Lời Bác dạy ngày này năm xưa

Trong “Bài nói chuyện với bộ đội, công an và cán bộ trước khi vào tiếp quản Thủ đô”, ngày 5-9-1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn cán bộ ta phải giữ vững bản lĩnh trước mọi tình huống.

Người chỉ rõ: “Có thể những người khi kháng chiến thì rất anh dũng, trước bom đạn địch không chịu khuất phục, nhưng đến khi về thành thị lại bị tiền bạc, gái đẹp quyến rũ, mất lập trường, sa vào tội lỗi”. Chủ tịch Hồ Chí Minh còn nhấn mạnh rằng, muốn giữ vững nhân cách thì cán bộ và chiến sĩ phải luôn “làm gương mẫu trong mọi việc”, phải luôn thực hành bốn chữ mà Người thường nhắc nhở là: “Cần, Kiệm, Liêm, Chính”. (Sách Hồ Chí Minh -Toàn tập, Tập 9, Nxb CTQG, H.2011, tr.46).

Bài nói chuyện của Bác Hồ được lưu trữ tại Cục lưu trữ Vǎn phòng Trung ương Đảng có đoạn: Bây giờ về xuôi thì thế nào?

"Học cái tốt thì khó, ví như người ta leo núi, phải vất vả, khó nhọc mới lên đến đỉnh.

Học cái xấu thì dễ, như ở trên đỉnh núi trượt chân một cái là nhào xuống vực sâu.

Mấy nǎm kháng chiến, các cô, các chú đã học được nhiều đức tính tốt. Về xuôi nhất là về thành thị, sẽ có nhiều người phức tạp, nhiều thứ quyến rũ mình vào thói xấu.

Ta ở rừng núi, quen tiết kiệm của công, của riêng. Đó là điều tốt. Về xuôi, Bác chỉ nói vài cái nhỏ: phở ngon, rồi thì đồng hồ, bút máy, xe đạp, v.v.. Nếu không giữ được thói quen tiết kiệm thì sẽ tham ǎn ngon, tham mua các thứ xa hoa. Lương không đủ thì sẽ lấy ở đâu ? Lúc ấy chỉ có hai cách: một là ǎn cắp của Chính phủ, hai là bị tiền mua chuộc …Một vài thí dụ: Nó đi buôn lậu, sợ anh bắt, nó cho anh cái đồng hồ, bút máy để đi thoát. Cán bộ đi mua bán, nó cho ǎn một ít để mua đắt, bán rẻ cho nó. Đó là ǎn hối lộ, mà ǎn hối lộ là có tội, vì nó làm hại cho nhân dân, thiệt đến công quỹ của Chính phủ. Có thể những người khi kháng chiến thì rất anh dũng, trước bom đạn địch không chịu khuất phục, nhưng đến khi về thành thị lại bị tiền bạc, gái đẹp quyến rũ, mất lập trường, sa vào tội lỗi.

Cho nên bom đạn của địch không nguy hiểm bằng “đạn bọc đường” vì nó làm hại mình mà mình không trông thấy".

Lời dạy của Bác diễn ra vào thời điểm cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược vừa mới kết thúc (ngày 7-5-1954), Hiệp định Geneve được ký kết (ngày 21-7-1954). Để công tác tiếp quản Thủ đô được nhanh chóng, an toàn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gặp và có những lời căn dặn quý báu đối với lực lượng bộ đội và công an thực hiện nhiệm vụ này. Theo đó, mỗi cán bộ, chiến sĩ khi thực hiện nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô phải giữ vững lập trường, bản chất cách mạng, luôn kiên định, trách nhiệm với công việc được giao, không dao động trước sự phồn hoa của đời sống thị thành.

leftcenterrightdel

Trước khi về tiếp quản Thủ đô, cán bộ Đại đoàn Quân tiên phong được nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện tại Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ (19-9-1954). 

Lời căn dặn của Bác ngắn gọn, nhưng súc tích, là sự nhắc nhở sâu sắc đối với mỗi cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an cần phải giữ vững phẩm chất, đạo đức cách mạng, khí tiết của người chiến sĩ cộng sản; gương mẫu trong mọi lời nói, hành động và việc làm; phát huy khối đại đoàn kết toàn dân để thực hiện nhiệm vụ một cách nhanh chóng và chính xác, tránh sa vào những cạm bẫy của cuộc sống đời thường. Do vậy, học tập và làm theo lời Bác Hồ dạy phải trở thành việc làm tự giác, thường xuyên, góp phần bồi dưỡng đạo đức cách mạng, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cấp có thái độ giao tiếp, ứng xử chuẩn mực; có năng lực và tính chuyên nghiệp cao trong thực thi công vụ, nhiệm vụ được giao; lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm thước đo đánh giá chất lượng hoạt động của hệ thống chính quyền các cấp, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới đất nước vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

leftcenterrightdel
 Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm đơn vị Công an nhân dân vũ trang bảo vệ Thủ đô Hà Nội, ngày 14-2-1961. Ảnh tư liệu TTXVN

Phát huy truyền thống tốt đẹp, phẩm chất cao quý “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ mới, cán bộ, chiến sĩ toàn quân luôn khắc ghi lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất, đạo đức cách mạng, không để rơi vào cạm bẫy, xa hoa; luôn kiên định mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; luôn nêu cao tinh thần sẵn sàng chiến đấu, hy sinh bảo vệ Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa; sẵn sàng xả thân hy sinh cứu dân, chung vai sát cánh cùng nhân dân phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng cuộc sống mới, nông thôn mới; có lối sống văn minh, năng động, trí tuệ, đoàn kết và kỷ luật nghiêm.

