Chuyên mục Ngày này năm xưa số ra ngày 1-3-2022 còn được Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện dưới hình thức các tác phẩm phát thanh podcast tại đây và video clip trên Chuyên trang Media Báo Quân đội nhân dân Điện tử, trân trọng mời bạn đọc xem thêm. 
Một số sự kiện trong nước và quốc tế diễn ra ngày 1-3
Sự kiện trong nước

Alexandre Émile Jean Yersin sinh ngày 22 tháng 9 năm 1863 tại Lavaud (hạt Vaud) thuộc miền quê nước Thụy Sĩ. Năm 1886, ông sang Pháp làm việc ở viện Pasteur Paris. Ông là một trong những học trò xuất sắc của nhà bác học Louis Pasteur. Năm 1888 ông tốt nghiệp bác sĩ y khoa với luận án Tiến sĩ y khoa tại Trường đại học Paris với đề tài: Một chứng nhiễm trùng huyết của bệnh lao thể nghiệm, chứng bệnh đó hiện nay được mang tên ông. Cũng trong năm 1888, ông cộng tác với bác sĩ Roux và tìm ra độc tố vi trùng bạch hầu. Kết quả cơ bản này đã mở đường cho những công trình nghiên cứu trong các năm kế tiếp, tiến tới việc điều chế các huyết thanh kháng độc.

leftcenterrightdel
Bác sĩ Alexandre Yersin. Ảnh tư liệu 

Năm 1894, bệnh dịch hạch hoành hành và trở thành đại dịch tại Quảng Đông, Hồng Kông - Trung Quốc. Bác sĩ A. Yersin được cử đến Hồng Kông để nghiên cứu về dịch bệnh này. Trong điều kiện thiếu thốn thiết bị y tế, ông phải tự xây dựng phòng thí nghiệm bằng tre nứa thô sơ, với các dụng cụ thí nghiệm, kính hiển vi,… do ông mang theo, bác sĩ Yersin đã miệt mài tự tìm tòi nghiên cứu và kết quả, ông đã phát hiện ra trực khuẩn dịch hạch, tác nhân gây bệnh dịch hạch. Tiếp tục quá trình nghiên cứu, ông đã nhanh chóng điều chế ra huyết thanh ngừa bệnh, và chữa trị thành công. Để ghi nhớ công lao của ông, vi khuẩn được đặt theo tên ông là “Yersinia pestis”. Nhân loại luôn ghi nhớ công lao to lớn của ông, người tìm ra vi khuẩn gây bệnh.

Năm 1895, ông sáng lập Viện Pasteur Nha Trang. Năm 1902, ông là Hiệu trưởng đầu tiên Trường Đại học Y khoa Đông Dương (nay là Trường Đại học Y Hà Nội). Ông cũng là Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học, Viện Hàn lâm Y học Pháp. Yersin đã từng qua các chức vụ: Giám đốc Viện Pasteur Nha Trang, Giám đốc Viện Pasteur Sài Gòn; Trường Đại học Y khoa Đông Dương (nay là Trường đại học Y Hà Nội). Đại diện viện Pasteur Paris tại Đông Dương; Tổng Giám đốc các viện Pasteur Đông Dương, Giám đốc danh dự Viện Pasteur Paris khi bác sĩ Emile Roux tạ thế.

A.Yersin sống và làm việc ở Nha Trang 50 năm, hoàn thành 55 công trình nghiên cứu khoa học có giá trị với đời sống con người. Trong đó, công trình khoa học cộng tác cùng Emile Roux tìm ra độc tố bạch hầu; nghiên cứu ký sinh trị bệnh sốt rét từ cây canh-ki-na do ông di thực. A. Yersin thực nghiệm nhiều giống cây cao su, ca cao, cà phê, trà,… từ châu Âu vào Việt Nam. Ông còn đặt nền móng cho ngành thú y Đông Dương, là người phát hiện ra Hòn Bà (Khánh Hòa). Ông còn là nhà thiên văn học, dự báo thời tiết giúp cho ngư dân Xóm cồn đi biển, tránh giông bão. Ông nuôi trồng và sản xuất ra các sản phẩm để có nguồn kinh phí nghiên cứu khoa học, giúp đỡ người nghèo, khám chữa bệnh không lấy tiền. 

- Ngày 1 tháng 3 năm 1943, ông mất và được chôn cất tại Suối Dầu (Cam Lâm, Khánh Hòa) với di nguyện mãi nằm tại mảnh đất này. Tình yêu của ông dành cho Nha Trang thật sâu sắc, cảm động. Trong di chúc để lại, ông viết: “Khi tôi chết, tôi ước muốn chôn cất ở Suối Dầu,... Hãy giữ tôi lại với Nha Trang, đừng cho ai lấy tôi đi!”.

leftcenterrightdel
Du khách tới viếng tượng đài A. Yersin tại công viên bên bờ biển Nha Trang. Ảnh: Suckhoedoisong.vn 

Để tỏ lòng biết ơn với những cống hiến khoa học của ông, năm 2014, bác sĩ Alexandre Yersin được Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam công nhận là “Người Công dân Danh dự Việt Nam".

