Chuyên mục Ngày này năm xưa số ra ngày 8-2-2022 cũng được Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện dưới hình thức các tác phẩm phát thanh podcastvà video clip trên Chuyên trang Media Báo Quân đội nhân dân Điện tử, trân trọng mời bạn đọc xem thêm.
Một số sự kiện trong nước và quốc tế ngày 8-2
Sự kiện trong nước
- Chiều ngày 8-2-1931 trước sân bóng đá đường Larenhierơ (Sài Gòn - nay là thành phố Hồ Chí Minh), khi trận đấu bóng vừa kết thúc thì một cuộc mít tinh lớn được tổ chức. Lá cờ đỏ búa liềm được giương cao. Đồng chí Phan Bôi đứng lên diễn thuyết. Tên thanh tra mật thám Lơ Gờrǎng định bắt đồng chí Phan Bôi liền bị Lý Tự Trọng dùng súng bắn chết. Lý Tự Trọng bị bắt ngay sau đó. Hành động dũng cảm của Lý Tự Trọng đã gây một tiếng vang lớn.
|
|
Bộ đội ta trinh sát đồn địch chuẩn bị cho tấn công trong Chiến dịch Lê Hồng Phong II (Chiến dịch Biên giới 1950). Ảnh tư liệu |
- Ngày 8-2-1950: Mở đầu chiến dịch Lê Hồng Phong (Tây Bắc). Ta diệt cứ điểm Phố Lu (Lao Cai) gồm hai đại đội lính Âu phi tinh nhuệ, sau sáu ngày vây hãm và tấn công. Đây là trận công kiên lớn đầu tiên của bộ đội ta. Toàn chiến dịch, ta diệt 5 vị trí, bức rút 3 vị trí khác dọc tả ngạn sông Thao, diệt 500 tên, làm bị thương hơn 200 tên, bắt sống gần 100 tên, quét sạch phòng tuyến sông Thao, giải phóng một vùng rộng hàng trǎm ki-lô-mét vuông cùng hàng vạn đồng bào bị tập trung.
- Ngày 8-2-1952: Ngày truyền thống của Thanh niên Quân đội và Ban Thanh niên Quân đội thuộc Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. 70 năm qua, dù ở đâu, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Thanh niên Quân đội luôn tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân; là lực lượng nòng cốt, xung kích, đi đầu trong các phong trào của thanh niên cả nước, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, xứng đáng với lời dạy của Bác Hồ kính yêu “Đâu cần thanh niên có, việc khó có thanh niên”.
Thanh niên Quân đội còn tích cực thực hiện có hiệu quả các phong trào “Thanh niên Quân đội vươn tới những đỉnh cao”, “Thanh niên Quân đội tiến quân vào khoa học và công nghệ ” gắn với thực hiện cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”.
|
|
Thanh niên Quân đội ra sức giúp dân, xây dựng nông thôn mới |
Trong 70 năm, Ban Thanh niên Quân đội đã từng bước trưởng thành, phát triển, với tinh thần chủ động, sáng tạo, quyết thắng, luôn bám sát đơn vị cơ sở, địa bàn chiến lược, trọng yếu, những nơi khó khăn gian khổ, ác liệt; làm tốt công tác tham mưu, chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện công tác giáo dục, rèn luyện đoàn viên thanh niên; tổ chức các phong trào hành động cách mạng trong tuổi trẻ toàn quân xung kích thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ.
- Ngày 8-2-1996: Tại thành phố Hồ Chí Minh đã khánh thành tuyến cáp quang biển Thái Lan - Việt Nam - Hồng Kông. Đây là một hệ cáp quang biển ngầm dài 3.367km. Việc đưa tuyến cáp quang biển này vào khai thác đã nâng cao thêm một bước truyền dẫn thông tin của ngành Bưu điện Việt Nam với thế giới và các nước trong khu vực Đông Nam Á.
Sự kiện quốc tế
- Ngày 8-2-1828: Nhà vǎn Jules Verne chào đời tại Nantes (Pháp). Nǎm 1862, ông ra mắt bạn đọc cuốn "Nǎm tuần lễ trên khinh khí cầu" được hoan nghênh nhiệt liệt và trở nên nổi tiếng. Sau đó, ông cho xuất bản một loạt tiểu thuyết khoa học viễn tưởng: Sa mạc bǎng giá, Từ trái đất đến mặt trǎng, Hai mươi vạn dặm dưới đáy biển, Hành trình trong lòng đất, Tám mươi ngày vòng quanh thế giới... Ngày nay, nhiều thành tựu mà Jules Verne miêu tả đã trở thành hiện thực.
|
|
Một số tác phẩm của tác giả Jules Verne đã được dịch ra tiếng Việt. Ảnh: Newshop |
- Ngày 8-2-1971: Sàn giao dịch chứng khoán NASDAQ bắt đầu mở cửa giao dịch.
