Chuyên mục Ngày này năm xưa số ra ngày 16-7-2022 cũng được Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện dưới hình thức các tác phẩm phát thanh podcast tại đây và video clip trên Chuyên trang Media Báo Quân đội nhân dân Điện tử, trân trọng mời bạn đọc xem thêm. 

Một số sự kiện trong nước và quốc tế ngày 16-7

Sự kiện trong nước

- Ngày 16-7-1930, ngày truyền thống đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Khánh Hòa. Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng và Xứ ủy Nam Kỳ, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy lâm thời Khánh Hòa. Ngày 16-7-1930, Đảng bộ huyện Tân Định (nay là thị xã Ninh Hòa) đã vận động quần chúng nhân dân, tiến hành cuộc biểu tình chống lại thực dân Pháp và bọn tay sai phong kiến.

 Ôn lại truyền thống cách mạng bên Tượng đài 16-7 (Ninh Hòa). Ảnh: baokhanhhoa.vn

Cuộc biểu tình ngày 16-7-1930, diễn ra ở huyện Tân Định giành thắng lợi vang dội đã có ý nghĩa rất lớn đối với phong trào cách mạng trong tỉnh. Đây là cuộc biểu tình có quy mô lớn đầu tiên của tỉnh Khánh Hòa và cũng là cuộc biểu tình đầu tiên ở các tỉnh Nam Trung bộ giành thắng lợi sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập.

Với ý nghĩa đặc biệt quan trọng của sự kiện lịch sử này, ngày 17-12-2002, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã quyết định lấy ngày 16-7 hàng năm là Ngày truyền thống đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Khánh Hòa.

- Ngày 16-7-1948, Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ hai chính thức khai mạc tại xã Đào Giã, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ. Tại Hội nghị, đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh đã đọc bản báo cáo quan trọng “Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam”, chỉ rõ lập trường văn hóa cách mạng trên thế giới và ở nước ta.

 Bức thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ hai. Ảnh tư liệu.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quan tâm đặc biệt đến hội nghị này. Ngay trước ngày khai mạc hội nghị (ngày 15-7-1948), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư chúc mừng hội nghị. Trong thư có đoạn Người nhấn mạnh: “Các nhà văn hóa ta phải có những tác phẩm xứng đáng, chẳng những để biểu dương sự nghiệp kháng chiến kiến quốc bây giờ, mà còn để lưu truyền cái lịch sử oanh liệt kháng chiến kiến quốc cho hậu thế”.

 Bác Hồ với các nghệ sĩ sau buổi biểu diễn văn nghệ Tết Kỷ Dậu, năm 1969. Ảnh tư liệu.

Cùng với Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất năm 1946, Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ hai năm 1948 được xem là “Hội nghị Diên Hồng” đầu tiên về văn hóa - nơi Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh vạch rõ nội hàm và đích đến của “nền văn hóa mới của nước Việt Nam mới”; thực sự là ánh sáng soi đường tập hợp đông đảo lực lượng văn nghệ sĩ, trí thức, các nhà khoa học trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.

- Ngày 16-7-1964, ngày truyền thống Học viện Phòng không - Không quân. Ngày 16-7-1964, Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 79/QĐ-QP tách Hệ Cao xạ của Trường Sĩ quan Pháo binh, thành lập Trường Sĩ quan Cao xạ - đơn vị tiền thân của Học viện Phòng không - Không quân trực thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân, có nhiệm vụ huấn luyện, bổ túc, đào tạo cán bộ cho Binh chủng Pháo cao xạ.

Giờ huấn luyện thực hành của học viên chuyên ngành Pháo phòng không, Học viện Phòng không - Không quân. Ảnh: THÀNH TRUNG 

Hơn 50 năm qua, Học viện Phòng không - Không quân đã đào tạo, bồi dưỡng gần 7 vạn cán bộ, sĩ quan cho Quân chủng Phòng không - Không quân, Quân đội nhân dân Việt Nam; gần 3 nghìn sĩ quan cho Quân đội các nước bạn Lào, Campuchia và Thái Lan. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Nhà trường vừa thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, vừa trực tiếp tham gia chiến đấu 129 trận, bắn rơi 91 máy bay các loại của không quân Mỹ. Các thế hệ cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên, chiến sĩ đã viết nên truyền thống “Đoàn kết anh dũng, tự lực, tự cường, chủ động sáng tạo, khắc phục khó khăn, dạy tốt, học tốt, kiên quyết hoàn thành nhiệm vụ”…

 Tiết mục văn nghệ tại buổi gặp mặt kỷ niệm. Ảnh: NGÔ TIẾN MẠNH

Trải qua 58 năm, xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Học viện Phòng không - Không quân luôn khắc phục khó khăn, tập trung xây dựng, phát triển về mọi mặt, trở thành trung tâm giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học chuyên sâu, có uy tín trên các lĩnh vực phòng không, không quân, tác chiến điện tử của Quân chủng, Quân đội và hệ thống giáo dục quốc dân… Với những thành tích đã đạt được trong 58 năm qua, Học viện Phòng không - Không quân đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng danh hiệu “Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”… cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.

