Chuyên mục Ngày này năm xưa số ra ngày 16-10-2022 cũng được Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện dưới hình thức các tác phẩm phát thanh podcast và video clip trên Chuyên trang Media Báo Quân đội nhân dân Điện tử, trân trọng mời bạn đọc xem thêm.

Một số sự kiện trong nước và quốc tế diễn ra ngày 16-10:

Sự kiện trong nước

- Ngày 16-10-1921, Nguyễn Ái Quốc dự phiên họp thường kỳ hằng tháng của Hội Liên hiệp Thuộc địa tại Hội trường các Nhà bác học (Hotel des Savants) ở Paris, Pháp.

- Ngày 16-10-1945 là Ngày truyền thống lực lượng vũ trang Quân khu 1. Đóng quân trên vùng đất có vị trí chiến lược quan trọng và là "phên giậu" phía Bắc Tổ quốc, những năm qua, Quân khu 1 luôn ra sức phấn đấu, rèn luyện, giành nhiều chiến công và thành tích tiêu biểu, xây đắp truyền thống “Trung hiếu, Tiên phong, Đoàn kết, Chiến thắng”.

Thượng tướng Bế Xuân Trường, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng trao Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất cho lực lượng vũ trang Quân khu 1 tại lễ kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống (16-10-1945/16-10-2020). Ảnh: Thainguyen.gov.vn

- Ngày 16-10-1945 là Ngày truyền thống lực lượng vũ trang Quân khu 5. Trải qua 77 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo của Đảng, được nhân dân hết lòng thương yêu, đùm bọc, lực lượng vũ trang Quân khu 5 cùng nhân dân đã xây đắp nên truyền thống “Tự lực tự cường, khắc phục khó khăn, chịu đựng gian khổ, mưu trí sáng tạo, chiến đấu kiên cường, chiến thắng vẻ vang”, góp phần xây dựng và phát huy mạnh mẽ bản chất cách mạng, truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng. Với những thành tích đặc biệt xuất sắc, lực lượng vũ trang Quân khu 5 vinh dự được Đảng và Nhà nước 2 lần tặng thưởng Huân chương Sao vàng và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Thượng tướng Lê Chiêm trao Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất tặng lực lượng vũ trang Quân khu 5 tại lễ kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống.

- Ngày 16-10-1966, dự cuộc họp của Bộ Chính trị bàn về cách mạng miền Nam, Bác đề nghị: Đối với nông dân phải làm sao giảm sự đóng góp càng nhẹ càng tốt. Về đấu tranh chính trị, phải có những khẩu hiệu rõ ràng, dứt khoát đòi hòa bình và độc lập dân tộc, “hòa bình, độc lập là Mỹ phải rút quân. Độc lập không thể có mức độ. Hòa bình kiểu ta phải gắn với độc lập, không phải hòa bình kiểu Mỹ”.

- Ngày 16-10-2007: Việt Nam, Burkina Faso và Libya đã chính thức trở thành thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008-2009, thay thế cho các thành viên không thường trực khu vực Á - Phi kết thúc nhiệm kỳ vào cuối năm 2007 là Cộng hòa Congo, Ghana và Qatar. Việt Nam đã giành số phiếu ủng hộ của 183/190 quốc gia thành viên Đại hội đồng Liên hợp quốc, hơn 96% - tỷ lệ áp đảo bởi Việt Nam chỉ cần 127 phiếu thuận là được bầu chọn.

 Các đoàn đến chúc mừng đoàn Việt Nam sau khi có kết quả bỏ phiếu. Ảnh: Vietnamnet.vn

Sự kiện quốc tế

- Ngày 16-10-1847: Cuốn tiểu thuyết nổi tiếng Jane Eyre của nhà văn người Anh Charlotte Brontë được xuất bản tại London. Cuốn tự truyện này là một trong những tác phẩm kinh điển của dòng văn học lãng mạn được nhiều độc giả yêu thích trong nhiều thập kỷ.

- Ngày 16-10-1923: Công ty Walt Disney được thành lập bởi anh em Walt và Roy O. Disney. Từ một xưởng ảnh động nhỏ, Walt Disney đã trở thành một trong những tập đoàn truyền thông lớn nhất thế giới, là chủ sở hữu của một mạng lưới các thương hiệu truyền thông và giải trí hàng đầu thế giới như ESPN, ABC, Marvel, Lucasfilm và Pixar. Walt Disney đã tạo ra những biểu tượng hoạt hình được yêu thích nhất trong lịch sử như chuột Mickey, cô bé Lọ Lem.

