* Mỹ hiện đại hóa máy bay MC-130J Commando II
Trong ngân sách năm tài khóa 2026, Không quân Mỹ đã phân bổ hơn 365 triệu USD để nâng cấp đội máy bay HC/MC-130, đặc biệt tập trung vào dòng máy bay tác chiến đặc biệt MC-130J Commando II. Khoản đầu tư này hỗ trợ các hoạt động nâng cấp sau sản xuất nhằm duy trì và mở rộng năng lực thực hiện nhiệm vụ chuyên biệt của dòng máy bay này, bao gồm xâm nhập bí mật, rút lui và tiếp tế lực lượng đặc nhiệm trong các khu vực tranh chấp hoặc bị phong tỏa.
 |
MC-130J Commando II là biến thể đầu tiên của dòng máy bay vận tải chiến thuật C-130 Hercules được thiết kế chuyên biệt cho nhiệm vụ tác chiến đặc biệt. Ảnh: Không quân Mỹ
|
Nâng cấp MC-130J nhằm đáp ứng các yêu cầu từ Bộ tư lệnh tác chiến đặc biệt Không quân Mỹ (AFSOC), bao gồm khả năng định vị chính xác, hoạt động trong môi trường không có tín hiệu GPS và năng lực liên lạc bảo mật trong không gian tác chiến mạng hóa.
MC-130J Commando II là biến thể C-130 đầu tiên được thiết kế chuyên biệt cho nhiệm vụ tác chiến đặc biệt. Máy bay này thay thế các dòng MC-130E, MC-130H, MC-130P và MC-130W trước đó, đồng thời tích hợp các hệ thống nhiệm vụ và khả năng sống sót tiên tiến dựa trên cấu hình chuẩn Block 6.5 của KC-130J.
MC-130J Commando II được trang bị 4 động cơ Rolls-Royce AE 2100D3. Máy bay có chiều dài 29,8m, sải cánh 40,4m, chiều cao 11,8m và trọng lượng cất cánh tối đa 74.389kg. Phạm vi hoạt động của phương tiện khoảng 4.800km và trần bay tối đa 8.500m, với tải trọng tối đa 19.050kg.
* Hàn Quốc sản xuất độc quyền K2 Black Panther cho Ba Lan
Theo thông tin do Junsupreme đăng tải ngày 9-7, dựa trên đoạn trailer phim tài liệu do Cơ quan Truyền thông Quốc phòng Hàn Quốc (KFN) công bố mới đây, dây chuyền sản xuất xe tăng chiến đấu chủ lực K2 Black Panther của công ty Hyundai Rotem hiện đang hoạt động hết công suất. Toàn bộ sản lượng này hiện được phân bổ độc quyền để thực hiện hợp đồng quốc phòng với Ba Lan.
 |
Xe tăng chiến đấu chủ lực K2 Black Panther. Ảnh: Bộ Quốc phòng Hàn Quốc |
Trong bộ phim tài liệu này, Hyundai Rotem đã xác nhận rằng toàn bộ sản lượng của nhà máy hiện đang được dành riêng cho hợp đồng với Ba Lan và không có bất kỳ hoạt động sản xuất song song nào cho các đơn hàng của Lục quân Hàn Quốc vào thời điểm hiện tại. Sự thay đổi này đánh dấu một bước tái định hướng trong lịch trình sản xuất, ưu tiên cho mục tiêu xuất khẩu, phù hợp với tiến độ bàn giao được nêu trong hai thỏa thuận mua sắm xe tăng K2 của Ba Lan được ký vào năm 2022 và 2025.
