* Không quân Colombia sẽ trang bị tiêm kích Gripen E
Theo Bulgarian Military, Colombia vừa thực hiện một bước đi táo bạo nhằm hiện đại hóa lực lượng không quân tại triển lãm hàng không F-AIR 2025, tổ chức tại Sân bay quốc tế José María Córdova ở Rionegro, Antioquia từ ngày 9 đến 13-7.
Colombia giới thiệu 2 máy bay tiên tiến: Tiêm kích Gripen E do Thụy Điển sản xuất và máy bay vận tải KC-390 do Brazil sản xuất. Dự kiến, hợp đồng mua tiêm kích Gripen E/F sẽ được ký vào tháng 9-2025, đánh dấu thời điểm then chốt trong chiến lược quốc phòng của Colombia.
 |
Tiêm kích Gripen do Thụy Điển sản xuất. Ảnh: SAAB |
Gripen E là tiêm kích đa năng một động cơ. Radar mảng pha quét điện tử chủ động Raven ES-05 của máy bay có khả năng phát hiện mục tiêu ở tầm xa, theo dõi đồng thời nhiều mối đe dọa với độ chính xác cao.
Tiêm kích được trang bị nhiều loại vũ khí, bao gồm tên lửa không đối không tầm xa Meteor của MBDA - vượt trội hơn nhiều đối thủ với tầm bắn hơn 160,9km. Trong các cuộc giao tranh tầm gần, Gripen E sử dụng tên lửa IRIS-T có khả năng khóa mục tiêu bằng tia hồng ngoại với độ chính xác cao. Tiêm kích cũng hỗ trợ các nhiệm vụ không đối đất khi sử dụng đạn dẫn đường chính xác như bom đường kính nhỏ GBU-39. 10 giá treo vũ khí cho phép tiêm kích mang tải trọng khoảng 7.800kg, mang lại sự linh hoạt cho nhiều nhiệm vụ khác nhau.
Trong khi đó, KC-390 là máy bay vận tải chiến thuật 2 động cơ. Với khả năng chở 26 tấn hàng hóa, KC-390 vượt trội hơn các nền tảng cũ như C-130 mà Colombia hiện đang sử dụng. Động cơ Rolls-Royce AE 2100 cho phép máy bay đạt tốc độ bay hành trình 870km/giờ và tầm bay 3.704km khi đầy tải.
Máy bay hỗ trợ tiếp nhiên liệu trên không, một khả năng quan trọng giúp mở rộng phạm vi hoạt động của Gripen E trong các chuyến tuần tra dài ngày. KC-390 được trang bị hệ thống điện tử hàng không tiên tiến, bao gồm hệ thống điều khiển bay fly-by-wire. Máy bay cũng nổi trội về khả năng thu thập thông tin tình báo điện tử, với các hệ thống phát hiện và gây nhiễu thông tin liên lạc của đối phương.
* Nga phát triển trực thăng đa năng Mi-80
Theo Business Gazeta, Nga đã khởi động dự án phát triển Mi-80, trực thăng đa năng thế hệ tiếp theo, để thay thế dòng trực thăng Mi-8/17 “Hip” đã lỗi thời.
 |
Trực thăng đa năng Mi-80 được phát triển dựa trên nền tảng Mi-171A3. Ảnh: Rostec |
Được phát triển dựa trên nền tảng ngoài khơi Mi-171A3, Mi-80 sở hữu những nâng cấp quan trọng, bao gồm cánh quạt composite tiên tiến, hệ thống nhiên liệu chống va chạm được đặt bên dưới sàn cabin, và cánh quạt đuôi hình chữ X được thiết kế lại để tăng hiệu suất. Hệ thống điện tử hàng không hiện đại của Mi-80 cho phép hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết, cả ngày lẫn đêm, trên nhiều địa hình khác nhau, tăng cường tính linh hoạt cho cả hoạt động quân sự và dân sự.
Các mục tiêu của chương trình bao gồm giảm chi phí sản xuất, hợp nhất sản xuất tại Nhà máy Trực thăng Kazan và Nhà máy Hàng không Ulan-Ude, đồng thời tăng trọng lượng cất cánh tối đa của trực thăng lên 14 tấn. Mi-80 được kỳ vọng sẽ thay thế cho trực thăng Mi-8 vào năm 2030.
* Mỹ sẽ có tàu chiến mang tên lửa siêu vượt âm
Hải quân Mỹ đang triển khai một bước nhảy vọt: "Lột xác" tàu khu trục lớp Zumwalt thành nền tảng tấn công mặt nước tiên tiến trang bị tên lửa dẫn đường siêu vượt âm triển khai nhanh CPS. Dự kiến, tàu USS Zumwalt (DDG 1000) sẽ bắn thử tên lửa CPS đầu tiên vào năm 2027, chính thức trở thành tàu chiến đầu tiên của Mỹ mang vũ khí siêu vượt âm trên biển.
Ban đầu, Zumwalt được thiết kế như một tàu chống hạm đa nhiệm thống trị vùng ven biển, có khả năng tàng hình. Về vũ khí, tàu được trang bị 2 hệ thống pháo tiên tiến (AGS) 155mm, dùng đạn chống hạm tầm xa (LRLAP) có tầm bắn hơn 100km. Nhưng sau khi chương trình LRLAP bị hủy, hệ thống AGS mất đi tính hữu dụng và Hải quân Mỹ quyết định đánh giá lại vai trò của Zumwalt.
 |
Tàu khu trục USS Zumwalt (DDG 1000) được neo đậu tại cơ sở đóng tàu Ingalls của HII tháng 12-2024, đánh dấu dấu mốc quan trọng trong quá trình chuyển đổi thành tàu chiến mặt nước đầu tiên của Hải quân Mỹ được trang bị khả năng phóng tên lửa siêu vượt âm. Ảnh: HII |
Thay vì pháo, phần mũi tàu được trang bị hệ thống phóng tên lửa thẳng đứng cỡ lớn (LMVLS), đủ sức chứa tên lửa siêu vượt âm CPS dài và to hơn nhiều so với các loại đạn trong hệ thống Mk 41 tiêu chuẩn. Đây là cuộc cải tạo vũ khí lớn nhất trên tàu chiến Mỹ trong lịch sử hải quân gần đây.
Tuy nhiên, để “kích hoạt” vũ khí siêu vượt âm không chỉ cần phần cứng. Hệ thống phần mềm điều khiển hỏa lực và tác chiến tổng thể trên Zumwalt, từ radar đa nhiệm AN/SPY-3 và môi trường điện toán toàn diện (TSCE), cũng đang được nâng cấp để hỗ trợ nhắm mục tiêu và phối hợp tầm xa. Một mô-đun điều khiển tải trọng tiên tiến đang được phát triển sẽ đóng vai trò cầu nối giữa hệ thống phóng của tàu và ống phóng tên lửa CPS.
Tàu vẫn giữ hệ thống phóng thẳng đứng ngoại vi (PVLS) Mk 57 cho Tomahawk và các tên lửa tiêu chuẩn khác.
Trang bị tên lửa CPS, các tàu khu trục lớp Zumwalt sẽ có sự kết hợp đáng gờm giữa khả năng tàng hình, sống sót và tấn công phủ đầu trong môi trường chống tiếp cận và chống xâm nhập khu vực có nguy cơ cao, với tốc độ và sức sát thương chưa từng có.
MAI HƯƠNG (tổng hợp)
* Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo Quân đội nhân dân Điện tử gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.