- Ngày 8-2-1976: Là ngày mất của Chu Ân Lai. Sinh nǎm 1898, Chu Ân Lai từng du học ở Nhật Bản, Pháp. Nǎm 1922, ông tham gia nhóm Cộng sản trẻ Trung Quốc ở nước ngoài, rồi trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Pháp. Sau khi nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa thành lập (nǎm 1949), ông liên tục được bầu làm Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc và giữ chức vụ này tới khi qua đời.
Theo dấu chân Người
- Ngày 8-2-1931, Nguyễn Ái Quốc viết báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản thông báo về phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân Đông Dương và việc Đảng đã đổi tên thành Đảng Cộng sản Đông Dương.
Chỉ 10 năm sau, năm 1941, Bác Hồ đã trở về nước sau 30 năm hoạt động ở nước ngoài. Hồi ký của Lê Quảng Ba viết: Chúng tôi được theo Bác từ Nậm Quang về nước... Vượt lên một đoạn dốc ngắn rồi xuống một núi dài lởm chởm đá, tôi nhận ra cây si mọc không xa cột mốc 108. Mốc đá như một tấm bia. Bác dừng lại, cúi đọc chữ Hán và chữ Pháp khắc sâu ở cả hai mặt đá... Người nhìn sâu vào khoảng đất trời Tổ quốc biết bao đẹp đẽ nhưng đầy đau thương...
|
|
Bác Hồ về thăm bà con Pác Bó (Hà Quảng, Cao Bằng) tháng 2-1961. Ảnh tư liệu |
- Ngày 8-2-1941, Bác chọn hang Cốc Bó (nghĩa là “đầu nguồn”) ở làng Pác Bó (Cao Bằng) làm nơi ở và nơi làm việc và nói với mọi người: Mình vừa nẩy ra cái ý hay, dòng suối này của ta đẹp quá, trong xanh như ngọc, lại bắt nguồn từ đây, nên đặt tên là Suối Lênin. Còn ngọn núi hùng vĩ phía sau, bên phải kia, chúng ta gọi là Núi Các Mác... Cảm xúc về nơi ở đầu tiên trong lòng Tổ quốc, Bác làm mấy câu thơ:
“Non xa xa, nước xa xa.
Nào phải thênh thang mới gọi là.
Đây suối Lênin, kia núi Mác.
Hai tay xây dựng một sơn hà”.
Năm 1946, sơn hà đó giành được độc lập nhưng lại đang đứng trước mưu đồ quay trở lại của thực dân Pháp.
- Ngày 8-2-1946, tiếp tướng Salan đến cảm ơn việc vừa đi thăm binh sĩ Pháp đang điều trị tại Nhà thương Đồn Thủy, Bác đáp từ: “...Hôm đó là ngày Tết Nguyên đán. Tôi vui mừng được có dịp bày tỏ tình cảm của tôi đối với nước Pháp ... Nhưng rất tiếc, những sự kiện ở Nam bộ và thái độ của Chính phủ Pháp đang khơi cái hố giữa các ngài và chúng tôi” và thẳng thừng bác bỏ đề nghị cho quân Pháp đứng ra lập lại trật tự: “Nếu làm như vậy, tôi sẽ là kẻ phản quốc.... Chúng tôi yêu nước Pháp, nhưng không muốn làm nô lệ, chúng tôi muốn sống tự do. Chúng tôi muốn có quan hệ rất nhiều về kinh tế với Pháp. Chúng tôi muốn có những quan hệ rộng lớn nữa về văn hóa. Chúng tôi muốn có những cán bộ chuyên viên kỹ thuật người Pháp trên mọi lĩnh vực. Nhưng chúng tôi phải là chủ nhân trên đất nước chúng tôi!”
- Ngày 8-2-1960, báo Nhân Dân đăng bài “Quỹ đen... Quỹ trắng” của Bác phê phán việc lập quỹ bất hợp pháp tại nhiều địa phương, cơ quan: “Quỹ đen chính là... cắt xén quỹ công. Chi thì lu bu, ù xoẹ... Chúng ta sẵn sàng xiết chặt thêm trăm nghìn sợi dây ràng buộc để tiêu diệt hẳn lối làm lộn xộn đó. Phải chặt chẽ hơn nữa trong việc dùng tiền dành dụm của chúng ta, để tiến nhanh tới cuộc sống no ấm đầy đủ cho mọi người”.
|
|
Công trình thủy điện Thác Bà. Ảnh: Cafef |
- Ngày 8-2-1963, dự họp Bộ Chính trị nghe báo cáo về dự án công trình xây dựng thủy điện Thác Bà, Bác yêu cầu: “Phải đặc biệt lưu ý hai vấn đề:
1. Tổ chức công trường cho tốt;
2. Tổ chức di dân cho tốt”.
(Sách Chủ tịch Hồ Chí Minh - Ngày này năm xưa - Tập 1 – NXB: Chính trị quốc gia - Sự thật 2010)
Lời Bác dạy ngày này năm xưa
“Tự mãn thì không tiến bộ được nữa; không tiến bộ tức là thoái bộ, mà thoái bộ thì không làm tròn nhiệm vụ”.
