Lời Bác dạy ngày này năm xưa
Trong phát biểu tại Lớp học chính trị của giáo viên cấp II, cấp III toàn miền Bắc, ngày 13-9-1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người” (Sách Hồ Chí Minh -Toàn tập, Tập 11, Nxb CTQG, H.2011, tr.528).
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mượn câu nói trên để chỉ ra tầm quan trọng của sự nghiệp giáo dục. Trong tư tưởng của Người, tất cả là vì “con người”. Đối với giáo dục thế hệ trẻ, Người viết: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”. Tư tưởng giáo dục ấy không chỉ bó hẹp trong việc giáo dục tri thức, học vấn cho con người, mà có tính bao quát, sâu xa, nhưng vô cùng sinh động và thiết thực, nhằm đào tạo ra những con người toàn diện, vừa "hồng" vừa "chuyên", có tri thức, lý tưởng, đạo đức, sức khoẻ và thẩm mỹ... Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định rằng: “Ngủ thì ai cũng như lương thiện, tỉnh dậy phân ra kẻ dữ, hiền; Hiền, dữ phải đâu là tính sẵn, phần nhiều do giáo dục mà nên”.
 |
Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đồng chí Lê Duẩn, Trường Chinh vui đón Xuân Mậu Thân với các cháu nhi đồng (30/12/1967). Ảnh:hochiminh.vn
|
Sự kế tục giữa các thế hệ nối tiếp nhau vốn là quy luật tồn tại, phát triển của mọi xã hội. Ở bất cứ một quốc gia, dân tộc nào, tuổi trẻ đều là lực lượng lãnh đạo kế cận, là tương lai của đất nước. Do vậy, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, để phát triển bền vững, có một tương lai tươi sáng phía trước thì đất nước và mỗi cơ quan, tổ chức phải quan tâm đến “trồng người”, tức là phải luôn biết chăm lo, giáo dục, đào tạo thế hệ trẻ, thế hệ kế tiếp. Đó là một quy luật phát triển tất yếu. Lịch sử cách mạng Việt Nam đã chứng minh, nhờ quán triệt sâu sắc lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác bồi dưỡng, chăm sóc thế hệ trẻ-thế hệ tương lai, mà toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta luôn xây dựng được lực lượng kế cận hùng hậu, trung thành, có đủ phẩm chất và năng lực đưa đất nước vượt qua những thời điểm khó khăn, đưa cách mạng đến những thắng lợi vinh quang, ghi dấu ấn đậm nét vào tiến trình phát triển của dân tộc.
Công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo đã đạt được những thành tựu to lớn trên nhiều lĩnh vực. Nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong tình hình mới là một sự nghiệp lâu dài, khó khăn, phức tạp, là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của các thế hệ người Việt Nam. Do đó, Đảng, Nhà nước cùng đội ngũ cán bộ các cấp trong hệ thống chính trị cần luôn quán triệt lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt quan tâm, đầu tư, chăm lo giáo dục cho thế hệ trẻ, thế hệ tương lai. Đào tạo họ thành những công dân, những cán bộ đủ đức, đủ tài, vừa “hồng”, vừa “chuyên”, đủ sức kế thừa và tiếp tục phát triển sự nghiệp cách mạng vinh quang của các thế hệ cha anh đi trước.
Thực hiện lời Bác dạy, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, cấp ủy, chỉ huy các cấp trong toàn quân luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện tốt công tác giáo dục-đào tạo, huấn luyện, rèn luyện bộ đội; không ngừng nâng cao chất lượng toàn diện, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ, xây dựng đơn vị, quân đội; quan tâm chăm lo làm tốt công tác xây dựng đội ngũ cán bộ quân đội vững mạnh, nhất là đội ngũ cán bộ trẻ. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được coi trọng, bám sát mục tiêu, yêu cầu, định hướng chiến lược cán bộ và thực tiễn, yêu cầu xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; kết hợp đào tạo trong các học viện, nhà trường với tự đào tạo, bồi dưỡng tại đơn vị, đào tạo ở trong nước với đào tạo ở nước ngoài. Công tác quy hoạch cán bộ bảo đảm chặt chẽ, đúng quan điểm, phương châm, nguyên tắc, quy trình, quy định, sự kế thừa liên tục, vững chắc trong quá trình chuyển tiếp giữa các thế hệ cán bộ. Quy hoạch cán bộ chủ trì các cấp đảm bảo có kế tiếp, kế cận phù hợp, coi trọng chất lượng và bồi dưỡng nguồn cán bộ trẻ đáp ứng yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ quân đội có bản lĩnh chính trị vững vàng; tuyệt đối trung thành với lý tưởng chiến đấu của Đảng; vừa có đạo đức cách mạng trong sáng, vừa có năng lực chuyên môn vững vàng, xứng đáng là lực lượng kế tục sự nghiệp xây dựng quân đội trong thời kỳ mới “vừa hồng, vừa chuyên”.
