Chuyên mục Ngày này năm xưa số ra ngày 22-4-2022 cũng được Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện dưới hình thức các tác phẩm phát thanh podcast và video clip trên Chuyên trang Media Báo Quân đội nhân dân Điện tử, trân trọng mời bạn đọc xem thêm.
Một số sự kiện trong nước và quốc tế ngày 22-4
Sự kiện trong nước
Tổng công ty Thái Sơn là doanh nghiệp kinh tế - quốc phòng, tiền thân là Công ty ứng dụng Khoa học kỹ thuật nhiệt đới (Tripico) thuộc Trung tâm nhiệt đới Việt-Xô, được thành lập ngày 22-4-1991.
Trải qua 31 năm xây dựng và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và sự nỗ lực vươn lên không ngừng của tập thể cán bộ, nhân viên với phương châm “Tiên phong là người lính”, Tổng công ty Thái Sơn khắc phục mọi khó khăn, trở ngại, năng động, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ của một doanh nghiệp quốc phòng, xây dựng chiến lược phát triển đa ngành nghề, gắn sản xuất kinh doanh với thực hiện nhiệm vụ phục vụ quốc phòng, đảm bảo chất lượng sản phẩm và uy tín thương hiệu.
 |
Tổng công ty Thái Sơn kỷ niệm 30 năm Ngày truyền thống. |
Là doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc Bộ Quốc phòng, Tổng công ty có nhiệm vụ ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học phục vụ phát triển kinh tế, củng cố quốc phòng; tiếp nhận và chuyển giao công nghệ tiên tiến vào Việt Nam thuộc các lĩnh vực: Sinh thái nhiệt đới, y sinh nhiệt đới, y dược học nhiệt đới và công nghệ nhiệt đới; liên kết, liên doanh và hợp tác với các đơn vị kinh tế trong và ngoài nước trong sản xuất, kinh doanh và dịch vụ khoa học kỹ thuật.
Với những thành tích đạt được, Tổng công ty Thái Sơn tự hào trở thành một trong những doanh nghiệp uy tín trên nhiều lĩnh vực, ngành nghề, được Đảng, Nhà nước, quân đội tặng nhiều phần thưởng cao quý; trong đó có Huân chương Lao động hạng Nhì và hạng Ba; chứng nhận Top 10 doanh nghiệp tín nhiệm Việt Nam cùng hệ thống ngành kinh tế; là 1 trong số 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam; doanh nghiệp kinh doanh minh bạch, tin cậy, bền vững năm 2019… cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.
 |
Nữ du kích miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Ảnh: Tư liệu |
Từ ngày 22-4 đến 28-4-1952 đã diễn ra Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam. Phân tích tình hình thế giới và trong nước, hội nghị đề ra ba nhiệm vụ lớn là: Tiêu diệt sinh lực địch, đẩy mạnh chiến tranh du kích; Phá chính sách của địch "dùng người Việt đánh người Việt, lấy chiến tranh nuôi chiến tranh"; Bồi dưỡng lực lượng của nhân dân, của kháng chiến. Hội nghị đã kết luận tình hình quốc tế có lợi cho ta, phe hòa bình dân chủ ngày càng mạnh, chúng ta nhất định sẽ giành được thắng lợi cuối cùng.
 |
Khối liên minh đấu tranh của hai giai cấp nông dân và công nhân làm cho đế quốc Pháp vô cùng lúng túng và bị động. Ảnh: Tư liệu |
Ngày 22-4-1916: Toàn quyền Đông Dương lập thêm một số nhà tù ở các tỉnh Thái Nguyên, Cao Bằng, Sơn La, Lai Châu. Đây chính là kế hoạch khai thác thuộc địa của thực dân Pháp đối với Đông Dương. Trong đó việc đàn áp phong trào nổi dậy đấu tranh của nhân dân ta được chính quyền Pháp coi là một phần của kế hoạch đó. Các nhà tù thực dân đã giam giữ nhiều chiến sĩ cách mạng song chính các chiến sĩ cách mạng đã biến nhà tù thành trường học tôi luyện ý chí chiến đấu.