(Theo Hồ Chí Minh toàn tập, t. 9, tr.307, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, 2011)
Đây là lời nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh trình bày tại Hội nghị tổng kết cải cách ruộng đất đợt II, ngày 8-2-1955, trong giai đoạn miền Bắc nước ta mới được giải phóng và bước vào cải cách ruộng đất. Trong cải cách ruộng đất có nhiều cán bộ, đảng viên, hăng hái làm đúng đường lối của Đảng, nhưng ngược lại, cũng có nhiều người mắc khuyết điểm cho mình là thạo rồi, việc gì cũng biết, tự kiêu, tự mãn, chủ quan, thiếu cảnh giác, bị giai cấp địa chủ lừa gạt.
|
|
Bác Hồ đến thăm một gia đình nông dân vừa được chia ruộng đất. Ảnh tư liệu |
Chủ tịch Hồ Chí Minh muốn thông qua một sự việc cụ thể trong thực hiện nhiệm vụ cải cách ruộng đất để chỉ ra bệnh tự kiêu, tự mãn và tác hại của nó đối với mỗi cán bộ, đảng viên và đối với quá trình thực hiện nhiệm vụ của cách mạng. Đây là lời cảnh tỉnh đối với tất cả mọi người, nhất là những người cách mạng, không bao giờ được tự mãn, tự kiêu, mà cần phải khiêm tốn, cầu thị, không ngừng hăng hái, phấn đấu, học hỏi để nâng cao hiểu biết, hoàn thiện kỹ năng, phương pháp, tác phong công tác, không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả làm việc.
Thực hiện lời dạy của Người, nhiều cán bộ quân đội với tinh thần tự học, tự rèn đã trở thành những tướng lĩnh tiêu biểu, xuất sắc trong quân đội, những cán bộ cách mạng ưu tú của Đảng như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh…
|
|
Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp nghiên cứu phương án tác chiến trong Chiến dịch Biên giới năm 1950. Ảnh tư liệu |
Ngày nay, trước yêu cầu xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, mỗi quân nhân, nhất là cán bộ, sĩ quan phải tích cực, chủ động học tập, rèn luyện mọi lúc, mọi nơi để không ngừng nâng cao nhận thức chính trị, củng cố vững chắc lập trường tư tưởng, có trình độ kỹ, chiến thuật, trình độ chỉ huy, quản lý tốt; kiên quyết khắc phục những tư tưởng không đúng, nhất là bệnh chủ quan, tự mãn, tự kiêu để góp phần xây dựng đơn vị và quân đội ngày càng vững mạnh, thực sự chính quy, tinh nhuệ, luôn sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi trong mọi tình huống.
|
|
Các cán bộ, chiến sĩ luôn nỗ lực không ngừng đóng góp vào hành trình hiện đại hóa quân đội |
Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân
Trang ba Báo Quân đội nhân dân số Tết Kỷ Hợi 1959 đăng ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh đang làm việc kèm với lời chúc Tết của Người:
“Chúc mừng đồng bào năm mới,
Đoàn kết thi đua tiến tới,
Hoàn thành kế hoạch ba năm,
Thống nhất nước nhà thắng lợi.”
|
|
Trang ba Báo Quân đội nhân dân số Tết Kỷ Hợi 1959 |
Trang hai Báo Quân đội nhân dân số 2060 ra ngày 8-2-1967 trích bài nói của Hồ Chủ tịch khi Người về thăm Thái Bình: “Trồng cây nào phải tốt cây ấy. Trồng 100 cây mà sống cả, tốt cả thì hơn trồng 1.000 cây mà chỉ sống được 90 cây. Việc trồng cây nên dựa vào lực lượng các cụ phụ lão và các cháu nhi đồng. Các cụ vừa có kinh nghiệm trồng cây, vừa cẩn thận, tỉ mỉ, chăm sóc cây cối. Các cháu nhỏ ở nông thôn cần giúp các cụ giữ gìn cây cối, không để cho trâu bò phá hoại”.
|
|
Trang hai Báo Quân đội nhân dân số 2060 ra ngày 8-2-1967 |
MAI HƯƠNG (tổng hợp)