Chuyên mục Ngày này năm xưa số ra ngày 28-2-2022 còn được Báo Quân đội nhân dân Điện tử  thực hiện dưới hình thức các tác phẩm phát thanh podcast tại đây và video clip trên Chuyên trang Media Báo Quân đội nhân dân Điện tử, trân trọng mời bạn đọc xem thêm. 

Một số sự kiện trong nước và quốc tế diễn ra ngày 28-2

Sự kiện trong nước

Ngày 28-2-1947: Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành Nghị định số 243/NĐ thành lập Phòng Cán bộ thuộc Cục Chính trị trong "Quân sự uỷ viên hội". Năm 1956, Phòng Cán bộ phát triển thành: Cục Cán bộ thuộc Bộ Tổng Tham mưu và Cục Cán bộ thuộc Tổng Cục Chính trị.

Ngày 23-4-1957, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 172/TTg, thành lập Tổng cục Cán bộ trực thuộc Bộ Quốc phòng trên cơ sở sáp nhập hai cục trên. Đến năm 1959, Thủ tướng Chính phủ quyết định rút gọn thành Cục Cán bộ trực thuộc Tổng cục Chính trị. Từ đó, ngày 28-2-1947 hằng năm được lấy là ngày truyền thống của Cục Cán bộ và ngành Công tác Cán bộ toàn quân.

Trải qua 75 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, với hơn một nửa thời gian được tôi luyện trong các cuộc kháng chiến và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, các thế hệ cán bộ, nhân viên, chiến sĩ của Cục Cán bộ và ngành Công tác Cán bộ quân đội luôn thể hiện rõ bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định mục tiêu lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân; đoàn kết, sáng tạo, chủ động khắc phục khó khăn, chấp hành nghiêm pháp luật, kỷ luật, giữ vững nguyên tắc, tham mưu đúng, trúng, kịp thời, lập nhiều thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ.

Cũng trong 75 năm qua, Cục Cán bộ và ngành Công tác Cán bộ đã xây đắp lên truyền thống vẻ vang: "Trung thành, tận tụy, công tâm, gương mẫu, chủ động, sáng tạo".

Thủ trưởng Cục Cán bộ nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng nhất. Ảnh: Qdnd.vn

Ghi nhận những thành tích, chiến công của Cục Cán bộ trong suốt chặng đường 75 năm qua, Đảng, Nhà nước đã tặng thưởng nhiều danh hiệu: Đơn vị Anh hùng LLVT nhân dân thời kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; Huân chương Độc lập hạng nhất và 8 huân chương các loại cùng nhiều phần thưởng cao quý khác, trong đó có phần thưởng do Nhà nước, chính phủ Lào, Campuchia trao tặng.

Ngày 28-2-1950: Cục Kỹ thuật, Binh chủng Thông tin liên lạc (TTLL) thành lập. Trong suốt 70 năm qua, Cục Kỹ thuật đã được tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý và trong dịp kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống, cục vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng ba.

Ngày 28-2-1977: Tổng cục Hàng không dân dụng Việt Nam đã ra quyết định thành lập Sân bay quốc tế Nội Bài ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội.

Cảnh Hàng không Quốc tế Nội Bài ngày nay. Ảnh: Tư liệu

Sự kiện quốc tế

Ngày 28-2-1901: Ngày sinh Lainớt Pôlinh (Linu Pauling), nhà hóa học vĩ đại Mỹ. Công trình của ông về bản chất của các liên kết hóa học kể cả những khái niệm về cộng hưởng và lai tạo đã làm thay đổi tận gốc bộ môn hóa học. Với công trình về liên kết hóa học, ông được tặng giải Noben hóa học 1954.

Linu Pauling. Ảnh: Tư liệu. 

Ngày 28-2-1960: Bế mạc Thế vận hội Mùa đông 1960 tại Squaw Valley, California, Hoa Kỳ với kết quả Liên Xô đứng nhất toàn đoàn với 21 huy chương các loại.

Lễ khai mạc Thế vận hội Mùa đông 1960. Ảnh: Tư liệu

Ngày 28-2-1991: Chiến tranh vùng Vịnh kết thúc với kết quả là việc quân đội Iraq triệt thoái khỏi Kuwait.