Theo dấu chân Người

- Ngày 5-9-1945, tại Bắc bộ phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp cựu hoàng Bảo Đại vừa từ cố đô Huế ra tới Thủ đô Hà Nội, sau đó, Người sang ngôi nhà số 51 Trần Hưng Đạo là nơi Chính phủ sắp xếp để thăm cựu hoàng nay đã trở thành Cố vấn Vĩnh Thụy.

Cùng ngày, trước thực tế là Pháp đã theo chân quân Anh để mưu xác lập lại quyền lực ở Đông Dương, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi quốc dân”: “Quốc dân đồng bào! Nhân dân Việt Nam hoan nghênh quân Đồng Minh kéo vào Việt Nam để tước khí giới quân Nhật, nhưng cương quyết phản đối quân Pháp kéo vào Việt Nam, vì mục đích của họ chỉ là hãm dân tộc Việt Nam vào vòng nô lệ một lần nữa. Hỡi đồng bào! Hiện một số quân Pháp đã lọt vào nước ta. Đồng bào hãy sẵn sàng đợi lệnh Chính phủ để chiến đấu!”.

leftcenterrightdel
 

- Ngày 5-9-1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc diễn văn khai mạc Đại hội lần thứ III của Đảng Lao động Việt Nam. Để cảm ơn sự có mặt của các đoàn đại biểu quốc tế, Bác vận câu thơ: “Quan sơn muôn dặm một nhà/ Bốn phương vô sản đều là anh em!”. Bác khẳng định những thắng lợi của cách mạng: “Đảng ta có thể tự hào là người kế tục những truyền thống vẻ vang của dân tộc ta, là người mở đường cho nhân dân ta tiến lên một tương lai rực rỡ… không phải là công lao riêng của Đảng ta. Đó là công lao chung của toàn thể đồng bào ta trong cả nước. Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, chứ không phải là sự nghiệp của cá nhân anh hùng nào... Đảng ta đã thu được nhiều thắng lợi to lớn, nhưng không phải là không có sai lầm. Song, chúng ta không hề che giấu sai lầm, trái lại chúng ta thật thà tự phê bình và tích cực sửa chữa. Thắng lợi đó không hề làm cho chúng ta say sưa, tự mãn...”

- Đầu tháng 9-1961, trả lời phỏng vấn của báo “L’ Humanité” (Nhân Đạo) của Đảng Cộng sản Pháp, Bác nêu rõ: “Nhân dân nước chúng tôi có ý chí phi thường là do lòng tự trọng muốn sống làm người chứ không chịu làm nô lệ. Điều này cũng đúng với những nhà trí thức nước chúng tôi thiết tha với nền văn hoá dân tộc. Chúng tôi không mất gì cả, mà chỉ mất xiềng xích thôi... Mặc dù có cuộc chiến tranh với Pháp và những vết thương do nó gây ra, chúng tôi vẫn luôn luôn là những người bạn của nhân dân Pháp và chúng tôi không bao giờ lầm lẫn nhân dân Pháp với bọn thực dân”.

(Sách Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày này năm xưa, NXB Chính trị quốc gia-Sự thật, 2010)

Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân

Ngày 5-9-1955, trên trang nhất Báo Quân đội nhân dân đã đăng bài “Lời Hồ Chủ tịch trong buổi lễ mừng Quốc khánh”:

“Trong 10 năm qua, đi đôi với những cuộc biến đổi trên thế giới, nước ta cũng có những biến đổi rất to:

Cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân ta đã thắng lợi.

Hội nghị Giơnevơ năm ngoái đã đưa lại hòa bình ở Đông Dương, trên cơ sở các nước công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và lãnh thổ toàn vẹn của Việt Nam ta và của hai nước láng giềng Miên, Lào.

Miền Bắc nước ta đã hoàn toàn giải phóng.

Nước ta thành một bộ phận khăng khít trong đại gia đình xã hội chủ nghĩa và dân chủ nhân dân gồm có 900 triệu anh em. Đó là những thắng lợi to lớn của nhân dân ta.”

Trong 10 năm qua, chúng ta đã khắc phục mọi khó khăn và thu được nhiều thắng lợi. Đó là vì nhân dân ta đoàn kết nhất trí, bộ đội ta rất anh dũng, Đảng và Chính phủ ta lãnh đạo đúng đắn và kiên quyết. Vì bên trong thì chúng ta có Mặt trận dân tộc thống nhất mạnh mẽ, bên ngoài thì chúng ta được sự ủng hộ của nhân dân thế giới yêu chuộng hoà bình”.

leftcenterrightdel
Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 5-9-1955.

Ngày 5-9-1961 trên trang nhất Báo Quân đội nhân dân đã trích lời của Hồ Chủ tịch: “Toàn dân ta bước sang tuổi 17, tuổi thanh niên cường tráng, mạnh khỏe, vui vẻ, hăng hái, dũng cảm, ra sức thi đua tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch nhà nước năm 1961, kế hoạch năm năm lần thứ nhất...”

leftcenterrightdel
 Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 5-9-1961.

 

leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 

THANH HƯƠNG