Chuyên mục Ngày này năm xưa số ra ngày 14-8-2022 được Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện dưới hình thức các tác phẩm phát thanh podcast tại đây và video clip trên Chuyên trang Media Báo Quân đội nhân dân Điện tử, trân trọng mời bạn đọc xem thêm.

Một số sự kiện trong nước và quốc tế ngày 14-8:

Sự kiện trong nước

Nhân dân Hà Nội chiếm Bắc bộ phủ, tháng 8 năm 1945. Ảnh tư liệu 

- Ngày 14-8-1945, sau hội nghị toàn quốc, Đảng quyết định phát động toàn dân khởi nghĩa, ra lời hiệu triệu kêu gọi các đảng viên: "Giờ tổng khởi nghĩa đã đến! Dân tộc ta đã đến lúc vùng dậy giành lại chính quyền độc lập của mình! Trước cơ hội có một không hai này, toàn thể dân tộc ta phải đem hết lực lượng, dùng hết can đảm, bao quanh đạo quân giải phóng Việt Nam, tung xương máu ra đánh đuổi giặc Nhật, đòi lấy tự do hạnh phúc cho nhân dân".

- Ngày 14-8-1996, Bộ Giao thông vận tải nước ta đã tổ chức lễ khởi công xây dựng đường ô tô cao tốc Láng - Hòa Lạc giai đoạn I (thuộc tuyến đường mới Hà Nội - Ba Vì). Tuyến đường quan trọng này dài 30km nhằm phục vụ chương trình khai thác tiềm nǎng kinh tế - vǎn hóa của vùng Ba Vì (Hà Tây), thông qua đây hình thành một khu công nghệ kỹ thuật cao, Trung tâm Đại học quốc gia, Làng vǎn hóa các dân tộc Việt Nam và cụm du lịch sinh thái rất gần với thủ đô Hà Nội. Tuyến đường Láng - Hòa Lạc có 2km ở nội thành và 12km ở ngoại thành Hà Nội.

(Theo baothainguyen.vn)

Sự kiện quốc tế

- Ngày 14-8-1941, Thủ tướng Anh Winston Churchill và Tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt đã ký kết “Hiến chương Đại Tây Dương” nhằm xác lập trước trật tự thế giới mới sau Chiến tranh thế giới II và là cơ sở hình thành Liên hợp quốc và NATO.

Ngày 2-9-1945, trên chiến hạm USS Missouri của Hải quân Mỹ, Ngoại trưởng Nhật Bản Mamoru Shigemitsu đã ký văn kiện chấp nhận đầu hàng không điều kiện với Liên Xô và quân Đồng minh, chính thức kết thúc Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Ảnh tư liệu

- Ngày 14-8-1945, Nhật Hoàng tuyên bố đầu hàng không điều kiện các nước Đồng minh, chính thức kết thúc Chiến tranh thế giới lần hai - cuộc chiến quy mô, tàn khốc và đẫm máu nhất trong lịch sử nhân loại.

(Theo vietnamplus.vn)

Theo dấu chân Người

- Ngày 14-8-1921, mật thám Pháp ghi nhận một cuộc gặp gỡ kéo dài hai ngày, tại nhà của Luật sư Phan Văn Trường với nhiều nhân vật trong giới hoạt động xã hội của người Việt tại Pháp như Phan Chu Trinh, Phan Cao Đoan... và Nguyễn Ái Quốc vào thời điểm này đã trở thành một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp.

Nhà báo Wilfred Graham Burchett trong một lần phỏng vấn Bác Hồ. Ảnh tư liệu 

- Ngày 14-8-1926, bài viết “Phong trào Cách mạng ở Đông Dương” của Nguyễn Ái Quốc được đăng trên Tập san “Inprekorr” (bản tiếng Pháp) của Quốc tế Cộng sản. Đây là một bức tranh toàn cảnh những biến đổi chính trị trong phong trào giải phóng dân tộc đang diễn ra mạnh mẽ ở Việt Nam và đi tới một nhận định: “Tình hình chính trị ở Đông Dương có thể tóm tắt trong lời than vãn sau đây của một tờ báo tiếng Pháp ở Bắc Kỳ: “Vụ biến động này... đã làm cho nước ta xưa nay yên ổn biết bao, đã trở thành trung tâm của những cuộc biến động và hỗn loạn”.

- Ngày 14-8-1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng được triệu tập tại Tân Trào (Tuyên Quang) theo đề nghị của lãnh tụ Hồ Chí Minh, đã đưa ra nhận định: “Cơ hội rất tốt cho ta giành quyền độc lập đã tới”. Hội nghị đã quyết định mục tiêu giành quyền độc lập cho dân tộc và thành lập chính quyền nhân dân, thi hành “Mười chính sách của Việt Minh”, định ra chính sách ngoại giao với Đồng minh và những nguyên tắc hành động để đưa cuộc cách mạng giải phóng dân tộc đi đến thành công.

