Chuyên mục Ngày này năm xưa số ra ngày 15-7-2022 còn được Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện dưới hình thức các tác phẩm phát thanh podcast tại đây và video clip trên Chuyên trang Media Báo Quân đội nhân dân Điện tử, trân trọng mời bạn đọc xem thêm. 

Một số sự kiện trong nước và quốc tế diễn ra ngày 15-7

Sự kiện trong nước

 - Đồng chí Nguyễn Duy Trinh tên khai sinh là Nguyễn Đình Biền, sinh ngày 15-7-1910 tại tỉnh Nghệ An, qua đời năm 1985 tại Hà Nội. Tham gia cách mạng từ nǎm 1927 đến đầu nǎm 1932, đồng chí bị địch kết án tù khổ sai và đày đi Côn Đảo (từ 1935 đến 1945).

leftcenterrightdel
Đồng chí Nguyễn Duy Trinh ký Hiệp định Paris về Việt Nam ngày 27-1-1973. Ảnh tư liệu.

Sau Cách mạng tháng Tám, đồng chí Nguyễn Duy Trinh lần lượt giữ nhiều chức vụ quan trọng: Ủy viên Trung ương Đảng (nǎm 1951), Bí thư Trung ương Đảng (nǎm 1955), Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (nǎm 1956), Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao (từ nǎm 1965 đến 1980). Đồng chí là Đại biểu Quốc hội từ khoá I đến khoá VII.

- Ngày 15-7-1950, theo Chỉ thị của Bác Hồ, Đoàn Thanh niên Cứu quốc Việt Nam thành lập Đội Thanh niên xung phong (TNXP) công tác Trung ương đầu tiên tại núi Hồng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên với 225 đội viên để phục vụ chiến dịch Biên giới.

leftcenterrightdel
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với các đại biểu thi đua "Thanh niên xung phong chống Mỹ, cứu nước" toàn miền Bắc, tháng 1-1967. Ảnh tư liệu 

Mục đích thành lập Đội TNXP là nhằm “Phát huy sức mạnh dời non lấp biển của tuổi trẻ, xung phong phục vụ cuộc kháng chiến cứu nước đi đến toàn thắng và làm “trường học lớn” đào tạo rèn luyện đội ngũ cán bộ của Đảng, Nhà nước phục vụ công cuộc kiến quốc, xây dựng Chủ nghĩa xã hội tương lai”.

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, lực lượng Thanh niên xung phong nước ta có nhiều đóng góp to lớn, xứng đáng là niềm tự hào của tuổi trẻ Việt Nam. Ngày 30-6-1995, thể theo nguyện vọng của đông đảo cán bộ đội viên TNXP các thế hệ, Thủ tướng Chính phủ lúc bấy giờ là đồng chí Võ Văn Kiệt đã ký Quyết định số 382/TTg lấy ngày 15-7 hàng năm làm ngày truyền thống của Lực lượng Thanh niên xung phong Việt Nam.

Sự kiện quốc tế

Rembrandt Harmenszoon van Rijn, sinh ngày 15-7-1606, mất nǎm 1669. Ông là một họa sĩ và nghệ sĩ khắc bản in nổi tiếng người Hà Lan. Ông được coi là một trong những họa sĩ vĩ đại nhất trong lịch sử hội họa châu Âu nói chung và Hà Lan nói riêng. Các tác phẩm của Rembrandt đã đóng góp quan trọng vào thời đại hoàng kim của Hà Lan thế kỷ XVII.

leftcenterrightdel
Hai bức tranh chân dung quý hiếm "Maerten Soolmans" và "Oopjen Coppit," do danh họa bậc thầy người Hà Lan Rembrandt Harmenszoon van Rijn vẽ. Nguồn: Wikiarts 

Ngay từ khi còn trẻ Rembrandt đã đạt được thành công lớn với các bức tranh chân dung, tuy những năm sau đó ông gặp nhiều bi kịch cá nhân và khó khăn về tài chính, ông vẫn được coi là một trong những người Hà Lan nổi tiếng nhất thời đó. Theo kết quả cuộc thăm dò “Những người Hà Lan vĩ đại nhất trong lịch sử (De Grootste Nederlander) do đài KRO tổ chức hồi năm 2004, Rembrandt là nghệ sĩ có vị trí cao nhất trong danh sách (thứ 9).

