* Nga, Belarus bắt tay hiện đại hóa xe bọc thép BTR-60
Theo thông tin do kênh truyền hình Nga Zvezda công bố, Belarus và Nga mới đây đã cùng nhau ra mắt phiên bản hiện đại hóa của xe bọc thép chở quân BTR-60 có tên BTR-60MB3.
Dự án này do một nhà máy của Belarus phối hợp với công ty quốc phòng của Nga thực hiện, với mục tiêu cung cấp một giải pháp nâng cấp hiệu quả về chi phí cho các quốc gia hiện đang sử dụng BTR-60, đặc biệt là tại khu vực châu Phi và châu Á.
 |
Tháp pháo của xe bọc thép BTR-60MB3 đã được cải tiến với hệ thống ảnh nhiệt cho cả chỉ huy và pháo thủ. Ảnh: Zvezda
|
BTR-60MB3 vẫn giữ nguyên thiết kế tổng thể của dòng xe thời Liên Xô, nhưng đã được nâng cấp đáng kể về mặt cơ khí và điện tử. Hai động cơ xăng nguyên bản đã được thay thế bằng động cơ diesel D-245.12S do Belarus sản xuất, với tổng công suất 218 mã lực, được kỳ vọng sẽ nâng cao độ tin cậy và khả năng vận hành của xe. Bên trong, khoang chở quân được tái cấu trúc và trang bị các hệ thống điện tử hiện đại, bao gồm camera giám sát xung quanh, kết nối với màn hình hiển thị trong xe nhằm nâng cao nhận thức tình huống cho lái xe.
Phía Nga chịu trách nhiệm về nâng cấp vũ khí. Tháp pháo đã được thiết kế lại với khoang chứa phía sau và được trang bị kính ngắm toàn cảnh cho chỉ huy có tích hợp ảnh nhiệt, cùng với hệ thống ảnh nhiệt tương tự dành cho pháo thủ. Vũ khí chính vẫn giữ nguyên, bao gồm súng máy hạng nặng KPVT cỡ 14,5mm đi kèm với súng máy đồng trục PKT cỡ 7,62mm.
Tuy nhiên, hệ thống vũ khí đã được tự động hóa và tích hợp vào bảng điều khiển, đồng thời vẫn duy trì tùy chọn điều khiển thủ công. Mô-đun vũ khí hiện được trang bị hệ thống ổn định hai trục, cho phép bắn chính xác hơn khi xe đang di chuyển.
* Trung Quốc đưa vào biên chế tiêm kích J-20S
Mới đây, Trung Quốc đã chính thức đưa vào biên chế phiên bản 2 chỗ ngồi của tiêm kích J-20 trong các đơn vị tác chiến của lực lượng không quân.
Phiên bản này được định danh là J-20S, là tiêm kích tàng hình thế hệ thứ năm đầu tiên trên thế giới có cấu hình 2 người điều khiển.
 |
Máy bay J-20S được phát triển dựa trên khung thân của J-20A, với phần buồng lái được kéo dài để bố trí thêm ghế thứ hai. Ảnh: X.com
|
Trong các buổi diễn tập bay chuẩn bị cho lễ duyệt binh dự kiến diễn ra ngày 3-9 nhân dịp kỷ niệm 80 năm chiến thắng phát xít Nhật trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai, các máy bay J-20S được nhìn thấy bay theo đội hình cùng với các biến thể J-20A và J-20 tiêu chuẩn trong các nhóm tác chiến.
J-20S được phát triển dựa trên khung của J-20A, với phần buồng lái kéo dài để bố trí ghế thứ hai. Phi công thứ hai không thực hiện vai trò huấn luyện, mà là sĩ quan vận hành hệ thống, chịu trách nhiệm quản lý các nhiệm vụ tác chiến điện tử, điều phối các đòn tấn công tầm xa, điều khiển máy bay không người lái tàng hình và giám sát hoạt động mạng trung tâm theo thời gian thực. Thiết kế 2 người điều khiển này nhằm giảm tải cho phi công chính và nâng cao hiệu quả tác chiến, đặc biệt trong các nhiệm vụ có tầm hoạt động xa. Ước tính, J-20S có bán kính chiến đấu gần gấp đôi so với F-22 hoặc F-35 của Mỹ.
