Chuyên mục Ngày này năm xưa số ra ngày 1-12-2022 cũng được Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện dưới hình thức các tác phẩm phát thanh podcast và video clip trên Chuyên trang Media Báo Quân đội nhân dân Điện tử, trân trọng mời bạn đọc xem thêm. 

Một số sự kiện trong nước và quốc tế diễn ra ngày 1-12

Sự kiện trong nước

- Ngày 1-12-1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự lễ ký Tuyên bố chung giữa Thủ tướng Phạm Văn Đồng, thay mặt Đoàn đại biểu Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Thủ tướng Kim Nhật Thành, thay mặt Đoàn đại biểu Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Kim Nhật Thành. Ảnh: Baotanghochiminh

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký:

+ Sắc lệnh số 93-SL, chuẩn y cho các ông Trịnh Đình Cung và Bùi Công Bằng được từ chức Ủy viên Ủy ban hành chính Khu Tả Ngạn để đi nhận công tác khác.

+ Sắc lệnh số 94-SL, chuẩn y cho ông Bùi Thủy được từ chức Ủy viên Ủy ban hành chính Khu Hồng Quảng để đi nhận công tác khác.

+ Sắc lệnh số 95-SL, chuẩn y cho ông Hoàng Phương Thảo được từ chức Ủy viên Ủy ban hành chính Liên khu 4 để đi nhận công tác khác.

- Ngày 1-12-1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh họp Hội nghị 81 Đảng Cộng sản và Công nhân quốc tế thông qua Tuyên bố chung của Hội nghị. Thay mặt Đoàn Việt Nam, Người đã ký vào bản Tuyên bố chung, sau đó chụp ảnh chung với các đoàn đại biểu.

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện mừng tới Hội nghị đoàn kết Á - Phi của Ấn Độ. Bức điện có đoạn: “Tôi xin thân ái gửi đến các đại biểu... Chúc hội nghị thành công tốt đẹp, góp phần vào việc đấu tranh đòi thủ tiêu chủ nghĩa thực dân, đòi giải trừ quân bị và chấm dứt chiến tranh lạnh, để bảo vệ tự do, độc lập và hòa bình”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm sâu sát các hoạt động và đội ngũ làm công tác văn hóa – nghệ thuật của nước nhà. Ảnh tư liệu 

- Ngày 1-12-1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự và nói chuyện với Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ III. Phân tích thực trạng văn nghệ dưới thời thuộc Pháp, Người chỉ rõ: Khi dân tộc bị áp bức, thì văn nghệ cũng mất tự do. Văn nghệ muốn tự do thì phải tham gia cách mạng.

Nói về nhiệm vụ của văn nghệ trước những biến đổi lớn lao hiện nay của đất nước, Người nhấn mạnh: “Quần chúng đang chờ đợi những tác phẩm văn nghệ xứng đáng với thời đại vẻ vang của chúng ta, những tác phẩm ca tụng chân thật những người mới, việc mới chẳng những để làm gương mẫu cho chúng ta ngày nay, mà còn để giáo dục con cháu ta đời sau”. “Quần chúng mong muốn những tác phẩm có nội dung chân thật và phong phú, có hình thức trong sáng và vui tươi”. Đối với những hiện tượng xấu xa trong xã hội, văn nghệ cũng cần phải phê bình, lên án rất nghiêm khắc. “Nhưng khen hay là chê đều phải đúng mức. Khen quá lời thì người được khen cũng hổ ngươi (xấu hổ). Mà chê quá đáng thì người bị chê cũng khó tiếp thụ”.

Người căn dặn: “Để làm trọn nhiệm vụ cao quý của mình, văn nghệ sĩ cần phải rèn luyện đạo đức cách mạng, nâng cao tinh thần phục vụ nhân dân, giữ gìn thái độ khiêm tốn; phải thật sự hòa mình với quần chúng, cố gắng học tập chính trị, trau dồi nghề nghiệp; phải hết lòng giúp đỡ thanh niên, làm cho văn nghệ nước nhà ngày càng thêm trẻ thêm xuân”.

Kết thúc buổi nói chuyện, Người nói: “Bác muốn bắt tay tất cả, nhưng không đủ thì giờ. Vậy Bác bắt tay đại biểu cao tuổi nhất - chứ không phải là già nhất và người ít tuổi nhất”. Khi bắt tay Trà Giang, Người nhắc: “Trẻ mà có thành tích càng phải học và phải khiêm tốn!”.

- Ngày 1-12-1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp đồng chí Nguyễn Lương Bằng và hai bác sĩ Việt Nam đến thăm, kiểm tra sức khỏe cho Người.

Cùng ngày, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Phó chủ tịch Tôn Đức Thắng gặp mặt thân mật với đoàn thiếu niên dũng sĩ diệt Mỹ của miền Nam ra thăm miền Bắc và cùng ăn cơm với các cháu.

Các thiếu niên dũng sĩ miền Nam được chụp hình với Bác Hồ và Bác Tôn. Ảnh tư liệu

 Sự kiện quốc tế

- Ngày 1-12-1988, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố chọn ngày 1-12 hằng năm là Ngày kỷ niệm phòng, chống HIV/AIDS trên toàn thế giới, nhằm đẩy mạnh sự phối hợp của toàn thể nhân loại trong việc phòng, chống dịch bệnh này, UNAIDS (Chương trình Phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS) đã phát động thành chiến dịch toàn cầu lần đầu tiên từ 1-12-1997. 

Dải băng đỏ là biểu tượng toàn cầu cho tình đoàn kết với những người nhiễm HIV và những người bị bệnh AIDS. Ảnh tư liệu

Từ đó đến nay, hàng năm, UNAIDS đều phát động chiến dịch phòng chống HIV/AIDS trên toàn cầu bằng cách lựa chọn các chủ đề đặc biệt có liên quan đến tình hình dịch tễ và việc phòng, chống HIV/AIDS nhằm liên kết chặt chẽ sự phối hợp các thành viên Liên hợp quốc, các cấp chính quyền và tất cả các thành phần trong xã hội để cùng nỗ lực phòng, chống dịch bệnh của thế kỷ. Các chủ đề có thể thay đổi hàng năm và được sử dụng xuyên suốt quanh năm để thúc đẩy toàn thế giới cùng tham gia phòng, chống đại dịch HIV/AIDS.

- Ngày 1-12-1959: Hiệp ước Nam Cực đã được ký kết. Hiệp ước Nam Cực hình thành nhằm bảo tồn lục địa Nam Cực với toàn bộ vùng lãnh thổ cùng vùng biển nằm dưới vĩ tuyến 60 độ Nam dành cho các mục đích hòa bình, đặc biệt là nghiên cứu khoa học.

Một trạm nghiên cứu khoa học ở Nam Cực. Ảnh World Politics

Hiệp ước quy định cấm các hoạt động quân sự, sử dụng vũ khí nguyên tử và thải chất thải hạt nhân ở Nam Cực, cấm các quốc gia đưa ra các yêu sách lãnh thổ mới đối với châu lục này...

Từ khi được ký kết, Hiệp ước đã được bổ sung một số công ước và nghị định thư liên quan đến sinh thái, môi trường và cho đến nay đã tạo thành một định chế quốc tế quan trọng đề cập tới các vấn đề về tài nguyên, quân sự và môi trường.  

 

PHẠM ĐIỆP (tổng hợp theo Trung tâm Lưu trữ quốc gia I; Tư liệu Bảo tàng Hồ Chí Minh; Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011; Báo Nhân Dân; TTXVN).