Chuyên mục Ngày này năm xưa số ra ngày 21-4-2022 cũng được Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện dưới hình thức các tác phẩm phát thanh podcast và video clip trên Chuyên trang Media Báo Quân đội nhân dân Điện tử, trân trọng mời bạn đọc xem thêm. 

Một số sự kiện trong nước và quốc tế ngày 21-4

Sự kiện trong nước

Sơ đồ mặt trận Xuân Lộc tháng 4-1975. Ảnh: Baoquankhu4.com.vn 

Ngày 21-4-1975, Chiến dịch tiến công Xuân Lộc kết thúc thắng lợi, thị xã Long Khánh được hoàn toàn giải phóng. “Cánh cửa thép” phía Đông Sài Gòn - Gia Định đã mở toang. Thừa thắng, quân và dân các địa phương đã tiến công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn tỉnh Long Khánh. Chiến thắng Xuân Lộc làm suy sụp tinh thần kháng cự của binh lính ngụy quân Sài Gòn; tạo ra thế và lực mới để quân và dân ta bước vào trận quyết chiến trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975. (Nguồn: Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam).

Hội trường tám mái tại Ròong Khoa, nơi tổ chức Đại hội lần thứ nhất Hội Những người viết báo Việt Nam, chiều 21-4-1950. Ảnh: Tư liệu

Cách đây tròn 72 năm, ngày 21-4-1950, tại xóm Roòng Khoa, xã Ðiềm Mặc, huyện Ðịnh Hóa, tỉnh Thái Nguyên đã diễn ra Đại hội thành lập Hội Những người viết báo Việt Nam, nay là Hội Nhà báo Việt Nam.

Ngay từ buổi ban đầu thành lập, Đảng đã xác định báo chí là một mặt trận, một mặt trận quan trọng trong lĩnh vực văn hóa, tư tưởng và mỗi nhà báo là một chiến sĩ. Đặc biệt, các nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng ta đều là các nhà báo, điển hình là Chủ tịch Hồ Chí Minh rồi đến các đồng chí như: Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Xuân Thủy, Võ Nguyên Giáp… Do đó, Hội Nhà báo Việt Nam là một trong những hội chính trị-xã hội-nghề nghiệp ra đời sớm nhất.

Nhiệm vụ của Hội Nhà báo Việt Nam là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà báo trong tác nghiệp; bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ báo chí, đạo đức nghề nghiệp cho hội viên; giám sát việc tuân thủ luật pháp, quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo; tham gia xây dựng và tổ chức thực hiện cơ chế, chính sách về thông tin, báo chí; thực hiện các hoạt động đối ngoại theo quy định của pháp luật.

Trong suốt quá trình hoạt động từ khi được thành lập, Hội Nhà báo Việt Nam đã tập hợp, đoàn kết, động viên đội ngũ người làm báo cả nước vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, gian khổ, hoàn thành xuất sắc sứ mệnh vẻ vang của báo chí cách mạng.

Hội Nhà báo Việt Nam khóa XI (nhiệm kỳ 2020 - 2025) ra mắt 52 thành viên Ban chấp hành. Ảnh: Tapchicongsan.org.vn 

Những năm gần đây, Hội Nhà báo Việt Nam đã có nhiều đổi mới quan trọng trên nhiều mặt hoạt động. Về thực hiện nhiệm vụ chính trị, hội đã tập hợp, đoàn kết đội ngũ hội viên - nhà báo, góp phần tạo sự đồng thuận trong Đảng, trong xã hội; động viên đội ngũ người làm báo tuyên truyền thắng lợi các nghị quyết của Đảng, chính sách của Nhà nước, đặc biệt các chủ trương, chính sách về kinh tế, chống "diễn biến hòa bình".

Về công tác nghiệp vụ, hội đã tổ chức tốt các hoạt động như: Giải Báo chí quốc gia hằng năm, các giải báo chí chuyên ngành, thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả Đề án Hỗ trợ sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao; nâng cao số lượng và hiệu quả công tác bồi dưỡng nghiệp vụ; phối hợp, tham gia có hiệu quả công tác chỉ đạo, quản lý báo chí. Về đạo đức nghề nghiệp, gắn việc củng cố tổ chức hội và công tác kiểm tra giám sát, bảo vệ các quyền lợi chính đáng của hội viên với việc xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật và đạo đức nghề nghiệp.

Đội ngũ phóng viên, biên tập viên ngày càng trẻ hóa, được đào tạo bài bản, hệ thống. Đa số những người làm báo đã không ngừng học tập nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, nêu cao đạo đức nghề nghiệp, có tinh thần cống hiến, dấn thân vì lợi ích của đất nước và nhân dân; tiên phong trong đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, trong những hoàn cảnh khó khăn, nguy hiểm, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước.

