Lời Bác dạy ngày này năm xưa

Trong cuộc họp, Người chỉ rõ yêu cầu quy hoạch là thành phố phải có nhiều cây xanh, đường phải thẳng, có đường trung tâm buôn bán, hệ thống cống ngầm phải đảm bảo vệ sinh, hệ thống đường xe điện, xe lửa phải bố trí sao cho phù hợp.

Ngày 29-8-1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Hội nghị Bộ Chính trị bàn về mở rộng thành phố Hà Nội theo kế hoạch dài hạn.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Người nêu rõ: “Mở rộng thành phố phải căn cứ vào thiên thời (mưa, gió, nắng…), địa lợi (địa chất, sông hồ…) và nhân hòa (lợi ích của nhân dân, của Chính phủ…). Công tác quy hoạch thành phố phải hợp lý, bảo đảm được cả về kinh tế, mĩ quan và quốc phòng, phải có kế hoạch vận động quần chúng tham gia, có ban phụ trách để chịu trách nhiệm, tránh lối làm đại khái, lãng phí…”.

Ngày 16-11-1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự Hội nghị Ban Bí thư thảo luận về những công trình lớn trong quy hoạch của thành phố Hà Nội và mở rộng ngoại thành. Người căn dặn trong thiết kế phải đồng bộ (đường sá, hệ thống thoát nước, lưới điện…), tránh cản trở sự đi lại của nhân dân; phải có quy hoạch trước, tránh làm rồi lại phá đi và phải thực hiện nhanh-nhiều-tốt-rẻ. Người cũng lưu ý việc phải tranh thủ sự giúp đỡ của các nước anh em trong công việc trên.

Chủ tịch Hồ Chí Minh xem mô hình quy hoạch xây dựng Thủ đô Hà Nội ngày 16-11-1959. Ảnh: hochiminh.vn 

Không chỉ quan tâm sâu sát với những dự án quy hoạch lớn, vĩ mô mà Bác còn lưu ý tới những công trình trọng điểm quan trọng. Ví như trong hai ngày họp Bộ Chính trị 8 và 9-4-1960 bàn về phương án thiết kế, xây dựng trụ sở Quốc hội, Người đã góp ý một số vấn đề về hướng nhà Quốc hội. Người phát biểu cảm ơn các chuyên gia và nêu một số ý kiến khi tiến hành xây dựng phải cần kiệm, tránh lãng phí nguyên vật liệu, giúp đỡ lẫn nhau giữa chuyên gia và cán bộ Việt Nam. (Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, Nxb CTQG, H.1996, tập VII, tr.136, tr.359, tr.391, tr.476-77)

Một lần trước ý kiến xin đề nghị chuyển văn phòng Trung ương về một vị trí đẹp hơn, có vườn rộng hơn, Người bảo ngay: Văn phòng Trung ương như thế đẹp rồi, im lặng một lúc, Người quay lại hỏi mọi người: Thế các chú có biết văn phòng Trung ương xây chỗ nào thì tốt nhất không? Thấy mọi người nhìn nhau, Người chỉ tay vào ngực mình rồi nói tiếp: Xây ở trong này, trong lòng nhân dân là tốt nhất. (Theo 117 câu chuyện kể về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh).

Trong thời kỳ đổi mới, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều văn bản chỉ đạo cùng các chủ trương, chính sách về Thủ đô Hà Nội. Trong đó, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26-7-2011 của Thủ tướng Chính phủ) đã định hướng phát triển Hà Nội theo mô hình chùm đô thị gồm đô thị trung tâm, 5 đô thị vệ tinh (Hòa Lạc, Sóc Sơn, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên) và các thị trấn sinh thái.

Hơn 10 năm qua, việc phát triển theo mô hình chùm đô thị đã được thành phố quan tâm và đến nay đã đạt những kết quả nhất định. Quy hoạch phân khu phủ kín gần 95% diện tích, trong đó có 5 quy hoạch chung đô thị vệ tinh. Thành phố cũng dẫn đầu cả nước khi hoàn thành phê duyệt quy hoạch xã nông thôn mới.

