Chuyên mục Ngày này năm xưa số ra ngày 12-7-2022 còn được Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện dưới hình thức các tác phẩm phát thanh podcast tại đây và video clip trên Chuyên trang Media Báo Quân đội nhân dân Điện tử, trân trọng mời bạn đọc xem thêm. 

Một số sự kiện trong nước và quốc tế ngày 12-7

Sự kiện trong nước

- Ngày 12-7-1946, lực lượng An ninh nhân dân đã lập chiến công đặc biệt xuất sắc, khám phá, tiêu diệt tổ chức phản cách mạng ở số 7 phố Ôn Như Hầu (nay là phố Nguyễn Gia Thiều, Hà Nội), bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ. Với mốc lịch sử quan trọng này, ngày 12-7 đã được chọn là Ngày truyền thống của lực lượng An ninh nhân dân.

leftcenterrightdel
Lực lượng An ninh nhân dân tham dự lễ diễu binh. Ảnh: Thiện Hoàng

76 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, lớp lớp các thế hệ cán bộ, chiến sĩ lực lượng An ninh nhân dân đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, hiểm nguy, thầm lặng chiến đấu, hy sinh, một lòng tận trung với nước, tận hiếu với dân, với lý tưởng cao đẹp “Chỉ biết còn Đảng thì còn mình”, “Vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân”.

Ở mỗi giai đoạn cách mạng, lực lượng An ninh nhân dân luôn một lòng một dạ tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc; không quản ngại khó khăn gian khổ, luôn nêu cao tinh thần tận tụy, sẵn sàng xả thân vì nước, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Có thể khẳng định, mọi thắng lợi của sự nghiệp cách mạng đều có sự đóng góp to lớn về trí tuệ, sức lực và xương máu của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ lực lượng An ninh nhân dân.

Ghi nhận, đánh giá cao những công lao, cống hiến của lực lượng An ninh nhân dân, Đảng, Nhà nước đã trao tặng lực lượng nhiều phần thưởng cao quý: 3 Huân chương Sao Vàng, 39 tập thể được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, phong tặng Danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; hàng nghìn lượt tập thể và cá nhân được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Quân công, Huân chương Chiến công các hạng và nhiều phần thưởng cao quý khác.

leftcenterrightdel
 Đêm 11-7-1995 (giờ Mỹ), Tổng thống Mỹ Bill Clinton tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Sáng ngày 12-7-1995, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đọc tuyên bố thiết lập quan hệ ngoại giao với Mỹ. Ảnh: TTXVN

- Ngày 12-7-1995, bình thường hóa quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ. Sau năm 1975, Mỹ thi hành chính sách cấm vận toàn diện đối với Việt Nam. Từ năm 1987 Mỹ từng bước nới lỏng cấm vận thương mại. Tháng 7-1993, Tổng thống Mỹ quyết định giải tỏa quan hệ Việt Nam với Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Đến ngày 3-2-1994, Mỹ hủy bỏ lệnh cấm vận đối với Việt Nam. Và ngày 12-7-1995, Việt Nam và Mỹ chính thức tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Các chuyến thăm lẫn nhau của các nhà lãnh đạo cấp cao hai bên diễn ra thường xuyên sau đó. Với quyết tâm của lãnh đạo và nhân dân hai nước, mối quan hệ Việt-Mỹ đã không ngừng phát triển và ngày càng sâu sắc. Cùng với sự phát triển của quan hệ chính trị là sự mở rộng không ngừng của quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước. Sự hợp tác giữa hai nước cũng được mở rộng sang cả lĩnh vực giáo dục, y tế, an ninh và quốc phòng…

(Theo baoninhthuan.vn)

Sự kiện quốc tế

- Ngày 12-7-1813, ngày sinh nhà sinh lý học vĩ đại Bernard Claude, tại miền Nam nước Pháp. Ông mất nǎm 1878, thọ 65 tuổi, không chỉ là nhà sinh lý học vĩ đại mà ông còn là ông tổ của ngành sinh lý học.

leftcenterrightdel
Nhà thơ nổi tiếng của Chile Pablo Neruda. Nguồn: Tnh.me  

- Ngày 12-7-1904, ngày sinh Nhà thơ cộng sản Chile Pablo Neruda. Các tập thơ nổi tiếng của ông là: "Tây Ban Nha trong lòng tôi", "Bài ca gửi Xtalinggrat", "Một tiếng ca chung", "Những con chim Chilê", "Một trǎm bài thơ tình". Ông mất ngày 24-11-1973, là nhà thơ trữ tình chính trị lớn nhất của nhân dân Chile và châu Mỹ Latinh. Ông được nhận giải thưởng Nobel về vǎn học nǎm 1971.

Theo dấu chân Người

- Ngày 12-7-1940, Nguyễn Ái Quốc gửi báo cáo tới Quốc tế Cộng sản khẳng định rằng: “Ở Đông Dương chỉ có Đảng Cộng sản là một chính đảng chân chính, có tính chất toàn quốc và có quần chúng” và vào thời điểm này thì “Động cơ hành động của chúng tôi là củng cố sự lãnh đạo của Đảng, xây dựng căn cứ địa, mở rộng Mặt trận Dân tộc thống nhất các dân tộc bị áp bức và cần đến sự giúp đỡ của Quốc tế Cộng sản”.