- Anton Pavlovich Chekhov là nhà vǎn nổi tiếng người Nga. Ông sinh ngày 29-1-1860. Nǎm ông 24 tuổi ông tốt nghiệp đại học và trở thành bác sĩ ở vùng nông thôn. Không chỉ chữa bệnh về thể xác, ông dùng vǎn học để chữa bệnh tinh thần cho nhân dân. Với ngòi bút hiện thực phê phán thấm đượm hài hước trào lộng, ông trở thành nhà vǎn lớn ở thế kỷ XIX. Ngòi bút của ông đã phê phán và đấu tranh cho mọi tầng lớp người nghèo khổ. Với những cống hiến lớn lao, nǎm 1900 ông được bầu làm Viện sĩ danh dự Viện Hàn lâm khoa học Nga.

leftcenterrightdel
Nhà văn người Nga Anton Pavlovich Chekhov (1860 - 1904). Ảnh: AF Archive. 

Chekhov được coi là nhà viết truyện ngắn thiên tài bậc nhất qua các tác phẩm "Anh béo, anh gầy", "Cái chết của một viên chức", "Con kỳ nhông", "Nỗi buồn" "Vanka", "Người đàn bà có con chó nhỏ"... Ông còn là nhà cách tân nghệ thuật sân khấu Nga lỗi lạc. Với những vở "Cậu Vania", "Chim hải âu", "Ba chị em"... Ông đã làm thay đổi diện mạo của sân khấu bằng cách đưa vào kịch những hình thức diễn đạt, những hành động mới mẻ làm cho kịch thấm đậm yếu tố trữ tình và yếu tố tâm lý. Chekhov mất ngày 15-7-1904 vì bệnh lao phổi tại Đức.

Theo dấu chân Người

Ngày 15-7-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh về quê thăm văn sĩ Poldes, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Ngoại ô năm xưa. Trên đường về, khi ghé qua làng quê của người phát minh ra nghề nhiếp ảnh Daguèrre, một ngôi làng có khắc tấm bia tưởng niệm “74.000 người cộng sản chết vì Tổ quốc” Bác được dân làng mời làm danh dự hội trưởng cho dịp kỷ niệm nhà sáng chế này. Buổi trưa, Bác dự cuộc gặp mặt với 2.000 kiều bào tại trụ sở Hội Tương tế Việt Nam chào mừng Đoàn và chúc mừng những thay đổi của đất nước.

leftcenterrightdel
Bác Hồ với Đoàn Ca múa nhân dân. Ảnh tư liệu 

- Ngày 15-7-1948, Bác gửi thư đến Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ hai họp tại Phú Thọ, nêu rõ: “Trong sự nghiệp vĩ đại kháng chiến kiến quốc của dân tộc ta, văn hóa gánh một phần rất quan trọng... Nhiệm vụ của văn hóa chẳng những để cổ động tinh thần và lực lượng kháng chiến kiến quốc của quốc dân, mà cũng phải nêu rõ những thành tích kháng chiến kiến quốc vĩ đại của ta cho thế giới. Các nhà văn hóa ta phải có những tác phẩm xứng đáng, chẳng những để biểu dương sự nghiệp kháng chiến kiến quốc bây giờ, mà còn để lưu truyền cái lịch sử oanh liệt kháng chiến kiến quốc cho hậu thế ”. 

leftcenterrightdel
Hồ Chủ tịch bầu cử đại biểu Quốc hội khóa II tại Tiểu khu Trúc Bạch, khu phố Ba Đình, Hà Nội. Ảnh tư liệu. 

- Ngày 15-7-1960, Bác tham dự kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa II và được toàn thể Quốc hội tín nhiệm tái giữ chức Chủ tịch nước. Trong lời phát biểu kết thúc kỳ họp, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Để xứng đáng với vinh dự to lớn là người đầy tớ tuyệt đối trung thành của nhân dân, các đại biểu Quốc hội và cán bộ chính quyền cần phải:
Thực hành cần, kiệm, liêm, chính; chí công, vô tư.
Gương mẫu về mọi mặt: Đoàn kết, công tác, học tập, lao động.
Luôn luôn giữ vững tác phong khiêm tốn, chất phác và hòa mình với quần chúng thành một khối” .

