Chuyên mục Ngày này năm xưa số ra ngày 12-8-2022 cũng được Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện dưới hình thức các tác phẩm phát thanh podcast và video clip trên Chuyên trang Media Báo Quân đội nhân dân Điện tử, trân trọng mời bạn đọc xem thêm.
Một số sự kiện trong nước và quốc tế ngày 12-8
Sự kiện trong nước
Ngày 12-8-1972: Là ngày truyền thống Lữ đoàn công binh 279 (Binh chủng Công binh). Cách đây 50 năm, trước yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng, Trung đoàn Công binh cầu đường 279 (Lữ đoàn công binh 279 ngày nay) được thành lập. Ra đời trong thời điểm cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước diễn ra ác liệt, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ tư lệnh Binh chủng Công binh, kế thừa truyền thống đấu tranh quật cường của dân tộc, cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn công binh 279 đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, nhận và hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao.
 |
Ký kết giao ước thi đua giữa các đơn vị thuộc Lữ đoàn công binh 279. Ảnh đơn vị cung cấp |
Chất lượng huấn luyện và khả năng sẵn sàng chiến đấu được nâng cao, nền nếp chính quy, duy trì kỷ luật có nhiều chuyển biến tiến bộ. Tổ chức triển khai thi công xây dựng nhiều công trình chiến đấu trong điều kiện phải khắc phục vô vàn khó khăn, gian khổ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn cao. Song cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn đã nỗ lực phấn đấu vượt qua, bảo đảm 100% các công trình đúng tiến độ, đảm bảo yêu cầu kỹ, mỹ thuật, bàn giao và đưa vào sử dụng hiệu quả. Cơ sở bảo đảm kỹ thuật và trang bị kỹ thuật từng bước được đầu tư đồng bộ và hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, thi công xây dựng công trình. Xây dựng mối đoàn kết tốt với cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương, góp phần xây dựng địa bàn đóng quân và đơn vị an toàn vững mạnh.
Với những thành tích đặc biệt xuất sắc, Lữ đoàn đã vinh dự được nhận Huân chương Quân công hạng Ba và nhiều phần thưởng cao quý.
- Ngày 12-8-1945, Ủy ban Chỉ huy lâm thời khu giải phóng ra mệnh lệnh khởi nghĩa. Bản mệnh lệnh gồm 10 điểm, quy định phương án tác chiến cho lực lượng vũ trang như tấn công địch ở các đô thị. Chính sách đối với quân ngụy, tù binh và hàng binh Nhật, những người thuộc phái Đờ Gôn, vấn đề vũ khí, thông tin liên lạc, phối hợp với các lực lượng nhân dân và cuối cùng nhấn mạnh “Lúc này là lúc quân sự hành động, kỷ luật phải nghiêm”.
- Ngày 12-8-1991, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua “Luật Bảo vệ và chǎm sóc trẻ em”. (Được Chủ tịch Hội đồng Nhà nước ký lệnh công bố ngày 16-8-1991) để nâng cao trách nhiệm của gia đình, cơ quan Nhà nước, nhà trường, tổ chức xã hội và công dân trong việc bảo vệ, chǎm sóc và giáo dục trẻ em, nhằm bồi dưỡng các em trở thành công dân tốt của đất nước. Luật này quy định các quyền cơ bản, bổn phận của trẻ em và việc bảo vệ, chǎm sóc, giáo dục trẻ em. Luật có 5 chương và 26 điều.