Theo dấu chân Bác

Ngày 28-2-1930, Nguyễn Ái Quốc viết thư gửi Văn phòng đại diện Đảng Cộng sản Anh đề nghị gửi cho mình các tờ báo cánh tả kèm theo cả mấy tờ báo cánh hữu, báo “tư sản để che mắt và ứng phó “nếu cảnh sát thấy rằng chúng tôi nhận các báo chí “lật đổ”. 

16 năm sau, ngày 28-2-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì cuộc họp Hội đồng Chính phủ để bàn về những việc cấp bách của công cuộc xây dựng xã hội mới và buổi chiều hôm đó, dự họp liên tịch giữa các đảng phái để bàn chương trình ra mắt Chính phủ Liên hiệp tại Quốc hội.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì phiên họp Hội đồng Chính phủ sau chiến thắng Điện Biên Phủ tại xã Kim Quan, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang (23-7-1954). Ảnh: tư liệu. 

Ngày 28-2-1959, phát biểu chào mừng tại Quốc hội Indonesia, Bác nói: Lịch sử 2 nước chúng ta chứng tỏ rằng: Đoàn kết toàn dân là yếu tố quyết định cho sự thắng lợi của chúng ta. Sự đoàn kết Á - Phi cũng là yếu tố quan trọng để chiến thắng chủ nghĩa thực dân đế quốc và nhắc lại phát biểu của Tổng thống Xucácnô khi thăm Việt Nam là: Những quan hệ hữu nghị giữa nhân dân Indonesia và nhân dân Việt Nam sẽ đời đời bất diệt nhờ những điểm giống nhau căn bản: Đó là bảo vệ hòa bình thế giới và chủ quyền dân tộc.

Trong bức điện ngày 28-2-1962 gửi Đại hội Liên hoan Thanh niên Thế giới lần thứ 8 họp tại thủ đô Phần Lan Henxinki, Bác viết: “Cuộc Đại hội liên hoan thế giới tạo thuận lợi cho hàng ngàn thanh niên các nước khác nhau tiếp xúc hiểu biết và thương yêu nhau hơn..., Đại hội liên hoan giúp thanh niên thống nhất lại lực lượng để đấu tranh tiêu diệt chủ nghĩa thực dân vì độc lập dân tộc, vì tình hữu nghị, vì sự hợp tác và hòa bình thế giới.

Mục tiêu của các bạn là cao quý.

Lực lượng của các bạn là vĩ đại.

Tương lai các bạn là rực rỡ”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh vui mừng đón Bác sĩ Phùng Văn Cung - đại diện quân dân miền Nam ra thăm Thủ đô Hà Nội và miền Bắc. Ảnh: Tư liệu

Ngày 28-2-1969, tiếp đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc Giải phóng do Bác sĩ Phùng Văn Cung dẫn đầu, Bác tâm tình: “Tôi hoan nghênh phái đoàn miền Nam ruột thịt, thì nói mấy trăm câu, mấy nghìn câu, mấy vạn câu cũng không thể hết được. Tôi xin phép chỉ nói một câu thôi:

Bao giờ Nam - Bắc một nhà,

Việt Nam đại thắng chúng ta vui mừng”.

(Sách Chủ tịch Hồ Chí Minh – Ngày này năm xưa và Hồ Chí Minh – Biên niên tiểu sử NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật, 2010)

Lời Bác dạy Ngày này năm xưa

“Thẳng thắn tự phê bình và thật thà phê bình tức là đoàn kết mà đấu tranh và do đấu tranh đó đã đi đến đoàn kết hơn trước”.

Đây là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh được trích ở bài nói chuyện trong buổi bế mạc Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ II, ngày 28 tháng 2 năm 1957. Đầu năm 1957, miền Bắc hòa bình, xây dựng chủ nghĩa xã hội được hơn 2 năm, công tác văn nghệ cũng đã có bước phát triển mới và thành tựu mới, đến dự với Đại hội văn nghệ toàn quốc lần thứ 2 Bác đã phát biểu: “Thẳng thắn tự phê bình và thật thà phê bình tức là đoàn kết mà đấu tranh và do đấu tranh đó đã đi đến đoàn kết hơn trước”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh ân cần hỏi thăm ông Tám Danh, nghệ sĩ cải lương Nam Bộ tại Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ III (1-12-1962). Ảnh: Tư liệu.

