Chuyên mục Ngày này năm xưa số ra ngày 11-3-2022 cũng được Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện dưới hình thức các tác phẩm phát thanh podcast và video clip trên Chuyên trang Media Báo Quân đội nhân dân Điện tử, trân trọng mời bạn đọc xem thêm.
Một số sự kiện trong nước và quốc tế ngày 11-3
Sự kiện trong nước
- Ngày 11-3-1943: Cuộc vượt ngục Đắc Min Buôn Mê Thuột đã mở đầu cho các cuộc vượt ngục Sơn La, Chợ Chu, Hòa Bình, Bá Vân... Các chiến sĩ Cách mạng vượt ngục thành công đã tǎng cường cho lực lượng cán bộ của Đảng.
- Ngày 11-3-1945: Ủy ban vận động cứu quốc Ba Tơ quyết định khởi nghĩa.
- Ngày 11-3-1945: Ta diệt đồn Bần Yên Nhân (Hưng Yên). Trận đánh do Thường vụ xứ ủy Bắc Kỳ trực tiếp chỉ đạo lực lượng tự vệ chiến đấu địa phương thực hiện.
 |
Đồng chí Trường Chinh, Thép Mới và Hà Xuân Trường duyệt bản thảo đăng Báo Nhân Dân số đầu tiên năm 1951. Ảnh tư liệu |
- Ngày 11-3-1951: Báo Nhân Dân, cơ quan Trung ương của Đảng Lao động Việt Nam, đã phát hành số đầu tiên tại Chiến khu Việt Bắc.
- Ngày 11-3-1951: Ngày truyền thống Sư đoàn 325, Quân đoàn 2.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Sư đoàn tham gia nhiều chiến dịch, đánh hơn 400 trận lớn nhỏ, diệt và bắt sống hơn hai vạn tên địch, thu nhiều phương tiện vũ khí. Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Sư đoàn là một trong những đơn vị chủ lực cơ động, sớm có mặt trên chiến trường miền nam. Hoạt động trên các địa bàn Trị Thiên, Tây Nguyên, đồng bằng Trung Trung Bộ. Chiến công nổi bật của Sư đoàn là trận chiến đấu liên tục 64 ngày đêm chốt giữ thành cổ Quảng Trị năm 1972. Trong tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, cùng các đơn vị bạn giải phóng Huế, Ðà Nẵng, Tây Nguyên. Tiêu diệt địch ở Long Thành, Nhơn Trạch, Thành Tuy Hạ, góp phần cùng các cánh quân giải phóng Sài Gòn - Gia Ðịnh.
Trong giai đoạn cách mạng mới đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ biên giới Tổ quốc, làm tròn nhiệm vụ quốc tế; đồng thời luôn phát huy tốt truyền thống "Ðoàn kết, kiên cường, thần tốc, táo bạo, quyết thắng", không ngừng nâng cao sức mạnh tổng hợp, xây dựng Sư đoàn ngày càng vững mạnh toàn diện, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Lập những chiến công vang dội, Sư đoàn vinh dự được Bác Hồ về thăm; được Nhà nước phong tặng danh hiệu Ðơn vị Anh hùng LLVTND và nhiều phần thưởng cao quý.
 |
Chủ tịch Hồ Chí Minh thưởng huy hiệu cho các chiến sĩ lập nhiều chiến công trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: Tư liệu/TTXVN |
- Ngày 11-3-1954: Hồ Chủ tịch đã gửi thư cho các chiến sĩ ở Điện Biên Phủ, động viên mọi người lập công.
- Ngày 11-3-1975: Trong Chiến dịch Mùa Xuân 1975, Quân đội Nhân dân Việt Nam đánh chiếm hoàn toàn Buôn Ma Thuột.
Sự kiện quốc tế
- Ngày 11-3-1951: Hội nghị đại biểu nhân dân ba nước Việt Nam - Cao Miên - Lào họp Thành lập khối liên minh Việt - Miên - Lào.
 |
Đại hội liên minh Việt - Miên - Lào tại chiến khu Việt bắc tháng 3-1951. Ảnh tư liệu |
- Ngày 11-3-1990: Quốc hội Lithuania tuyên bố độc lập khỏi Liên bang Xô Viết.