Sự kiện quốc tế
- Ngày 12-8 hàng năm là ngày Quốc tế Thanh niên. Ngày Quốc tế Thanh niên của Liên hợp quốc được Đại Hội đồng Liên hợp quốc lựa chọn nhằm thúc đẩy nhân quyền, sự phát triển của nhân dân đặc biệt là thế hệ trẻ. Các hoạt động tổ chức trên toàn cầu với mục đích khẳng định vị thế, vai trò của thanh niên trong những chính sách tại địa phương, quốc gia với từng khu vực và để cho các bạn trẻ có cơ hội học tập, hoàn thành tốt vai trò của mình trong quá trình xây dựng, thực hiện chính sách đầu tư giáo dục cho thanh niên.
 |
Đoàn Thanh niên Nhân dân Cách mạng Lào đến thăm và làm việc tại tỉnh Hải Dương. Ảnh:doanthanhnien.vn |
Theo dấu chân Người
- Ngày 12-8-1945, đang ốm nặng tại căn cứ địa Tân Trào, qua chiếc máy thu, Hồ Chí Minh nghe tin Nhật Bản đã trao công hàm cho phía đồng minh để thăm dò khả năng ngừng bắn. Tuy Nhật chưa đầu hàng, nhưng quan sát động thái đó, Bác nhận định “Có hiện tượng nguy ngập tan rã trong quân đội Nhật”.
 |
Lán Nà Nưa (Tân Trào, Tuyên Quang) nơi Bác Hồ từng ở một thời gian ngắn trước Cách mạng Tháng Tám. Ảnh tư liệu |
- Ngày 12-8-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp Đoàn Việt Nam đang dự Hội nghị Phôngtennơblô (Fontainebleau) và bà con Việt kiều. Bình luận về cuộc đụng độ vũ trang Việt - Pháp tại Bắc Ninh khi trả lời tờ “Le Combat” (Chiến đấu), người đứng đầu nhà nước Việt Nam nói: “… ý kiến của tôi là mặc dầu trách nhiệm về bên nào, vụ xung đột ấy cũng rất đáng tiếc... Hội nghị chỉ có thể gián đoạn chứ không thể tan vỡ được. Tôi sẽ không khởi hành trước khi chúng ta có thể đi tới một sự thỏa thuận”.
 |
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Phái đoàn Việt Nam dự Hội nghị Phôngtennơblô. Ảnh tư liệu |
- Ngày 12-8-1954, thực hiện Hiệp định Giơ-ne-vơ, các thành viên Ủy ban Quốc tế giám sát đình chiến ở Việt Nam (gồm Ấn Độ, Ba Lan và Canada) đến Thái Nguyên. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dự lễ đón tiếp và phát biểu: “Tôi tin chắc rằng Ủy ban Quốc tế sẽ nắm vững tinh thần hiệp định và tuyên ngôn cuối cùng của Hội nghị Giơ-ne-vơ, kết hợp nó với tình hình thực tế và đứng trên lập trường công bằng chính trực mà làm tròn chức trách của Ủy ban”.
 |
Hội nghị Giơ-ne-vơ (Thụy Sĩ) năm 1954 bàn về lập lại hòa bình ở Đông Dương. Ảnh tư liệu |
- Ngày 12-8-1961, trong bức điện gửi Hội nghị Quốc tế chống bom nguyên tử họp tại Tokyo (Nhật Bản), Bác viết: “Để cho những tội ác kinh khủng do đế quốc Mỹ gây ra ở Hiroshima và Nagasaki không bao giờ còn diễn lại, chúng ta kiên quyết đấu tranh chống việc thử bom nguyên tử và bom khinh khí, kiên quyết đấu tranh đòi giải trừ quân bị toàn bộ và triệt để”.
 |
Bom nguyên tử hình thành đám mây hình nấm trên bầu trời Nagasaki vào ngày 9-8-1945. Ảnh: Getty Images |
- Ngày 12-8-1969, Bác lên khu nhà nghỉ ở Hồ Tây để thăm lãnh đạo đoàn đàm phán tại Paris mới trở về nước. Thời tiết xấu khiến Bác bị nhiễm lạnh và kể từ đó lâm bệnh, nặng dần cho đến lúc qua đời.
(Sách Chủ tịch Hồ Chí Minh - Ngày này năm xưa - NXB: Chính trị quốc gia - Sự thật 2010; Hồ Chí Minh toàn tập - NXB Chính trị quốc gia).
