Lời Bác dạy ngày này năm xưa

Phát biểu chỉ đạo tại “Hội nghị cán bộ chỉ huy cấp trung đoàn, đại đoàn tham gia Chiến dịch Biên giới”, ngày 11-9-1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị: “Chưa đánh thắng thì chưa được coi là đã chuẩn bị xong... Trong quân sự phải kiên quyết và bạo dạn. Bạo dạn, dũng cảm không phải là liều. Liều là dại. Dũng cảm là khôn. Kiên quyết và bạo dạn không phải là một người mà phải toàn bộ tất cả mọi người. Muốn toàn bộ kiên quyết và bạo dạn thì phải có kỷ luật... Kỷ luật là động lực giữ sức mạnh của bộ đội”. 

(Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị quốc gia - Sự thật, 2011)

Kỷ luật của Quân đội nhân dân Việt Nam thực chất là sự cụ thể hóa đường lối, chủ trương, điều lệ của Đảng; hiến pháp, pháp luật của Nhà nước phù hợp với đặc điểm, tình hình, chức năng, nhiệm vụ của quân đội. Chính vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh: Bên cạnh lý tưởng chiến đấu, kỷ luật quân đội là điểm mấu chốt tạo nên sự thống nhất cao độ trong nhận thức và hành động của cán bộ, chiến sĩ, đặc biệt là trên chiến trường; do vậy, kỷ luật là động lực vô cùng quan trọng tạo nên sức mạnh chiến đấu của quân đội. Người luôn yêu cầu mọi cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân phải chấp hành kỷ luật một cách tự giác và nghiêm minh; đối với mệnh lệnh cấp trên ban xuống thì phải tuyệt đối phục tùng và triệt để thi hành; báo cáo từ dưới lên trên phải thật thà, nhanh chóng và thiết thực; là cá nhân phải tuyệt đối phục tùng tổ chức; số ít phải phục tùng đa số; địa phương phục tùng Trung ương… Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng lưu ý, kỷ luật phải được thi hành bình đẳng, nhất quán, triệt để từ trên xuống dưới, không phân biệt đối xử.

Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đài quan sát trận đánh mở màn của bộ đội ở Đông Khê trong Chiến dịch Biên giới (1950). Ảnh: hochiminh.vn 

Lịch sử hơn 70 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của quân đội ta cho thấy, quan điểm “Kỷ luật là động lực giữ sức mạnh của bộ đội” của Bác thực sự là một di sản tư tưởng, lý luận quý báu; một nguyên tắc đặc biệt quan trọng góp phần xây dựng quân đội ta, từ một đội quân du kích lúc ban đầu trở thành một quân đội có ý thức tổ chức kỷ luật cao, luôn kiên định trước mọi khó khăn, thử thách; cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, bản lĩnh, sẵn sàng đánh bại mọi kẻ thù xâm lược, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Trong sự nghiệp xây dựng quân đội hiện nay, để duy trì nghiêm kỷ luật quân đội, cùng với việc quan tâm chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị và các cơ quan chức năng, đòi hỏi đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chỉ huy các cấp phải làm tốt công tác giáo dục, tăng cường quản lý, duy trì kỷ luật trong đơn vị; xử lý nghiêm minh, triệt để mọi vụ việc vi phạm kỷ luật theo đúng quy định. Quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ trì, chủ chốt, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị phải luôn gương mẫu, tận tụy trong công tác, chấp hành nghiêm pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội, là tấm gương sáng cho bộ đội học tập, noi theo. Có như vậy, kỷ luật của quân đội ta mới thật sự là nghiêm minh, tự giác, tạo nền móng vững chắc tạo sự đoàn kết, nhất trí xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao.

Chủ tịch Hồ Chí Minh họp với Thường vụ Trung ương Đảng quyết định mở Chiến dịch Biên giới (1950). Ảnh: hochiminh.vn 
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm một đơn vị bộ đội và du kích đã tham gia Chiến dịch Biên giới đóng quân ở huyện Phục Hòa, Cao Bằng (3-1951). Ảnh: hochiminh.vn 

