Chuyên mục Ngày này năm xưa số ra ngày 18-5-2022 cũng được Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện dưới hình thức các tác phẩm phát thanh podcast và video clip trên Chuyên trang Media Báo Quân đội nhân dân Điện tử, trân trọng mời bạn đọc xem thêm.

Một số sự kiện trong nước và quốc tế ngày 18-5

Sự kiện trong nước

18-5-1960: Khánh thành Nhà máy cao su Sao vàng, Nhà máy thuốc lá Thǎng Long, Nhà máy xà phòng Hà Nội; Cùng với nhà máy cơ khí Hà Nội và một số nhà máy khác đã hình thành khu công nghiệp Thượng Đình, khu công nghiệp quy mô đầu tiên ở Hà Nội.

Bác Hồ thăm nhà máy cao su, xà phòng và thuốc lá Hà Nội, Người xem suất ăn bồi dưỡng giữa ca của công nhân (26-1-1961). Ảnh tư liệu

18-5-1961: Công ước Quốc tế đã được thông qua tại Hội nghị Viên của Liên hiệp quốc tế về quan hệ ngoại giao giữa các nước trên thế giới và miễn trừ ngoại giao.

18-5-1964: Việt Nam đã khánh thành cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa) và đoạn đường sắt Hàm Rồng - Vinh dài 156km.

Cầu Hàm Rồng. Ảnh: Baothanhhoa.vn

18-5-1966: Lữ đoàn 683, Cục Vận tải, Tổng cục Hậu cần được thành lập.

Lữ đoàn 683 là đơn vị vận tải chiến lược, có nhiệm vụ thường trực sẵn sàng chiến đấu, tổ chức vận chuyển vật chất hậu cần, binh khí, kỹ thuật và vận chuyển quân cho các đơn vị khu vực miền Trung-Tây Nguyên. Đồng thời, sẵn sàng làm nhiệm vụ đột xuất, phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn trên địa bàn đóng quân khi có lệnh. Hàng năm, lữ đoàn được trên giao vận chuyển nhiều chủng loại mặt hàng với khối lượng lớn; một số loại hàng dễ bị hao hụt, cháy nổ, đòi hỏi công tác bảo quản, quản lý khác nhau.

Phát huy truyền thống “Mở đường mà tiến, đánh địch mà đi, đã đi là đến đích, đã chiến đấu và phục vụ chiến đấu là hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”, hơn 50 năm qua, các thế hệ cán bộ, nhân viên, chiến sĩ Lữ đoàn 683 đã nêu cao tinh thần đoàn kết hiệp đồng, chủ động sáng tạo, bền bỉ, vượt mọi khó khăn gian khổ, làm tròn chức năng đơn vị vận tải chiến lược, được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân năm 2003. 

Lữ đoàn 683 đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba. Ảnh: THĂNG BẢY
Đoàn xe vận tải của Lữ đoàn 683 hành quân qua đèo Hải Vân. Ảnh: Qdnd.vn

Cùng với hoàn thành tốt nhiệm vụ vận chuyển thường xuyên và đột xuất, Lữ đoàn 683 còn là một trong những đơn vị tiêu biểu trong phong trào thi đua “Dân vận khéo” và “Dân vận tốt”. 

Với thành tích đạt được, Lữ đoàn 683 đã được thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng cục Hậu cần, Cục Vận tải và chính quyền địa phương tặng nhiều cờ thi đua, bằng khen.

18-5-1978: Thực hiện Hiệp định vận chuyển hàng không giữa hai nước Việt-Pháp, chuyến bay đầu tiên của hàng không dân dụng Pháp đã đến sân bay Tân Sơn Nhất, thành phố Hồ Chí Minh.

Sự kiện quốc tế

18-5-1642: Montréal, thành phố lớn nhất tỉnh bang Québec và thành phố đông dân thứ nhì của Canada, được thành lập. 

Theo dấu chân Người

Ngày 18-5-1946, tờ “Cứu Quốc”, cơ quan của Mặt trận Việt Minh đăng bài báo “Cụ Hồ Chí Minh với dân tộc Việt Nam”, trong đó, lần đầu tiên công bố ngày sinh của vị Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa: “Ngày 19 tháng Năm này, năm mươi sáu năm trước đây (1890) đã ra đời một người: Hồ Chí Minh. Bằng bàn tay khéo léo và quả quyết, chính ông đã khai sinh, đó nuôi nấng nhiều đoàn thể cách mạng Việt Nam. Tinh thần hoạt động của hầu hết các chiến sĩ Việt Nam đều do bàn tay tài tình của ông hun đúc...” .