Lời Bác dạy ngày này năm xưa
“Bộ đội, cán bộ và đồng bào Nghệ An đã phát huy thắng lợi, nêu cao truyền thống anh hùng của quân và dân ta, đoàn kết chặt chẽ, luôn cảnh giác, thi đua chiến đấu giỏi, sản xuất giỏi, quyết giành nhiều thành tích to lớn hơn nữa”.
Lời khen ngợi và căn dặn của Bác Hồ trong “Thư khen đồng bào, bộ đội và cán bộ Nghệ An bắn rơi 100 máy bay Mỹ”, đăng trên Báo Nhân Dân, số 4148 ngày 12 tháng 8 năm 1965.
Đây là giai đoạn đế quốc Mỹ dựng lên “Sự kiện Vịnh Bắc bộ” (5-8-1964) vu khống tàu ta tấn công tàu Mỹ ở ngoài vùng biển nước ta, để tiến hành cuộc chiến tranh chống phá miền Bắc lần thứ nhất bằng không quân và hải quân, nhằm phá hoại tiềm lực kinh tế - quốc phòng và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, ngăn chặn chi viện từ bên ngoài vào miền Bắc và từ miền Bắc vào miền Nam, uy hiếp tinh thần làm lung lay quyết tâm chống đế quốc Mỹ xâm lược của nhân dân Việt Nam ở 2 miền Nam Bắc.
 |
Dân quân xã Diễn Hùng (Diễn Châu) trực chiến phòng không. Ảnh tư liệu |
Dưới sự lãnh đạo của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân miền Bắc đã chuyển mọi hoạt động sang thời chiến, quân sự hóa toàn dân, đắp công sự, đào hầm, sơ tán nhân dân… để tránh thiệt hại về người và của, tiếp tục chiến đấu và sản xuất. Với tinh thần "Không có gì quý hơn độc lập tự do”, quân dân miền Bắc thi đua chiến đấu chống đế quốc Mỹ xâm lược, đạt nhiều thành tích trong chiến đấu và sản xuất; tiêu biểu có quân và dân Nghệ An với thành tích bắn rơi 100 máy bay Mỹ; Bác Hồ đã gửi thư khen ngợi, động viên và khích lệ.
Tự hào về quê hương xứ Nghệ - vùng đất địa linh, nhân kiệt, giàu truyền thống yêu nước và cách mạng; đã từng là “phên giậu”, “thành đồng” của đất Việt qua nhiều thời kỳ, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Nghệ An luôn thấu triệt lời Bác Hồ dạy đã có nhiều đóng góp to lớn cho công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong sự nghiệp đổi mới ngày nay. Nghệ An là địa phương kinh tế - xã hội có bước phát triển khá nhanh và tương đối toàn diện. Bộ mặt đô thị, nông thôn có nhiều đổi mới, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt. Quốc phòng, an ninh được tăng cường, chính trị xã hội ổn định, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được quan tâm, đạt nhiều kết quả tích cực; trở thành tỉnh khá của cả nước, như mong muốn của Bác Hồ kính yêu.
Dấu ấn Bác Hồ trên báo Quân đội nhân dân
- Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 12-8-1969 có đăng nội dung Hồ Chủ tịch ký lệnh tặng danh hiệu "Đơn vị anh hùng" cho 17 đơn vị và 12 cán bộ, chiến sĩ trong các lực lượng vũ trang nhân dân.
 |
Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 12-8-1969. |
- Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 12-8-1965 có đăng Thư của Hồ Chủ tịch gửi đồng bào, bộ đội và cán bộ Nghệ An. Trong Thư, Bác gửi lời khen ngợi đồng bào, bộ đội và cán bộ tỉnh Nghệ An đã chiến đấu dũng cảm, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.
 |
Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 12-8-1965. |
TUẤN ĐIỆP (tổng hợp)