Sự kiện quốc tế

Brasilia là thành phố nổi tiếng thứ 4 của Brazil. Ảnh: Flicrk 

- Ngày 21-4-1960, Brasilia chính thức trở thành thủ đô của Brazil. Trước đó, thủ đô của Brazil là Rio de Janeiro (1763-1960). Brasilia là thành phố nổi tiếng thứ 4 của Brazil.

- Ngày 21-4-1898, Chiến tranh Tây Ban Nha - Mỹ bắt đầu.

Theo dấu chân Người

Báo Việt Nam Độc lập do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập năm 1941. Ảnh: Tư liệu 

- Ngày 21-4-1942, Báo “Việt Nam Độc lập” xuất bản tại Chiến khu Cao Bằng đăng bài thơ “Hòn đá” ký tên Nguyễn Ái Quốc. Với thể thơ ba chữ, bài thơ dễ nhớ để phổ biến cho đồng bào bài học về đoàn kết làm nên sức mạnh, trong đó có đoạn:

Đánh Nhật, Pháp,

Giành tự do,

Là việc khó,

Là việc to.

Nếu chúng ta

Biết đồng lòng

Thì việc đó

Quyết thành công”. 

Sinh thời Bác luôn căn dặn cán bộ "Nghiên cứu mà không thực hành là nghiên cứu suông. Thực hành mà không nghiên cứu thì thường hay bị mù quáng".

Cũng trong tháng 4-1948, trên số báo ra mắt “Quân sự Tập san”, đăng thư của Bác với lời căn dặn: “Nghiên cứu mà không thực hành là nghiên cứu suông. Thực hành mà không nghiên cứu thì thường hay bị mù quáng. Vậy cần phải nghiên cứu kinh nghiệm cũ để giúp cho thực hành mới, lại đem thực hành mới để phát triển kinh nghiệm cũ, làm cho nó đầy đủ, dồi dào thêm. Muốn trở nên người quân nhân mới, xứng đáng với cái vinh hạnh đứng trong quân đội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, thì mỗi chiến sĩ, từ trên đến dưới, các cấp bậc đều phải nghiên cứu, học tập, luôn luôn cầu tiến bộ. Còn những người viết thì cần phải viết một cách phổ thông, dễ hiểu, giản đơn mà rõ ràng”.

Ngày 21-4-1949, Báo Cứu Quốc đăng thư của Bác gửi nhà in “Vui Sống” kèm theo một cuốn lịch với nội dung: “Lịch này là thắng lợi phẩm của anh em du kích Thủ đô biếu tôi. Tôi gửi tặng anh em. Giải thưởng này rất có ý nghĩa: Mỗi ngày, anh em nhớ đến chiến sĩ đang xung phong giết giặc trước mặt trận. Mỗi ngày, anh em phải tiến bộ, phải tranh cho được một thắng lợi để góp vào thắng lợi chung của kháng chiến và kiến quốc”.

Trên số ra mắt của “Quân nhân Học báo” đăng bức thư của Bác ký vào tháng 4-1949 với nội dung: “Quân nhân phải biết võ, phải biết văn, võ là như tay phải, văn là như tay trái của quân nhân. Biết võ, biết văn, mới là quân nhân hoàn toàn. Muốn biết thì phải thi đua học. Học không bao giờ cùng. Học mãi để tiến bộ mãi. Càng tiến bộ, càng thấy càng phải học thêm”.

Cũng vào thời điểm tháng 4-1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư tới “Đồng bào vùng Hà Nội” lúc này địch đó tạm chiếm, biểu dương: “Đồng bào trong và ngoài Hà Nội đương đầu với giặc Pháp trước hết, lâu hơn hết. Vì vậy, mà hy sinh, đau đớn, cực khổ nhiều hơn hết. Mà cũng trung thành, gan góc, kiên quyết hơn hết. Đồng bào vùng Hà Nội đang nêu gương dũng cảm cho toàn quốc. Ngày nay chịu đựng càng nhiều, mai sau kết quả càng to. Tôi và Chính phủ cùng toàn thể bộ đội, toàn thể đồng bào, luôn luôn nhớ đến anh em ruột thịt đang tranh đấu hết sức gay go ở vùng Hà Nội... Tôi khuyên đồng bào vùng Hà Nội - trước đó cố gắng, nay cố gắng thêm; trước đó đoàn kết, nay đoàn kết hơn; tìm đủ mọi cách để phá hoại giặc, để giúp chiến sĩ ta. Chúng ta chắc thắng, vì chúng ta quyết thắng. Tôi viết thư này với tất cả tấm lòng thương xót, yêu mến và chắc chắn. Đồng bào cố tiến lên. Ngày vẻ vang sẽ không xa nữa”.