Ngày 18-5-1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện mừng tới Chủ tịch Uỷ ban Dân tộc Giải phóng Trung ương Cao Miên (Campuchia) Sơn Ngọc Minh nhân kỷ niệm Ngày tuyên bố độc lập của nước Cao Miên tự do, trong đó khẳng định: “Thắng lợi của nhân dân Miên cũng là những thắng lợi chung của nhân dân Việt Nam và của khối liên minh Việt - Miên - Lào đoàn kết chiến đấu, đánh đuổi kẻ thù chung là thực dân Pháp và can thiệp Mỹ”.

Ngày 18-5 của các năm 1968 và 1969, Bác đều dành thời gian từ 9 đến 10 giờ sáng để xem lại và sửa Di chúc.

(Sách Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày này năm xưa, NXB Chính trị Quốc gia-Sự thật, 2010)

Lời Bác dạy ngày này năm xưa

“Khoa học phải từ sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng, nhằm nâng cao năng suất lao động và không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân, bảo đảm cho chủ nghĩa xã hội thắng lợi”.

Câu nói trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh trích trong “Bài nói tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ I của Hội nghị phổ biến khoa học, kỹ thuật Việt Nam” ngày 18-5-1963, bàn về mối quan hệ giữa khoa học và sản xuất".

(Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB. Chính trị Quốc gia - Sự thật, t.14, tr.97)

Đây chính là phương châm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tổ chức nghiên cứu khoa học; khoa học phải gắn với nhiệm vụ, với đời sống xã hội; khoa học phải gắn với thực tiễn, phải từ thực tiến và quay lại phục vụ chính thực tiễn và phải đáp ứng nhu cầu của sản xuất, phục vụ sản xuất, nhằm nâng cao năng suất lao động và nâng cao đời sống vật chất của nhân dân. Năng suất lao động cao thúc đẩy kinh tế phát triển, tạo điều kiện xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội. Do vậy, trong các thời kỳ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, Người chú trọng đề ra các chủ trương, chính sách xây dựng, phát triển khoa học và kỹ thuật.

Bác Hồ dùng thử máy cấy lúa cải tiến tại Trại thí nghiệm trồng lúa Sở Nông lâm Hà Nội (16-7-1960). Ảnh tư liệu 

Tại Hội nghị Thanh niên xã hội chủ nghĩa khu Việt Bắc, Người thăm hỏi chiến sĩ thi đua Phạm Trung Pồn bị mù cả hai mắt nhưng có nhiều sáng kiến cải tiến nông cụ (13-3-1960). Ảnh tư liệu 

Hiện nay, đất nước ta đang tiến hành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế sâu rộng dưới sự tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, kinh tế tri thức dần dần giữ vai trò chủ đạo, chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu các thành phần kinh tế; quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò của khoa học và kỹ thuật trong xây dựng chủ nghĩa xã hội càng có ý nghĩa lý luận, thực tiễn sâu sắc đã được Đảng ta cụ thể hóa thành các nghị quyết, đề án, chương trình; trong đó, xác định cùng với giáo dục đào tạo, thì khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu.

Thấm nhuần quan điểm của Bác Hồ về vai trò của khoa học đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, cấp ủy, chỉ huy các cấp trong toàn quân đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, có nhiều giải pháp trong nghiên cứu khoa học – kỹ thuật, khoa học quân sự. Đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học trong quân đội ngày càng được phát triển cả về số lượng và chất lượng, được đào tạo cơ bản ở trong nước và nước ngào, tâm huyết, yêu nghề.

Với sự chỉ đạo của Đảng, Chính phủ và Bộ Quốc phòng, nền công nghiệp quốc phòng nước ta đã có nhiều bước tiến đáng kể trong thời gian qua. 

Sáng kiến “Máy thái củ, quả đa năng” của Phòng Hậu cần-Kỹ thuật, Trường Quân sự Quân đoàn 2.

Thượng úy Thái Viết Kiên, Trợ lý Chính trị, Ban CHQS huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận thuyết minh sáng kiến “Hệ thống báo bia tự động”.  