Quy hoạch phân khu phủ kín gần 95% diện tích, trong đó có 5 quy hoạch chung đô thị vệ tinh. 

Tuy vậy, thực tế còn một số tồn tại như: Một số mục tiêu, nhiệm vụ quy hoạch liên quan đến đô thị vệ tinh chưa đạt tiến độ đề ra; hoạt động đổi mới sáng tạo đã có khởi sắc nhưng chưa tương xứng với tiềm năng từ mô hình chùm đô thị và tạo sức hút vào đô thị vệ tinh; công tác giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch tại các đô thị vệ tinh chưa có đột phá để hấp dẫn đầu tư.

Hà Nội cũng đã ưu tiên triển khai nhiều giải pháp cải thiện môi trường, xây dựng thành phố sáng, xanh, sạch, đẹp để nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Với sự quyết tâm cao độ của lãnh đạo, sự chung tay của nhân dân Hà Nội cùng những biện pháp đã và đang thực hiện trong nhiều năm qua, mục tiêu thành phố xanh ngày càng gần hơn.

Bước sang một kỷ nguyên mới, tư tưởng và những lời dạy quý báu Bác dành cho Thủ đô Hà Nội đã và đang là ngọn đuốc soi đường, kim chỉ nam cho sự nghiệp cách mạng, là định hướng cơ bản, quan trọng để Đảng bộ, chính quyền, toàn dân và toàn quân tiếp tục xây dựng Thủ đô Hà Nội ngày càng hạnh phúc và phồn vinh.

Theo dấu chân Người

Ngày 12-9-1931, liên quan đến “Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông”, phiên tòa thứ 9 được xử. Luật sư đưa ra lời kháng nghị 8 điểm vạch rõ kết luận của tòa án thực chất là muốn giao bị can cho nhà đương cục Pháp, vi phạm “Luật Bảo thân”, yêu cầu để Tống Văn Sơ được tự do lựa chọn nơi đến... Cuối cùng, tòa chấp nhận bị cáo được kháng nghị lên Hội đồng Cơ mật.

Tống Văn Sơ (Nguyễn Ái Quốc), năm 1931. Ảnh tư liệu 

Ngày 12-9-1946, Bác tiếp tục những nỗ lực cuối cùng để cứu vãn sự đổ vỡ của đàm phán Việt - Pháp. Trong ngày, Bác viết thư gửi cho kiều bào ở Pháp, bày tỏ: “... Lòng thân ái đã rất là quý, chúng tôi rất cảm động và cám ơn. Nay tôi và Phái bộ sắp trở về nước, chúng tôi gửi lời chào và khuyên tất cả anh chị em kiều bào: 1. Phải triệt để đoàn kết, 2. Ra sức tuyên truyền và ủng hộ bằng mọi phương diện cho Tổ quốc, 3. Thực hành khẩu hiệu Đời sống mới: Cần, Kiệm, Liêm, Chính, 4. Mỗi người cần biết thạo một nghề để mai sau về nước giúp ích cho cuộc xây dựng nước Việt Nam mới”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Hợp tác xã nông nghiệp Tân Lập, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây (8-7-1958). Ảnh: hochiminh.vn

Cùng ngày, tại Hội nghị tổng kết phong trào hợp tác hóa nông nghiệp, Bác nhấn mạnh: “Chúng ta tổ chức hợp tác xã trước hết là nhằm mục đích nâng cao đời sống nông dân... Phải phát triển hợp tác xã một cách thật chắc chắn, không nên chạy theo số lượng... Phải cần kiệm xây dựng hợp tác xã”. (Sách Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày này năm xưa, tập II, NXB Chính trị quốc gia-Sự thật, 2010)

Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân

Ngày 12-9-1958, Báo Quân đội nhân dân đăng bài viết của Bác “Thuốc độc gây tê liệt toàn thân, giết người chớp nhoáng” giới thiệu vũ khí hóa học và cách đề phòng. Bài báo viết: “Một bộ đội được huấn luyện chu đáo sẽ không bị vũ khí hóa học tiêu diệt hay tiêu hao nặng”. Thực tiễn chiến trường Việt Nam sau đó không lâu, quân Mỹ đã sử dụng nhiều loại vũ khí hóa học mang tính hủy diệt.

