng chiến của nhân dân ta chống thực dân Pháp xâm lược.

leftcenterrightdel
 Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các đồng chí lãnh đạo Quân ủy Trung ương theo dõi diễn biến Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975. Ảnh tư liệu

 - Ngày 30-11-1959, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh có nhan đề: “Xaluy thành Xalô” hay là mâu thuẫn giữa Mỹ và Pháp, ký bút danh T.L., đăng Báo Nhân Dân, số 2084, nêu rõ mâu thuẫn giữa các nước đế quốc thực dân ngày càng tăng.

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 50/SL, tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất cho ông Đàm Văn Nghị (tức Lê Tòng) Chủ tịch Ủy ban hành chính tỉnh Cao Bằng đã có nhiều công lao trong kháng chiến.

- Ngày 30-11-1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Trường trung học số 405 ở Moscow. Sau khi đi xem các cơ sở vật chất của trường, Người thăm hỏi tình hình giảng dạy, học tập của nhà trường và chụp ảnh kỷ niệm với các cháu học sinh.

leftcenterrightdel

Chủ tịch Hồ Chí Minh với thiếu nhi Liên Xô tại Trại hè Quốc tế Artek bên bờ Biển Đen, trên bán đảo Crimea, ngày 23-8-1957. Ảnh: TTXVN 

- Ngày 30-11-1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện tới Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Xã hội thống nhất Đức Walter Ulbricht báo tin đã nhận được thư của ông đề ngày 24-10-1962, cho biết về thời gian sẽ tiến hành Đại hội lần thứ VI Đảng Xã hội thống nhất Đức, kèm theo bản dự thảo báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương và dự thảo Điều lệ Đảng sẽ trình bày trước Đại hội. Người cảm ơn, đồng thời thông báo rằng Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đã cử một đoàn đại biểu do một Ủy viên Bộ Chính trị dẫn đầu sẽ đến dự Đại hội.

- Ngày 30-11-1951, Nhà văn Nam Cao hy sinh. Nam Cao tên thật là Trần Hữu Tri, sinh ngày 29-10-1915, ông là một trong những nhà văn tiêu biểu nhất của trào lưu văn học hiện thực phê phán thời kỳ phát triển cuối cùng 1940-1945. Cùng với các nhà trí thức lớn của Việt Nam tham gia cách mạng, ông đã dùng ngòi bút chống lại cường quyền, áp bức và phục vụ công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

leftcenterrightdel

Nhà văn Nam Cao. Ảnh tư liệu 

Các tác phẩm của ông thấm đẫm chủ nghĩa hiện thực, vị nhân sinh, thể hiện nội dung nhân đạo sâu sắc và giá trị thời đại lớn lao. Những nhân vật như lão Hạc, giáo Thứ, Chí Phèo, Bá Kiến không thể phai mờ trong tâm trí người đọc nhiều thế hệ. Trong chuyến đi công tác vào vùng địch hậu (thuộc huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình) ông đã bị sát hại. Bảy thập kỷ qua, Đảng và Nhà nước đã có những việc làm có ý nghĩa tưởng nhớ ông như truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh (1996), chương trình “Tìm lại Nam Cao”, quy hoạch Khu tưởng niệm và Vườn hiện thực Nam Cao…

- Ngày 30-11-2004, Ngày thành lập thành phố Lào Cai thuộc tỉnh Lào Cai.

Thành phố Lào Cai chính thức thành lập trên cơ sở sáp nhập hai thị xã Lào Cai và Cam Đường, trở thành thành phố có vị trí đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh của cả nước. Với vị trí và vai trò quan trọng trên tuyến hành lang kinh tế, giai đoạn 2015-2020, thành phố Lào Cai phát triển khá toàn diện, kinh tế tăng trưởng cao, bình quân hàng năm đạt 16,4%, thu nhập bình quân đầu người tăng liên tục qua các năm, đến năm 2020 đạt 86 triệu đồng; gấp 1,3 lần so với cả tỉnh. Kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 3,36 tỷ USD, trở thành một trong những thương khẩu lớn của cả nước, cơ sở lưu trú du lịch và lượng khách du lịch tăng nhanh, năm 2020 đạt 3,5 triệu lượt người, doanh thu đạt 4.650 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 20,6% trong cơ cấu kinh tế.

leftcenterrightdel

Thành phố Lào Cai mở rộng diện tích bên đôi bờ sông Hồng. Ảnh: baolaocai.vn

Sự kiện quốc tế

- Ngày 30-11-2016: Văn hóa bia Bỉ được vinh danh di sản phi vật thể của UNESCO. Với việc vinh danh này, UNESCO đã công nhận sự đa dạng không gì sánh được của nghệ thuật bia Bỉ và sự đậm đà bản sắc của loại hình văn hóa này là một phần không thể thiếu của cuộc sống thường nhật, đặc biệt là tại các lễ hội của đất nước Bỉ.

leftcenterrightdel
 Văn hóa uống bia ở Bỉ. Ảnh: Travelweek.

UNESCO cũng đánh giá cao các biện pháp mà Bỉ đã áp dụng để bảo tồn nền văn hóa bia của mình, đặc biệt là chính sách đào tạo nghề cho lĩnh vực này và các biện pháp chống tiêu thụ quá nhiều rượu, bia. Với gần 1.500 loại bia khác nhau, trong đó có nhiều loại được cả thế giới ưa chuộng như bia đỏ, bia đen, bia trắng. Việc sản xuất và thưởng thức thứ đồ uống này là một phần di sản của nhiều cộng đồng dân cư trên khắp đất nước Bỉ.

leftcenterrightdel
 

THU TRANG (Tổng hợp theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011; Thông tấn xã Việt Nam; vnews.gov.vn; baolaocai.vn)