Chuyên mục Ngày này năm xưa số ra ngày 14-11-2022 cũng được Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện dưới hình thức các tác phẩm phát thanh podcast và video clip trên Chuyên trang Media Báo Quân đội nhân dân Điện tử, trân trọng mời bạn đọc xem thêm.

Một số sự kiện trong nước và quốc tế ngày 14-11

Sự kiện trong nước

- Ngày 14-11-1950, nhân dịp nhà báo Leo Figueres, đại diện Trung ương Đảng Cộng sản Pháp, sang thăm Việt Nam trở về Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư gửi các bà mẹ và vợ Pháp có con và chồng chết trận ở Việt Nam.

leftcenterrightdel
 Nhà báo Pháp Leo Figueres thăm vùng tự do Việt Bắc (năm 1950). Ảnh tư liệu

Thư cho biết, những binh lính, sĩ quan Pháp bỏ mình trong cuộc chiến tranh tại Việt Nam, chỉ có một số rất ít thi hài được chở về cho gia đình họ, còn phần lớn đã bị bọn chỉ huy cho san phẳng mồ mả để che giấu những thất bại to lớn của chúng. Tất nhiên vẫn còn những nấm mồ thoát khỏi hành vi tàn bạo ấy. Đối với những nấm mồ này, “chúng tôi tự coi có bổn phận thiêng liêng phải giữ gìn nguyên vẹn để sau này, khi chiến tranh chấm dứt, các bà có thể mang hài cốt của chồng, con mình về quê cha đất tổ”. Việc làm đó, “mong rằng có thể làm dịu nhiều những nỗi đau khổ của các bà”.

Thư cũng bày tỏ lòng biết ơn đối với những bà mẹ và bà vợ đã hăng hái đấu tranh đòi hồi hương đạo quân viễn chinh và chấm dứt cuộc chiến tranh đầy tội ác này. (theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 6, tr. 119-120).

- Ngày 14-11-1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Mật điện số 509/D cho cán bộ chính quyền và đoàn thể miền Nam Trung Bộ, nêu những “khuyết điểm nặng” trong vụ Sơn Hà và trong việc động viên tài lực của dân. Người yêu cầu các cán bộ “phải dùng phê bình và tự phê bình, từ trên xuống, từ dưới lên, kiên quyết sửa chữa cho kỳ sạch” những khuyết điểm đó.

- Ngày 14-11-1951, Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Ku-Kluk-Klan, ký bút danh Đ.X, đăng Báo Cứu Quốc, số 1949. Qua tin tức của các cơ quan và báo chí Mỹ, tác giả vạch trần sự thật của cái gọi là sinh hoạt Mỹ là phân biệt chủng tộc, hãm hại những người dân chủ, tệ nạn xã hội tràn lan, quan chức tham nhũng, pháp luật bị xem khinh... và mỉa mai rằng: “Thế là Mỹ muốn dùng chiến tranh để bán văn minh ấy cho Việt Nam và thế giới”. 

- Ngày 14-11-1954, bài viết của Người: "Gói thuốc lá", ký bút danh C.B, đăng Báo Nhân Dân, số 263. Thông qua câu chuyện các thủy thủ Pháp trên tàu chở cán bộ và bộ đội ta từ miền Nam ra tập kết, Người ca ngợi tình đoàn kết quốc tế giữa nhân dân Pháp và nhân dân Việt Nam.

leftcenterrightdel
Chủ tịch Hồ Chí Minh thưởng huy hiệu cho các chiến sĩ lập nhiều chiến công trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu 

- Ngày 14-11-1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tặng huy hiệu của Người cho cán bộ Rạp chiếu bóng Tháng Tám và năm người khác ở Hà Nội nhặt được của rơi đem nộp chính quyền địa phương để trả lại người mất.

leftcenterrightdel
 Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì Hội nghị lần thứ 15. Ảnh: baotanglichsu.vn 

- Ngày 14-11-1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục dự Hội nghị Trung ương (mở rộng). Trong phiên họp, Người phát biểu một số ý kiến về nội dung kinh tế của Kế hoạch 5 năm. Theo Người, việc đưa cơ giới hóa vào nông nghiệp trong 5 năm cần xác định mức độ, nếu nói quá là không tưởng, nên chú ý dùng nông cụ cải tiến. Phải mở trường học để đào tạo cán bộ kỹ thuật...