- Ngày 14-8-1952, Báo Nhân Dân đăng bài “Anh hùng và trí thức” của Bác (ký bút danh C.B), khẳng định: “Dưới chế độ dân chủ mới, những người lao động trí óc, cũng như lao động chân tay, đều có dịp phát huy và phát triển tài năng của mình, nhằm mục đích phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Vì vậy, họ được đồng bào kính trọng, được Chính phủ và đoàn thể nêu cao”.

Bài báo nêu tên những trí thức được tuyên dương Anh hùng như Trần Đại Nghĩa; nhiều người được bầu làm Chiến sĩ thi đua như các bác sĩ Hồ Đắc Di, Tôn Thất Tùng, Đặng Văn Ngữ, Hoàng Đình Cầu, thi sĩ Tú Mỡ... “Điều đó chứng tỏ: Chính phủ kháng chiến rất quý trọng những người trí thức chân chính. Những người trí thức chân chính đều hăng hái tham gia kháng chiến. Chỉ một việc đó cũng đủ thấy: ta nhất định thắng, địch nhất định thua”.

- Ngày 14-8-1953, Báo Cứu Quốc đăng bài “Chế độ dân chủ tập trung của Đảng” (ký tên Đ.X) của Bác với kết luận: “Muốn cho Đảng mạnh, phải mở rộng dân chủ, đồng thời thực hiện sự lãnh đạo tập trung, nâng cao tính tổ chức và kỷ luật”.

(Sách Chủ tịch Hồ Chí Minh - Ngày này năm xưa, NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật, 2010)

Lời Bác dạy ngày này năm xưa

“Công đoàn phải làm tốt công tác bảo hộ lao động. Phải thật sự chăm nom nơi ăn, nhà ở của công nhân, viên chức”.

Đó là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong “Bài nói chuyện tại Hội nghị cán bộ công đoàn cơ sở toàn miền Bắc”, đăng trên Báo Nhân Dân số ra ngày 14-8-1962. Công đoàn các cấp với vị trí là tổ chức chính trị-xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động, đại diện cho người lao động, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động…; tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp về những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động; tuyên truyền, vận động người lao động học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Do vậy, cần quan tâm chăm lo xây dựng tổ chức công đoàn cơ sở thật sự vững mạnh, coi trọng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động phù hợp, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; không ngừng chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, cải thiện điều kiện sinh hoạt, lao động; quan tâm, động viên, khuyến khích đoàn viên công đoàn, công nhân viên chức, người lao động yên tâm, gắn bó với ngành, nghề, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Chủ tịch Hồ Chí Minh dự Hội nghị Cán bộ Công đoàn cơ sở toàn miền Bắc, ngày 13-8-1962. Ảnh tư liệu 

Là một bộ phận của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Công đoàn Quân đội làm tốt chức năng, nhiệm vụ nghiên cứu, tham mưu, đề xuất và tổ chức thực hiện các chủ trương, biện pháp về công tác vận động đoàn viên công đoàn, công nhân và lao động quốc phòng, hoạt động công đoàn trong quân đội. Tham gia nghiên cứu, xây dựng, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện và giải quyết các chính sách, chế độ về lao động, tiền lương, tiền thưởng, bảo hộ lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và các chế độ, chính sách liên quan đến người lao động…

 Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm nhà máy Cơ khí Hà Nội, ngày 18-2-1958. Ảnh tư liệu

Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ, tổ chức công đoàn trong quân đội luôn quán triệt sâu sắc chức năng, nhiệm vụ của quân đội, của đơn vị, tập hợp, đoàn kết đội ngũ đoàn viên, công nhân, lao động quốc phòng; đẩy mạnh các phong trào thi đua, các cuộc vận động; chủ động, sáng tạo, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức công đoàn; có nhiều hoạt động chăm lo quyền lợi, xây dựng đội ngũ cán bộ, đoàn viên, công nhân, lao động quốc phòng và tổ chức công đoàn quốc phòng vững mạnh về mọi mặt, góp phần xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh, cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện, xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân

Trên trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 3318, ngày 14-8-1970 đăng lời Hồ Chủ tịch “Chiến thuật du kích là: phải luôn luôn giữ quyền chủ động, phải tìm địch mà đánh, phải luôn luôn khuấy rối phá hoại địch, phải cộng những thắng lợi nhỏ thành những thắng lợi to”.

Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 3318, ngày 14-8-1970. 

 

HUYỀN TRANG (tổng hợp)