- Ngày 1-3-1960, Lần đầu tiên việc điều tra dân số được tiến hành một cách khoa học ở miền Bắc nước ta. Kết quả điều tra cho biết: Dân số miền Bắc có 15.916.955 người. Riêng Hà Nội có 643.576 người.

- Ngày 1-3-1935, 70 tù nhân chính trị bị giam tại nhà tù Côn Đảo đã đấu tranh đòi cải thiện bữa ǎn, chống lại việc bọn cai ngục bắt tù nhân ǎn khô mục có dòi. Cuộc đấu tranh lan rộng và có 120 tù nhân tuyệt thực đưa ra yêu sách: Cấm ngược đãi, đánh đập - Bớt giờ lao động khổ sai - Phát quần áo - Cải thiện ǎn uống - Điều trị bệnh tật cho tù nhân. Bọn thực dân đã phải nhượng bộ.

Sự kiện quốc tế

Ngày 1-3-1965: Hội nghị nhân dân Đông Dương đã họp tại Phnôm Pênh. Dự hội nghị có đoàn đại biểu của Mặt trận tổ quốc Việt Nam - Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam - Cộng đồng xã hội bình dân Campuchia và Neo Lào Hắc Xạt.

- Ngày 1-3-1991, Chương trình Kiểm soát Dược phẩm của Liên hợp quốc, UNDCP, có trụ sở ở Viên chính thức hoạt động.

- Ngày 1-3-1996, Khai mạc cuộc gặp cấp cao Á - Âu (ASEM) lần thứ nhất tại Thủ đô Bǎng Cốc (Thái Lan).

Ngày 1-3-1999, Hiệp ước quốc tế về cấm mìn sát thương được ký kết tại Ottawa, Canada.

leftcenterrightdel
Nhà bác học Pháp, Antoine Henri Becquerel. Ảnh tư liệu. 

- Ngày 1-3-1896, Nhà bác học Pháp, Hǎngri Béccơren (Antoine Henri Becquerel) đã phát hiện ra Urani. Ông được trao giải Nobel nǎm 1903. Antoine Henri Becquerel sinh ngày 15-12-1852 tại Paris, trong một gia đình gồm những nhà vật lý nổi tiếng. Ông nội của Henri Becquerel là Antoine César Becquerel, một trong những người sáng lập ra môn điện hóa học; cha ông là Alexandre Edmond Becquerel, người đã phát minh ra quang phổ kế.

Theo dấu chân Người

Ngày 1-3-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh kiên trì gặp G. Xanhtơni (J.Sainteny) để trao đổi về tương lai quan hệ Việt-Pháp. Cuộc gặp này diễn ra một ngày trước khi khai mạc kỳ họp thứ nhất của Quốc hội (2-3-1946).

leftcenterrightdel
Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp đoàn nhà báo L’Unita của Đảng Cộng sản I-ta-li-a, ngày 12-5-1959. Ảnh tư liệu

Quan sát những cuộc tiếp xúc này, nhà báo và sử gia nổi tiếng của Pháp là P.Đơvinlơ (P.Devillers) viết: Tại Hà Nội, Xanhtơni giờ đây ngày ngày tiếp tục hội đàm với ông Hồ Chí Minh... Ông Hồ từ chối không chấp nhận việc quân đội Pháp đến Hà Nội, cuộc thay quân Pháp và quân Trung Quốc không có giới hạn thời gian. Ông khẳng định Nam bộ là của Việt Nam là bộ phận máu thịt của Việt Nam. Các đảng phái Việt Nam đều nhất trí về điểm này và người ta không thể chấp nhận bất cứ một điều gì hàm ý tách rời miền Nam.

- Ngày 1-3-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết “Thư gửi các đồng chí Bắc bộ” xác định: “Trong lúc dân tộc đang ở ngã tư đường, chết hay sống, mất hay còn, mỗi đồng chí và toàn cả Đoàn thể phải đem tất cả tinh thần và lực lượng ra để đưa toàn dân quay về một hướng, nhằm vào một mục đích đánh đuổi thực dân Pháp làm cho nước thống nhất và độc lập. Vì vậy... phải: Sáng suốt, khôn khéo, cẩn thận, kiên quyết, siêng năng, nhất trí”.

leftcenterrightdel
Chủ tịch Hồ Chí Minh trong phòng làm việc của Người tại căn cứ địa Việt Bắc (1951). Ảnh tư liệu 

Thư còn yêu cầu “chúng ta phải kiên quyết tẩy sạch những khuyết điểm”. Khi phân tích căn bệnh “ích kỷ, hủ hoá”, Bác viết: “Vẫn biết nhà pha đế quốc là nơi huấn luyện, vẫn biết Việt Minh là một đoàn thể gồm những người yêu nước, chăm lo việc cứu nước. Nhưng hẳn rằng ngoài Việt Minh còn biết bao nhiêu người hay, người giỏi mà Việt Minh chưa tổ chức được. Vả lại nếu chính trị phạm, nếu người của Mặt trận là giỏi hơn ai hết thì những người không có hân hạnh ở tù, những người chưa vào Mặt trận đã là vô tài vô dụng cả sao?