- Ngày 14-11-1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Đại hội “Ba sẵn sàng” của Đoàn Thanh niên Lao động các cơ quan Trung ương tổ chức tại Hà Nội. Nói chuyện với Đại hội, Người nhắc nhở “thanh niên phải đẩy mạnh phong trào thi đua; thi đua giữa địa phương này với địa phương khác, ngành này với ngành khác, cơ quan này với cơ quan khác để học tập lẫn nhau và cùng nhau tiến bộ”.

leftcenterrightdel

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Đại hội “Ba sẵn sàng” của Đoàn Thanh niên Lao động các cơ quan Trung ương. Ảnh tư liệu 

Đặc biệt, Người nhấn mạnh: “Phong trào “Ba sẵn sàng” đã có thành tích khá, nhưng phải khiêm tốn, chớ phô trương, hình thức”. Nhân dịp này, Người thưởng huy hiệu cho 27 cán bộ, đoàn viên, đội viên thiếu niên có nhiều thành tích trong công tác, lao động và học tập. 

leftcenterrightdel
Thanh niên miền Bắc sôi nổi hưởng ứng phong trào "Ba sẵn sàng" (năm 1969). Ảnh: tư liệu TTXVN

Phong trào “Ba sẵn sàng” có một sức sống vô cùng to lớn, đi vào thực tiễn cuộc sống, trên mọi lĩnh vực sản xuất, chiến đấu, học tập… trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Thành công của phong trào “Ba sẵn sàng” ở miền Bắc và cùng với phong trào “Năm xung phong” ở miền Nam đã khơi dậy, hun đúc và khuyến khích tinh thần nhiệt huyết của tuổi trẻ, đưa hàng triệu thanh niên đi vào tuyến đầu của cuộc kháng chiến, góp phần to lớn vào thắng lợi của sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

- Ngày 14-11-1991, Ngày Đái tháo đường thế giới được tổ chức lần đầu tiên, đánh dấu ngày sinh của Frederick Banting, người đã cùng Charles Best đóng vai trò quan trọng trong việc tìm ra insulin, một phương pháp điều trị cứu sống bệnh nhân đái tháo đường vào năm 1922.

Từ đó, hằng năm, Liên đoàn Đái tháo đường quốc tế (IDF) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lấy ngày 14-11 hưởng ứng Ngày Đái tháo đường thế giới nhằm nâng cao nhận thức toàn cầu về đái tháo đường, các biến chứng.

leftcenterrightdel
Ngày Đái tháo đường thế giới 14-11. Ảnh: benhvien175.vn

Biểu tượng của “Ngày Đái tháo đường thế giới” là một vòng tròn màu xanh. Đây là một biểu tượng toàn cầu tượng trưng cho sự đồng lòng, chung sức của cộng đồng đái tháo đường trên toàn thế giới trong việc đối phó với đại dịch đái tháo đường. 

Việt Nam là một trong những quốc gia tham gia vào Liên đoàn Đái tháo đường quốc tế từ năm 2006 và kể từ đó hằng năm chúng ta vẫn tổ chức các hoạt động nhằm hưởng ứng Ngày Đái tháo đường thế giới.

Sự kiện quốc tế

- Ngày 14-11-1889, ngày sinh nhà hoạt động chính trị nổi tiếng của Ấn Độ Jawaharlal Nehru - Thủ tướng đầu tiên của nước Cộng hòa Ấn Độ. Ông qua đời ngày 27-5-1964 sau một cơn đau tim nặng.

leftcenterrightdel
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Ấn Độ Jawaharlal Nehru, hai nhà lãnh đạo đặt nền móng cho quan hệ Việt Nam - Ấn Độ. Ảnh: TTXVN

Ông Jawaharlal Nehru là người bạn lớn thân thiết của nhân dân Việt Nam. Ông là vị thượng khách đầu tiên đến thăm Hà Nội sau khi Thủ đô nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới giải phóng được 1 tuần lễ. Ông Jawaharlal Nehru và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt nền móng cho quan hệ hữu nghị bền chặt Ấn Độ và Việt Nam.

Ông không chỉ là một nhà hoạt động chính trị lỗi lạc của thế kỷ XX, mà còn là một nhà hoạt động văn hóa, nhà khoa học và nhà triết học tài năng. Ông đã để lại cho đất nước Ấn Độ và nhân loại một di sản văn hóa lớn. Ông Jawaharlal Nehru còn là người có nhiều đóng góp vào sự nghiệp hòa bình thế giới. Ông là một trong những người đề xướng 5 nguyên tắc chung sống hòa bình và sáng lập tổ chức Các nước không liên kết.  

- Ngày 14-11-1911, một người Mỹ tên là Ely đã lái máy bay hai lớp cánh Curtis trang bị 2 động cơ 50 sức ngựa hạ cánh xuống một mặt bằng bố trí trên thượng tầng đuôi của một chiếc thiết giáp hạm. Vài phút sau, ông lại cất cánh. Tàu sân bay được hình thành và sử dụng từ đấy.

leftcenterrightdel
 

HOÀNG TRƯỜNG (tổng hợp từ Hồ Chí Minh toàn tập, Báo Nhân Dân, baotanghochiminh.vn, TTXVN, dangcongsan.vn)