Chuyên mục Ngày này năm xưa số ra ngày 17-12-2021 cũng được Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện dưới hình thức các tác phẩm phát thanh podcast  tại đây và video clip trên Chuyên trang Media Báo Quân đội nhân dân Điện tử, trân trọng mời bạn đọc xem thêm.

 Một số sự kiện trong nước và quốc tế ngày 17-12

Sự kiện trong nước

Để đáp ứng yêu cầu duy trì kỷ luật quân đội, pháp luật Nhà nước trong các Quân khu, Quân đoàn phía Nam, ngày 17-12-1975, Bộ Tổng Tham mưu ra Quyết định số 162/TM thành lập các Viện Kiểm sát các Quân khu phía Nam, trong đó có Viện Kiểm sát Quân sự Quân khu 7. Từ đó, ngày 17-12 hàng năm là ngày truyền thống của Viện Kiểm sát Quân sự Quân khu.

Những ngày đầu mới thành lập, dù còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, tổ chức biên chế chưa được kiện toàn, nhưng tập thể Viện Kiểm sát Quân sự Quân khu luôn đoàn kết, quyết tâm vượt qua khó khăn, thực hiện tốt công tác chuyên môn nghiệp vụ, tập trung vào những khâu trọng yếu, phục vụ nhiệm vụ chính trị, đảm bảo an ninh trật tự ở vùng mới giải phóng, cố gắng hoàn thành tốt chức trách nhiệm vụ được giao.

Viện Kiểm sát Quân sự Quân khu 7 vinh dự được Bộ Tư lệnh Quân khu 7 trao tặng bức trướng truyền thống. Ảnh: baoquankhu7.vn 

Trải qua hơn 45 năm hình thành và phát triển, Viện Kiểm sát Quân sự Quân khu luôn phát huy truyền thống “Tinh thông pháp luật - bản lĩnh, kỷ cương - trách nhiệm, nêu gương - thi đua quyết thắng". Đội ngũ cán bộ, kiểm sát viên ngày càng trưởng thành về nghiệp vụ và có bản lĩnh chính trị vững vàng. Với những kết quả đạt được, đơn vị được Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Quốc phòng ghi nhận, đánh giá cao trong các phong trào thi đua; trong phát hiện, khởi tố, điều tra các vụ án, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Quân đội, củng cổ quốc phòng và bảo vệ Tổ quốc.

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ trong giai đoạn mới, Viện Kiểm sát Quân sự Quân khu tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng các cấp, vì đây là nhân tố quyết định hiệu quả hoạt động của viện; thường xuyên kiện toàn tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ, kiểm sát viên trong sạch, vững mạnh; xác định nguyên tắc tập trung thống nhất lãnh đạo trong ngành Kiểm sát; phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ; không ngừng đổi mới phương pháp công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác thực hiện chức năng, nhiệm vụ.

- Ngày 17-12-1980, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội được thành lập trên cơ sở sáp nhập các ngành thuộc khối nghệ thuật của Trường Điện ảnh Việt Nam và Trường Sân khấu Việt Nam. Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội có nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực Đại học, sau Đại học, hoạt động chuyên sâu trong các lĩnh vực nghệ thuật Sân khấu, Điện ảnh.

- Ngày 17-12-1985, Thiếu tướng, giáo sư, bác sĩ Đỗ Xuân Hợp qua đời, ông sinh năm 1906 tại Hà Nội.

Năm 26 tuổi ông đã là trợ lý giảng dạy bộ môn giải phẫu trường Đại học Y khoa Hà Nội. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, bác sĩ Đỗ Xuân Hợp đã có nhiều đóng góp cho ngành quân y, từ cấp cứu, điều trị thương binh, phụ trách bệnh viện đến tổ chức đào tạo cán bộ.