(Sách Chủ tịch Hồ Chí Minh- Ngày này năm xưa, NXB Chính trị quốc gia-Sự thật, 2010)

Lời Bác dạy ngày này năm xưa

“Biết đồng sức, biết đồng lòng, việc gì khó, cũng làm xong”

Bác Hồ với đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: Tư liệu

Đoàn kết là yếu tố hạt nhân trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Bài thơ “Hòn đá” của Chủ tịch Hồ Chí Minh được Người sáng tác trong thời kỳ cách mạng khó khăn, gian khổ bởi các thế lực thực dân, phong kiến cấu kết với nhau hòng ngăn chặn làn sóng đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân ta. Người đã dùng hòn đá làm nên một hình tượng văn học rất gần gũi, giản dị khiến mọi người, từ già đến trẻ ai cũng hiểu “Hòn đá” ấy là những thế lực nào; bọn chúng dù có xảo quyệt, ngoan cố và tàn bạo đến đâu thì với sự đoàn kết, nhất trí, triệu người như một, đồng lòng hiệp lực nhất định cuối cùng nhân dân ta cũng sẽ giành được thắng lợi.

Đoàn kết luôn là yếu tố hạt nhân trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Ảnh: Thanhdoan.hochiminhcity.gov.vn 

Vì vậy, trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Người luôn chăm lo xây dựng sự đoàn kết thống nhất của toàn Đảng, đoàn kết toàn dân, đoàn kết toàn quân và đoàn kết với nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Thực tế lịch sử đã chứng minh, nhờ đoàn kết, chung sức, chung lòng, nhân dân Việt Nam đã luôn chiến thắng trước mọi kẻ thù xâm lược, dù đó là kẻ địch lớn mạnh hơn ta gấp nhiều lần.

Đoàn kết thống nhất là một vấn đề thuộc về truyền thống, bản chất và nguyên tắc xây dựng của Quân đội ta. Ảnh: Tư liệu

Đoàn kết thống nhất là một vấn đề thuộc về truyền thống, bản chất và nguyên tắc xây dựng của Quân đội ta. Vì vậy, việc quán triệt và vận dụng những quan điểm về đoàn kết, thống nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh phải là một nhiệm vụ thường xuyên, là nền tảng quan trọng làm nên bản chất cách mạng, truyền thống tốt đẹp của quân đội, là lời thề danh dự của người quân nhân cách mạng; là nguồn cội tạo nên sức mạnh để Quân đội ta “nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.

Thực tế đã chỉ rõ, thành công trong xây dựng và thắng lợi trong chiến đấu là bắt nguồn từ sự đoàn kết thống nhất trong tổ chức, giữa lãnh đạo và quần chúng, giữa nhân dân và bộ đội, tiền tuyến và hậu phương, cán bộ và chiến sĩ. Quân đội ta là một quân đội cách mạng. Cán bộ, chiến sĩ trong Quân đội ta là những người cùng lý tưởng, bình đẳng về chính trị, thống nhất về mục tiêu và nhiệm vụ chiến đấu. Mối quan hệ trên dưới, quan hệ cán bộ và chiến sĩ trong Quân đội ta được xây dựng trên cơ sở tình cảm cách mạng, tình thương yêu giai cấp, tình đồng chí giữa những người bạn chiến đấu chung một lý tưởng.

Vì vậy, trong quan hệ hằng ngày đối với đồng chí, đồng đội thì phải thực sự thương yêu, lấy tập thể làm gia đình, lấy đồng chí, đồng đội làm anh em, đơn vị là nhà; cán bộ, chiến sĩ đoàn kết, đồng cam cộng khổ, tin tưởng lẫn nhau, quan tâm giúp đỡ để cùng nhau tiến bộ, cùng nhau hoàn thành nhiệm vụ. Kiên quyết đấu tranh với bệnh thờ ơ, vô cảm, quân phiệt… làm ảnh hưởng đến truyền thống đoàn kết tốt đẹp trong cán bộ, chiến sĩ, ảnh hưởng đến thanh danh, uy tín của phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ.

Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân

Trên trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 439 ra ngày từ 18-4 đến 21-4-1958 đã đưa tin về khóa họp Quốc hội lần thứ 8, Quốc hội khóa I. Hồ Chủ tịch tham dự và có bài phát biểu chào mừng Quốc hội.

Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 439. 
 

ĐOÀN TRUNG (tổng hợp)