Sự kiện quốc tế
Ngày 22-4-1870: Là ngày sinh của Vladimir Ilyich Lenin, ông sinh tại thành phố Ômxcơ (thành phố Ulianôpxcơ thuộc Cộng hoà Liên bang Nga). Ông là người vận dụng thành công những lý luận của Các Mác - Ǎngghen và xây dựng thực tiễn để trở thành chủ nghĩa Mác - Lênin.
 |
Vladimir Ilyich Lenin đã cống hiến cho nhân loại nhiều thành tựu vĩ đại cả về lý luận và thực tiễn. Ảnh: Tư liệu |
Nước Nga Xô Viết do Lênin sáng lập và lãnh đạo là đất nước đầu tiên tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội. Những nền tảng của lý luận Mác - Lênin đã được loài người tiến bộ, yêu hòa bình và tiếp thu và vận dụng vào điều kiện cách mạng của mỗi nước. Cuộc đời và sự nghiệp của Lênin đã cống hiến to lớn cho bước phát triển của xã hội.
Theo dấu chân Người
 |
Bác Hồ đã phát động phong trào “Hũ gạo kháng chiến” và được toàn dân hưởng ứng nhiệt thành. Ảnh: Tư liệu |
Ngày 22-4-1951: Báo Nhân dân đăng bài: “Hũ gạo kháng chiến của phụ nữ Ngân Sơn” do Bác viết (bút danh C.B) biểu dương sáng kiến của phụ nữ Ngân Sơn (Bắc Kạn) và khích lệ: “Ý nghĩa của hũ gạo kháng chiến. Đó là một cách thực hiện chữ Kiệm...”. “Việc làm hũ gạo kháng chiến rất giản đơn mà ích lợi thì to lớn”.
 |
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng diễn ra từ ngày 11 đến 19-2-1951 tại Việt Bắc. Ảnh: Tư liệu |
Ngày 22-4-1952: Bác tham dự và khai mạc Hội nghị Trung ương 3 khóa II của Đảng. Kết luận báo cáo: “Tình hình và nhiệm vụ”, Bác khẳng định: “Chúng ta có đủ những điều kiện thắng lợi… Như thế là chúng ta làm đúng đường lối trường kỳ kháng chiến, tự lực cánh sinh, thiết thực chuẩn bị tổng phản công để giành thắng lợi cuối cùng”.
 |
Tượng đài Vladimir Ilyich Lenin tại Hà Nội. Ảnh: TTXVN |
Ngày 22-4-1960: Nhân kỷ niệm 90 năm ngày sinh của Lênin, Báo Nhân dân đăng bài: “Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lênin” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ những trải nghiệm trong cuộc đời hoạt động yêu nước và cách mạng của mình, tác giả khẳng định: “Chủ nghĩa Lênin đối với chúng ta, những người cách mạng và nhân dân Việt Nam, không những là cái “cẩm nang” thần kỳ, không những là cái kim chỉ nam, mà còn là mặt trời soi sáng con đường chúng ta đi tới thắng lợi cuối cùng, đi tới chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản”.
Ngày 22-4-1966: Phát biểu bế mạc Kỳ họp thứ 3 của Quốc hội khóa III, Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra thông điệp: “Nhân dân ta rất yêu chuộng hòa bình, nhưng phải có độc lập, tự do thật sự mới có hòa bình chân chính. Dân tộc Việt Nam ta là một dân tộc anh hùng, chúng ta quyết chiến đấu đến thắng lợi hoàn toàn để giành lấy hòa bình, độc lập, tự do thật sự”.
(Sách Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày này năm xưa, NXB Chính trị quốc gia - Sự thật, 2010).
Lời Bác dạy ngày này năm xưa
“Chỉ có giai cấp công nhân lãnh đạo, thì nông dân mới được giải phóng. Cũng chỉ có thắt chặt liên minh với nông dân thì giai cấp công nhân mới lãnh đạo cách mạng đến thắng lợi”.
