Chuyên mục Ngày này năm xưa số ra ngày 1-11-2022 cũng được Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện dưới hình thức các tác phẩm phát thanh podcast và video clip trên Chuyên trang Media Báo Quân đội nhân dân Điện tử, trân trọng mời bạn đọc xem thêm.
Một số sự kiện trong nước và quốc tế ngày 1-11
Sự kiện trong nước
- Cách đây vừa tròn 25 năm, xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia và các vùng biển đảo của Tổ quốc, đặc biệt là vùng biển các tỉnh duyên hải miền Trung, vào ngày 1-11-1997, Bộ Quốc phòng đã ra Quyết định số 1476/QĐ-QP thành lập Hải đoàn tàu chiến đấu miền Trung trực thuộc Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng lấy phiên hiệu là “Hải đoàn 48”. Đơn vị phụ trách địa bàn từ vùng biển Quảng Bình đến Ninh Thuận, phối hợp bảo vệ thăm dò, khai thác dầu khí, lọc dầu miền Trung và hậu cứ vùng biển đảo Trường Sa. Đồng thời sẵn sàng cơ động thực hiện tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn trên biển và các nhiệm vụ khác do Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng giao.
 |
Hải đoàn 48 tuần tra trên biển. Ảnh: Vĩnh Lộc
|
Biên chế những ngày đầu thành lập chỉ có 1 tàu tiếp dầu và 4 tàu chiến đấu, bằng ý chí quyết tâm cao, đơn vị đã lập chiến công ngay từ lần xuất kích đầu tiên với việc bắt giữ, xử lý 14 tàu nước ngoài xâm phạm chủ quyền vùng biển Việt Nam đánh bắt trộm hải sản và 1 tàu buôn lậu. Đây là chiến công khẳng định tinh thần khắc phục mọi khó khăn quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ những ngày đầu thành lập.
 |
Hải đoàn 48 hỗ trợ ngư dân bám biển. Ảnh: Vĩnh Lộc
|
Trải qua 25 năm xây dựng và trưởng thành, cán bộ và chiến sĩ Hải Đoàn 48 đã đoàn kết một lòng, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, là chỗ dựa cho ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển, góp phần đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm hoạt động trên biển, góp phần củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Bên cạnh đó, Hải đoàn 48 đã xây dựng mối quan hệ đoàn kết, gắn bó chặt chẽ với các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân các tỉnh vùng biển từ Quảng Bình đến Ninh Thuận, tham gia tích cực vào các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội, giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai, bão lụt, được chính quyền và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.
- Ngày 1-11-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 102-SL, cho phép phát hành tại Nam Bộ các tín phiếu loại một đồng, năm đồng, mười đồng, hai mươi đồng, năm mươi đồng, một trăm đồng, năm trăm đồng, có giá trị như giấy bạc Việt Nam. Tổng số giá trị tín phiếu phát hành không được quá hai mươi triệu đồng.
 |
Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc tại Bắc Bộ Phủ năm 1946. Ảnh tư liệu: hochiminh.vn. |
- Ngày 1-11-1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu Đoàn đại biểu Đảng Lao động Việt Nam và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa dự lễ kỷ niệm lần thứ 40 Cách mạng Tháng Mười, tới Mátxcơva. Ở sân bay, tình cờ, Người gặp vợ chồng nhà báo Wilfred Burchett. Người tặng vợ nhà báo bó hoa lớn mà Người vừa nhận khi bước xuống máy bay.
Phát biểu trong buổi đón tiếp tại sân bay Mátxcơva, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Cách mạng Tháng Mười vĩ đại là bước ngoặt trong sự phát triển phong trào giải phóng trên toàn thế giới. Cách mạng Tháng Mười đã đem tới một cao trào chưa từng thấy trong cuộc vận động giải phóng dân tộc của nhân dân các nước thuộc địa và phụ thuộc”. Về quan hệ hữu nghị Việt Nam - Liên Xô, Người nói: “Nhân dân Việt Nam và nhân dân Liên Xô là những người anh em thân thiết nhất, những mối quan hệ thân ái của chúng ta là tấm gương thể hiện các nguyên tắc vĩ đại của chủ nghĩa quốc tế vô sản”.
