* Italy: Hệ thống phòng không vác vai FULGUR thay thế FIM-92 Stinger

Theo tài khoản X Ciro Nappi, Tập đoàn MBDA đã chính thức ra mắt hệ thống phòng không vác vai FULGUR, giải pháp phòng không tầm cực ngắn tối tân dành cho Lục quân Italy. FULGUR được phát triển để thay thế hệ thống tên lửa đất đối không dẫn đường hồng ngoại FIM-92 Stinger.

Mô hình thu nhỏ của hệ thống tên lửa phòng không vác vai FULGUR. Ảnh: MBDA 

Tầm bắn xa hơn (5km) và tốc độ bay siêu thanh giúp FULGUR rút ngắn thời gian đánh chặn, tăng khả năng tiêu diệt mục tiêu. Thay vì dùng đầu dò hồng ngoại thụ động như Stinger, FULGUR được trang bị đầu dò ảnh nhiệt thế hệ mới kết hợp với mô-đun xử lý điện tử tinh vi. Điều này cho phép nhận diện mục tiêu tốt hơn, kháng nhiễu mạnh và hoạt động hiệu quả trong mọi điều kiện thời tiết, kể cả ban đêm hoặc môi trường bị gây nhiễu điện tử. Đáng chú ý là FULGUR được tích hợp khả năng phân biệt địch - ta, giúp giảm thiểu nguy cơ bắn nhầm.

Về thiết kế vật lý, FULGUR vẫn duy trì tính cơ động cao với trọng lượng khoảng 10kg, dài 1,5m, tương đương Stinger, cho phép triển khai nhanh chóng bởi lính bộ binh. Ống phóng kín tích hợp mô-đun ngắm quang điện tử và bộ xử lý giúp xạ thủ khóa mục tiêu, khai hỏa và cơ động ngay lập tức.

Điểm khác biệt lớn nhất của FULGUR là khả năng tích hợp đa nền tảng. Không chỉ bắn từ vai người lính, hệ thống còn được thiết kế để gắn lên phương tiện chiến đấu như IDV VTLM2 với tháp pháo Leonardo HITFIST, xe bọc thép, và cả trực thăng tấn công như AW249. Điều này giúp FULGUR trở thành mắt xích quan trọng trong hệ thống phòng không nhiều lớp SKY WARDEN do MBDA phát triển, đặc biệt hiệu quả trong đối phó với UAV cảm tử, máy bay tàng hình cỡ nhỏ, và các mối đe dọa bay thấp.

* Hà Lan triển khai chiến đấu cơ F-35 đến Ba Lan

Defense Express dẫn tuyên bố chính thức từ Bộ Quốc phòng Hà Lan cho biết, nước này sẽ triển khai máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm F-35 đến Ba Lan trong 3 tháng, bắt đầu từ ngày 1-9 để bảo đảm an toàn cho các tuyến đường vận chuyển viện trợ quân sự tới Ukraine, tăng cường giám sát và răn đe không phận của NATO. Việc triển khai này được thực hiện theo yêu cầu trực tiếp của SHAPE, Bộ chỉ huy trung tâm của NATO tại châu Âu.

Máy bay F-35 của Hà Lan và Na Uy sẽ sẵn sàng hoạt động 24/7 để đánh chặn bất kỳ hành vi vi phạm tiềm tàng nào đối với không phận của NATO. Ảnh: Không quân Hà Lan 

Hoạt động này được thực hiện với sự hợp tác của Na Uy. Ngày 30-6, Army Recognition đưa tin Na Uy đã triển khai phi đội F-35 của mình tới Ba Lan. Theo đó, các chiến đấu cơ sẽ sẵn sàng hoạt động 24/7 để đánh chặn bất kỳ hành vi vi phạm tiềm tàng nào đối với không phận NATO.

