* Nga đặt ky tàu đổ bộ cỡ lớn Sergey Kabanov
Bộ Quốc phòng Nga mới đây đã tổ chức lễ đặt ky tàu Sergey Kabanov, chiếc tàu thứ 3 thuộc dòng tàu đổ bộ cỡ lớn được hiện đại hóa theo Dự án 11711M, nhằm tăng cường năng lực của Hạm đội phương Bắc.
Hai tàu khác trong dự án này là Vladimir Andreev và Vasily Trushin, đã được đặt ky từ tháng 4-2019. Vladimir Andreev, được hạ thủy ngày 30-5-2025, hiện đang trong giai đoạn lắp đặt thiết bị trước khi thử nghiệm trên biển và dự kiến sẽ được bàn giao trong năm 2026. Tàu Vasily Trushin hiện vẫn đang trong quá trình đóng. Riêng tàu Sergey Kabanov dự kiến hoàn thành vào năm 2032.
 |
Các tàu thuộc Dự án 11711M có nhiều cải tiến, với hỏa lực mạnh hơn các phiên bản cũ. Ảnh: United Shipbuilding Corporation |
Các tàu thuộc Dự án 11711M có nhiều cải tiến so với phiên bản cũ. Cụ thể, chiều dài thân tàu tăng từ 135 lên 150m; chiều rộng từ 16,5 lên 19,5m; chiều cao từ 11 lên 11,8m. Lượng giãn nước tăng từ 6.600 lên khoảng 8.000 tấn. Một số nguồn tin khác còn cho rằng, lượng giãn nước của các tàu thuộc dự án này có thể lên tới 9.240 tấn.
Được trang bị 4 động cơ diesel 16D49 công suất 6.000 mã lực mỗi chiếc, tàu có tầm hoạt động lên tới 9.260km ở tốc độ hành trình. Thời gian hoạt động liên tục đạt 30 ngày. Biên chế thủy thủ đoàn khoảng 120 người. Tàu có thể chở 13 xe tăng chiến đấu chủ lực hoặc 40 xe bọc thép, cùng 400 lính thủy đánh bộ.
Về hỏa lực, tàu được trang bị pháo AK-176MA cỡ nòng 76mm, pháo phòng không AK-630M, súng máy hạng nặng MTPU và hệ thống điều khiển hỏa lực hiện đại. Ngoài ra, các chuyên gia thiết kế đang nghiên cứu tích hợp hệ thống phòng thủ chống máy bay không người lái (UAV) và xuồng không người lái.
Tàu còn có thể mang theo 4 trực thăng tấn công Ka-52K hoặc 5 trực thăng vận tải Ka-29, cùng khoang chứa UAV Orlan-10. Sáu tàu đổ bộ Serna cũng có thể được triển khai từ tàu này.
Theo các nguồn tin, Nga sẽ tiếp tục đặt ky chiếc thứ 4 trong dự án vào cuối năm 2025 để phục vụ Hạm đội Biển Đen.
* Hàn Quốc phát triển UAV tấn công tàng hình
Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Hàn Quốc (KAI) vừa hé lộ kế hoạch phát triển mẫu UAV chiến đấu dành cho tàu sân bay, với mục tiêu tăng cường khả năng tấn công hải quân trong các khu vực biển có rủi ro cao.
Việc phát triển dòng UAV chiến đấu hải quân này của KAI diễn ra sau khi Hàn Quốc quyết định hủy bỏ dự án tàu sân bay CV-X trong năm 2024. Dự án ban đầu bao gồm kế hoạch mua máy bay cất cánh trên đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng (STOVL) F-35B. Thay vào đó, nước này chọn phát triển các tàu sân bay thế hệ mới như Ghost Commander-II, chuyên dùng để triển khai UAV và các hệ thống không người lái.