Cho đến nay, kỷ luật vẫn luôn là động lực quan trọng tạo nên sức mạnh chiến đấu thường xuyên, liên tục trong mọi hoàn cảnh của quân đội. Đặc biệt, trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 thời gian qua, Quân đội là một trong những lực lượng trên tuyến đầu phòng, chống dịch, với các khu cách ly tập trung, các bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân Covid-19, các chốt kiểm soát dịch ở khắp mọi miền Tổ quốc; tăng cường tuần tra canh gác ở biên cương để ngăn chặn dịch bệnh; tham gia nghiên cứu sản xuất bộ xét nghiệm, vaccine phòng Covid-19. Hàng ngàn cán bộ, y, bác sĩ, sinh viên quân y tình nguyện lên đường vào miền Nam tiếp sức cùng đồng bào chống dịch. Giữa tâm dịch, lực lượng Bộ đội Hóa học đã kịp thời có mặt, đảm bảo thực hiện công tác tiêu tẩy, khử trùng ở những ổ dịch, hạn chế mức thấp nhất sự lây lan của dịch bệnh trong cộng đồng... Có thể khẳng định, kỷ luật chính là mấu chốt để cán bộ, chiến sĩ toàn quân vừa phát huy tốt vai trò là chỗ dựa vững chắc giúp nhân dân chiến thắng dịch bệnh, vừa đảm bảo tốt các nhiệm vụ trọng tâm là huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, canh trực, bảo vệ sự bình yên của Tổ quốc trong thời điểm hết sức khó khăn, phức tạp.

  Hình ảnh bộ đội tham gia phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh:qdnd.vn 

Theo dấu chân Người

Ngày 11-9-1924, tại Mát-xcơ-va, Nguyễn Ái Quốc viết thư gửi Quốc tế Cộng sản cho biết “Tôi đến Mát-xcơ-va vào tháng 7-1923. Tôi sẽ ra đi sau 3 tháng lưu lại ở đây. Vì lý do này hay lý do khác, việc lên đường của tôi đã bị hoãn hết tuần này sang tuần khác, rồi hết tháng này sang tháng khác”. Lá thư cho biết lúc đầu khó khăn do những điều kiện của Quốc tế Cộng sản, còn lúc này là do nội chiến ở Trung Quốc, “Và việc lên đường của tôi một lần nữa lại phải hoãn vô thời hạn... Và ngày mai sẽ là chuyện gì khác?”. Bức thư cho thấy nhà cách mạng Việt Nam đang khao khát trở về gần với Tổ quốc của mình.

Ngày 11-9-1931, liên quan đến “Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông”, phiên toà thứ 8 được xét xử vẫn đưa ra quyết định trục xuất Tống Văn Sơ khỏi Hồng Kông và chỉ định phương tiện, thực chất là trao cho thực dân Pháp. Luật sư Ph.Gienkin đã vận dụng “Luật Bảo thân” (Habeas Corpus) để phản đối bản án và kháng nghị lên Hội đồng Cơ mật của Anh.

Ngày 11-9-1945, báo “Cứu Quốc” đăng bài “Cách tổ chức các Ủy ban nhân dân” của Bác khẳng định đây “là hình thức Chính phủ trong các địa phương, sau khi khởi nghĩa thắng lợi. Toàn thể nhân dân Việt Nam (trừ bọn Việt gian bị tước công quyền) từ 18 tuổi trở lên, không phân biệt trai gái, giàu nghèo, Việt Minh hay ngoài Việt Minh, ai cũng có quyền ứng cử hay bầu cử người vào các Ủy ban này... Xem như trên, Ủy ban nhân dân tổ chức và làm việc theo một tinh thần mới, một chế độ dân chủ mới, khác hẳn các cơ quan do bọn thống trị cũ đặt ra”.

Ngày 11-9-1946, tại Pari, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp một sĩ quan Mỹ và chuyển lời ghi âm “Tuyên bố với nhân dân Mỹ” với nội dung yêu cầu Chính phủ Pháp “Chấm dứt mọi tuyên truyền thiếu thiện chí ở Nam Kỳ".

Giữa rừng sâu Việt Bắc, dù bận nhiều công việc, Bác Hồ vẫn luôn dành cho các em thiếu nhi tình cảm yêu quý nhất (năm 1951). Ảnh: hochiminh.vn 

Ngày 11-9-1954, Báo Nhân Dân đăng “Thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi nhi đồng nhân dịp Tết Trung Thu”, trong đó có đoạn: “Trung Thu này là Trung Thu hòa bình đầu tiên, sau tám chín năm kháng chiến anh dũng của nhân dân ta. Trong cuộc kháng chiến cứu nước, các cháu cũng có đóng góp một phần. Nhân dịp này, Bác gửi lời thân ái khen ngợi các cháu... Đến ngày Nam Bắc một nhà, Các cháu xúm xít, thì ta vui lòng”.