Theo dấu chân Người
- Ngày 13-9-1931, liên quan đến “Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông”, chỉ một ngày sau phiên tòa thứ 9, Tống Văn Sơ đã viết thư cho Thống đốc Hồng Kông yêu cầu được đi Anh một cách an toàn. Viên Thống đốc đã điện cho Bộ trưởng Thuộc địa Anh và nhận được gợi ý: chỉ phóng thích, để tự nhà cách mạng Việt Nam thu xếp rời thành phố và cố gắng đừng để Pháp phản đối.
- Ngày 13-9-1945, Bác dự lễ khai giảng Trường Quân chính Việt Nam (tiền thân là Trường Quân chính kháng Nhật), trong lời phát biểu, Bác căn dặn: “Chớ quên rằng làm cách mạng là vì Tổ quốc, vì dân tộc”.
Cùng ngày, Bác tiếp đại biểu các tôn giáo (Thiên Chúa giáo, Phật giáo, Cao Đài) và có lời với các vị chức sắc: “Dân tộc giải phóng thì tôn giáo mới được giải phóng. Lúc này, chỉ có quốc gia mà không phân biệt tôn giáo nữa, mỗi người đều là công dân của nước Việt Nam và có nhiệm vụ chiến đấu cho nền độc lập hoàn toàn của Tổ quốc”.
Cùng trong ngày, Bác về dự kỷ niệm Lý Bát Đế tại làng Đình Bảng, Bắc Ninh và nói chuyện cùng đồng bào: “... Bây giờ Chính phủ là chính phủ của dân thì chắc các cụ cũng nên theo ý dân và nên hết sức cần kiệm cho xứng đáng là con dân trong lúc Tổ quốc đang lâm nạn”.
Trở về Bắc bộ phủ, Bác tiếp chủ bút tờ Tri Tân với quan điểm: “Văn hóa với chính trị có quan hệ chặt chẽ với nhau. Có chính trị mới có văn hóa, xưa kia chính trị bị đàn áp, nền văn hóa của ta vì thế không nảy sinh được. Nay nước ta đã độc lập, tinh thần được giải phóng, cần có một nền văn hóa hợp với khoa học và hợp với cả nguyện vọng của dân”.
- Ngày 13-9-1946, chuẩn bị về nước, Bác viết thư chia tay Việt kiều: “Đồng bào thân mến của tôi. Đồng bào trông đợi nhiều ở nước Pháp mới. Nay các đại biểu và Chủ tịch của đồng bào trở lại nước nhà, không mang lại độc lập dân tộc, không quyết định cuối cùng về vấn đề Nam bộ. Đồng bào có thể vì thế mà thất vọng. Cần biết rằng tương lai của một đất nước không thể xây dựng trong một vài tháng... Hãy tin vào lực lượng chúng ta và sự kiên quyết của chúng ta...”.
- Ngày 13-9-1950, Bác rời Sở chỉ huy Chiến dịch Biên giới, trực tiếp đến thị sát mặt trận Đông Khê và chỉ thị: “Dù khó khăn đến đâu cũng kiên quyết khắc phục đánh cho kỳ thắng trận đầu”.
- Ngày 13-9-1951, Báo Nhân Dân đăng bài “Để thực hiện 10 điều ghi nhớ của Mặt trận Liên Việt”, trong đó, Bác chỉ rõ: “10 điều ghi nhớ không phải là những khẩu hiệu để hô cho kêu, dán cho đẹp... Mà muốn cho mọi người làm trọn nhiệm vụ, cán bộ Đảng và chính quyền cần biết lãnh đạo thiết thực và xung phong làm gương mẫu”.
- Ngày 13-9-1958, Bác tới thăm lớp học chính trị của giáo viên cấp 2 và 3 toàn miền Bắc, với lời căn dặn: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người. Chúng ta phải đào tạo ra những công dân tốt cho nước nhà. Nhân dân, Đảng, Chính phủ giao các nhiệm vụ đào tạo thế hệ tương lai cho các cô, các chú. Đó là một trách nhiệm nặng nề, nhưng rất vẻ vang”...
- Ngày 13-9-1958, đến thăm Triển lãm mỹ thuật toàn quốc năm 1958, Bác viết vào sổ lưu niệm: “Cần cố gắng hơn để tiến bộ hơn. Mỹ thuật cũng phải ra sức phục vụ nhân dân”.
(Sách Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày này năm xưa, NXB Chính trị quốc gia-Sự thật, 2010)
 |
Chủ tịch Hồ Chí Minh quàng khăn đỏ cho đại biểu thiếu nhi Thủ đô đến chúc mừng kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Đảng (1960). Ảnh: hochiminh.vn |
Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân
- Trên trang nhất Báo Quân đội nhân dân ra ngày 13-9-1960 đã đăng bài: “Diễn văn bế mạc Đại hội của Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Diễn văn bế mạc Đại hội lần thứ III có đoạn viết:
“Đại hội lần thứ hai đã đưa kháng chiến đến thắng lợi. Chắc chắn rằng Đại hội lần thứ ba này sẽ là nguồn ánh sáng mới, lực lượng mới cho toàn Đảng và toàn dân ta xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà."
