Chuyên mục Ngày này năm xưa số ra ngày 16-4-2022 cũng được Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện dưới hình thức các tác phẩm phát thanh podcast và video clip trên Chuyên trang Media Báo Quân đội nhân dân Điện tử, trân trọng mời bạn đọc xem thêm. 

Một số sự kiện trong nước và quốc tế ngày 16-4

Sự kiện trong nước

Từ ngày 16-4-1946 đến ngày 23-5-1946, Phái đoàn Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa do đồng chí Phạm Vǎn Đồng dẫn đầu sang thǎm thân thiện Quốc hội và nhân dân Pháp. Nhiệm vụ của phái đoàn là đoàn kết, làm cho người Pháp hiểu ta để gây tình hữu nghị giữa hai dân tộc. Cuộc đi thǎm nước Pháp của phái đoàn Quốc hội ta đã thành công tốt đẹp.

leftcenterrightdel
Các bác sĩ Bệnh viện Quân y 175 khám bệnh cho người dân. Ảnh: Benhvien175.vn

Ngày 16-4-1946, thành lập Bộ đội quân y. Ra đời vào nǎm đầu tiên của nền Cộng hòa, Bộ đội quân y Việt Nam đã nhanh chóng hội nhập và trở thành bộ phận cấu thành của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Những năm gần đây, được sự quan tâm của các cấp, cơ sở vật chất, trang thiết bị của ngành quân y được đầu tư nâng cấp; bộ mặt của các bệnh viện, nhà trường, cơ sở quân y ngày càng khang trang; chất lượng chuyên môn được củng cố và nâng cao. Nhiều bệnh viện, cơ sở quân y được xây dựng mới, trang bị hiện đại, tạo điều kiện nâng cao chất lượng đào tạo, cấp cứu, điều trị, cứu chữa bộ đội và nhân dân.

Thời gian tới, nhiệm vụ của quân đội đặt ra yêu cầu mới, ngày càng cao với ngành Quân y. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, toàn ngành xác định quán triệt sâu sắc đường lối, quan điểm của Đảng về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc; trước hết quán triệt, thực hiện nghiêm các nghị quyết, chỉ thị về công tác quân y. Tập trung nâng cao khả năng bảo đảm quân y cho SSCĐ và các nhiệm vụ đột xuất; ưu tiên bảo đảm cho các lực lượng làm nhiệm vụ đặc biệt, bảo vệ chủ quyền biển, đảo, biên giới, ở địa bàn trọng yếu và các đơn vị mới thành lập, các lực lượng tiến thẳng lên hiện đại.

leftcenterrightdel
Trung tâm điều trị bệnh nhân Covid-19, Bệnh viện Quân y 175 được triển khai thần tốc và đi vào hoạt động. Ảnh: Benhvien175.vn

Cục Quân y sẽ tham mưu với cấp trên phát huy sức mạnh tổng hợp, thực hiện tốt công tác kết hợp quân dân y, xây dựng và củng cố các đơn vị quân y trong khu vực phòng thủ. Tập trung hoàn thành những đề án lớn của ngành, chú trọng đề án quy hoạch hệ thống bệnh xá, bệnh viện toàn quân; nâng cao năng lực hệ thống y học dự phòng quân đội. Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh hoạt động đối ngoại quân y; tăng cường quan hệ hợp tác quốc tế, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, nghiên cứu khoa học, tham gia lực lượng Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc... góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng, phát triển đất nước.

leftcenterrightdel

Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm và động viên bộ đội PK-KQ trong chiến dịch 12 ngày đêm cuối tháng Chạp năm 1972. Ảnh:Tư liệu 

Ngày 16-4-1972, Tổng thống Nichxơn ra lệnh cho tàu chiến và máy bay Mỹ ồ ạt đánh phá miền Bắc nước ta một cách dã man chưa từng có; tàu chiến Mỹ bắn phá dọc bờ biển từ Nghệ An đến Đồ Sơn. Quân dân Hà Nội-Hải Phòng cảnh giác cao, đánh giỏi thắng lớn, bắn tan xác 15 máy bay Mỹ, trong đó Thủ đô Hà Nội bắn rơi 5 chiếc, thành phố cảng Hải Phòng bắn rơi 10 chiếc trong đó có một chiếc B52.