- Ngày 11-3-2004: Một loạt vụ đánh bom xảy ra trên hệ thống xe lửa/xe điện Cercanías tại thủ đô Madrid, Tây Ban Nha, khiến 191 người thiệt mạng và hơn 2.000 người bị thương.
- Ngày 11-3-2011: Động đất và sóng thần Nhật Bản diễn ra làm thiệt mạng hơn 15.000 người, gây sự cố hạt nhân trầm trọng, thiệt hại hàng trăm tỉ đô la Mỹ.
Theo dấu chân Người
- Ngày 11-3-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh họp Hội đồng Chính phủ bàn về công tác ngoại giao để công bố với thế giới nội dung bản Hiệp định Sơ bộ, quyết định sẽ cử một phái đoàn qua Trung Hoa để tỏ rõ thiện chí và tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế. Cùng ngày, Bác ra “Lời kêu gọi sau khi ký Hiệp định Sơ bộ” mở đầu bằng câu: “Đồng bào Việt Nam nghe tôi, tin tôi, vì suốt đời tôi đã tranh đấu chống chế độ thực dân, tranh quyền độc lập cho nước nhà... Đồng bào đã tin tôi và Chính phủ mà tạm hoãn cuộc tranh đấu giành hoàn toàn độc lập, mà nhận chế độ tự chủ, mà bình tĩnh chờ đợi kết quả cuộc đàm phán chính thức ở Ba Lê. Nay vì sự dùng dằng bên phía Pháp mà đồng bào phẫn uất, tôi kêu gọi đồng bào hãy bình tĩnh, sẵn sàng chờ lệnh của Chính phủ”.
- Ngày 11-3-1950, rời Bắc Kinh lên đường trở về Chiến khu Việt Bắc, kết thúc chuyến thăm Liên Xô và Trung Quốc tạo nguồn lực cho cuộc kháng chiến, Bác làm bài thơ chữ Hán “Ly Bắc Kinh”:
“Ký Bắc thiên tâm huyền hạo nguyệt,
Tâm tùy hạo nguyệt cộng du du.
Hạo nguyệt thùy phân vi lưỡng bán?
Bán tùy cựu hữu, bán chinh phu”.
bản dịch thơ của Phan Văn Các: Rời Bắc Kinh
Trời Ký Bắc treo vầng trăng rọi,
Lòng theo trăng vời vợi sáng ngời
Vầng trăng ai xẻ làm đôi?
Nửa theo bạn cũ, nửa soi lữ hành.
Vào đầu tháng 3-1948, Bác gửi điện cho Trung tướng Nguyễn Bình chuyển lời khen ngợi bộ đội tham gia một số trận đánh thắng trên mặt trận Sài Gòn-Đà Lạt, Sa Đéc và dặn dò phải “giữ đúng nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách là nguyên tắc tối cao của chính quyền dân chủ ta: mọi việc đều đặt lợi quyền của Tổ quốc lên trên để thực hiện đại đoàn kết giữa quân và dân cũng như trong quân đội”.
 |
Bác Hồ gặp gỡ Trung tướng Nguyễn Bình (đứng giữa, hàng sau). Ảnh tư liệu |
Cũng khoảng thời gian này, Bác gửi thư cho Trung đội du kích Kim Thành cảm ơn đã tặng cho Bác một chiếc áo mưa chiến lợi phẩm, khích lệ tinh thần lấy vũ khí của giặc để đánh giặc và nhắc nhở “Du kích là như cá, nhân dân là như nước. Muốn giết địch thắng trận, thì phải có đồng bào giúp mọi mặt. Muốn được đồng bào vui lòng giúp, thì ta phải giúp đỡ đồng bào, kính trọng đồng bào. Đó là con đường thắng lợi”.