Chủ tịch Fidel Castro phất cao Lá cờ Bách chiến, Bách thắng lấp lánh Huân chương của đoàn Khe Sanh, Quân giải phóng Trị Thiên - Huế tại điểm cao 241, ngày 16-9-1973. Ảnh: TTXVN

- Ngày 16-10-1953, trong phiên xử riêng rẽ vì tội “gây bạo loạn”, nhà cách mạng vĩ đại của Cuba Fidel Castro đã có bài phát biểu kéo dài tới 4 giờ đồng hồ để tự bào chữa cho mình. Với tài hùng biện của một luật sư, Fidel đã ứng khẩu tự bào chữa bằng lập luận đanh thép, kết thúc bằng câu "Lịch sử sẽ minh chứng cho tôi". Sau đó, văn kiện quan trọng này trở thành cương lĩnh chính trị của nghĩa quân cách mạng đương thời. Dù bị kết án 15 năm tù, phiên tòa đã biến Fidel Castro thành người hùng của Cuba.

Ngày 1-1-1959, Fidel Castro đã lãnh đạo thành công cuộc cách mạng Cuba và trở thành Chủ tịch nước.

Với Việt Nam, lãnh tụ Cuba Fidel Castro là người bạn lớn. Các thế hệ người Việt Nam từ lâu đã từng nghe câu nói hào sảng của Fidel: “Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình”. Chính lãnh tụ Fidel Castro là người khởi xướng, khích lệ phong trào đoàn kết với Việt Nam ở Cuba và Mỹ Latinh.

Dù lãnh tụ Fidel Castro đã ra đi nhưng đối với tất cả mọi người Việt Nam, ông mãi mãi là người bạn lớn, người đồng chí và người anh em vô cùng thân thiết, là người vun đắp và phát triển mối quan hệ hữu nghị đoàn kết truyền thống anh em giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Cuba.

- Ngày 16-10-1965: Nhiều cuộc biểu tình diễn ra trên khắp nước Mỹ và nhiều nước khác trên thế giới để phản đối Mỹ tham chiến ở Việt Nam.

Nhà ngoại giao Lê Đức Thọ là người duy nhất từ chối giải Nobel Hòa bình. Ảnh: Time  

- Ngày 16-10-1973, Giải Nobel Hòa bình được công bố giành cho cố vấn Lê Đức Thọ của Việt Nam và Henry Kissinger - cố vấn đặc biệt của Tổng thống Mỹ. Năm 1973, trên bàn thương lượng nhằm mang lại hòa bình thống nhất đất nước cho Việt Nam, Lê Đức Thọ đã có màn đấu trí cân não với Kissinger. Nhà ngoại giao lỗi lạc Lê Đức Thọ sau đó đã từ chối nhận giải và cho biết chỉ có thể "xem xét" nhận giải thưởng khi Hiệp định Paris được tôn trọng, chiến tranh chấm dứt và hòa bình thực sự được thiết lập ở miền Nam Việt Nam.

Hành động của Lê Đức Thọ cho thấy quan điểm đanh thép của Việt Nam, cùng một lập trường nhất quán rằng Hiệp định Paris không phải một thỏa hiệp giữa hai bên mà là một chiến thắng trước Mỹ. Vì vậy, Việt Nam không thể hài lòng khi đứng chung bậc cùng với người đại diện cho phe mà họ đã đánh bại - Henrry Kissinger.

Trong thư gửi Ủy ban Giải Nobel, Lê Đức Thọ đã phân tích kỹ Mỹ tiến hành chiến tranh như thế nào nhưng Ủy ban Giải đã đặt ngang bằng kẻ xâm lược và người bị xâm lược, giữa kẻ gây chiến tranh và người kiến tạo hòa bình. “Coi chúng tôi cũng như Mỹ. Điều đó là sai lầm và tôi không thể chấp nhận như vậy. Vì vậy tôi đã không nhận Giải thưởng Nobel!”, ông Lê Đức Thọ viết.

 

MAI HƯƠNG (Theo sách Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày này năm xưa (tập II), Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật, 2010, britannica.com, onthisday.com, nghiencuuquocte.org, TTXVN, toquoc.vn, vnexpress, nhandan.vn, baotintuc.vn)