- Ngày 16-7-1980, Tổng cục Bưu điện tổ chức khánh thành công trình Đài thông tin vệ tinh mặt đất Hoa Sen. Công trình được hoàn thành với sự giúp đỡ của các chuyên gia Liên Xô, là sự kiện khởi đầu đối với Việt Nam khi có được tuyến thông tin quốc tế chất lượng cao. Công trình đã được đưa vào sử dụng đúng dịp kỷ niệm lần thứ 25 ngày ký Hiệp định về hợp tác kinh tế khoa học - kỹ thuật, thương mại giữa Việt Nam và Liên Xô, và khai mạc Thế vận hội mùa hè Olympic Moscow 1980. 

(Theo baothainguyen.vn; phongkhongkhongquan.vn; baokhanhhoa.vn)

Sự kiện quốc tế

- Ngày 16-7-1945, Hoa Kỳ thử bom nguyên tử (bom A) lần đầu tiên. Vụ thử có mật danh Trinity diễn ra tại sa mạc Jornada del Muerto, New Mexico.

 Phi hành gia Neil Armstrong, Michael Collins và Buzz Aldrin (từ trái qua). Ảnh: AFP

- Ngày 16-7-1969, Tàu vũ trụ Apollo 11 được phóng lên không gian bằng tên lửa đẩy Saturn V từ Trung tâm vũ trụ Kennedy tại đảo Merritt (bang Florida), đưa 3 phi hành gia người Mỹ là Neil Armstrong, Michael Collins và Buzz Aldrin bay vào quỹ đạo Mặt Trăng. Apollo 11 là chuyến bay có người lái thứ 5 của chương trình Apollo và là chuyến bay đầu tiên đưa con người lên bề mặt Mặt Trăng. 

(Theo TTXVN; vov.vn)

Theo dấu chân Người

- Ngày 16-7-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm ngôi nhà cũ ở số 7 ngõ Compoint và thăm người bạn cũ là Luật sư M.C Bloncourt, trả lời phỏng vấn tờ “L’ Action” (Hành động) và chiêu đãi những người tham gia bảo vệ và phục vụ Chủ tịch trong thời gian ở Pháp.

- Ngày 16-7-1947, Bác viết thư gửi các phụ lão, các vị thân hào và toàn thể đồng bào tỉnh Phúc Yên, cảm ơn các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đã hăng hái ủng hộ kháng chiến. Thư viết: “Đời xưa, nhờ sự kêu gọi của phụ lão, sự cố gắng của thân hào, lòng nhiệt thành của quốc dân, mà tổ tiên ta: Trần Hưng Đạo, Lê Thái Tổ, Nguyễn Quang Trung đã dẹp nạn ngoại xâm, giữ vững đất nước... Chúng ta kiên quyết noi theo lịch sử vẻ vang của tổ tiên, tranh lại thống nhất và độc lập cho dân tộc và xây dựng nền tự do và hạnh phúc cho con cháu muôn đời”.

 Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu

Cùng ngày, Bác viết thư gửi đồng bào trong những vùng địch tạm chiếm đóng, bày tỏ: “Trong lúc viết thư này, một mặt tôi rất đau lòng vì tôi tài hèn đức mọn, chưa đuổi được giặc ngay để đồng bào chịu khổ cực. Song một mặt tôi rất phấn phát, vì tôi chắc rằng trải qua bước cực khổ, thì chúng ta nhất định thành công, cũng như qua khỏi mùa Đông, thì chắc chắn mùa Xuân sẽ đến”.

- Ngày 16-7-1953, Bác viết bài “Ra sức giữ đê phòng lụt” (dưới bút danh C.B) đăng trên Báo Nhân Dân chỉ rõ: “Giặc lụt là tiền phong của giặc đói. Nó là đồng minh của giặc ngoại xâm. Nó mong làm dân ta đói kém để giảm bớt sức kháng chiến của chúng ta”. Vì vậy, việc “đắp đê, giữ đê là để chống giặc lụt và giặc đói, cho nên cũng như một chiến dịch”.

- Ngày 16-7-1960, Bác cùng với các đại biểu Quốc hội đến thăm Trại thí nghiệm trồng lúa của Sở Nông Lâm Hà Nội ở thôn Phú Mỹ, xã Mỹ Đình, huyện Từ Liêm (nay là thôn Phú Mỹ, phường Mỹ Đình 2, Quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội), xem vận hành máy cấy do Bộ Nông nghiệp chế tạo.