Mỗi một đồng chí ta phải có thái độ khiêm tốn, càng cao, càng giỏi, càng phải khiêm tốn, phải có lòng cầu tiến bộ, phải nhớ câu nói của ông thầy chúng ta:

Phải học, học nữa, học mãi” (Lê-nin).

Còn trong “thư gửi các đồng chí Trung bộ”, Bác nhấn mạnh:

“Giao thông là mạch máu của mọi việc.

Giao thông tắc thì việc gì cũng khó.

Giao thông tốt thì việc gì cũng dễ dàng”.

- Ngày 1-3-1953, Báo Nhân Dân đăng bài “Phóng tay phát động quần chúng” của Bác giải thích về chủ trương “triệt để giảm tô, thực hiện giảm tức”. Bài báo viết “Đó là một việc rất công bằng và rất hợp lý... Trong công cuộc kháng chiến kiến quốc, nông dân đóng góp nhiều nhất, hy sinh nhiều nhất, công lao nhiều nhất. Thế mà họ lại nghèo khổ nhất, vì địa tô quá nặng, nợ lại quá cao. Nông dân ta có công với Tổ quốc, thì triệt để giảm tô, là bù đắp lại một phần nào cho công lao của nông dân”.

(Sách Chủ tịch Hồ Chí Minh – Ngày này năm xưa và Hồ Chí Minh – Biên niên tiểu sử, NXB Chính trị Quốc gia, Sự thật NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật)

Lời Bác dạy Ngày này năm xưa

Bác ra lời kêu gọi đồng bào tăng gia sản xuất vào ngày 1-3-1950, với nội dung: “Chúng ta quyết thực hiện khẩu hiệu: Toàn dân canh tác, bốn mùa canh tác” đồng thời phải “thi đua tiết kiệm, tránh xa xỉ, phí phạm, để dành lương thực cho bộ đội hoặc cho những lúc túng thiếu. Làm hai việc trên là giúp sức vào công việc chuyển mạnh sang tổng phản công”.

leftcenterrightdel

Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đồng chí trong cơ quan tăng gia sản xuất cải thiện đời sống ở Phủ Chủ tịch, năm 1957. Ảnh tư liệu

Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu lên tầm quan trọng trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp đối với kế hoạch của nhà nước; là nhiệm vụ chủ yếu nhằm tăng cường lương thực để xây dựng hậu phương miền Bắc vững chắc cho tiền tuyến miền Nam đánh giặc. Thực hiện lời kêu gọi của Người, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các địa phương, nhân dân miền Bắc hăng hái thi đua sản xuất, đổi công giúp nhau cấy lúa chiêm, mở rộng đất trồng ngô, khoai, tích trữ lương thực; phát triển chăn nuôi lợn, gà, trâu, bò; trồng cây công nghiệp (cây bông). Đồng thời, tích cực thực hành tiết kiệm, tránh xa xỉ, phí phạm trong công việc, nhất là trong dịp tết; chủ động chống hạn, chống rét, đoàn kết, tương trợ giúp nhau vượt qua khó khăn, đạt nhiều thành tích trong sản xuất, góp phần xứng đáng vào công cuộc củng cố miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà.

leftcenterrightdel

Tăng gia sản xuất hướng vào nâng cao chất lượng đời sống bộ đội. Ảnh: Tiến Đạt. 

Lời kêu gọi của Người năm ấy đến hôm nay vẫn là tài liệu có giá trị, được Đảng ta quán triệt, vận dụng sáng tạo trong sự nghiệp đổi mới công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Quán triệt, thực hiện Chỉ thị 21-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương khóa XI về "Đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí", Thường vụ Quân ủy Trung ương đã ban hành Chỉ thị số 771-CT/QU về "Tiếp tục thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tiêu cực và thực hiện nếp sống văn minh trong Quân đội"; là cơ sở để mỗi cán bộ, đảng viên và quần chúng trong toàn quân, tiếp tục học tập và làm theo Bác Hồ; kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm; tích cực tham gia các chương trình, dự án xóa đói, giảm nghèo; chia sẻ, hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân khắc phục khó khăn, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo đảm cho nhân dân được hưởng thụ ngày một tốt hơn thành quả của công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước xã hội chủ nghĩa.

Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân

- Ngày 1-3-1962, trang ba Báo Quân đội nhân dân có đăng ảnh Bác Hồ cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp với chú thích ảnh "Chúc Quân đội ta năm mới, thắng lợi mới!.

leftcenterrightdel
Trang ba Báo Quân đội nhân dân đăng ngày 1-3-1962. 


Cũng trên số báo đăng ngày 1-3-1962, trang hai Báo Quân đội nhân dân có đăng bài viết "Ăn Tết với Bác Hồ". Bài viết kể về giây phút xúc động và những ký ức không thể nào quên của một đồng chí chiến sĩ khi được đi chúc Tết Bác Hồ cùng đơn vị.

leftcenterrightdel
Trang hai Báo Quân đội nhân dân đăng ngày 1-3-1962. 

 

leftcenterrightdel
 

HUY ĐÔNG (Tổng hợp)