leftcenterrightdel
Bàn thờ tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại di tích. 

Theo lịch sử ghi lại, nhà số 5 Châu Văn Liêm (phường 14, quận 5) trước đây có địa chỉ là số 1-2-3 Quai Testard, Chợ Lớn. Tháng 11- 1988, nhà số 5 Châu Văn Liêm được công nhận Di tích lịch sử quốc gia với tên gọi đầy đủ là “Nơi đồng chí Nguyễn Tất Thành ở trước khi ra đi tìm đường cứu nước”. Riêng với người dân Thành phố mang tên Bác, căn nhà còn được gọi với cái tên gần gũi, trìu mến là “Nhà Bác Hồ”. Trước dòng chảy thời gian và nhịp sống ngày càng sôi động của thành phố, căn nhà vẫn lưu giữ những nét kiến trúc xưa cùng những hình ảnh lưu niệm, tư liệu quý về thời gian Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở trước khi ra đi tìm đường cứu nước vào ngày 5-6-1911.

leftcenterrightdel
 Vị trí trước kia của di tích (khoanh đỏ). Ảnh chụp lại

Là người được giao thuyết minh về di tích, chị Trần Thị Quyên, cán bộ Trung tâm Văn hóa quận 5 cho biết: “Theo tư liệu lịch sử, căn nhà này trước kia là trụ sở của Liên Thành phân cuộc, một chi nhánh của Liên Thành thương quán. Khoảng tháng 9-1910, được sự giúp đỡ của tổ chức Liên Thành, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã đến Sài Gòn, cùng đi có các vị nhân sĩ nổi tiếng ở Nam Bộ là Trương Gia Mô, Hồ Bá Tang, cũng là thành viên Ban quản trị Liên Thành thương quán. Trong thời gian ở tại Sài Gòn, Người đã lao động ở nhiều nơi, tìm hiểu đời sống công nhân, nhân dân lao động cũng như các tàu ra vào cảng Sài Gòn (Bến cảng Nhà Rồng)… Đây là thời gian hết sức quan trọng để Người có bước chuẩn bị về vật chất, tinh thần và có quyết định cuối cùng cho việc ra đi tìm đường cứu nước”.

leftcenterrightdel
 Không gian trưng bày tại tầng hai của di tích.

110 năm đã trôi qua, căn nhà số 5 Châu Văn Liêm vẫn nằm giản dị, gần như nguyên vẹn kiến trúc theo phong cách cổ giữa nhịp sống hối hả, tất bật của cả con đường. Toàn bộ không gian bên trong di tích được sử dụng trưng bày các tư liệu, hình ảnh về Bác. Tầng một của di tích đặt bàn thờ tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng tranh ảnh, bản đồ về Sài Gòn xưa, hình ảnh Sài Gòn những năm 1910-1911, các hoạt động, những trí thức có ảnh hưởng tới Chủ tịch Hồ Chí Minh... Tầng hai của di tích là khu trưng bày về hành trình tìm đường cứu nước của Người, tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các hoạt động phát huy truyền thống… Tất cả đều được sắp xếp, trưng bày khoa học để khách tham quan có cái nhìn tổng thể về cuộc đời, sự nghiệp, nhất là hành trình tìm đường cứu nước vĩ đại của Bác.

leftcenterrightdel
 Di tích nhà số 5 Châu Văn Liêm, phường 14, quận 5 hiện nay.