Thiếu tướng, giáo sư, bác sĩ Đỗ Xuân Hợp. Ảnh tư liệu 

Ông đã viết nhiều sách và có nhiều công trình nghiên cứu về y học. Nổi bật nhất là bộ sách giáo khoa về giải phẫu học (gồm 4 tập) có giá trị lớn cả về thực tiễn mà ông đã biên soạn trong gần 20 năm.

Giáo sư Đỗ Xuân Hợp được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang và được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh.

Sự kiện quốc tế

- Ngày 17-12-1959 là ngày thành lập Lực lượng tên lửa chiến lược Nga.

Một vụ thử tên lửa đạn đạo của Lực lượng Tên lửa chiến lược Nga. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga 

- Ngày 17-12-1965, Hội nghị đoàn kết đầu tiên giữa châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh được tổ chức tại La Habana.

Theo dấu chân Người

- Ngày 17-12-1919, báo cáo theo dõi của mật thám Pháp cho biết Nguyễn Ái Quốc đã đến Thư viện Thánh Giơnơvieve, đến trụ sở Hạ viện Pháp gặp Mácxen Casanh và đến văn phòng các tờ báo cánh tả là “L’ Humanité”(Nhân Đạo) và “Le Populaire” (Dân Chúng).

Báo Nhân đạo đăng toàn văn Sơ thảo lần thứ nhất những Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lênin. Ảnh tư liệu 

- Ngày 17-12-1921, mật thám Pháp bám sát mọi hành trang của Nguyễn Ái Quốc, cho biết đảng viên thuộc địa của Đảng Cộng sản Pháp mới thành lập này đã dự cuộc họp Chi bộ quận 17 và phát biểu về nguồn gốc chiến tranh và phê phán Thủ tướng Pháp Poanhcarê đã bỏ trách nhiệm trước những động thái của quân Đức.

- Ngày 17-12-1931, liên quan đến “Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông”, Thái tử Cường Để dưới cái tên “Phúc Dân” đã gửi thư tới Tống Văn Sơ lúc này đang bị chính quyền Hồng Kông quản thúc vì liên quan đến một vụ án đang trong quá trình xét xử.

Nhà tù Victoria, nơi giam giữ Tống Văn Sơ (Nguyễn Ái Quốc), năm 1931. Ảnh : baotanglichsu.vn

Bức thư với lời lẽ: Gửi đồng chí Nguyễn Ái Quốc, tôi vừa được biết đồng chí đang ốm nặng tại Hồng Kông và tin này làm tôi vô cùng lo lắng. Cho phép tôi gửi đồng chí kèm theo đây 300 yên để đồng chí mua thuốc men. Mong đồng chí tích cực chữa bệnh. Điều đó cần cho sự nghiệp của Tổ quốc. Chúc đồng chí sớm bình phục - Phúc Dân. Nội dung thư cho thấy mối quan hệ giữa hai nhân vật lịch sử vào thời điểm này. Bức thư khiến cho giới thực dân Pháp giận dữ và lo ngại.

Nhân dân lao động Thủ đô cổ động cho ngày Tổng tuyển cử đầu tiên. Ảnh: TTXVN 

- Ngày 17-12-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh báo cáo tại Hội đồng Chính phủ về những yêu sách của Việt Nam Quốc dân đảng liên quan đến Tổng tuyển cử và quyết định hoãn cuộc tuyển cử đến ngày 6-1-1946.

- Ngày 17-12-1951, trong bài viết “Mình làm mình chịu” của Bác đăng trên báo “Cứu Quốc”, sau khi phân tích chính sách gây chiến của Mỹ, bài báo kết luận: “Mỹ gieo hạt chiến tranh thì được hứng chiến tranh”  .

- Ngày 17-12-1960, dưới bút danh “T.L”, Bác viết bài “Phong trào cộng sản và công nhân quốc tế đoàn kết, đấu tranh, thắng lợi” đăng trên báo “Nhân Dân” giới thiệu nội dung của Bản Tuyên bố chung của 81 Đảng Cộng sản và công nhân vừa họp tại Mátxcơva (Liên Xô).

Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Tuyên bố chung tại Hội nghị 81 Đảng Cộng sản và Công nhân quốc tế họp tại Mátxcơva (tháng 11-1960). Ảnh tư liệu 

Bài báo đưa ra những đánh giá: “Nhiệm vụ của những người cộng sản chẳng những là tiêu diệt nạn bóc lột và nghèo nàn và vĩnh viễn tiêu diệt mọi loại chiến tranh, mà còn phải ra sức phấn đấu cho loài người trong thời đại này tránh khỏi tai họa chiến tranh thế giới...

Muốn thắng lợi, các dân tộc thuộc địa cần phải đoàn kết mọi lực lượng chống đế quốc thành một mặt trận thống nhất lấy liên minh công nông làm nền tảng và có cả tầng lớp tư sản yêu nước... Tình hình và thời gian có lợi cho ta... chúng ta nhất định thắng lợi trong sự nghiệp đấu tranh cho hoà bình thế giới, cho độc lập dân tộc, cho chủ nghĩa xã hội...”.

(Sách Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày này năm xưa, NXB Chính trị quốc gia-Sự thật, 2010)

Lời Bác dạy ngày này năm xưa

"Đạo đức cách mạng không phải từ trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong".

Là lời Chủ tịch Hồ Chí Minh viết trong Tác phẩm "Đạo đức cách mạng", đăng trên Tạp chí học tập, số 12 năm 1958; với nỗi day dứt, trăn trở trước yêu cầu phát triển của sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ, người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân, không làm được cách mạng.

Trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà, bằng sự cố gắng học tập, rèn luyện nghiêm túc, kiên trì, đạo đức cách mạng đã giúp cho cán bộ, đảng viên của Đảng luôn kiên định mục tiêu, lý tưởng chiến đấu, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân, vững vàng trong mọi thử thách, khi gặp khó khăn gian khổ, thất bại vẫn không lùi bước; khi gặp thuận lợi thành công vẫn giữ vững tinh thần khiêm tốn, không tự đắc, tự mãn, không kiêu ngạo, không kèn cựa thiệt hơn; một lòng một dạ phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm lớp học bổ túc văn hóa và kỹ thuật buổi tối của công nhân Nhà máy ô tô “1-5”, lá cờ đầu của phong trào bổ túc văn hóa ngành Công nghiệp Hà Nội (19-12-1963). Ảnh tư liệu 

Hiện nay, bối cảnh quốc tế và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Lời căn dặn của Bác vẫn là một trong những định hướng quan trọng nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ. Đồng thời, để góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, đòi hỏi đội ngũ cán bộ, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp phải không ngừng rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất cách mạng, xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh, xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện, làm cơ sở ngăn ngừa, đẩy lùi những nguy cơ tác động tiêu cực từ bên ngoài.

Trước yêu cầu nhiệm vụ Bảo vệ Tổ quốc, người quân nhân cách mạng phải tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng thường xuyên, liên tục, ở mọi lúc, mọi nơi, gắn với thực tiễn huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, học tập và công tác hàng ngày; dù đang công tác trong quân đội hay xuất ngũ hoặc chuyển lĩnh vực công tác khác cũng phải tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, không ngừng phấn đấu giữ vững và phát huy hơn nữa phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ".

 Dấu ấn Bác Hồ trên báo Quân đội nhân dân

Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 2719, ngày 17-12-1968 đăng hình ảnh Hồ Chủ tịch cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến viếng và đặt vòng hoa tưởng nhớ đồng chí Phạm Ngọc Thạch.

Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 2719, ngày 17-12-1968 

Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 3081, ngày 17-12-1969 đăng một số hình ảnh “Nhân dân thế giới thương tiếc Hồ Chủ tịch” tại Phòng triển lãm.

Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 3081, ngày 17-12-1969 
 

TUẤN ĐIỆP ( tổng hợp)