Chuyên mục Ngày này năm xưa số ra ngày 18-4-2022 cũng được Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện dưới hình thức các tác phẩm phát thanh podcast và video clip trên Chuyên trang Media Báo Quân đội nhân dân Điện tử, trân trọng mời bạn đọc xem thêm.

Một số sự kiện trong nước và quốc tế ngày 18-4

Sự kiện trong nước 

Ngày 18-4-1955, Ngày truyền thống Ngành Xăng dầu Quân đội (XDQĐ).

Trước yêu cầu của cách mạng, ngày 18-4-1955, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Phòng Dầu liệu (tiền thân của Cục Xăng dầu) trực thuộc Tổng cục Cung cấp (tiền thân của Tổng cục Hậu cần). Vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, hy sinh, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, nhân viên Ngành XDQĐ luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ tiếp nhận sửa chữa, củng cố, xây dựng hệ thống các kho xăng dầu, bảo đảm cho các đơn vị huấn luyện, chiến đấu và chiến thắng trong mọi điều kiện, hoàn cảnh, tình huống.

Riêng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Ngành XDQĐ đã xây dựng và đưa vào sử dụng tuyến đường ống xăng dầu chiến lược dài hơn 5.000km, cùng với hơn 300 trạm bơm, hơn 100 điểm kho bể với tổng sức chứa hơn 30.000 m3, hình thành mạng lưới bảo đảm chi viện xăng dầu cho các chiến trường, góp phần quan trọng vào chiến thắng vĩ đại của dân tộc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo đảm tốt các chủng loại xăng dầu cho các lực lượng chiến đấu giành thắng lợi trong chiến tranh biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc.

Quản lý, bảo quản xăng dầu dự trữ sẵn sàng chiến đấu. Ảnh: Tapchiqptd.vn 

Phát huy thành quả cách mạng trong các cuộc kháng chiến giải phóng và bảo vệ Tổ quốc, những năm qua, Ngành XDQĐ luôn làm tốt công tác tham mưu chiến lược với Đảng ủy, Thủ trưởng TCHC tham mưu với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng thực hiện tốt công tác bảo đảm xăng dầu, triển khai các phương thức bảo đảm xăng dầu cho toàn quân phù hợp với từng giai đoạn phát triển, bảo đảm cho các lực lượng huấn luyện, SSCĐ, cũng như thực hiện các nhiệm vụ đột xuất khác, như: Tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, phòng chống thiên tai... 

Ngày 18-4-1970, Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra tuyên bố nghiêm khắc cảnh báo tập đoàn phản động Lonnon Xirich Matắc đã gây ra những tội ác dã man đối với Việt kiều ở Campuchia. Bản tuyên bố viết "Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa cực lực lên án và tố cáo trước dư luận thế giới âm mưu độc ác và những tội ác cực kỳ man rợ của tập đoàn Lonno Xirich Matắc đối với kiều dân Việt Nam ở Campuchia".

Ngày 18-4-1977, Hội đồng Chính phủ ban hành điều lệ về đầu tư của nước ngoài ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Bản điều lệ gồm 27 điều quy định về nguyên tắc chung, hình thức đầu tư, quyền lợi và nghĩa vụ của bên nước ngoài, thủ tục xin đầu tư vào Việt Nam, giải thể và thanh lý các xí nghiệp, công ty có vốn đầu tư của nước ngoài, việc xử lý các vụ tranh chấp giữa các xí nghiệp, công ty có vốn đầu tư của nước ngoài và các điều khoản thi hành Điều lệ.