leftcenterrightdel
Chủ tịch Hồ Chí Minh với các phóng viên báo đài. Ảnh tư liệu 

- Ngày 15-7-1969, tiếp và trả lời phỏng vấn của nhà báo Charles Fourniau, đại diện thường trú của Đảng Cộng sản Pháp tại Hà Nội, Bác bày tỏ: “Lúc đầu, chính là do chủ nghĩa yêu nước mà tôi tin theo Lênin. Rồi, từng bước một, tôi đi đến kết luận là chỉ có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và giai cấp công nhân toàn thế giới... Về phần chúng tôi, chính là do cố gắng vận dụng những lời dạy của Lênin, nhưng vận dụng một cách sáng tạo, phù hợp với thực tế Việt Nam ngày nay, mà chúng tôi đã chiến đấu và giành được những thắng lợi to lớn như đồng chí đã biết...”.  Đây cũng là cuộc trả lời phỏng vấn trực tiếp cuối cùng của Bác.

(Sách Chủ tịch Hồ Chí Minh - Ngày này năm xưa, NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật, 2010)

Lời Bác dạy ngày này năm xưa

 “Trong công việc cách mạng, công việc kháng chiến kiến quốc, không có việc sang, việc hèn, mọi việc đều quan trọng. Mọi người phải làm tròn nhiệm vụ của mình”.

(Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2011)

Đó là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh được trích trong bài “Phải chữa cái bệnh cấp bậc”, đăng trên Báo Sự Thật, số ra ngày 15-7-1950.

leftcenterrightdel
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với các học viên dự lớp bồi dưỡng đảng viên mới của Đảng bộ Hà Nội (14-5-1966). Ảnh tư liệu. 

Bài viết ra đời trong bối cảnh cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta chuẩn bị chuyển sang giai đoạn phản công và tiến công. Đây cũng là thời điểm Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định mở Chiến dịch Biên giới 1950 để củng cố và mở rộng căn cứ địa Việt Bắc, phá hàng rào phong tỏa của thực dân Pháp nhằm nối liền nước ta với thế giới dân chủ. Do đó, việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác của cán bộ, đảng viên nói riêng, bộ máy Đảng, Nhà nước nói chung là hết sức quan trọng và cấp thiết.

Trong bài viết, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra những cán bộ có dấu hiệu của bệnh cấp bậc, là chán nản, tiêu cực; khúm núm, tự ti hoặc tự kiêu, tự đại, coi thường đồng chí, đồng đội. Hậu quả của bệnh cấp bậc là cán bộ không đoàn kết, công việc không trôi chảy. Người cũng chỉ ra nguyên nhân của căn bệnh cấp bậc là do cán bộ chưa gột sạch óc quan liêu, ngôi thứ, còn mang nặng chứng “Quan cách mạng” và chưa hiểu rằng, hoạt động của mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi cơ quan, đoàn thể được ví như hoạt động của một chi tiết liên kết chặt chẽ trong bộ máy lớn. Trong đó, mỗi chi tiết của bộ máy đều có một vị trí, vai trò nhất định bảo đảm cho sự hoạt động của cả bộ máy.

Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên về vị trí, tầm quan trọng của mỗi công việc cách mạng; trên cơ sở đó đề cao trách nhiệm, phấn đấu hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao. Đồng thời, mỗi cán bộ, đảng viên cần đề cao tự phê bình và phê bình, kiên quyết tẩy sạch tư tưởng ngôi thứ, địa vị và chủ nghĩa cá nhân, đặt công việc chung, lợi ích chung của Đảng, của cách mạng lên trên, lên trước.

Học tập và làm theo lời Bác dạy, tự hào với truyền thống “Quyết chiến, quyết thắng” của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, vinh dự với danh hiệu cao quý Bộ đội Cụ Hồ, cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân luôn nhận thức sâu sắc và xác định rõ nghĩa vụ, trách nhiệm, gắn liền với niềm vinh dự lớn khi được Đảng, Nhà nước, nhân dân tin tưởng, giao phó trọng trách bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Dù được phân công đảm nhiệm chức trách, nhiệm vụ gì đều tận tâm, tận lực, thi hành một cách nhanh chóng và chính xác; ra sức học tập, tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng, trình độ, năng lực, phương pháp, tác phong công tác đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân

Ngày 15-7-1961, Trang hai Báo Quân đội nhân dân số 917 có đăng tin những đơn vị và Chiến sĩ tiên tiến được Hồ Chủ tịch khen trong dịp Bác đến thăm Đại hội.

leftcenterrightdel
 Trang hai Báo Quân đội nhân dân số 917

 

leftcenterrightdel
 

 

HUY ĐÔNG (tổng hợp)