Chuyên mục Ngày này năm xưa số ra ngày 16-8-2022 cũng được Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện dưới hình thức các tác phẩm phát thanh podcast tại đây và video clip trên Chuyên trang Media Báo Quân đội nhân dân Điện tử, trân trọng mời bạn đọc xem thêm.
Một số sự kiện trong nước và quốc tế ngày 16-8
Sự kiện trong nước
 |
Đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai (bìa phải, hàng đầu) tại Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ 7 - năm 1935. Ảnh tư liệu
|
- Tại phiên họp thứ 40 Đại hội lần thứ 7 của Quốc tế cộng sản ngày 16-8-1935, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai (lấy tên là Phan Lan) đã đọc tham luận. Bản tham luận nêu rõ phong trào đấu tranh và những thành tích của phụ nữ Đông Dương, sau đó đề cập đến vai trò phụ nữ trong cuộc đấu tranh hòa bình.
 |
Tranh vẽ Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì Đại hội Quốc dân tại đình Tân Trào (Tuyên Quang). Ảnh tư liệu
|
- Quốc dân Đại hội được triệu tập ở Tân Trào (Tuyên Quang) từ ngày 16 đến 17-8-1945. Tham dự Đại hội có hơn 60 đại biểu Trung, Nam, Bắc, đại biểu kiều bào ở nước ngoài, đại biểu các đảng phái chính trị, các đoàn thể nhân dân, các dân tộc và tôn giáo... Đại hội đã quán triệt đường lối của Hội nghị toàn quốc Đảng Cộng sản Đông Dương đã tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền trước khi quân đồng minh vào Đông Dương. Đại hội thông qua 10 chính sách lớn của Việt Minh là:
1. Giành lấy chính quyền, xây dựng một nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trên nền tảng hoàn toàn độc lập.
2. Võ trang nhân dân. Phát triển quân Giải phóng Việt Nam.
3. Tịch thu tài sản của giặc nước và của Việt gian, tùy từng trường hợp sung công làm của quốc gia hay chia cho dân nghèo.
4. Bỏ các thứ thuế do Pháp, Nhật đặt ra; đặt một thứ thuế công bằng và nhẹ.
5. Ban bố những quyền của dân cho dân: Nhân quyền; Tài quyền (quyền sở hữu); Dân quyền: Quyền phổ thông đầu phiếu, quyền tự do dân chủ (tự do tín ngưỡng, tự do tư tưởng, ngôn luận, hội họp, đi lại), dân tộc bình quyền, nam nữ bình quyền;
6. Chia lại ruộng công cho công bằng, giảm địa tô, giảm lợi tức, hoãn nợ, cứu tế nạn dân.
7. Ban bố luật lao động; ngày làm tám giờ, định lương tối thiểu, đặt xã hội bảo hiểm.
8. Xây dựng nền kinh tế quốc dân, phát triển nông nghiệp. Mở quốc gia ngân hàng.
9. Xây dựng nền quốc dân giáo dục; chống nạn mù chữ, phổ thông và cưỡng bách giáo dục đến bậc sơ cấp. Kiến thiết nền văn hóa mới.
10. Thân thiện và giao hảo với các nước Đồng minh và các nước nhược tiểu dân tộc để giành lấy sự đồng tình và sức ủng hộ của họ.
Đại hội còn quy định Quốc kỳ là lá cờ đỏ có ngôi sao vàng 5 cánh ở giữa. Quốc ca là bài "Tiến quân ca" và cử ra Ủy ban Giải phóng dân tộc Việt Nam, tức Chính phủ lâm thời do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Ủy ban giải phóng dân tộc giao quyền chỉ huy cho Ủy ban khởi nghĩa toàn quyền hành động.
Đại hội Quốc dân Tân Trào đã thể hiện được sự đoàn kết nhất trí và ý chí quyết thắng của cả dân tộc trong mặt trận Việt Minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Sự kiện quốc tế
 |
Hình ảnh của Hoàng đế Mãn Châu Quốc Phổ Nghi ở trong tù. Ảnh tư liệu
|
- Ngày 16-8-1945: Hoàng đế Mãn Châu Quốc Phổ Nghi bị Quân đội Liên Xô bắt trong lúc ông chuẩn bị chạy trốn sang Nhật Bản.