- Trên trang nhất Báo Quân đội nhân dân ra ngày 13-9-1967 đã đăng bài: “Hồ Chủ tịch gửi thư cho luật sư Nguyễn Hữu Thọ và các vị trong Ủy ban Trung ương mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam”. Trong đó có đoạn viết: “Đang lúc quân và dân cả hai miền nước ta liên tiếp giành được nhiều thắng lợi vẻ vang trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, thì Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam công bố bản Cương lĩnh chính trị. Đó là một Cương lĩnh Đại đoàn kết toàn dân, một cương lĩnh quyết tâm đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ và bè lũ tay sai bán nước...”.
 |
|
- Trên trang nhất Báo Quân đội nhân dân ra ngày 13-9-1969 đã trích đăng di chúc của Hồ Chủ tịch: “Dù khó khăn gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà. Nước ta sẽ có vinh dự lớn là một nước nhỏ mà đã anh dũng đánh thắng hai đế quốc to là Pháp và Mỹ; và đã góp phần xứng đáng vào phong trào giải phóng dân tộc.”
- Trên trang nhất Báo Quân đội nhân dân ra ngày 13-9-1970 đã trích lời căn dặn của Hồ Chủ tịch: “Toàn quân ta phải ra sức học tập chính trị, quân sự và văn hóa; phải thi đua làm trọn nhiệm vụ bảo vệ biên giới, bảo vệ bờ biển, bảo vệ thành thị, và giữ gìn trật tự an ninh cho nhân dân”.
Một số sự kiện trong nước và quốc tế diễn ra ngày 13-9
Sự kiện trong nước:
- 13-9-1950: Bác Hồ rời Sở Chỉ huy chiến dịch để đến mặt trận Đông Khê trực tiếp theo dõi và động viên bộ đội đánh trận mở màn chiến dịch.
- 13-9-1945, chỉ sau 11 ngày đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 33C, thành lập các Toà án quân sự. Đây là sự kiện lịch sử trọng đại, đánh dấu sự ra đời của các Toà án và từ đó đến nay, ngày 13-9 hàng năm đã trở thành Ngày truyền thống của Tòa án nhân dân. Sau khi giành được chính quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp chỉ đạo việc xây dựng bộ máy Nhà nước của chính quyền mới. Trong đó các Toà án quân sự được thành lập có thẩm quyền: "xét xử tất cả các người nào vi phạm vào một việc gì có phương hại đến nền độc lập của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà...". Sau khi thành lập, các Toà án quân sự đã tổ chức xét xử nghiêm minh, trừng trị kịp thời bọn phản cách mạng, Việt gian bán nước, góp phần vào cuộc đấu tranh bảo vệ và xây dựng chính quyền nhân dân, xây dựng lòng tin của nhân dân đối với chính quyền cách mạng non trẻ; thi hành nghiêm chỉnh những sắc lệnh, quy định của Chính phủ mới ban hành.
Trải qua 76 năm hoạt động, Tòa án quân sự đã không ngừng lớn mạnh về mọi mặt, thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được Hiến pháp và pháp luật quy định. Chất lượng, hiệu quả công tác xét xử ngày càng được nâng lên, góp phần quan trọng vào việc giữ vững ổn định chính trị, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội; góp phần tạo môi trường lành mạnh, ổn định cho sự phát triển đất nước.
- 13-9-1943: Sau khi thoát khỏi nhà tù Tưởng Giới Thạch, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã bắt liên lạc với Hội Giải phóng. Qua đó tiếp xúc với tổ chức chống Nhật - Pháp ở Liễn Châu và liên lạc với Đảng ta, tiếp tục lãnh đạo Cách mạng
- 13-9-1913: Ngày sinh giáo sư Trần Đại Nghĩa. Ông tên thật là Phạm Quang Lễ, quê ở tỉnh Vĩnh Long, có nhiều cống hiến to lớn trong việc chế tạo vũ khí phục vụ hai cuộc kháng chiến chống các đế quốc xâm lược nước ta. Ông mất ngày 9-8-1997 tại Thành Phố Hồ Chí Minh.
Sự kiện quốc tế
- 13-9-1914: Trong Chiến tranh thế giới thứ nhất: Quân Pháp-Anh phát động cuộc tấn công trực diện vào chiến tuyến sông Aisne của quân Đức.
- 13-09-1993: Israen (Israel) và PLO ký thoả thuận về quyền tự trị có hạn chế của người Palestine ở vùng Bờ Tây và dải Gaza.
THANH HƯƠNG