Lời dạy trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh có ý nghĩa vô cùng to lớn không chỉ khẳng định tầm quan trọng của tự phê bình, phê bình, của đấu tranh đối với đoàn kết, thống nhất trong mỗi tổ chức, mỗi người nói chung, đội ngũ cán bộ, nghệ sĩ nói riêng phải luôn đề cao ý thức phê bình, ý thức đấu tranh để xây dựng, củng cố khối đoàn kết, thống nhất trong mỗi cơ quan, đơn vị, ngành mình.

Đồng thời, phải nhận thức sâu sắc đấu tranh, phê bình và tự phê bình chính là quy luật, động lực của sự phát triển. Đấu tranh, phê bình phải thật thà, trung thực, không lợi dụng phê bình để trù dập lẫn nhau. Đấu tranh, phê bình để đi đến thống nhất, đoàn kết hơn, cùng nhau phát triển, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Ngày nay, trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa để vững bước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, lời dạy “Thẳng thắn tự phê bình và thật thà phê bình tức là đoàn kết mà đấu tranh và do đấu tranh đó đã đi đến đoàn kết hơn trước" vẫn giữ nguyên giá trị, không những là tư tưởng chỉ đạo mà còn là yêu cầu đòi hỏi các tổ chức đảng, đoàn thể cách mạng phải giữ gìn sự đoàn kết thống nhất như giữ gìn con ngươi của mắt mình, phải tích cực đấu tranh, tự phê bình và phê bình, tự phê bình và phê bình có tình thân ái, phải đúng người, đúng việc, phải thật thà trung thực để đi đến đoàn kết và phát triển ngày càng tốt hơn.

Trong quân đội, mỗi cán bộ, chiến sĩ cần quán triệt và thực hiện nghiêm lời dạy của Bác; đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”; chấp hành nghiêm nguyên tắc tự phê bình và phê bình để đi đến đoàn kết, thống nhất trong từng đơn vị chính là hiện thực hóa lời dạy của Bác; tránh lợi dụng đấu tranh, phê bình và tự phê bình để chia rẽ đoàn kết nội bộ, trù dập lẫn nhau, làm ảnh hưởng đến uy tín, nhân phẩm của đồng chí, đồng đội.

Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân

Trang nhất báo Quân đội nhân dân số 548 ngày 28-2-1959 có đăng ảnh Bác Hồ tạm biệt người dân Hà Nội để lên đường sang thăm Indonesia.

Trang nhất báo Quân đội nhân dân số 548 ngày 28-2-1959. Ảnh: Qdnd.vn

Trong không khí hân hoan chào đón Xuân Nhâm Dần 1962, trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 1014 ngày 28-2-1962 có đăng bài “Thơ mừng năm mới” của Chủ tịch Hồ Chí Minh:

“Năm Dần, mừng xuân thế giới

Cả 5 châu phấp phới cờ hồng.

Chúc miền Bắc thi đua phấn khởi,

Bốn mùa hoa Duyên-hải, Đại-phong.

Chúc miền Nam đấu tranh tiến tới,

Sức triệu người hơn sóng biển Đông.

Chủ nghĩa xã hội càng thắng lợi,

Hòa bình thống nhất quyết thành công.”

HỒ CHÍ MINH

 Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 1014 ngày 28-2-1962. Ảnh: Qdnd.vn

Cũng trong số báo này, trang ba có đăng ảnh Hồ Chủ tịch và Đại tướng Võ Nguyên Giáp kèm theo lời chúc nhân dịp xuân mới: “Chúc quân đội ta năm mới, thắng lợi mới”.

Ảnh Hồ Chủ tịch và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đăng trên Báo Quân đội nhân dân. Ảnh: Qdnd.vn
 

QUỲNH OANH (Tổng hợp)