Lời Bác dạy ngày này năm xưa

“Lương thực, vũ khí là mồ hôi nước mắt của đồng bào, là xương máu của bộ đội. Vì vậy, phải quý trọng nó, phải tiết kiệm ngăn nắp, phải sử dụng hợp lý”.

Đó là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong “Bài nói tại Hội nghị cán bộ chuẩn bị Chiến dịch Tây Bắc”, ngày 9-9-1952 (Hồ Chí Minh – Toàn tập, tập 7).

Bước vào những năm cuối của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, nhu cầu lương thực, vũ khí cho chiến trường ngày càng lớn, trong khi công tác hậu cần, tiếp tế ngày càng khó khăn, gian khổ. Lời dạy của Bác là sự căn dặn về thái độ, trách nhiệm của mỗi cán bộ, chiến sĩ đối với lương thực và vũ khí, từ đó có trách nhiệm bảo vệ, sử dụng hợp lý, tiết kiệm nhất, góp phần đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi.

Hằng ngày, dù bận rất nhiều công việc, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn dành thời gian tăng gia sản xuất. Ảnh: hochiminh.vn

Lời dạy của Bác năm xưa đến nay vẫn còn nguyên giá trị về lý luận và thực tiễn đối với mọi cấp, mọi ngành, mọi người về ý thức thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Mặc dù sự nghiệp đổi mới đã và đang thu được nhiều thành tựu to lớn, nhưng đời sống vật chất, tinh thần của một bộ phận nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, trong công tác quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ cho sự phát triển đất nước phải tiết kiệm, hợp lý. Những tài sản của Nhà nước, của bộ máy chính quyền các cấp đều từ đóng góp của người dân, do vậy, người sử dụng phải có ý thức giữ gìn, bảo quản và sử dụng tiết kiệm. Mỗi người cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm của mình, thực hiện cần, kiệm, đóng góp vào công cuộc xây dựng đất nước.

Học tập và làm theo lời Bác dạy, cán bộ, chiến sĩ toàn quân tích cực hưởng ứng và thực hiện tốt các phong trào thi đua: “Yêu xe như con, quý xăng như máu”, “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy”, “Đơn vị nuôi quân giỏi, quản lý quân nhu tốt”, “Đơn vị quân y 5 tốt”… và Cuộc vận động “Quản lý, khai thác vũ khí trang bị kỹ thuật tốt, bền, an toàn, tiết kiệm và an toàn giao thông”, đã phát huy tinh thần tiết kiệm, giữ tốt, dùng bền các loại vũ khí, trang bị trong biên chế. Trước hết, mỗi người cần phải có nhận thức sâu sắc ý nghĩa, vai trò của việc tiết kiệm và sử dụng hợp lý lương thực, thực phẩm, điện, nước, chất đốt, vũ khí trang bị…; trên cơ sở đó, cụ thể hóa trong công tác hằng ngày, bằng việc tiết kiệm điện, nước, lương thực, thực phẩm, văn phòng phẩm…; bảo quản và sử dụng đúng mục đích các loại vũ khí, khí tài, trang bị trong huấn luyện, diễn tập và thực hiện các nhiệm vụ.

Một số hình ảnh về thực hiện các phong trào thi đua tăng gia sản xuất, bảo quản vũ khí, trang bị trong quân đội. Ảnh: qdnd.vn

Theo dấu chân Người

Ngày 9-9-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh và đoàn tuỳ tùng từ nhà của ông R.Ôbơrắc trở về Khách sạn “Royal Monceau”, nơi Chính phủ Pháp bố trí cho Người. Đây là thời điểm quyết định thành bại của cuộc Hội nghị Fontainebleau. Bác tiếp tục các cuộc tiếp xúc với các chính khách Pháp và thảo luận bên ngoài Hội nghị với những nhân vật có trách nhiệm của Chính phủ Pháp nhằm cứu vãn tình hình.

Ngày 9-9-1950, Bác Hồ viết “Lời kêu gọi đồng bào Cao - Bắc - Lạng”, báo tin: “Quân ta đã mở chiến dịch trên mặt trận Cao - Bắc - Lạng. Chiến dịch này rất quan trọng cho Cao - Bắc - Lạng và cho cả toàn quốc. Đồng bào ba tỉnh đó cố gắng rất nhiều trong việc chuẩn bị chiến dịch như: góp quân lương, sửa đường sá, vận tải, chuyên chở, giúp đỡ bộ đội v.v.. Tôi trân trọng thay mặt Chính phủ và quân đội cảm tạ đồng bào... Đồng bào hãy tiến lên làm gương kiểu mẫu cho nhân dân toàn quốc, giúp cho chiến dịch được thắng lợi”.

Cùng khoảng thời gian này, trên đường đi chỉ đạo Chiến dịch Biên giới, Bác ghé thăm một đơn vị thanh niên xung phong đang làm đường phục vụ chiến dịch và tặng một bài thơ, sau đó trở thành một châm ngôn sâu sắc đối với thế hệ trẻ Việt Nam: “Khuyên Thanh niên:

Không có việc gì khó,

Chỉ sợ lòng không bền,

Đào núi và lấp biển,

Quyết chí ắt làm nên”.