F-35, do Lockheed Martin phát triển, là một trong những máy bay chiến đấu đa năng tinh vi nhất thế giới, tích hợp khả năng tàng hình, hệ thống điện tử hàng không tiên tiến và hợp nhất dữ liệu mạng. Được thiết kế để thống trị trên không và tấn công mặt đất chính xác, F-35 kết hợp các cảm biến thế hệ tiếp theo với khả năng chia sẻ dữ liệu chiến trường thời gian thực với các hệ thống vũ khí của đồng minh, biến nó thành nền tảng của sức mạnh không quân NATO.

* Mỹ: Bom nào sẽ thay thế bom xuyên phá boong-ke GBU-57?

Theo trang The War Zone, Không quân Mỹ đang đẩy nhanh nỗ lực phát triển bom xuyên phá thế hệ tiếp theo NGP để thay thế bom xuyên phá boong-ke GBU-57/B lớn nhất hiện nay. Quyết định này được đưa ra sau chiến dịch của Mỹ thực hiện tại Iran, trong đó, Mỹ đã sử dụng máy bay ném bom tàng hình B-2 Spirit để thả bom GBU-57/B xuống các cơ sở hạt nhân của Iran.

NGP được thiết kế đặc biệt để tương thích với máy bay ném bom tàng hình thế hệ mới B-21 Raider chuyên thực hiện nhiệm vụ tấn công tầm xa. Trong khi GBU-57 nặng tới 30.000 cân Anh (13.608kg) và chỉ được mang theo bởi máy bay B-2 Spirit (mỗi lần chỉ chở được 2 quả), thì NGP sẽ có kích thước và trọng lượng tối ưu hơn, tối đa 22.000 cân Anh (9.979kg), phù hợp với khoang chứa bên trong B-21. Đặc biệt, NGP có thể được trang bị động cơ đẩy, cho phép thả từ khoảng cách xa, giúp giảm rủi ro khi bay vào vùng phòng không của đối phương.

Mỹ đã sử dụng bom xuyên phá boong-ke GBU-57/B nhằm phá hủy các cơ sở hạt nhân của Iran. Ảnh minh họa: Không quân Mỹ
Dự kiến máy bay ném bom tàng hình B-21 Raider, vẫn đang trong quá trình phát triển, sẽ là nền tảng vận chuyển chính đối với bom NGP, mặc dù nó chỉ được kỳ vọng mang theo 1 quả bom mỗi phi vụ, so với khả năng mang theo 2 quả của B-2. Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ 

Về tính năng kỹ thuật, NGP được yêu cầu phải đạt độ chính xác CE90 dưới 2,2m, tức là đánh trúng mục tiêu trong phạm vi 2,2m, ngay cả khi bị gây nhiễu GPS. Điều này vượt xa tên lửa JDAM hoạt động nhờ hệ thống định vị toàn cầu (GPS) (sai số có thể >30m khi mất kết nối GPS). Để làm được điều đó, NGP sẽ được tích hợp hệ thống dẫn đường và kiểm soát tiên tiến, có khả năng hoạt động trong môi trường bị chế áp điện tử mạnh.

Điểm nổi bật của NGP là ngòi nổ cảm biến thông minh. NGP có thể nhận biết được khi nào đã lọt vào bên trong công trình ngầm và đếm số tầng xuyên qua, từ đó chọn thời điểm nổ tối ưu. Điều này cực kỳ quan trọng khi thông tin tình báo về cấu trúc mục tiêu còn thiếu hoặc sai lệch.

Hiện vẫn chưa có mốc thời gian công khai nào về thời điểm NGP có thể bắt đầu đi vào hoạt động thực tế. Nhưng theo Không quân Mỹ, sẽ có khoảng 10 lần thử nghiệm quy mô nhỏ với 3 đến 5 nguyên mẫu đầu đạn quy mô đầy đủ, thực hiện trong vòng 18 đến 24 tháng kể từ khi trao hợp đồng, nhưng thời điểm ký kết hợp đồng vẫn còn chưa được tiết lộ.

MAI HƯƠNG (tổng hợp)

* Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo Quân đội nhân dân Điện tử gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.