Trang 2 Báo Quân đội nhân dân ngày 12-9-1958 đăng bài viết của Bác: “Thuốc độc gây tê liệt toàn thân, giết người chớp nhoáng”. 

Trên trang nhất Báo Quân đội nhân dân ra ngày 12-9-1969 đã in đậm đoạn trích lời di chúc của Hồ Chủ tịch: “Cuộc kháng chiến chống Mỹ còn có thể kéo dài. Đồng bào chúng ta có thể hy sinh nhiều của, nhiều người. Dù sao, chúng ta phải quyết tâm đánh giặc Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn.

Còn non, còn nước, còn người,

Thắng giặc Mỹ ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay!”

Ngày 12-9-1970, lời dạy của Bác Hồ được in đậm trên trang nhất Báo Quân đội nhân dân: “Lịch sử trong những năm qua đã tỏ rõ lực lượng đoàn kết của nhân dân ta là vô địch và Mặt trận dân tộc thống nhất đã nhiều lần thắng lợi”.

 

Một số sự kiện trong nước và quốc tế diễn ra ngày 12-9:

Sự kiện trong nước:

12-9-1930: Phong trào Xô viết - Nghệ Tĩnh: Cuộc đấu tranh của hơn 8.000 nông dân Hưng Nguyên, Nghệ An nổ ra vào ngày này để hưởng ứng cuộc đấu tranh của nông dân các huyện và cuộc bãi công của công nhân Vinh - Bến Thủy, phản đối chính sách khủng bố của bọn thực dân và phong kiến tay sai.

Xô viết - Nghệ Tĩnh là đỉnh cao của cao trào cách mạng 1930-1931, khẳng định mối liên minh giữa giai cấp công nhân và nông dân Việt Nam trong tiến trình đấu tranh cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Bác Hồ chụp ảnh cùng các chiến sĩ cách mạng lão thành tham gia Phong trào Xô viết – Nghệ Tĩnh 1930-1931 (9-12-1961). Ảnh: hochiminh.vn 

Sự ra đời và tồn tại của Xô viết – Nghệ Tĩnh là sự kiện quan trọng đánh dấu bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam, đồng thời là sự kiện gây tiếng vang lớn trong phong trào đấu tranh của nhân dân các nước thuộc địa trên thế giới.

Lo sợ trước cao trào đấu tranh cách mạng này, ngày 12-9-1930, thực dân Pháp đã tiến hành các biện pháp khủng bố dã man đàn áp các cuộc biểu tình. Trước hành động đó, phong trào đấu tranh của nhân dân Nghệ Tĩnh không những không bị dập tắt, mà còn tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn. Tuy là phong trào tự giác của quần chúng, nhưng đã thể hiện tinh thần đấu tranh anh dũng, bất khuất của nhân dân Việt Nam trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc.

12-9-1945: Ban Mật mã quân sự - tổ chức tiền thân của ngành Cơ yếu Việt Nam được thành lập tại cơ quan Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam.

Ngày 12-9-2015, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh cho ngành cơ yếu Việt Nam nhân kỷ niệm 70 năm ngày thành lập. Ảnh: vietnamplus.vn 

Sự kiện quốc tế:

12-9-1942: Chiến tranh thế giới thứ hai: Mở màn trận chiến đồi Edson trên đảo Guadalcanal giữa quân Đồng minh và quân Nhật Bản.

12-9-1991: Tại Tơriextơ (Italia), nhà toán học nữ Lê Hồng Vân, 30 tuổi, chuyên gia về hình học vi phân đã được tặng giải thưởng của Trung tâm quốc tế vật lý lý thuyết.

 

TƯỜNG VY