Sự kiện quốc tế

Ngay sau khi Cách mạng tháng Mười thành công, liên quân 14 nước đế quốc tiến hành can thiệp hòng bóp chết cách mạng non trẻ. Hạm đội của nhiều nước đế quốc đã tiến vào và bao vây nước Nga. Ngày 18-4-1919, thủy thủ và binh lính Pháp trên chiến hạm Phơrǎngxơ tuyên bố chống lệnh chiến đấu của bọn chỉ huy, đưa ra khẩu hiệu "Không chiến tranh với nước Nga". Đồng chí Tôn Đức Thắng, lúc đó là thợ máy trên chiến hạm được cử làm người kéo cờ đỏ biểu thị thái độ phản đối sự can thiệp vào nước Nga Xô Viết. Cuộc binh biến đã lan rộng ra toàn hạm đội Pháp và buộc bọn chỉ huy phải cho tàu về cǎn cứ.

Ngày 18-4-1955, Hội nghị Á Phi đã khai mạc tại Bandung, Indonesia, 29 đoàn đại biểu chính phủ các nước Á Phi là thành viên chính thức tới dự hội nghị. Thành phần đại biểu gồm nhiều vị đứng đầu chính phủ các nước Á Phi. Đoàn đại biểu Việt Nam Dân chủ cộng hòa tham dự hội nghị do đồng chí Phạm Vǎn Đồng dẫn đầu. Chương trình nghị sự của hội nghị Á Phi gồm 5 mục:
- Hợp tác kinh tế.
- Hợp tác vǎn hoá.
- Quyền con người và quyền tự quyết.
- Vấn đề các dân tộc phụ thuộc.
- Đẩy mạnh phong trào hòa bình và hợp tác quốc tế.

Hội nghị Bandung, Indonesia 1955: Ảnh: Vietnamnet

Hội nghị tuyên bố: Chủ nghĩa thực dân với mọi hình thức biểu hiện của nó, là một tai họa, cần chấm dứt mau chóng. Việc áp bức và bóc lột là một sự phủ nhận những quyền cơ bản của con người, trái với hiến chương Liên hiệp quốc ngǎn cản sự nghiệp hòa bình thế giới và sự hợp tác quốc tế. Hội nghị lên án những chính sách và hành động phân biệt chủng tộc ở nhiều vùng rộng lớn châu Phi và nhiều nơi trên thế giới xâm phạm quyền con người, phủ nhận phẩm giá con người.

Theo dấu chân Người 

Ngày 18-4-1921, báo cáo của mật thám Pháp cho biết Nguyễn Ái Quốc cùng một số đồng bào người Việt Nam đã đến dự cuộc họp của Liên hiệp Công đoàn quận “Seine”.

Ngày 18-4-1928, tập san “Inprekorr” của Quốc tế Cộng sản, trên các bản in bằng tiếng Pháp, Anh và Đức đăng bài viết “Nông dân Ấn Độ” của Nguyễn Ái Quốc (với bút danh “Wang”) lúc này đang hoạt động tại Trung Quốc. Bài báo khảo sát lực lượng nông dân của một quốc gia đông dân và là thuộc địa của thực dân Anh khiến cho hàng triệu nông dân bị chết đói, tàn phá những làng quê và đẩy họ ra các thành phố thành tầng lớp “vô sản áo rách”. Với cái nhìn của một nhà cách mạng, tác giả vẫn tin tưởng: “Tuy không có tổ chức hoặc tổ chức còn lỏng lẻo, người nông dân - do nghèo khổ thúc bách - thường nổi dậy chống kẻ bóc lột”. 

Ngày 18-4-1958, tại Quốc hội khóa I, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Ban sửa đổi Hiến pháp báo cáo trước toàn thể đại biểu quá trình xây dựng “Hiến pháp sửa đổi”và hứa “sẽ tiếp tục cố gắng hoàn thành đầy đủ nhiệm vụ quan trọng mà Quốc hội đã trao cho và làm cho nước ta có một bản Hiến pháp xứng đáng với những thắng lợi và những tiến bộ vẻ vang của nhân dân ta”.

 Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh công bố Hiến pháp sửa đổi năm 1960. Ảnh: Tư liệu

Tháng 4-1966, Bác viết tài liệu “Nội dung chủ nghĩa anh hùng cách mạng” và khái quát thành 5 điểm chủ yếu:

“1. Trung với nước, hiếu với dân, vì sự nghiệp chống Mỹ, vì chủ nghĩa xã hội, luôn luôn nêu cao tinh thần hy sinh chiến đấu, lao động quên mình.