- Ngày 12-7-1946, tại Pháp, Bác Hồ tiếp tục gặp gỡ các giới Việt kiều, nhiều chính khách Pháp và trả lời nhiều câu hỏi của báo chí Pháp. Với câu hỏi: Phải chăng trong vòng 50 năm tới chưa thể cộng sản hóa được Việt Nam?, Bác trả lời: “Tất cả mọi người đều có quyền nghiên cứu một chủ nghĩa. Riêng tôi, tôi nghiên cứu chủ nghĩa Các Mác. Cách đây 2000 năm, Đức Chúa Giêsu đã nói là ta phải yêu mến các kẻ thù của ta. Điều đó đến bây giờ vẫn chưa thực hiện được. Còn khi nào thì chủ nghĩa Các Mác thực hiện thì tôi không thể trả lời được. Muốn cho chủ nghĩa cộng sản thực hiện được, cần phải có kỹ nghệ, nông nghiệp và tất cả mọi người đều được phát triển hết khả năng của mình. Ở nước chúng tôi, những điều kiện ấy chưa có đủ”.

leftcenterrightdel
Hồ Chủ tịch và đoàn đại biểu Việt Nam gặp gỡ một số Việt kiều tại Pháp năm 1946. Ảnh tư liệu

Về vấn đề Nam kỳ và quan hệ Việt-Pháp, người đứng đầu nhà nước Việt Nam khẳng định: “Nam kỳ cùng một tổ tiên với chúng tôi... Người Nam kỳ nói tiếng Việt Nam,... Nam kỳ là đất Việt Nam. Đó là thịt của thịt Việt Nam, máu của máu Việt Nam... Chúng tôi quyết không hạ thấp chúng tôi. Mà chúng tôi cũng không hạ thấp nước Pháp. Chúng tôi không muốn đẩy người Pháp ra khỏi Việt Nam. Nhưng chúng tôi nói với họ: Các người hãy phái đến nước chúng tôi những kỹ sư, những nhà khoa học, những vị giáo sư, phái đến những người họ biết yêu chuộng chúng tôi. Nhưng chớ phái qua những người muốn bóp cổ chúng tôi. Việt Nam cần nước Pháp. Nước Pháp cũng cần Việt Nam”. Cùng ngày, Chủ tịch gửi thư phản kháng việc quân Pháp chiếm Phủ Toàn quyền ở Hà Nội và tiến chiếm Tây Nguyên.

- Ngày 12-7-1955, tại sân bay Moskva, mở đầu chuyến thăm Liên Xô, Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra thông điệp: “Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mong muốn thành lập quan hệ bình đẳng và hai bên cùng có lợi với các nước láng giềng ở Đông Dương và ở Đông Nam Á, với nước Pháp và các nước khác trên thế giới”.

(Sách Chủ tịch Hồ Chí Minh – Ngày này năm xưa, NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật, 2010)

Lời Bác dạy ngày này năm xưa

“Người ta luôn luôn cần không khí để sống. Người cách mạng và đoàn thể cách mạng cần phê bình và tự phê bình thiết tha như người ta cần không khí”.

Đây là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh được trích trong bài: “Phê bình”, đăng trên Báo Nhân Dân, số 16, ngày 12-7-1951. Bối cảnh lúc này, Đảng ta củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đồng thời mở rộng đoàn kết quốc tế để đưa sự nghiệp kháng chiến đến thắng lợi, kiến quốc đến thành công. Hồ Chí Minh khẳng định phê bình và tự phê bình là một vấn đề có tính nguyên tắc, là quy luật tồn tại và phát triển là công cụ sắc bén để giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên và củng cố khối đoàn kết, thống nhất trong các tổ chức đoàn thể cách mạng.

leftcenterrightdel
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với cán bộ, nhân viên Văn phòng Chủ tịch phủ - Thủ tướng phủ. Ảnh: hochiminh.vn 

Lời dạy của Bác đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức đảng và đảng viên trong thực hiện tự phê bình và phê bình, giúp cho mỗi đảng viên và tổ chức đảng kịp thời nhận rõ những ưu điểm để phát huy; những hạn chế, khuyết điểm để khắc phục, bảo đảm cho Đảng ta thực sự là một đảng cách mạng chân chính, luôn nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật để có chủ trương, đường lối đúng đắn lãnh đạo cách mạng Việt Nam giành được thắng lợi này đến thắng lợi khác và đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc đổi mới đất nước, thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.

leftcenterrightdel
Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai Kết luận và Quy định của Trung ương về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng (9-12-2021). Ảnh: tuyengiao.vn

Quán triệt và thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh về tự phê bình và phê bình, chấp hành nghiêm các chỉ thị, nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác xây dựng Đảng, Quân ủy Trung ương, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp trong Đảng bộ Quân đội và toàn quân đã ban hành đồng bộ các chỉ thị, nghị quyết về công tác xây dựng Đảng, luôn đề cao tự phê bình và phê bình, coi đó là quy luật phát triển, là vũ khí sắc bén để giáo dục, rèn luyện cán bộ, chiến sĩ, nhất là xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định mục tiêu, lý tưởng cách mạng; tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với Nhân dân; thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức trong sáng, lối sống trung thực, khiêm tốn, giản dị; vượt qua mọi khó khăn, thử thách, nêu cao ý chí tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa... 

Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân

leftcenterrightdel
Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 2199 ngày 12-7-1967. Ảnh: qdnd.vn

Trên trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 2199 ra ngày 12-7-1967 đã đăng bài “Nhân dịp Quốc khánh lần thứ 46 của nước Cộng hòa nhân dân Mông-cổ (11-7-1967), Hồ Chủ tịch, Chủ tịch Ủy ban thường vụ Quốc hội Trường Chinh và Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã gửi điện mừng tới đồng chí Iu.Xê-đen-ban, Bí thư thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đảng nhân dân cách mạng Mông-cổ; Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và đồng chí J.Xăm-bu, Chủ tịch Đoàn chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa nhân dân Mông-cổ”.

leftcenterrightdel
 

NGUYỄN CÚC (tổng hợp)