Cũng tháng 3-1948, trong thư tới Hội nghị Quân y, lần đầu tiên Bác nhắc đến thành ngữ mà về sau trở thành quan điểm về phẩm chất của người cán bộ ngành Y: khi gặp những khó khăn trong quá trình tiếp xúc với bệnh nhân, Bác viết: “Gặp những ca như vậy, chúng ta nên lấy lòng nhân loại và tình thân ái mà cảm động cảm hóa họ. Người ta có câu: “lương y kiêm từ mẫu”, nghĩa là một người thầy thuốc đồng thời phải là một người mẹ hiền”.
(Sách Chủ tịch Hồ Chí Minh - Ngày này năm xưa - NXB: Chính trị quốc gia - Sự thật 2010; Hồ Chí Minh Toàn tập - NXB Chính trị quốc gia)
Lời Bác dạy ngày này năm xưa
“…Là chủ của tương lai, thanh niên không thể không có lý tưởng cao cả…”
Câu trích trên là một phần nội dung trả lời phỏng vấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho Malcolm Salmon, phóng viên Đông Nam Á của Báo Australia Tribune và Báo Guardian. Khi được hỏi: “Những hoạt động của các chính khách ở nhiều nước thường không cổ vũ gì lớp thanh niên muốn có một cuộc đời hoạt động chính trị. Xin Chủ tịch đặc biệt cho những độc giả thanh niên của chúng tôi biết ý nghĩa và giá trị của một cuộc đời hoạt động chính trị, cách mạng”, Người trả lời: “Tương lai thuộc về thanh niên. Tương lai là cách mạng luôn luôn tiến lên. Là chủ của tương lai, thanh niên không thể không có lý tưởng cao cả. Vì vậy thanh niên phải có cuộc sống chính trị tích cực và cách mạng”.
Qua câu hỏi và nội dung trả lời của Bác, chúng ta thấy Người nhìn nhận, đánh giá rất cao vai trò, tiềm năng của thanh niên nói chung, thanh niên Việt Nam nói riêng, nhất là trong bối cảnh đất nước đang có chiến tranh, bị chia cắt hai miền Nam - Bắc. Trong hoàn cảnh ấy, tương lai của đất nước Việt Nam là phải thống nhất hòa bình và lý tưởng cao cả của thanh niên là phải thấu hiểu nỗi đau non sông chia cắt, phải có hành động cách mạng thiết thực đóng góp cho sự nghiệp xây dựng miền Bắc, giải phóng miền Nam.
 |
Bác Hồ với các phóng viên báo đài. Ảnh tư liệu |
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, lớp lớp thanh niên trên cả hai miền Nam - Bắc đi vào cuộc đấu tranh cách mạng dưới ngọn cờ lý tưởng của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh với khí thế thấm đẫm tinh thần của sức trẻ “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước,/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai”, thể hiện quyết tâm cao độ giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, thống nhất nước nhà. Một bộ phận đông đảo thanh niên trở thành “Bộ đội Cụ Hồ”, trực tiếp chiến đấu với quân thù, lập những chiến công oanh liệt, “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân hoàn thành sự nghiệp vẻ vang chống Mỹ, cứu nước.
Hiện nay, câu nói của Hồ Chí Minh trên đây vẫn nguyên giá trị. Tuổi trẻ - thanh niên Quân đội cần phải tiếp tục gương mẫu học tập, “rèn đức, luyện tài”, nâng cao nhận thức chính trị, tư tưởng, đạo đức cách mạng, kiên định mục tiêu, lý tưởng chiến đấu vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, tuyệt đối trung thành với Đảng, với nhân dân, với Tổ quốc; luôn có tinh thần cảnh giác cách mạng cao, làm chủ bản thân, làm chủ khoa học kỹ thuật, vũ khí trang bị, quyết tâm bảo vệ vững chắc Tổ quốc, góp phần đưa sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đi đến thắng lợi.
Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân
Trên trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 1773 ra ngày 11-3-1966 đăng tin: Chủ tịch Hồ Chí Minh khen ngợi quân và dân Nghệ An đã bắn rơi chiếc máy bay thứ 900.
 |
Trang nhất Báo quân đội ngày 11-3-1966 |
ĐẶNG CƯỜNG (Tổng hợp)