Lời Bác dạy ngày này năm xưa
Đề nghị này của Chủ tịch Hồ Chí Minh sau đó đã được đưa vào Hiến pháp đầu tiên của nước ta (năm 1946): “Công dân Việt Nam có quyền tự do tín ngưỡng”, và được các bản Hiến pháp sau đó (1959, 1980, 1992, 2013) kế thừa, phát triển.

Dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh và sự lãnh đạo của Đảng, vấn đề đoàn kết toàn dân tộc nói chung, đoàn kết Lương - Giáo nói riêng có những phát triển vượt bậc. Đời sống tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam hiện nay khá sôi động, đa dạng với nhiều hình thức sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau, nhiều tổ chức tôn giáo và mô hình tổ chức tôn giáo. Các tôn giáo tại Việt Nam luôn được tạo điều kiện hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật. Các chức sắc và tín đồ thuộc các tôn giáo đều được tự do sinh hoạt, tự do thực hành các lễ nghi tôn giáo, biểu hiện đức tin, được tạo điều kiện tốt nhất để mở mang cơ sở vật chất, tu sửa nơi thờ tự và mở mang, phát triển quan hệ giao lưu hợp tác quốc tế.  

Đến năm 2020, Việt Nam đã có 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo được Nhà nước công nhận và cấp đăng ký hoạt động, hơn 58.000 chức sắc, 148.000 chức việc, 29.000 cơ sở thờ tự, 53 cơ sở đào tạo tôn giáo. Hằng năm, Việt Nam có hơn 8.000 lễ hội tín ngưỡng, tôn giáo, thu hút đông đảo các tín đồ và quần chúng nhân dân tham gia.

 Chủ tịch Hồ Chí Minh với các đại biểu dự Hội nghị Công giáo toàn quốc năm 1955. (Nguồn: tcnn.vn).

Việc tu sửa các cơ sở tín ngưỡng, thờ tự cũng được các cấp chính quyền tạo điều kiện thuận lợi. Tính đến nay, hơn 20.000 (chiếm 80%) cơ sở thờ tự của các tôn giáo được sửa chữa, nhiều cơ sở thờ tự được xây mới. Kinh sách của các tổ chức tôn giáo đã được phép xuất bản bằng 13 thứ tiếng dân tộc. Năm 2020, có 5.000 bản in Kinh thánh bằng tiếng Ê Đê, 3.000 bản in Kinh thánh tiếng Gia Rai. Từ năm 2013 đến nay, đã có gần 6.000 xuất bản phẩm tôn giáo được xuất bản, hơn 19 triệu bản in; nhiều xuất bản phẩm được in bằng nhiều ngôn ngữ: Anh, Pháp, tiếng dân tộc thiểu số. Hiện có 15 tờ báo, tạp chí của các tổ chức tôn giáo đang hoạt động; phần lớn các tổ chức tôn giáo (kể cả tổ chức tôn giáo trực thuộc) có website riêng.

Những năm qua, thực hiện tốt chức năng đội quân công tác, các đơn vị trong toàn quân đã đồng hành cùng đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào tôn giáo, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc. Quân đội đã cử hàng nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ, tham gia hàng triệu ngày công, thực hiện hiệu quả hàng trăm dự án, góp phần giúp các địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào tôn giáo giảm nghèo bền vững, đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; giúp các địa phương củng cố vững chắc hàng nghìn tổ chức chính trị, chính trị - xã hội. Qua đó, góp phần đập tan âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề “dân tộc”, “tôn giáo” để chống phá, làm suy giảm sức mạnh, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

 

Theo dấu chân Người

Ngày 3-9-1946, tại Pari, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục các cuộc tiếp xúc tranh thủ hòa bình và thân thiện với nước Pháp trong giới báo chí, Quốc hội, Hội Hữu nghị Pháp - Việt và thăm Bộ trưởng Pháp quốc Hải ngoại Marius Moutet. Bác cũng trả lời Hãng thông tấn AFP: “Tôi tin tưởng ở nước Pháp mới. Hai nước Việt và Pháp có thể đi đến sự thỏa thuận vì cả hai nước đều cần phải tương trợ lẫn nhau vì quyền lợi chung của hai nước, cần phải đi đến một sự hiểu biết lẫn nhau càng nhanh chóng càng hay, để cùng có thể sẵn sàng bắt tay vào một công việc thiết thực” .

 Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Pháp năm 1946. (Nguồn: Tài liệu lưu trữ Bộ Ngoại giao).

Ngày 3-9-1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện tới Thủ tướng Ấn Độ thăm hỏi và “tỏ tình thân ái đoàn kết với Chính phủ và nhân dân Ấn Độ” nhân việc thành phố Asam của Ấn Độ bị động đất gây nhiều thiệt hại.

Ngày 3-9-1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện tới Hội nghị chống việc Chính phủ Pháp định thử bom nguyên tử ở Xahara khẳng định: “Nhân dân và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa triệt để ủng hộ phong trào đấu tranh của nhân dân châu Phi nhằm buộc Chính phủ Pháp phải bỏ việc thử vũ khí nguyên tử ở Xahara, phải tôn trọng quyền lợi của các dân tộc châu Phi được sống yên ổn và tôn trọng nền hòa bình thế giới”.

Ngày 3-9-1960, Bác Hồ tham dự dạ hội của Thanh niên Hà Nội và các đoàn đại biểu quốc tế tham dự Đại hội Đảng lần thứ III, tổ chức tại vườn Bách Thảo. Kết thúc đêm hội, Bác đích thân cầm đũa chỉ huy dàn hợp xướng và bắt nhịp cùng mọi người cất cao bài ca “Kết đoàn chúng ta là sức mạnh...”.

Ngày 3-9-1969, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chính phủ và Mặt trận Tổ quốc ra thông cáo đặc biệt báo tin Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từ trần.

(Sách Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày này năm xưa, NXB Chính trị quốc gia-Sự thật, 2010)

Bức ảnh “Bác bắt nhịp bài ca Kết đoàn” được chụp tối 3-9-1960 tại chương trình văn nghệ quần chúng chào mừng thành công của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III, tổ chức tại công viên Bách Thảo, Hà Nội. (Nguồn: TTXVN).

Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân

Ngày 3-9-1970, tưởng nhớ một năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần, trên trang nhất Báo Quân đội nhân dân đã đăng trang trọng hình Chủ tịch Hồ Chí Minh và một phần nội dung Di chúc của Người:

Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân.

Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khǎn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chǎm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa "hồng" vừa "chuyên".

Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và vǎn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ có thể còn kéo dài. Đồng bào ta có thể phải hy sinh nhiều của, nhiều người. Dù sao, chúng ta phải quyết tâm đánh giặc Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn.

"Còn non, còn nước, còn người
Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay!"

Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 3-9-1970.
  
 
 

VĂN DUYÊN