 |
Chủ tịch Hồ Chí Minh duyệt đội danh dự Quân đội Liên Xô trong lễ đón đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam thăm chính thức Liên Xô ngày 12-7-1955. Ảnh tư liệu |
- Ngày 1-11-1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi huy hiệu của Người tặng 12 cụ Việt kiều (từ 75 tuổi trở lên) ở Thái Lan về nước chuyến tàu thứ 20.
 |
Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu
|
- Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Lần thứ tư Pháp bị Đức chiếm đóng, ký bút danh T.L., đăng Báo Nhân Dân, số 2418. Bài báo nêu rõ trong khoảng thời gian 70 năm qua, quân đội Đức đã ba lần xâm lược nước Pháp, vậy mà vừa rồi Thủ tướng Pháp lại thỏa thuận cho một lực lượng quân đội Đức đến đóng và luyện tập ở hai căn cứ quân sự trên đất Pháp. Theo tác giả, đó là hành động của giới đại tư bản phản động Pháp vì lợi ích riêng của giai cấp mà hy sinh lợi ích chung của dân tộc, hòng dựa vào quân đội Tây Đức để đàn áp công nhân... và ủng hộ chúng trong cuộc chiến tranh bẩn thỉu ở Angiêri. Nhưng “một dân tộc có truyền thống cách mạng anh dũng như nhân dân Pháp sẽ không chịu để cho bọn phản động dễ dàng “cõng rắn cắn gà nhà”.
- Ngày 1-11-1981, Nhạc sĩ, giáo sư Trần Vǎn Khê, một Việt kiều yêu nước ở Pháp được nhận giải thưởng về âm nhạc nǎm 1981 của Tổ chức giáo dục, khoa học và vǎn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) tại thành phố Budapét, thủ đô nước Hunggari.
 |
Nhạc sĩ, giáo sư Trần Vǎn Khê. Ảnh: zingnews.vn
|
Sự kiện quốc tế
- Ngày 1-11-1993 Hiệp ước Maastricht với tên gọi chính thức là “Hiệp ước về Liên minh châu Âu” chính thức có hiệu lực, đánh dấu sự khởi đầu của một giai đoạn mới trong quá trình thành lập một liên minh chặt chẽ hơn giữa các quốc gia ở châu Âu, thông qua việc cung cấp cho các cộng đồng trước đây một khuôn mẫu chính trị. Văn kiện được ký ngày 7-2-1992 và có hiệu lực từ ngày 1-11-1993.
 |
Lễ ký Hiệp ước Maastricht năm 1992. Ảnh: GETTY IMAGES
|
Việc Hiệp ước Maastricht có hiệu lực đã mang tới sự thay đổi lập tức cho người dân châu Âu. Cơ chế công dân EU tự động được cấp cho tất cả người dân của các nước thành viên liên minh. Theo đó, công dân EU có quyền di chuyển và cư trú tự do trong phạm vi toàn khối, tham gia bầu cử và ứng cử tại các cuộc bầu cử địa phương cũng như của khối tại quốc gia cư trú.
Hiệp ước Maastricht cũng đánh dấu bước tiến trong việc hướng tới thành lập đồng tiền chung châu Âu (euro). Trong khi Đan Mạch và Vương quốc Anh nhanh chóng phê chuẩn các ngoại lệ để rút khỏi đồng tiền chung, 10 quốc gia thành viên còn lại đã đồng ý tuân thủ những tiêu chí chính để giúp hội tụ các nền kinh tế vốn tồn tại nhiều sự chênh lệch. “Tiêu chí Maastricht” đã đặt ra các quy tắc về lạm phát, lãi suất, tỷ giá hối đoái, nợ công và vẫn sẽ được áp dụng với bất kỳ quốc gia nào muốn gia nhập liên minh đồng tiền chung.
HUY ĐÔNG (Tổng hợp từ Bảo tàng Hồ Chí Minh, Báo Nhân dân, Báo Phòng không - Không quân điện tử)