2. Chấp hành triệt để đường lối, chính sách của Đảng và của Nhà nước, hăng hái thi đua yêu nước, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong mọi tình huống.

3. Quyết tâm đi sâu vào khoa học - kỹ thuật và nghiệp vụ, phát huy tinh thần sáng tạo, dám nghĩ dám làm, ra sức học tập và vận dụng tốt sáng kiến và kinh nghiệm tiên tiến, nâng cao năng suất lao động và hiệu quả chiến đấu.

4. Nêu cao ý thức tập thể và làm chủ tập thể, ý thức tổ chức và kỷ luật, đoàn kết đồng chí, đoàn kết nhân dân, đi đường lối quần chúng.

5. Cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, khiêm tốn giản dị, gương mẫu về mọi mặt”. 

(Sách Chủ tịch Hồ Chí Minh - Ngày này năm xưa - NXB: Chính trị quốc gia - Sự thật 2010; Hồ Chí Minh Toàn tập - NXB Chính trị quốc gia)

Lời Bác dạy ngày này năm xưa 

“... Nhân dân nước nào cũng yêu chuộng hòa bình, cũng chán ghét chiến tranh, cũng muốn sống tự do độc lập”.

Đây là lời khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh trích trong bài viết chúc mừng Hội nghị Á-Phi (các nước châu Á và châu Phi), được khai mạc vào ngày 18 tháng 4 năm 1955, tại Băng-đung (In-đô-nê-xi-a).

Tham dự hội nghị có đại biểu của 29 quốc gia, đại diện cho 1.440 triệu nhân dân châu Á và châu Phi (trong đó có đoàn đại biểu Việt Nam). Nhân dịp này, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài “Chúc mừng Hội nghị Á - Phi”. Người ca ngợi cuộc đấu tranh anh dũng của nhân dân Á-Phi vì độc lập, tự do, hòa bình, dân chủ và bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân Việt Nam đối với cuộc đấu tranh của nhân dân các nước châu Á và châu Phi.

Bác Hồ và bạn bè quốc tế. Ảnh: Tư liệu 

Lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam phải tiến hành nhiều cuộc kháng chiến chống lại các thế lực ngoại xâm để giành và bảo vệ độc lập, tự do cho Tổ quốc. Trải qua những cuộc chiến đấu lâu dài, gian khổ, chịu đựng biết bao mất mát, hy sinh, hơn ai hết, dân tộc ta nhận rõ giá trị của hòa bình, độc lập, tự do. Bởi vậy, yêu chuộng hòa bình là một trong những truyền thống nổi bật, là nét đẹp văn hóa tiêu biểu của dân tộc Việt Nam.

Kế tục truyền thống yêu chuộng hòa bình, giữ vững ý chí độc lập, tự do; trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn nhất quán với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển đã thực hiện thành công chủ trương “Giữ vững môi trường hòa bình, thuận lợi cho đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ” vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 3 lên đường thực hiện nhiệm vụ Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan 

Học tập và làm theo lời Bác dạy, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, quản lý, điều hành của Nhà nước, mà thường xuyên trực tiếp là Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, toàn quân quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác, phát triển và quan điểm: Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình; trong đó biện pháp chủ yếu là thông qua đàm phán, thương lượng, nhằm tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài, đáp ứng lợi ích chính đáng của tất cả các bên liên quan, vì độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước và vì hòa bình, ổn định ở khu vực và quốc tế. Không ngừng nâng cao chất lượng huấn luyện, sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang, phát huy sức mạnh tổng hợp xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đáp ứng nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân

Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 18-4-1990 đăng tin: Hội thảo "Bác Hồ với nông dân Hà Bắc".

 


 

DUY HOÀN (tổng hợp)