Theo dấu chân Người
- Ngày 16-8-1935, Nguyễn Ái Quốc đăng ký bản khai đại biểu tham dự Đại hội lần thứ VII Quốc tế Cộng sản trong đó nêu một số chi tiết: “... Họ, tên, bí danh trong Đại hội: Lin... Thành phần xuất thân: Gia đình trí thức. Trình độ học vấn: Tự học... Từ năm 1928, tổ chức phong trào công nhân và nông dân ở Xiêm. Năm 1930-1931, tổ chức Đảng Cộng sản Đông Dương... Năm 1931, bị bắt, bị tù 2 năm... Đã tham gia Đại hội V Quốc tế Cộng sản… và Đại hội Quốc tế Công đoàn...”.
 |
Đình Tân Trào (huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) nơi diễn ra Quốc dân Đại hội do Việt Minh triệu tập tháng 8-1945, quyết định Tổng khởi nghĩa, bầu ra Ủy ban dân tộc giải phóng do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Ảnh tư liệu |
- Ngày 16-8-1945, tại ngôi đình ở Tân Trào, Đại hội Quốc dân gồm 60 đại biểu thuộc nhiều tầng lớp xã hội tiêu biểu, từ nhiều địa phương trong cả nước dự, đã bầu Ủy ban Giải phóng Dân tộc do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch.
- Ngay sau ngày Nhật Bản đầu hàng Đồng minh (15-8-1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh viết một bức thư gửi Trung úy Giôn trong cơ quan tình báo của Mỹ (OSS) để chuyển thông điệp: “Ủy ban dân tộc giải phóng của Mặt trận Việt Minh yêu cầu nhà cầm quyền Hoa Kỳ thông báo cho Liên hợp quốc rằng: Chúng tôi đã đứng về phía Liên hợp quốc chống lại bọn Nhật. Nay bọn Nhật đã đầu hàng. Chúng tôi yêu cầu Liên hợp quốc thực hiện lời hứa long trọng của mình là tất cả các dân tộc đều được hưởng dân chủ và độc lập. Nếu Liên hợp quốc nuốt lời hứa long trọng này và không thực hiện cho Đông Dương được hoàn toàn độc lập thì chúng tôi sẽ cương quyết chiến đấu cho đến khi giành được nền độc lập hoàn toàn”.
- Ngày 16-8-1951, Bác ra “Lời kêu gọi nhân dịp Cách mạng Tháng Tám và Ngày Độc lập”, nêu rõ: “Lòng yêu nước và sự đoàn kết của nhân dân là một lực lượng vô cùng to lớn, không ai thắng nổi. Nhờ lực lượng ấy mà tổ tiên ta đã đánh thắng quân Nguyên, quân Minh, đã giữ vững quyền tự do, tự chủ. Nhờ lực lượng ấy mà chúng ta cách mạng thành công, giành được độc lập. Nhờ lực lượng ấy mà sức kháng chiến của ta càng ngày càng mạnh. Nhờ lực lượng ấy mà quân và dân ta quyết chịu đựng muôn nỗi khó khăn thiếu thốn, đói khổ, tang tóc, quyết một lòng đánh tan quân giặc cướp nước. Nhờ lực lượng ấy mà với tầm vông và súng hỏa mai ban đầu, chúng ta đã liên tiếp thắng địch... Nhờ lực lượng ấy mà chúng ta sẽ đuổi sạch thực dân Pháp ra khỏi đất nước ta và lấy lại thống nhất và độc lập thật sự...”.
- Ngày 16-8-1958, Bác gửi thư tới Đại hội Nhân dân Việt Nam bảo vệ hòa bình họp tại Hà Nội, đưa ra quan điểm: “Cho nên phong trào hòa bình phải gắn liền với phong trào độc lập dân tộc... Giữ gìn hòa bình là nhiệm vụ chung của toàn dân. Mỗi người dân Việt Nam phải là một chiến sĩ hăng hái đấu tranh cho hòa bình” .