Sự kiện quốc tế 

leftcenterrightdel
Vua hề Saclô-nhà điện ảnh tài ba tên thật là Charlie Chaplin sinh ngày 16-4-1889. Ảnh: Tư liệu 

Vua hề Saclô-nhà điện ảnh tài ba-tên thật là Charlie Chaplin sinh ngày 16-4-1889. Sự nghiệp nghệ thuật của Saclô đã để lại một khối lượng to lớn và đóng góp nhiều giá trị cho điện ảnh bởi những tư tưởng yêu hòa bình và tự do. Ông đã để lại những tác phẩm điện ảnh nổi tiếng như: Nhà độc tài, Thời đại mới, Đi tìm vàng, Gà trống nuôi con...

Ngày 16-4-1948, thành lập Tổ chức Hợp tác Kinh tế châu Âu (OEEC).

Theo dấu chân người

leftcenterrightdel
Tượng đồng chàng trai Nguyễn Tất Thành trong phút biệt ly cha đặt tại quảng trường TP Quy Nhơn, Bình Định. Ảnh: Tuoitre.vn

Ngày 16-4-1915, Nguyễn Tất Thành từ Anh viết thư gửi Toàn quyền Đông Dương qua Lãnh sự Anh tại Sài Gòn nhờ chuyển cho cha mình là cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc (hay Huy). Nhưng bức thư (ký tên là “Paul Thành”) đã không đến tay người nhận với lý do là chính quyền không tìm ra địa chỉ.

Ngày 16-4-1923, báo cáo của mật thám cho biết, Nguyễn Ái Quốc nhận được giấy mời dự Đại hội thường kỳ lần thứ 7 Hội những người bạn phương Đông của Pháp tổ chức vào 14 giờ 30 phút ngày 22-4-1923 tại Bảo tàng “Guimet” (Musộe de l’ Homme) ở Paris.

Ngày 16-4-1939, từ Quế Lâm, Nguyễn Ái Quốc viết bài “Thư từ Trung Quốc” đăng trên tờ báo “Notre Voix”(Tiếng nói của chúng ta) phát hành tại Hà Nội. Bài báo viết về những tổn thất của quân phiệt Nhật Bản trước “mặt trận du kích” của nhân dân Trung Quốc. Những bài báo ký tên “PC.Lin” gửi về nước trong thời gian này cũng là cách Nguyễn Ái Quốc liên hệ với lực lượng của Đảng ở trong nước vào thời điểm thế giới đang có những biến chuyển quan trọng, đại chiến sắp bùng nổ.

Ngày 16-4-1946, tại Bắc bộ phủ, Bác cùng Bộ trưởng Nội vụ Huỳnh Thúc Kháng tiễn đưa Đoàn Quốc hội Việt Nam do đồng chí Phạm Văn Đồng dẫn đầu sang thăm Pháp với lời căn dặn: “Có ba việc cần phải làm là đoàn kết, cẩn thận, làm cho người Pháp hiểu ta để gây tình hữu nghị giữa hai dân tộc”. Còn với Đoàn tham gia đàm phán với Pháp do Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Tường Tam làm trưởng Đoàn bay đi Đà Lạt, Bác nhắc nhở: Cần đặt vấn đề Nam bộ và vấn đề đình chiến lên đầu chương trình nghị sự.

Ngày 16-4-1953, báo “Nhân Dân” đăng bài của Bác (ký tên C.B) “Lực lượng to lớn của quần chúng” chỉ rõ: “Lực lượng của quần chúng là vô cùng to lớn. Quần chúng đó tự giác, tự động thì việc gì to mấy, khó mấy cũng làm được”.

Ngày 16-4-1958, kết thúc bài diễn văn khai mạc kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khóa I, Chủ tịch Hồ Chí Minh bày tỏ: “Tôi tin rằng trong khóa họp Quốc hội lần thứ tám này, trên cơ sở phát huy dân chủ rộng rãi, Quốc hội sẽ tập hợp được những ý kiến dồi dào của các đại biểu, của nhân dân, sẽ quyết định một cách sáng suốt các công việc quan hệ tới quốc kế dân sinh mà Chính phủ sẽ trình để Quốc hội xét”.