Một điểm đáng chú ý là lớp sơn tối màu hơn của J-20S. Lớp phủ mới này có thể là sự cải tiến về vật liệu hấp thụ sóng radar, nhằm nâng cao khả năng tàng hình. Ngoài ra, hệ thống ngắm mục tiêu quang-điện tử (EOTS) dưới mũi J-20S là thế hệ cảm biến mới với khả năng bao phủ toàn bộ 360 độ. Điều này cho phép máy bay phát hiện và theo dõi mục tiêu theo mọi hướng mà không cần kích hoạt radar, giúp duy trì khả năng tàng hình trong điều kiện chiến đấu.
* Ấn Độ thử nghiệm pháo tự hành gắn trên xe tải MGS 155mm
Theo Army Recognition, hệ thống pháo tự hành gắn trên xe tải do công ty Bharat Forge Limited của Ấn Độ sản xuất đã bước vào giai đoạn thử nghiệm quy mô lớn nhằm đánh giá hiệu suất hoạt động trong nhiều điều kiện địa hình và thời tiết khác nhau.
Được thiết kế theo khái niệm "bắn và chạy" (shoot-and-scoot), hệ thống này kết hợp hỏa lực mạnh với khả năng tái bố trí cực kỳ nhanh chóng.
 |
Thử nghiệm mới nhất của pháo tự hành MGS không chỉ nhằm kiểm chứng kỹ thuật mà còn thể hiện cam kết của Ấn Độ trong việc triển khai các hệ thống pháo binh cơ động, hiện đại và tự chủ, có khả năng thích ứng với yêu cầu ngày càng cao của chiến tranh cường độ cao. Ảnh: Army Recognition
|
Pháo tự hành MGS, do Cơ quan nghiên cứu và phát triển quốc phòng Ấn Độ (DRDO) phát triển, là một bước tiến mới của dòng pháo kéo tiên tiến (ATAGS).
Hệ thống được đặt trên khung gầm xe tải cơ động cao 8x8, tích hợp cabin trang bị giáp chống nổ, hệ thống chống sốc, nguồn điện tĩnh tích hợp trên xe và một bộ điều khiển hỏa lực hiện đại. Cấu hình này cho phép hệ thống bắn 6 phát/phút vào các mục tiêu ở khoảng cách hơn 45km và có thể tái triển khai trong vòng 85 giây để tránh bị phản pháo từ đối phương. Mức độ tự động hóa cao bao gồm tự căn chỉnh pháo, hệ thống định vị và điều khiển điện tử tích hợp, giúp giảm khối lượng công việc cho kíp pháo thủ và tăng khả năng sống sót trên chiến trường.
Điểm nổi bật của MGS là khả năng “bắn và chạy” (shoot-and-scoot) như các hệ thống pháo tự hành Caesar của Pháp và ATMOS 2000 của Israel. Dù cả 3 hệ thống đều hướng đến mục tiêu di chuyển nhanh và bắn chính xác, MGS nội địa của Ấn Độ đạt tỷ lệ nội địa hóa lên tới 85%, giúp tăng cường khả năng tự lực và giảm phụ thuộc vào nhập khẩu.
So với các loại pháo kéo cũ hoặc pháo tự hành cố định, MGS không chỉ có khả năng sống sót tốt hơn trước các mối đe dọa hiện đại, mà còn phù hợp với xu hướng hiện đại hóa pháo binh của Lục quân Ấn Độ, hướng đến tính cơ động cao, thiết kế dạng mô-đun, có thể tác chiến linh hoạt cùng lực lượng cơ giới và thiết giáp.
QUỲNH OANH (tổng hợp)
* Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo Quân đội nhân dân Điện tử gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.