- Ngày 16-8-1965, Báo Nhân Dân đăng bài Bác trả lời phỏng vấn của nhà báo Pháp nổi tiếng Philíp Đơvile (Philippe Devilers) về giải pháp chấm dứt cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam, với thông điệp: “Chính phủ Mỹ phải chấm dứt ngay những cuộc tiến công bằng không quân vào lãnh thổ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, chấm dứt ngay cuộc chiến tranh xâm lược miền Nam nước chúng tôi, rút quân đội và các loại vũ khí Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam. Đó là “hòa bình trong danh dự”, ngoài ra không có con đường nào khác”.
(Sách Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày này năm xưa, NXB Chính trị quốc gia-Sự thật, 2010)
Lời Bác dạy ngày này năm xưa
“Giữ gìn hòa bình là nhiệm vụ chung của toàn dân. Mỗi người dân Việt Nam phải là một chiến sĩ hăng hái đấu tranh cho hòa bình”.
Câu nói trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh được trích trong “Thư gửi Đại hội nhân dân Việt Nam bảo vệ hòa bình”, Bác viết ngày 16-8-1958, Báo Nhân Dân đăng trên số 1618, ngày 17-8-1958.
 |
Bác từng căn dặn toàn dân, toàn quân ta:“Giữ gìn hòa bình là nhiệm vụ chung của toàn dân. Mỗi người dân Việt Nam phải là một chiến sĩ hăng hái đấu tranh cho hòa bình”. |
Trong suốt tiến trình xây dựng và bảo vệ đất nước, dân tộc Việt Nam phải tiến hành nhiều cuộc kháng chiến chống lại các thế lực ngoại xâm để giành và bảo vệ độc lập, tự do cho Tổ quốc. Trải qua nhiều cuộc chiến đấu lâu dài, gian khổ, với biết bao mất mát, hy sinh, hơn ai hết, nhân dân Việt Nam nhận rõ giá trị của hòa bình, độc lập, tự do. Bởi vậy yêu chuộng hòa bình là một trong những truyền thống nổi bật, là nét đẹp văn hóa tiêu biểu và cũng là trách nhiệm, nghĩa vụ cao cả của mỗi người dân Việt Nam.
Nhận thức sâu sắc quy luật dựng nước phải đi đôi với giữ nước của dân tộc Việt Nam, đã được Đảng, Nhà nước, nhân dân ta phát triển thành hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam: Xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; kế tục truyền thống yêu chuộng hòa bình, giữ vững ý chí độc lập, tự do, thấm nhuần lời Bác Hồ dạy, Đảng, Nhà nước và Quân đội ta luôn nhất quán với chủ trương: “Giữ vững môi trường hòa bình, thuận lợi cho đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ” vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
 |
Việt Nam rất tích cực trong việc tham gia vào các hoạt động gìn giữ hòa bình quốc tế. Ảnh: vietnamplus.vn
|
Học tập và làm theo lời Bác dạy, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân đội và dân ta đã đoàn kết, anh dũng đấu tranh giành thắng lợi cuộc kháng chiến chống đế quốc, thực dân xâm lược, giải phóng đất nước, hoàn thành nhiệm vụ quốc tế cao cả. Ngày nay, quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế…
Quân đội ta đã cử cán bộ làm nhiệm vụ quốc tế tại các phái bộ của Liên hợp quốc thể hiện trách nhiệm quốc tế của quân đội và nhân dân Việt Nam với cộng đồng quốc tế nhằm giải quyết các bất ổn và thách thức về an ninh hướng tới xây dựng một thế giới hòa bình, ổn định và thịnh vượng. Cán bộ, chiến sĩ toàn quân ra sức thi đua huấn luyện giỏi, sẵn sàng chiến đấu cao, không ngừng nâng cao chất lượng và sức mạnh tổng hợp của quân đội đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, góp phần xây dựng và bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định ở khu vực và quốc tế.
Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân
Trên trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 3320 ngày 16-8-1970 đã đăng tải lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến toàn thể cán bộ và chiến sĩ với nội dung sau: "Toàn thể cán bộ và chiến sĩ hãy giữ vững và nâng cao ý chí chiến đấu, ra sức thi đua học tập quân sự, chính trị, làm cho quân đội ta ngày càng mạnh mẽ để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang".
 |
Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 3320 ngày 16-8-1970. |
ĐOÀN TRUNG (tổng hợp)