Hằng năm, vào dịp kỷ niệm sinh nhật Bác, kỷ niệm Bác ra đi tìm đường cứu nước và những ngày lễ lớn của đất nước, lãnh đạo TP Hồ Chí Minh, các quận, huyện, tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể, người dân đã đến di tích để dâng hương tưởng niệm và báo công với Bác. Di tích nhà số 5 Châu Văn Liêm trở thành địa chỉ đỏ thiêng liêng và thân thuộc để tổ chức những hoạt động dành cho tuổi trẻ thành phố. Nhiều đảng viên trẻ đã vinh dự được tổ chức lễ kết nạp Đảng tại địa chỉ này. Chị Trần Thị Quyên chia sẻ: “Cả nước có rất nhiều di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh nhưng di tích nhà số 5 Châu Văn Liêm có giá trị rất đặc biệt. Nơi đây đã đánh dấu cột mốc quan trọng trong hành trình ra đi tìm đường cứu nước của Bác Hồ. Dịp kỷ niệm 110 năm Bác ra đi tìm đường cứu nước (5-6-1911/5-6-2021) năm nay, tuy ảnh hưởng của dịch Covid-19 và thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội nhưng các tập thể, cá nhân đăng ký dâng hương, tham quan di tích từ ngày 19-5 đến nay vẫn rất nhiều, dù mô%3ḅt lần tham quan, mỗi đoàn chỉ được đi số lượng rất ít người”.

leftcenterrightdel
 Di tích được công nhận Di tích lịch sử quốc gia năm 1988.

Bà Khưu Ngọc Bích Thư, Phó giám đốc Trung tâm Văn hóa quận 5 cho biết: “Di tích nhà số 5 Châu Văn Liêm rất tự hào vì nơi đây đã đón tiếp đông đảo các tầng lớp nhân dân của quận 5 nói riêng, tất cả người dân thành phố nói chung cùng các địa phương khác. Thông qua những hiện vật trưng bày, mọi người có thể hiểu thêm về Người, về những năm tháng mà Bác đã lưu lại ở miền Nam. Đến với di tích như trở về nhà với Bác với rất là nhiều tình cảm kính yêu dành cho Bác. Nhiều đội viên, đoàn viên, đảng viên mới đã được kết nạp tại đây như một mốc son quan trọng cho sự trưởng thành của bản thân”.

Còn đối với cán bộ, chiến sĩ LLVT quận 5, căn nhà số 5 Châu Văn Liêm đã trở thành địa chỉ đỏ quan trọng trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Thượng úy Nguyễn Mạnh Tuấn, Bí thư Chi đoàn Quân sự Ban CHQS quận 5 cho biết: “Đến với di tích, điều chúng tôi ấn tượng nhất là tinh thần yêu nước, ý chí kiên cường và quyết tâm tìm đường cứu nước của của Bác Hồ, từ đó càng kính yêu Bác. Qua những hình ảnh, câu chuyện về Bác, chúng tôi nguyện học tập và làm theo Bác từ những điều nhỏ nhất, giản dị, thiết thực hằng ngày. Đồng thời, tiếp tục giáo dục trong cán bộ, đoàn viên, thanh niên để ngày càng lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa việc thực hiện Chỉ thị 05, phát huy điển hình tiên tiến trong LLVT quận”.

leftcenterrightdel
 Cán bộ, chiến sĩ LLVT TP Hồ Chí Minh tham quan di tích.

Theo dòng chảy thời gian, di tích “Nhà Bác Hồ” tại số 5 Châu Văn Liêm, quận 5 đã trở thành niềm tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố được vinh dự mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhiều năm qua, Ðảng bộ, chính quyền quận 5 đã quan tâm sửa chữa, trùng tu di tích, sưu tầm và trưng bày những tài liệu, hiện vật liên quan cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhất là thời thanh niên của Người để đưa di tích đến với đông đảo người dân. Điểm nhấn trong phát huy truyền thống của di tích là bên cạnh việc đến dâng hương, tham quan nơi Bác từng ở, nhiều cơ quan, đơn vị còn chủ động thực hiện các hoạt động chủ điểm, sinh hoạt chính trị gắn liền tấm gương Bác Hồ, tạo được sức hút với sự tham gia đông đảo của các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. Từ đó, góp phần thôi thúc người trẻ đang sinh sống, học tập và làm việc tại Thành phố mang tên Bác sẽ luôn nỗ lực cống hiến sức trẻ, trí tuệ cho sự phát triển của thành phố và đất nước.

Bài và ảnh: HÙNG KHOA