Đó là lời trích trong Báo cáo tình hình và nhiệm vụ tại Hội nghị lần thứ III của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II, tháng 4- 1952 do Chủ tịch Hồ Chí Minh trình bày.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn xác định giai cấp công nhân là giai cấp tiến bộ nhất, cách mạng nhất, là hạt nhân của khối liên minh công nhân, nông dân và trí thức; bởi họ là giai cấp kiên quyết, triệt để, có tổ chức, có kỷ luật, đại diện cho lực lượng sản xuất tiến bộ. Do đó, khi phân tích đặc điểm của các giai cấp trong xã hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định chỉ có giai cấp công nhân mới gánh vác được sứ mệnh lãnh đạo toàn dân đánh đổ chế độ tư bản và đế quốc để xây dựng một xã hội mới. Để hoàn thành được sứ mệnh vẻ vang đó, giai cấp công nhân phải có chính Đảng cách mạng với chủ nghĩa Mác-Lênin làm nòng cốt.
 |
Bác Hồ về thăm Nhà máy Dệt Nam Định. Ảnh: Tư liệu |
Giai cấp nông dân Việt Nam là lực lượng đông đảo nhất trong xã hội, được Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định là đồng minh chắc chắn nhất của giai cấp công nhân và là đội quân chủ lực của cách mạng. Tuy vậy, họ không thể là lực lượng lãnh đạo cách mạng vì họ không gắn liền với một phương thức sản xuất mới và không có hệ tư tưởng độc lập, họ cũng không có khả năng tự xây dựng một chế độ xã hội mới. Đánh giá đúng vị trí, vai trò của từng giai cấp và các tầng lớp trong xã hội Việt Nam những năm đầu của thế kỷ XX, Hồ Chí Minh đã vận dụng sáng tạo, phát triển những nguyên lý cơ bản của Chủ nghĩa Mác - Lênin và thành công trong việc thành lập Đảng Cộng sản ở Việt Nam - một nước thuộc địa, nửa phong kiến với việc bổ sung phong trào yêu nước cùng với Chủ nghĩa Mác - Lênin và phong trào công nhân. Người đã nhận rõ sức mạnh to lớn từ phong trào yêu nước của dân tộc Việt Nam qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, mà lực lượng đông đảo, nòng cốt là giai cấp nông dân.
Trong tình hình mới, Đảng ta khẳng định rõ: Đại đoàn kết dân tộc trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam; là nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu và là nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm thắng lợi bền vững của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Quân đội nhân dân Việt Nam là đội quân từ nhân dân mà ra, mang bản chất cách mạng của giai cấp công nhân, tính nhân dân và tính dân tộc sâu sắc. Tuy thành phần xuất thân, thành phần giai cấp của cán bộ, chiến sĩ trong quân đội đa dạng, song cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy các cấp trong toàn quân đã luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tốt công tác giáo dục, xây dựng bản chất giai cấp công nhân, mục tiêu, lý tưởng chiến đấu của Đảng cho cán bộ, chiến sĩ đơn vị, thực hiện toàn quân một ý chí; xây dựng mối quan hệ gắn bó máu thịt quân dân, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân ngày càng vững mạnh.
Dấu ấn Bác Hồ trên báo Quân đội nhân dân
Trên trang 3 Báo Quân đội nhân dân số 6774 ngày 22-4-1980 có đăng bài viết của Bác Hồ về Lênin.
 |
Trang 3 Báo Quân đội nhân dân số 6774 ngày 22-4-1980. |
Trên trang 3 Báo Quân đội nhân dân số 8221 ngày 22-4-1984 có đăng bài với nhan đề Hình ảnh Lênin trong những bài viết của Bác.
 |
Trang 3 Báo Quân đội nhân dân số 8221 ngày 22-4-1984. |
TUẤN ĐIỆP (tổng hợp)