Bác Hồ dùng thử máy cấy lúa cải tiến tại Trại thí nghiệm trồng lúa của Sở Nông Lâm Hà Nội, ngày 16-7-1960. Ảnh: hochiminh.vn 

Tại đây, Người trực tiếp lội xuống ruộng cho máy chạy thử và khen ngợi lãnh đạo Bộ Nông nghiệp mạnh dạn áp dụng kỹ thuật vào sản xuất. Người nhắc nhở các đại biểu Quốc hội sau khi về địa phương cần đi sâu đi sát để đẩy mạnh hơn nữa phong trào cải tiến nông cụ thành phong trào rộng rãi của đông đảo bà con nông dân.

(Theo Sách “Chủ tịch Hồ Chí Minh - Ngày này năm xưa”; “Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử” và “Hồ Chí Minh toàn tập”, NXB Chính trị quốc gia-Sự thật)

Lời Bác dạy ngày này năm xưa

“Những người lỡ đi lầm đường mà biết trở về với Tổ quốc thì dân Việt Nam sẵn sàng hoan nghênh”

Đó là lời khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh về truyền thống khoan dung, độ lượng của dân tộc Việt Nam, khi Người trả lời phỏng vấn một nhà báo nước ngoài ngày 16-7-1947.

 Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời phỏng vấn một nữ nhà báo Pháp năm 1964. Ảnh tư liệu.

Thời điểm này, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đẩy mạnh công cuộc kháng chiến, kiến quốc, cũng là lúc xuất hiện các quan điểm trái chiều về cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, cần phải được định hướng cho thống nhất. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: Dù có những đảng phái với những quan điểm chính trị khác nhau, thậm chí đối lập nhau, song khi lợi ích chung của dân tộc bị lâm nguy thì các đảng phái phải đoàn kết để cứu nước. Do đó, sự nghiệp kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Việt Nam là thực hiện lợi ích chung của dân tộc. Nếu đảng phái nào lợi dụng sự khác nhau về quan điểm chính trị mà phản kháng chiến, phản nhân dân, đi theo phe địch, thì quốc dân không thể tha thứ, lịch sử không thể khoan dung. Song nhân dân Việt Nam sẵn sàng hoan nghênh những người lỡ đi lầm đường mà biết trở về với Tổ quốc.

 Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến vấn đề đại đoàn kết toàn dân tộc. Ảnh: mattran.org.vn

Tư tưởng nhân văn, nhân đạo Hồ Chí Minh đã thấu suốt trong các chủ trương, chính sách khoan hồng, nhân đạo của Đảng, Nhà nước ta trong xây dựng chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc, chính sách đối với tù, hàng binh. Chính sách khoan hồng, nhân văn, nhân đạo không chỉ đối với những người Việt Nam lầm đường, lạc lối đi theo giặc, đã giác ngộ và trở về với Tổ quốc, mà quân và dân ta còn đối xử khoan hồng, nhân đạo với cả những tù, hàng binh, những người đã mang bom, đạn đến tàn phá quê hương, cướp bóc tài sản, giết hại người già, phụ nữ, trẻ em vô tội. Lòng khoan dung, vị tha, độ lượng, chính sách khoan hồng, nhân đạo thể hiện sâu sắc truyền thống của dân tộc Việt Nam và bản chất ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa...

Học tập và làm theo lời Bác Hồ dạy, cấp ủy, chỉ huy các cấp trong toàn quân luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng cho cán bộ, chiến sĩ có lý tưởng chiến đấu cao đẹp, trung thành vô hạn với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân; có phẩm chất đạo đức, lối sống trong sáng, lành mạnh; thương yêu đồng chí, đồng đội, gắn bó máu thịt với nhân dân; tính kỷ luật tự giác, nghiêm minh, tinh thần quốc tế cao cả, chấp hành nghiêm chính sách đối với tù, hàng binh... hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ.

Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân

Trên trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 762 ra ngày 16-7-1960 đăng nội dung: “Sau 8 ngày làm việc khẩn trương, hôm qua 15-7-1960, kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa II đã bế mạc.

Quốc hội nhất trí bầu Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; bầu Cụ Tôn Đức Thắng làm Phó Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” và đăng lời phát biểu của Hồ Chủ tịch tại Quốc hội với nội dung: “Việc Cụ Tôn Đức Thắng được bầu là Phó Chủ tịch nước chứng tỏ đồng bào miền Nam nhất trí với Quốc hội ta và nước Việt Nam nhất định sẽ thống nhất”.

 Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 16-7-1960.

Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 1228 ra ngày 16-7-1963, đăng lời phát biểu của Hồ Chủ tịch tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa II với tiêu đề: “Nhân dân miền Bắc từng giờ, từng phút nhớ đến đồng bào miền Nam”.

 Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 16-7-1963.

Trên trang hai Báo Quân đội nhân dân số 8666 ra ngày 16-7-1985 đăng nội dung với tiêu đề: “Bác Hồ với Cách mạng tháng Tám”.

Trang hai Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 16-7-1985. 
 

 

HOÀNG TRƯỜNG (tổng hợp)