(Sách Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày này năm xưa, NXB Chính trị quốc gia-Sự thật, 2010)

Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân

Ngày 11-9-1962, trên trang nhất Báo Quân đội nhân dân đã đăng ”Bài nói chuyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đại hội lần thứ ba Hội Nhà báo Việt Nam (6-9-1962)”. Trong bài nói chuyện, Bác đưa ra những lời căn dặn đối với người làm báo: “Báo chí của ta đã có một địa vị quan trọng trong dư luận thế giới. Địch rất chú ý, bạn rất quan tâm đến báo chí ta. Cho nên làm báo phải hết sức cẩn thận về hình thức, về nội dung, về cách viết.

Ngoài những đồng chí đã làm báo trong những năm cách mạng và kháng chiến, số đông cán bộ báo chí ta đều mới vào nghề, vì thế mà kinh nghiệm còn ít, trình độ chưa cao. Muốn tiến bộ, muốn viết hay, thì phải cố gắng học hỏi, ra công rèn luyện. Kinh nghiệm của tôi là thế này: Mỗi khi viết một bài báo, thì tự đặt câu hỏi:

Viết cho ai xem?

Viết để làm gì?

Viết thế nào cho phổ thông dễ hiểu, ngắn gọn dễ đọc?

Khi viết xong, thì nhờ anh em xem và sửa giùm.

Chớ tự ái, tự cho bài của mình là “tuyệt” rồi. Tự ái tức là tự phụ, mà tự phụ là kẻ địch dữ tợn nó ngăn chặn con đường tiến bộ của chúng ta.

Hiện nay, các báo thường có ảnh và tranh vẽ. Đó là một tiến bộ nhưng ảnh thì thường lèm nhèm, vẽ thì chưa khéo lắm. Cần phải cố gắng nhiều hơn nữa.

Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ. Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng”.

Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 11-9-1962.   

Ngày 11-9-1969, trang nhất Báo Quân đội nhân dân đã trích đăng Lời di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn”.

Cũng trong số báo này, Báo Quân đội nhân dân đã đăng bài Xã luận với tựa đề: “Giương cao ngọn cờ bách chiến bách thắng của Hồ Chủ tịch: Tiến lên đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược”. Bài viết có đoạn: “Hồ Chủ tịch đã vĩnh biệt chúng ta, nhưng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta vẫn cảm thấy Người luôn luôn ở bên cạnh, dẫn dắt chúng ta đi.

Hồ Chủ tịch vẫn sống mãi với non sông đất nước. Bởi vì, Người là tượng trưng cho tinh hoa của dân tộc Việt Nam ta.

Hồ Chủ tịch vẫn sống mãi với thế chúng ta và các thế hệ mai sau. Bởi vì, thế hệ chúng ta ngày nay và các thế hệ mai sau mãi mãi đi theo con đường của Người, tiếp tục sự nghiệp vĩ đại của Người.

Hồ Chủ tịch vẫn sống mãi với thời đại chúng ta. Bởi vì, thời đại mà chúng ta đang sống là thời đại Hồ Chí Minh mà chính người đã mở ra kỷ nguyên mới: kỷ nguyên nhân dân Việt Nam đánh thắng các thế lực đế quốc xâm lược, kỷ nguyên xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”.

Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 11-9-1969.   

Một số sự kiện nổi bật trong nước và quốc tế diễn ra ngày 11-9:

Sự kiện trong nước

Ngày 11-9-1961: Từ ngày 11 đến 16-9-1961, diễn ra Hội nghị Thủy lợi toàn miền Bắc.

Ngày 11-9-1746: Nữ sĩ Đoàn Thị Điểm qua đời. Bà sinh năm 1705, người làng Giai Phạm, huyện Mỹ Văn, tỉnh Hưng Yên. Ngoài bản dịch Chinh phụ ngâm (nguyên văn chữ Hán của Đặng Trần Côn), bà còn viết tập truyện chữ Hán “Truyền kỳ tân phả” và nhiều thơ phú khác.

Sự kiện quốc tế

Ngày 11-9-2001: Một sự kiện đã gây chấn động nước Mỹ: Máy bay của hàng không dân dụng Mỹ đã bị cướp và đâm vào tòa tháp đôi nổi tiếng của Trung tâm Thương mại Thế giới ở New York và Bộ Quốc phòng Mỹ ở thủ đô Washington, gây ra vụ khủng bố lớn nhất trong lịch sử loài người, khiến khoảng 3.000 người thiệt mạng.

Ngày 11-9-2007: Nga thử nghiệm Cha của các loại bom, loại vũ khí thông thường mạnh nhất tính đến thời điểm đó.

Ngày 11-9-1973: Augusto Pinochet lãnh đạo một cuộc đảo chính tại Chile nhằm lật đổ tổng thống dân chủ Salvador Allende do nhân dân bầu ra.

Ngày 11-9-1961: Văn phòng đầu tiên của Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên được mở cửa tại Thụy Sĩ.

 

KIM GIANG