Ngày 9-9-1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Lệnh công bố “Tám điều mệnh lệnh của Chính phủ Dân chủ Cộng hoà Việt Nam”, gồm: Bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân. Bảo vệ nghề nghiệp làm ăn của nhân dân. Tịch thu tài sản của giặc Pháp và bọn phản quốc. Bảo vệ đền chùa, nhà thờ, trường học, nhà thương và các cơ quan văn hoá, xã hội khác. Thưởng người có công, phạt người có tội. Giữ gìn trật tự và trị an. Nhân dân, đặc biệt là nông dân, nên tổ chức lại. Bảo vệ tính mạng, tài sản của kiều dân nước ngoài.

Văn bản kết luận “Kỷ luật của quân đội nhân dân rất nghiêm minh, mua bán công bằng, không phạm đến một cái kim, sợi chỉ của dân. Đồng bào hãy làm ǎn yên ổn, giữ gìn trật tự, giúp đỡ quân đội, ủng hộ chính quyền nhân dân, giữ bí mật cho bộ đội, cán bộ và cơ quan; đừng nghe bọn địch, bọn nguỵ tuyên truyền nhảm”.

 (Sách Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày này năm xưa, NXB Chính trị quốc gia-Sự thật, 2010)

Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp gỡ Việt kiều tại Pháp, năm 1946. Nguồn: Tài liệu lưu trữ Bộ Ngoại giao.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp ảnh với các đại biểu thanh niên mới được bầu vào Quốc hội khóa III tại Phủ Chủ tịch, tháng 6-1964. Nguồn: ditichhochiminhphuchutich.gov.vn 

Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân

Ngày 9-9-1968, trang nhất Báo Quân đội nhân dân đăng toàn văn bức điện của Hồ Chủ tịch khen ngợi đồng bào, chiến sĩ và cán bộ miền Nam. Bức điện có đoạn viết:

Đồng bào, chiến sĩ và cán bộ miền Nam thân mến

Quân và dân miền Nam anh hùng nêu cao tinh thần liên tục tiến công, liên tục đánh thắng. Trong dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và chúc mừng Quốc khánh vừa qua đã giành thêm nhiều thắng lợi mới. Đã mở hàng trăm cuộc tiến công và nổi dậy ở khắm miền Nam và đã thu được nhiều thành tích vẻ vang…

Thắng lợi to lớn này của miền Nam càng làm cho thế ta thêm vững, sức ta thêm mạnh.

Nhưng càng gần thắng lợi thì càng nhiều gian nan. Quân và dân miền Nam anh hùng quyết vượt mọi khó khăn gian khổ, anh dũng và bền bỉ chiến đấu, nhất định sẽ giành được thắng lợi to lớn hơn nữa.

Cũng trong ngày 9-9-1968, Báo Quân đội nhân dân đăng bức điện của Hồ Chủ tịch gửi Hội nghị bất thường của Tổ chức đoàn kết nhân dân Á Phi ủng hộ và đoàn kết với nhân dân Việt Nam chống đế quốc Mỹ xâm lược.

Bức điện có đoạn viết:

Tôi xin gửi tới Hội nghị bất thường của Tổ chức đoàn kết nhân dân Á Phi lời chào mừng nhiệt liệt nhất và tôi chân thành cảm ơn các bạn luôn ủng hộ mạnh mẽ cuộc chiến đấu chống Mỹ, cứu nước của chúng tôi. Hội nghị của các bạn là một cổ vũ to lớn đối với nhân dân cả nước chúng tôi, một biểu hiện rực rỡ của tình đoàn kết của nhân dân các nước Á Phi.

Đế quốc Mỹ đang tiến hành một cuộc chiến tranh xâm lược tàn bạo nhất trong lịch sử chống nhân dân Việt Nam. Sử dụng quyền tự vệ thiêng liêng của mình, toàn thể nhân dân Việt Nam đã kiên quyết chống lại để bảo vệ độc lập, tự do, và đã liên tiếp giành được những thắng lợi to lớn và nhất định sẽ giành được thắng lợi cuối cùng. Thế thua của Mỹ đã rõ ràng. Nhưng chúng vẫn tiếp tục tăng cường chiến tranh ở cả hai miền nước Việt Nam, vẫn giữ thái độ cực kỳ ngoan cố ở Pa-ri, làm cho cuộc nói chuyện không tiến triển được. Chúng càng ngoan cố xảo quyệt, thì sẽ ngày càng thất bại nặng nề thêm.

Nhân dân Việt Nam chúng tôi rất yêu chuộng hòa bình song phải là hòa bình trong độc lập, tự do thật sự…

Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 9-9-1968 

Một số sự kiện trong nước và quốc tế diễn ra ngày 9-9

Sự kiện trong nước:

Ngày 9-9-2002: Đại hội đồng Liên minh nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (AIPO) lần thứ 23 đã khai mạc trọng thể tại Hội trường Ba Đình, Hà Nội.  Ngày 9-9-1945: Mạng lưới thông tin vô tuyến quân sự đã được thành lập suốt từ Bắc chí Nam. Từ đó, ngày 9-9 hàng năm trở thành Ngày truyền thống của Binh chủng Thông tin liên lạc.

Sự kiện quốc tế:

Ngày 9-9-1948: Chủ tịch Kim Nhật Thành tuyên bố thành lập nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên.

Ngày 9-9-1892: Nhà thiên văn học người Mỹ Edward Emerson Barnard phát hiện ra vệ tinh Amalthea.

Ngày 9-9-1886: Công ước Bern về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật được ký kết.

Ngày 9-9-1976: Nhà lãnh đạo Trung Quốc Mao Trạch Đông từ trần.

 

THANH SƠN