Theo KAI, UAV này có cấu trúc mô-đun, cho phép tích hợp linh hoạt các cảm biến và trang bị tùy theo nhiệm vụ, có thể mang tên lửa không đối không tầm xa, vũ khí không đối đất và các loại UAV. Nền tảng này có thể cất cánh và hạ cánh bằng hệ thống phóng điện từ hiện đại nhờ có móc hãm và bộ càng đáp chắc chắn, và được thiết kế cho các nhiệm vụ trinh sát tầm xa, có khả năng tàng hình với khoang vũ khí kín.
 |
UAV có trọng lượng cất cánh tối đa dưới 6 tấn, tải trọng vũ khí 800kg và tầm tác chiến khoảng 482km. Ảnh: KAI |
Máy bay có trọng lượng cất cánh tối đa dưới 6 tấn, tải trọng vũ khí 800kg và tầm tác chiến khoảng 482km. Với động cơ turbofan hiệu suất cao, nền tảng này có thể bay với tốc độ hành trình 740km/giờ.
UAV chiến đấu này có thể triển khai tên lửa không đối không tầm xa Meteor cùng nhiều loại UAV cỡ nhỏ và vừa do KAI phát triển, biến nó thành "tàu mẹ" điều khiển bầy đàn UAV trong các nhiệm vụ tác chiến hiệp đồng.
Theo KAI, đây là bước tiến giúp Hàn Quốc trở thành quốc gia thứ ba, sau Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ, phát triển UAV chiến đấu dành cho tàu sân bay. Tuy nhiên, các thông tin ban đầu cho thấy, dòng UAV này khác biệt so với MQ-25 Stingray của Mỹ và Bayraktar Kızılelma của Thổ Nhĩ Kỳ nhờ khoang chứa vũ khí bên trong, kiến trúc mô-đun và tích hợp radar.
* Tiêm kích F-35A của Bỉ chuẩn bị bay chuyến đầu tiên
Theo thông tin từ Lockheed Martin, chiếc tiêm kích tàng hình F-35A Lightning II đầu tiên của Bỉ đang trong giai đoạn hoàn thiện cuối cùng trước khi thực hiện chuyến bay đầu tiên.
Theo nhà sản xuất, giai đoạn cuối này bao gồm phủ sơn hấp thụ sóng radar, kiểm tra tính năng tàng hình, hiệu chỉnh hệ thống nhiệm vụ và tích hợp phần mềm tác chiến. Máy bay cũng đang trải qua thử nghiệm mặt đất toàn diện để đảm bảo đáp ứng mọi yêu cầu kỹ thuật trước khi được cấp phép bay. Việc đưa F-35A vào hoạt động được cho là sẽ mở đầu cho chương trình hiện đại hóa sâu rộng của Không quân Bỉ nhằm thay thế F-16A/B đã phục vụ từ cuối những năm 1970.
Chương trình F-35 của Bỉ bắt đầu từ năm 2018 khi chính phủ quyết định mua 34 chiếc F-35A. Dòng tiêm kích thế hệ thứ năm này được lựa chọn nhờ khả năng tàng hình, cảm biến vượt trội và tính đa nhiệm, có thể thực hiện không chiến, tấn công mặt đất và trinh sát.
 |
Những công đoạn cuối cùng đang được thực hiện trên chiếc F-35A đầu tiên của Bỉ trước khi được chuyển giao cho Không quân Bỉ. Ảnh: Lockheed Martin |
F-35A là biến thể cất và hạ cánh thông thường (CTOL) trong dòng F-35, được Lockheed Martin phát triển cho Không quân Mỹ và các nước đồng minh. Khác với phiên bản F-35B và F-35C, F-35A là phiên bản nhẹ nhất và cơ động nhất. Máy bay được trang bị radar mảng pha chủ động AN/APG-81, hệ thống ngắm quang điện tử và hệ thống cảm biến toàn cảnh, cung cấp cho phi công khả năng nhận thức tình huống và tác chiến vượt trội. Đây cũng là phiên bản duy nhất đủ điều kiện mang bom hạt nhân chiến thuật B61.
Ngày 2-7-2025, Bộ Quốc phòng Bỉ thông báo sẽ mua thêm 11 chiếc F-35A, nâng tổng số lên 45 máy bay. Động thái này nhằm đáp ứng yêu cầu tăng cường lực lượng sẵn sàng chiến đấu của NATO, trong bối cảnh châu Âu đang phải đối mặt với các thách thức an ninh ngày càng lớn.
TRẦN HOÀI (tổng hợp)
* Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo Quân đội nhân dân Điện tử gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.