Ngày 16-4-1959, đến thăm Đại hội lần thứ II Hội Nhà báo Việt Nam, lấy tư cách “một người có nhiều duyên nợ với báo chí”, Bác có một bài phát biểu dài phân tích bản chất của báo chí cách mạng, những kinh nghiệm viết báo cũng như những căn bệnh thường thấy của người làm báo. Bác nói: “Chúng ta hãy đặt câu hỏi: Báo chí phải phục vụ ai?... Báo chí của ta thì cần phải phục vụ nhân dân lao động... phải có tính chất quần chúng và tinh thần chiến đấu... tất cả những bài Bác viết chỉ có một đề tài là: Chống thực dân đế quốc, chống phong kiến địa chủ, tuyên truyền độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Duyên nợ của Bác đối với báo chí là như vậy đó… kinh nghiệm của 40 năm là không sợ khó, có quyết tâm. Không biết thì phải cố gắng học, mà cố gắng học thì nhất định học được…”

Lời Bác dạy ngày này năm xưa

“Chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được”.

Đó là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đại hội Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ III năm 1962. Trong sự nghiệp cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi báo chí và đội ngũ người làm báo là một bộ phận của sự nghiệp cách mạng, là vũ khí sắc bén trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và xây dựng cuộc sống mới cho nhân dân.

leftcenterrightdel
Trong sự nghiệp cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi báo chí và đội ngũ người làm báo là một bộ phận của sự nghiệp cách mạng, là vũ khí sắc bén trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và xây dựng cuộc sống mới cho nhân dân. Ảnh: TTXVN

Người cho rằng, hoạt động báo chí thực chất là hoạt động chính trị, báo chí là vũ khí đấu tranh cách mạng, nên báo chí cách mạng trước tiên phải mang tính chiến đấu, tính định hướng và tính quần chúng. Bác đặc biệt lưu ý với những người làm báo phải có bản lĩnh và hiểu biết sâu sắc về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, phải giữ đúng tôn chỉ mục đích của báo chí cách mạng, tiên phong trong cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng-văn hóa, làm sáng tỏ mục tiêu của cách mạng Việt Nam, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đấu tranh chống các quan điểm sai trái, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tranh thủ sự ủng hộ và thiện cảm của bạn bè quốc tế, tạo môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.

leftcenterrightdel
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Bí thư Quân ủy Trung ương Nguyễn Phú Trọng chụp ảnh lưu niệm với Ban biên tập và đại diện cán bộ Báo QĐND tại trụ sở Văn phòng Trung ương Đảng ngày 16-10-2020. Ảnh: Qdnd.vn 

Báo chí quân đội là một bộ phận quan trọng của báo chí cách mạng Việt Nam; kế thừa, phát huy truyền thống vẻ vang của báo chí cách mạng Việt Nam, luôn bám sát, tôn chỉ mục đích, là lực lượng nòng cốt, tin cậy trong việc thông tin, tuyên truyền kịp thời về chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, đối ngoại; luôn xung kích đi đầu trong việc tuyên truyền, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, phản động, thù địch, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng. Tuyên truyền sâu rộng về công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước... tạo sự đồng thuận cao trong xã hội và đáp ứng tốt nhu cầu hưởng thụ thông tin của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân.

Tư tưởng “chính trị là gốc, chính trị trọng hơn quân sự” của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn đòi hỏi phải không ngừng xây dựng quân đội, đơn vị vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; phải có tổ chức mạnh, chủ trương đúng, không ngừng tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, bảo đảm thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao.

Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân

Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 16-4-1964 đăng tin Quân khu Hữu Ngạn phát động đợt thi đua hưởng ứng lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch.

leftcenterrightdel
Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 16-4-1964 
leftcenterrightdel
 

ĐOÀN TRUNG (Tổng hợp)