Các phong trào: “Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật”, “Tuổi trẻ Quân đội tiến quân vào khoa học công nghệ”… được đông đảo cán bộ, chiến sĩ toàn quân hưởng ứng thực hiện, ngày càng xuất hiện nhiều công trình, đề tài khoa học, sáng kiến có giá trị cao, được ứng dụng có hiệu quả trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và đóng góp góp vào các lĩnh vực của đời sống xã hội, được dư luận ghi nhận, đánh giá cao, thiết thực góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng quân đội từng bước hiện đại, đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân

Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 17, ngày 18-5-1951 đăng lời của Hồ Chủ tịch: “Vệ quốc quân, dân quân du kích phải luôn luôn phát triển cái kỷ luật nghiêm như sắt, cái tinh thần vững như đồng, cái chí khí quật cường tất thắng, cái đạo đức trí dũng liêm trung của giải phóng quân”.

Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 255, ngày 18-5-1956 đăng ảnh của Bác cùng bài viết “Khắp nơi thi đua lập thành tích mừng ngày sinh nhật Hồ Chủ tịch”.

Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 892, ngày 18-5-1961 đăng bức ảnh chân dung Bác Hồ nhân kỷ niệm 73 năm Ngày sinh nhật Bác và bức ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Lưu Thiếu Kỳ duyệt bộ đội danh dự.

Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 1203, ngày 18-5-1963 đăng ảnh của Bác cùng bài xã luận: Mừng thọ Hồ Chủ tịch, phất cao ngọn cờ tư tưởng xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh phong trào thi đua "Ba nhất".

Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 3230, ngày 18-5-1970 đăng ảnh Hồ Chủ tịch ở Chiến khu Việt Bắc năm 1951 và trích đăng điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam: “Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch, người anh hùng dân tộc vĩ đại, và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta”.

Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 3592, ngày 18-5-1971 đăng lời của Bác Hồ nói năm 1966: “Vì độc lập của Tổ quốc, vì nghĩa vụ đối với các dân tộc đang chống đế quốc Mỹ, toàn dân và toàn quân ta đoàn kết một lòng, không sợ hy sinh gian khổ, kiên quyết chiến đấu đến thắng lợi hoàn toàn”.

Trang nhất Báo Quân đội nhân dân ngày 18-5 các năm 1951, 1956, 1961, 1963 và 1970. 
Trang nhất Báo Quân đội nhân dân ngày 18-5 các năm 1971, 1973, 1975 và 1995.  
Trang nhất Báo Quân đội nhân dân ngày 18-5 các năm 2000, 2009, 2010 và 2015.   

Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 4319, ngày 18-5-1973 đăng ảnh Bác Hồ thăm trường mẫu giáo Mầm non tỉnh Thanh Hóa, ngày 10-12-1961 kèm trích lời Di chúc của Bác: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”.

Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 5043, ngày 18-5-1975 đăng ảnh Bác Hồ và lời của Bác: “Nước Việt Nam là một/ Dân tộc Việt Nam là một/ Dù cho sông cạn đá mòn/ Nhân dân Nam, Bắc là con một nhà”.

Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 12211, ngày 18-5-1995 đăng ảnh Bác Hồ về thăm quê hương năm 1961.

Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 14018, ngày 18-5-2000 đăng ảnh Hồ Chủ tịch thăm lớp học bổ túc văn hóa khu lao động Lương Yên, Hà Nội năm 1956 và lời của Bác: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội trước hết cần có những con người xã hội chủ nghĩa”.

Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 17270, ngày 18-5-2009 đăng ảnh Bác Hồ tại Đại hội thanh niên xung phong chống Mỹ, cứu nước (năm 1967).

Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 17631, ngày 18-5-2010 đăng ảnh Bác Hồ với các cháu thiếu niên, Dũng sĩ diệt Mỹ miền Nam (năm 1968) kèm bài viết “Tư tưởng Hồ Chí Minh về chăm lo bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau”.

Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 19437, ngày 18-5-2015 đăng ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm bộ đội diễn tập (năm 1957) kèm bài viết “Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào sự nghiệp xây dựng nền quốc phòng toàn dân, bảo vệ Tổ quốc hiện nay” của Đại tướng Phùng Quang Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

 

TƯỜNG VY (tổng hợp)