Thỏa thuận ban đầu năm 2022 bao gồm việc mua 180 xe tăng K2, trong đó có 117 chiếc được sản xuất tại Hàn Quốc và 63 chiếc được lắp ráp tại Ba Lan. Việc bàn giao bắt đầu từ cuối năm 2022 và đến tháng 3 năm nay, đã có 110 xe được chuyển giao. Ba Lan dự kiến sẽ nhận thêm 96 xe nữa trước cuối năm nay. Hợp đồng thứ hai, ký ngày 2-7 vừa qua, bao gồm 180 xe tăng với tổng giá trị khoảng 6,5 tỷ USD. Theo khuôn khổ hợp tác dài hạn, việc sản xuất nội địa 820 xe tăng K2PL sẽ bắt đầu từ năm 2026 và kéo dài đến năm 2034. Khi cộng cả hai đợt sản xuất tại Hàn Quốc, tổng số xe K2 mà Ba Lan dự kiến sở hữu là 1.000 chiếc.
* Thổ Nhĩ Kỳ tiết lộ về UAV tầm thấp đầu tiên trên thế giới
Mới đây, công ty quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ SolidAERO đã gây chú ý khi công bố đoạn video thử nghiệm độc quyền của máy bay không người lái (UAV) cảm tử Talay, sử dụng hiệu ứng cánh mặt nước (wing-in-ground effect) để lướt sát mặt biển ở độ cao dưới 1m. Theo SolidAERO và hãng thông tấn Anadolu, Talay được xem là UAV đa năng tầm thấp đầu tiên trên thế giới, được thiết kế chuyên biệt cho các nhiệm vụ tấn công hàng hải và ven biển.
 |
Sự xuất hiện của Talay cho thấy SolidAERO và các đối tác đang mở rộng giới hạn của tác chiến UAV trên biển bằng cách tích hợp hiệu ứng cánh mặt nước với chiến thuật UAV cảm tử. Ảnh: SolidAERO
|
Đoạn video này đã thu hút sự quan tâm lớn của giới chiến lược hải quân ngay trước thềm triển lãm IDEF 2025 tổ chức tại Istanbul bởi sự phát triển này có thể định hình lại lĩnh vực UAV tấn công hàng hải trong bối cảnh các chiến thuật kiểm soát biển đang chịu nhiều thách thức và tranh cãi.
Là sản phẩm hợp tác của SolidAERO và Yonca Shipyard, UAV Talay nổi bật nhờ khai thác hiệu ứng cánh mặt nước (wing-in-ground effect) - một nguyên lý trong đó mặt biển tạo ra lớp đệm không khí giúp tăng hiệu suất nâng đáng kể. Talay có độ cao tối ưu 0,3 - 150m, mang được tải trọng tới 30kg, có thể đạt tốc độ 200km/giờ và bay liên tục trong 3 giờ. Nền tảng này có khả năng sử dụng liên kết truyền dữ liệu ngoài tầm nhìn (BLOS). Cấu trúc cánh gập gọn và thân máy bay bằng vật liệu composite cho phép triển khai nhanh chóng từ nhiều nền tảng ven biển, phù hợp cho các nhiệm vụ từ trinh sát đến tấn công cảm tử chính xác vào tàu đối phương.
Khác với các UAV cảm tử thông thường sử dụng hành trình tầm thấp tiêu chuẩn, Talay có khả năng bay lướt sát mặt biển ở độ cao cực thấp, hoạt động dưới đường chân trời của hầu hết radar hải quân, tạo lợi thế lớn trong việc vô hiệu hóa các tàu nhỏ và trung bình hoặc phá hoại hạ tầng cảng biển. So với các UAV truyền thống hay thiết bị nổi không người lái, phương thức bay theo hiệu ứng cánh mặt nước giúp Talay kết hợp hiệu quả tốc độ, tàng hình và khả năng cơ động.
Sự ra đời của Talay cho thấy SolidAERO và các đối tác đang mở rộng giới hạn của tác chiến UAV trên biển bằng cách tích hợp hiệu ứng cánh mặt nước với chiến thuật UAV cảm tử.
QUỲNH OANH (tổng hợp)
* Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo Quân đội nhân dân Điện tử gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.